Nguyễn Thị Mai Phương: Cỏ mã linh

Tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Cảm xúc nhất là những câu chuyện về thân phận bà và đặc sắc là khi Mai Phương viết về cơ thể của phụ nữ. Cô diễn đạt những sắc đẹp tự nhiên đầy quyến rũ của những cô gái làng quê.

Chẳng hạn như viết về người vợ chiều chồng trong “Ngày mai”:

Có đêm, anh bạo liệt hăm hở trên thân thể nàng, vùng tam giác của nàng nóng bỏng và ướt đẫm, anh tự hào lắm, mình đã chinh phục nàng tuyệt đối.

Hay một cô gái mới lớn trong “Nắng chiều day dứt”:

Cái quần đùi chật căng cùng cái áo phông cũn cỡn làm lộ nước da trắng như ngó sen của nó. Nước da ấy lại được tạo hoá ban cho ở cái con người khờ khạo, ngốc nghếch. Và khối chuyện khốn nạn xảy đến khi có kẻ thèm khát hai núm nhô cao dưới áo kia và da thịt ấy của Nâu.

Hay đoạn văn viết về một phụ nữ đang yêu đắm đuối trong “Thềm cỏ dại”:

Tôi đã chìm đắm và để anh vào thật sâu trong mình. Thấy rõ ràng mình và anh tan chảy như đám sương trên vách núi, ào ạt, mê man, cuồng si.

Hoặc cặp tình nhân dưới ánh trăng trong “Sợi dây”:

Sau những nụ hôn, ánh trăng là kẻ đồng lõa xui khiến Bốp khám phá khuôn ngực phập phồng sau áo mỏng của Mơ. Những khuôn môi bỏng rát trải dài khắp cơ thể Mơ. Cô thấy mình tan chảy thành vệt trăng vắt ngang trời kia.

Thật ngậm ngùi khi đọc về những câu chuyện đau lòng của những cô gái hồng nhan bạc phận. Đọc mà không thể nào không nghĩ đến một câu trong ca khúc “Kỷ niệm” của Phạm Duy, “Tôi mơ làm triệu phú cứu vớt gái bơ vơ.” Tôi rất thích chất thơ trong cách kể chuyện của Mai Phương.

Tình em dành cho anh

Chín giờ sáng Đán thức dậy xem TV không ăn sáng. Đán đợi anh Đạo thức rồi mới ăn. Không biết tối qua Đạo làm gì mà ngủ đến gần trưa mới dậy.

Khi Đạo xuống lầu, Đán tìm udon nấu cho hai anh em ăn. Lục tủ lạnh chỉ còn lại một gói udon. Tôi bảo thôi con nấu cho con ăn đi còn anh Đạo ăn món khác. Nó nấu xong dọn sẵn lên bàn rồi gọi Đạo lên ăn. Tôi hỏi còn phần của con đâu? Nó bảo nó ăn món khác.

Thằng em này tình cảm và dễ thương lắm. Cái gì cũng nhường cho thằng anh. Tôi khen nó và cho ý kiến rằng hai anh em chia nhau ra ăn. Nó khoái chí nấu thêm nước súp và cho thêm cua giả và chả vào rồi sớt qua tô lớn hai anh em cùng ăn.

Nhìn thấy hai anh em tụi nó đùm bọc nhau tôi vui và hạnh phúc.

Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy

Đức Tuấn: Trọn một kiếp yêu

Lâu rồi mới được thưởng thức lại giọng ca nam đẹp và đằm thắm của Đức Tuấn như thuở ban đầu. Đôi mắt người Sơn TâyNgậm ngùi… Chiếc lá thu phai là hai sản phẩm khởi đầu của Đức Tuấn trọn vẹn từ giọng hát đến hoà âm. Sau này Đức Tuấn phát âm quá điệu có lúc nghe nổi cả da gà. Đức Tuấn đã cố gắng sửa đổi và cho đến album này mới thật sự thoát khỏi cách hát dẻo quẹo ấy.

Cũng giống như những album tác giả Đức Tuấn đã thực hiện, Trọn một kiếp yêu gồm mười tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Lam Phương qua phần hoà âm phối khí của nhạc sĩ Đức Trí. “Kiếp nghèo” vẫn là nhịp điệu tango nhưng nó trở thành sang trọng qua bàn tay của Đức Trí. Cách sử dụng dàn dây để khiêu vũ theo giọng hát ấm áp của Đức Tuấn thật tuyệt.

“Khúc ca ngày mùa” được hoà âm qua vũ điệu cha cha cha vui nhộn đưa người nghe trở về với miền thôn quê. Đức Tuấn cũng phải đổi sang giọng Nam để hòa nhịp với nhạc cụ quê hương (như mộc cầm) Đức Trí quyện vào. Qua “Một mình,” Đức Tuấn hát như tự sự với tiếng đàn dương cầm. Đức Trí không dùng đến phần nhịp điệu (rhythm section) mà chỉ dùng dàn dây (string section) để tạo ra một không gian thân mật (intimacy). Cách sử dụng a cappella để đệm cho ca khúc “Tình Bơ Vơ” thật thú vị. Nó tạo ra một phong gian nguyện cầu buồn thê lương.

Một bất ngờ đầy hướng thú của album là sự xuất hiện của Ngọc Khuê. Dĩ nhiên Ngọc Khuê hát nhạc phẩm nào cũng khác lạ cả và ca khúc “Duyên kiếp” cũng không ngoại lệ. Cho nên bài song ca này Khuê nuốt chửng Tuấn rồi. Có lẽ Trí hoà âm bài này theo điệu funk không phải theo Tuấn mà là theo Khuê. Ngược lại, “Cho em quên tuổi ngọc,” Đức Tuấn hát với Hồng Nhung hợp rơ hơn. Phần hoà âm bán cổ điển của Đức Trí khá hấp dẫn. Trí và Đức cũng song ca bài “Ngày tạm biệt.” Giọng Trí nghe cũng OK lắm đấy.

Từ giọng hát đến hòa âm đến tác tác phẩm, đây là một trong những album xuất sắc của Đức Tuấn. Sự hợp tác giữa Tuấn và Trí đem đến một sản phẩm giá trị. Chắc chắn họ sẽ tái hợp cho những dự án trong tương lai.

Mẹ bị ngã

Hai tuần trước mẹ ngã trong lúc đang tắm. Mẹ nhập viện gần một tuần rồi chuyển sang trung tâm phục hồi. Mẹ bị nứt xương sống và có thể nứt xương mông nên mẹ đau đớn vô cùng.

Vì đại dịch còn lan truyền nên cuối tuần vừa rồi tôi mới về thăm mẹ. Tôi mua mì vịt tiềm và hủ tiếu thập cẩm cho mẹ ăn đỡ ngán. Mẹ ngồi trên xe lăn, đi đứng không được, và ăn uống khó khăn. Tay mẹ yếu gắp thức ăn không vững nên tôi đút cho mẹ ăn mà lòng dạ xót xa. Mẹ cố gắng ăn nhưng cơn đau nhức nhối khiến mẹ nuốt không trôi. Thuốc không giúp xoa dịu đi nỗi đớn đau của mẹ.

Không biết mẹ sẽ ở lại khu phục hồi bao lâu nhưng tình trạng giờ thì chắc phải cần rất nhiều thời gian mới có tiến triển. Vì vẫn còn đang trong cơn đại dịch, khu hồi phục rất nghiêm khắc. Mỗi ngày chỉ được một người thăm bệnh nhân từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối. Trước khi vào phải đo nhiệt độ, rửa tay khô, và lúc nào cũng phải đeo khẩu trang. Khi vào thăm chỉ được ở trong phòng bệnh nhân cho đến lúc về. Họ cẩn thận như thế tôi cũng yên tâm.

Vì giờ thăm bệnh giới hạn nên tôi ở nhà chị. Lâu rồi ba chị em mới có thời gian bên nhau ăn uống và chuyện trò. Trong lúc mẹ bị hoạn nạn, chị em vẫn đùm bọc là điều đáng quý. Hai chị lo lắng cho mẹ rất nhiều và chăm sóc cho mẹ chu đáo. Hành động của hai chị chứng tỏ tình thương cho mẹ nhiều hơn lời nói. Cầu mong mẹ phục hồi nhanh chóng trở về với tụi con.

Nền dân chủ sẽ chết

Hôm nay mượn thư viện gần chục quyển sách Việt mới cho mùa hè. Tôi đọc sách để khỏi bị tin tức làm sao lãng. Tôi đã quá mỏi mệt với chính trị Hoa Kỳ. Sự chia rẽ giữa hai đảng phái và giữa những người ủng hộ và chống đối ông tổng thống đương kim càng lúc càng sâu không thể nào rút ra được. Tôi không tin những người theo ông ta là ngu dốt nhưng sự cuồng tín đã làm cho họ ngu muội. Họ đã không còn nhìn nhận ra được phải trái và càng không phân biệt được giữa giả và thật. Họ đã tôn thờ ông như một vị chúa cứu thế nên không có điều gì ông ta nói quá đáng hoặc những gì ông làm là sai trái. Họ căm thù đảng Dân chủ và ghét luôn những người chỉ trích ông ta. Cho nên có giải thích gì nữa cũng vô tác dụng.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ đã bị tin vịt đầu độc đến hết thuốc chữa. Trong thành phần nạn nhân của tin giả gồm có những người chưa từng theo dõi chính trị nhưng họ nhanh chóng trở thành những chính trị gia trên mạng xã hội sau khi ông ta đắc cử tổng thống. Họ chỉ xem những tin tốt đẹp về ông và tin chà đạp những người phản đối ông rồi hùa theo không cần biết nguồn gốc tin tức ở đâu ra. Tôi cũng đã xem nhiều tin tiếng Việt trong giới truyền thông người Việt và thấy rõ ràng đa số là tin giật gân vậy mà nhiều người Việt tin, ủng hộ, và còn chia sẻ. Không ngờ rằng cộng đồng mình quá nhiều người bị mù quáng. Họ đã bị nhiễm con virus màu cam nên họ đã không còn ngần ngại để lộ ra sự mê muội, kỳ thị, và hiểu biết hạn chế của họ.

Tôi không biết nói gì hơn. Tình thân gia đình, tình bạn hữu, tình đồng hương đều bị ảnh hưởng bởi chính trị và ông ta. Tôi không muốn phải như thế nên việc tôi có thể làm được là đi bầu với lá phiếu của mình. Ngoài ra thì để đầu óc tập trung vào chỗ khác như đọc sách, thiết kế trang web, và gia đình. Hy vọng rằng cuối năm sẽ có đổi thay. Tình trạng hiện tại mà kéo dài đến bốn năm nữa tôi sợ rằng đất nước Mỹ sẽ không còn đất nước Mỹ nữa. Nền dân chủ sẽ không chết trong bóng tối mà sẽ chết ngay ngoài ánh sáng.

Nguyễn Minh Cường: Nhật ký cảm xúc

Trong Nhật ký cảm xúc của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường gồm có sáu câu chuyện buồn, rất bùi ngùi. “Một Câu Chuyện Buồn” của anh được kể lại qua giọng hát sương khói của Ái Phương. Cô tâm sự về một cuộc tình dở dang vì mẹ cha ngăn cách hai người để rồi “Nhìn người xưa hạnh phúc bên tổ ấm / Lòng sao thấy vui trong tiếc nuối.” Ái Phương hát rất nhẹ nhàng nhưng đủ thấu vào tim tuy tôi chưa bao giờ có được cảm giác vui trong tiếc nuối.

Tình khúc tự sự “Mỗi khi tôi buồn” được Nguyên Hà kể lại qua giai điệu blues nồng nàng. Cô bày tỏ nổi đau, “Và người ra đi mãi, tiếng yêu vẫn còn ở lại / Rớt rơi bên song nhà ai, xuýt xoa những tiếng thở dài.” Cô phát âm chữ “xuýt xoa” hơi bị cute (vừa tội nghiệp vừa dễ thương làm sao). Không biết ngoài đời Nguyễn Minh Cường có si tình đến thế không. Còn tôi thì người ra đi chẳng để lại gì cả.

Lời của “Điều Buồn Nhất Khi Yêu” cũng thắm thía: “Đời người con gái một khi đã thật lòng yêu ai / Mặc kệ lý trí rồi đánh đổi cả tương lai.” Tôi không tin nhưng vẫn bị giọng hát quyến rũ của Hòa Minzy thuyết phục (mấy thằng dại gái dễ bị dụ lắm.) Hơi tiếc là giai điệu bị ảnh hưởng Chinese melody. Điệp khúc trong “Ngày mưa em có buồn không” qua giọng hát falsetto của Trung Quân cũng không thoát được âm hưởng nhạc Tàu.

Nếu không có 3 “special tracks” của Thanh Hà, Lệ Quyên, và Hồ Ngọc Hà thì đây là một concept album buồn và lãng mạn nên thưởng thức. Tuy nhiên, nếu bạn đang thất tình thì đừng tìm nghe. Có thể khiến bạn đau đớn thêm. Hoặc nếu bạn là thành viên incel cũng đừng nên nghe. Mắt công bạn nổi cơn làm bậy. Tôi không bị thất tình mà còn bị nhói cả tim đấy.

Trần Chiến: Bốn chín chưa qua

Toán và Xuyên là đôi vợ chồng sống hạnh phúc với hai đứa con. Toán làm nghề chiếu bóng nay đây mai đó. Thế là có một lần yêu một cô dạy mẫu giáo một con mất chồng. Toán bỏ lại vợ con và cả nghề nghiệp theo cuộc tình mới và đời sống mới. Toán vẫn không ly dị vợ cũ nhưng vẫn lấy vợ mới.

Không hiểu sao quyển tiểu thuyết được giải thưởng Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Thằng đàn ông nào chả muốn được ngoại tình mà bỏ hết trách nhiệm làm chồng làm cha để sống một cuộc sống mới. Vợ cũ tuy giận nhưng cũng bỏ qua ở lại một mình nuôi con để thằng chồng đi lấy vợ khác. Luôn cả ông già vợ cũng không trách thằng con rể vì đàn ông không thể kiềm chế được bản thân.

Đọc nửa sách đã cảm thấy vừa vô lý vừa chán nhưng cũng ráng đọc coi kết thúc như thế nào. Chỉ thất vọng.

Nguyễn Anh Đào: Những hạt gạo xoay tròn

Tập truyện ngắn viết về phân phận đàn bà. Mỗi câu chuyện đem đến cho người đọc những cảm xúc khác nhau. Có đau khổ. Có bất hạnh. Có khắc nghiệt. Có hạnh phúc. Có thất bại. Tuy nhiên, cái mà làm cho những câu chuyện của Nguyễn Anh Đào khác là có chút huyền diệu trong đó.

Thường thì chúng ta đọc về cách đối xử khắt khe của mẹ chồng đến với nàng dâu nhưng Nguyễn Anh Đào sẽ cho chúng ta thấy một khía cạnh khác. Sự hy sinh của mẹ chồng dành cho con dâu tuy không thể nói ra lời.

Hoặc một người vợ bị thằng chồng khốn nạn phá huỷ nhan sắc nhưng hằng ngày vẫn lên rừng hái thuốc bán đem tiền về cho thằng chồng chơi gái. Nhưng cô vẫn nuôi hy vọng tìm được loại hoa cỏ có thể chữa những vết sẹo trên mặt. Dĩ nhiên là chỉ có tiên mới chịu sống trong hoàn cảnh như thế và Nguyễn Anh Đào đã biến cô thành tiên dưới cây bút huyền diệu của mình.

Đúng như trong lời ngỏ của tác giả, mỗi câu chuyện vẫn lắng đọng lại sau khi đọc xong quyển sách. Riêng cá nhân tôi, bài mà khiến cho tôi nhớ nhất là “Lon bia trong tủ lạnh.” Dù bia ôm hay bia nằm, bia trong tủ lạnh nhà mình vẫn là niềm hạnh phúc. Theo lời Nguyễn Anh Đào viết, “Hạnh phúc là ngồi cùng nhau ăn bữa cơm chiều trong căn bếp nhỏ, gia đình là những người cùng nhau đi qua cuộc đời. Đơn giản vậy thôi.”

Rối loạn lo âu

Càng già nỗi lo âu càng tăng. Mấy hôm trước tôi vì lo sợ mấy cái vòi mới thay bị rỉ nước nên đắn đo ngủ không yên. Chuyện nhỏ như thế mà đã khiến cho tôi phải lo lắng. Mọi chuyện nhỏ nhặt trong nhà điều khiến tôi phải âu lo. Lỡ có chuyện gì xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến những người ở trong nhà nhất là đám con.

Đám nhóc là nỗi âu lo lớn nhất của tôi. Từ học hành đến chơi iPad đến bệnh hoạn đến những điều không may, tôi vẫn bị phân tâm mãi cho dù bọn nó cũng phát triển bình thường không có gì phải lo ngại.

Mẹ. Công việc. Tiền bạc. Tình thân. Tình dục. Cơn nghiện. Sức lực. Nhà bề bộn. Xe cộ. Từng chuyện nhỏ nhặt khiến tôi rối loạn lo âu. Tôi cứ tự nhủ với bản thân đừng lo lắng nữa. Chuyện gì đến thì giải quyết đâu cần phải lo ngại làm chi. Biết nói với lòng như thế nhưng đầu óc vẫn không thể nào gạt bỏ đi được. Biết làm sao bây giờ?

Mấy hôm trước trong lúc còn lo âu đến cái vòi nước, tôi uống một chai bia bỗng nhiên đầu óc nhẹ hẳn ra. Nỗi lo âu tạm thời tan biến cho tôi có cảm giác sống cho hiện tại. Chuyện của ngày mai để mai lo. Chất men rượu như liều thuốc chống trầm cảm. Tôi vui vẻ và lạc quan hơn khi có một chút rượu.

Trong những âu lo của tôi may mắn rằng không có vợ trong đó. Tinh thần của vợ mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Đó là sự an ủi lớn nhất trong đời sống của tôi. Vẫn biết rằng sự lo âu cũng chỉ thừa thãi nhưng vẫn không thể nào bỏ được.

Y Ban: Có thể có, có thể không

Tập truyện ngắn về chủ đề xã hội, đời sống, và cách cư xử với nhau. Những câu chuyện không quá phức tạp cũng không quá não nề. Lối viết văn của Y Ban có chút mập mờ và huyền ảo. Không rõ ràng cũng không có câu kết luận như Có thể có, có thể không. Vì thế những câu chuyện không lắng đọng lại sau khi đọc. Chỉ nhớ mang máng những nhân vật và những khúc đoạn khác nhau. Đọc cũng tàm tạm thôi.

Contact