Gỏi cuốn là một trong những món ăn Việt Nam tuy đơn giản nhưng lại phong phú. Cái tuyệt vời của món gỏi cuốn là nó biến đổi theo thời gian. Càng ngày tôi càng quý trọng (appreciate) món ăn này. Chẳng hạn như chiều nay cả nhà cùng ngồi chung với nhau và từ bé đến lớn chỉ ăn chung một món. Cái thú vị là ai cũng tự ăn được cả.
Thằng bé hai tuổi tự nhúng lấy vì nó thích bỏ tờ bánh tráng vào tô nước rồi nhúng luôn bàn tay của nó. Nó tự xé bánh ra rồi ăn với bún. Thằng bốn tuổi cũng tự nhúng bánh tráng rồi cuốn với bún ăn. Thằng tám tuổi thì thêm có tôm. Thằng mười một tuổi thì cuốn thịt ba chỉ, tôm, xà lách, ngò rí, dưa leo, và nước chấm.
Giống như tụi nó, lúc nhỏ những cuốn của tôi rất đơn giản nhưng càng ngày khẩu vị của tôi càng rộng ra. Giờ đây thì tôi thích thêm nhiều thứ rau thơm như hẹ, húng quế, húng lủi, diếp cá, tía tô, xà lách, ngò rí, dưa leo, và luôn cả rau răm. Nhờ sự thơm tho của rau tươi, sự ngọt lịm của tôm, chất béo của thịt mỡ, sự mặn ngọt cay cay của nước chấm, chỉ cắm vào một cái chúng ta có thể nếm hết tất cả những mùi vị đậm đà và đa dạng. Mùi vị quê hương Việt Nam tôi.
Nước chấm vợ tôi pha trộn từ tương đen với nước ngọt của tôm luộc và tỏi. Chỉ cần thêm một chút tương ớt sriracha là đủ ngon rồi nhưng riêng tôi phải thêm nước mắm pha, applesauce, và peanut butter nữa mới tuyệt đỉnh. Tuy có sriracha trong nước chấm rồi nhưng tôi phải cắn thêm vài miếng ớt hiểm mới đã miệng. Dĩ nhiên là không thể thiếu những chai bia ướp lạnh để được một buổi ăn trọn vẹn.
Lần trước chúng tôi ăn gỏi cuốn, thằng con trai tám tuổi của tôi lấy tôm hùng thay thế tôm. Tôi thấy nó ăn ngon lành tôi cũng cuốn thử. Kết quả thật tuyệt. Lần sao có tôm hùm luộc tôi sẽ không ăn không chấm bơ (ngán tận cổ) mà sẽ thưởng thức với gỏi cuốn.
Đây là món ăn đúng với ý nghĩa “tay làm hàm nhai.” Không có ai cuốn cho mình theo ý mình như chính mình. Chỉ mình mới biết rau gì mình thích hoặc bao nhiêu con tôm mới đủ. Còn hạnh phút gì bằng khi được cùng ngồi với người thân, cùng nhau cuốn, cùng nhau thưởng thức, và cùng nhau trò chuyện.