Song Vinh: Hương mưa

Khác với thi tập đầu, Về dưới hiên xưa, tập thơ thứ nhì, Hương mưa, anh Song Vinh viết đa số theo lục bát. Anh viết vẫn nhẹ nhàng vẫn lắng đọng về tình quê hương, tình con người, và những nỗi niềm của kiếp lưu vong. Anh “tự thú”:

bạn vàng quê quán ở đâu
rằng thưa quê cũ đã lâu quên rồi
buồn tình đem bán đời tôi
kẻ mua kẻ trả lôi thôi suốt ngày
hỏi rằng tên tuổi là chỉ
rằng thưa tên vẫn thầm thì Việt Nam
tuổi này tuổi thở tuổi than
tuổi ngoan tuổi cố tuổi gàn tuổi thân
hỏi rằng sự nghiệp ra sao
rằng thưa sự đã lao xao nhiều vòng
nghiệp đời đong kiếp lưu vong
hai mươi năm chẵn, chẳng mong điều gì
hỏi rằng dự định đi đâu
rằng thưa dự đã dự đầu dự đuôi
định mai thoát kiếp con người
làm mây bay khắp phương trời thong dong

Đọc hai câu cuối thấy buồn vời vợi. Kiếp người cuối cùng cũng chỉ là mây khói.

Mỗi tháng anh viết khoảng sáu bài (một bài bốn câu) về cuộc sống tha hương của anh. Riêng tháng tư, anh viết nhiều hơn và buồn hơn. Chẳng hạn như “Buồn đen”:

tháng tư lạc
mất quê hương
tháng tư
tị nạn
cuối đường
hư hao
tháng tư đau
một niềm đau
tháng tư xứ lạ nhìn nhau
ngại ngần

Gần hai mươi năm đọc lại thơ của anh Song Vinh vẫn ngậm ngùi xót xa. Với tâm trạng của người tha hương, tôi đọc và cảm nhận được nỗi niềm của anh. Không biết những thế hệ sau con em chúng ta ở nước ngoài có còn đủ vốn liếng tiếng Việt để tiếp tục làm thơ hay không. Ngày xưa tôi cũng lười không chịu trao dồi văn thơ. Giờ viết tiếng Việt chính tả còn không xong lấy đâu làm thơ. Phần nhiều ở Mỹ chỉ dạy căn bản tiếng Việt dành cho trẻ em không biết nhiều về tiếng mẹ đẻ. Phải chi có lớp thơ văn dành cho người lớn tôi sẽ đăng ký đi học ngay.

Đã lâu rồi mất liên lạc anh Song Vinh không biết anh còn làm thơ hay không. Để hôm nào lục lại email cũ của anh gửi thử anh có trả lời không. Nếu anh vẫn còn đọc trong blog này của em, xin anh hãy liên lạc với em. Một lần nữa, rất cám ơn hai tập thơ quý mến anh đã tặng.

Song Vinh: Về dưới hiên xưa

Lướt qua kệ sách Việt eo hẹp của mình, tôi chợt nhận ra hai quyển tập thơ của anh Song Vinh đã tặng tôi vào năm 2004. Mới đó mà đã gần 20 năm.

Tôi biết đến anh Song Vinh qua trang blog của anh chắc vào năm 2002 gì đó. Anh sống ở tiểu bang North Carolina thì phải. Tôi thường viết comments trên blog của anh về thơ còn anh để lại comments trên blog của tôi về nhạc. Không biết anh đã bỏ trang web từ lúc nào. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối. Rất là nhiều blog cá nhân tôi đọc hằng ngày đã biến mất.

Hôm nay đọc lại tập thơ Về dưới hiên xưa của anh khơi lại những kỷ niệm đẹp. Thơ của anh Song Vinh giản dị nhưng sâu lắng. Đọc dễ hiểu và dễ gần. Thú thật thì mười mấy năm trước tôi đọc nhưng không hiểu nhiều. Bây giờ đọc lại hiểu cặn kẽ hơn.

Những bài thơ tình của anh đẹp và mang máng buồn chẳng hạn như khúc này “Tặng em”:

tóc em bay mấy mùa sầu gom lại
mắt em buồn lo ngại mẫu tin xa
hôm nay mưa thành phố lạnh hơn nhiều
nghe heo hút đếm từng chiều về muộn

Anh viết về đời tị nạn cũng rất xót xa như trong “Gọi tiếng noel”:

đời xanh biếc bỗng trở màu đen tối
cùng thương đau ta bỏ phố bỏ nhà
mấy mươi năm phai nhạt cả màu da
mùi đất mẹ vẫn nằm trong thớ thịt

Bùi ngùi hơn là những bài anh viết về mẹ, nhất là về người mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Mười mấy trước đọc thấy buồn. Giờ đọc lại càng thấm thía hơn khi chính mình đã mất mẹ. Xin chia sẻ nguyên bài “Biển trong con” của anh Song Vinh:

con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
phần con lận đận kiếp tha hương
những năm có mẹ còn nhớ mãi
ngày tháng bên này cũng mẹ lo

con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
trời cao đất rộng lạc phần con
những ai hạnh phúc con mừng góp
mà vẫn thấy lòng chút ghen tuông

con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
những chiều chậm tối rất quạnh hiu
làm sao níu lại thời gian cũ
làm sao thấy được bóng mẹ yêu

con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
đôi giòng lệ xót cũng phần con
nỗi lòng của biển bao giờ cạn
mẹ ngủ, mẹ yêu, mẹ của con

con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
rưng rưng giòng lệ khóc mẹ yêu
mẹ ơi xin hãy về trong mộng
cho con ôm mẹ mãi không rời

Cám ơn anh Song Vinh đã tặng cho em và cho đời những tác phẩm đầy ý nghĩa và cảm xúc.

Lung Tung Xèng với Lilian

Tiếng hát Lilian vẫn đọng lại trong ký ức của tôi qua những ca khúc remix của Mỹ (“Because I Love You”) hoặc Hồng Kông (“Caravan of Life). Hôm nay xem chị trình diễn trong chương trình “The Tuesday Night Show” của nhóm Lung Tung Xèng khiến tôi nhớ lại những chuỗi ngày còn đi học giữa thập niên 90.

Lilian mở màn với nhạc phẩm “What’s Up,” của 4 Non Blondes, chị đã từng cover. Giọng của chị vẫn còn mạnh mẽ lắm. Dường như tôi chưa từng nghe chị hát bài “Crazy,” của Patsy Cline. Nghe chị hát lần đầu cũng khá ấn tượng với những nét riêng của chị. Nhạc phẩm “Hot Stuff,” của Donna Summer, được đổi qua nhịp điệu bossa nova nghe cũng thú vị.

Rất ngậm ngùi khi nghe chị tặng nhạc phẩm “Mẹ Tôi,” của Trần Tiến, cho những ai mất đi mẹ trong mùa COVID. Tôi cũng nằm trong tình trạng bất hạnh này. Hai câu đầu của bài rất đúng với tâm trạng của những tâm hồn mất mẹ: “Mẹ ơi con đã già rồi / Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con.” Và hai câu này thật thấm thía: “Dù cho phú quý vinh quang / Vinh quang không bằng có mẹ.”

Chủ nhật này là ngày lễ Mẹ đầu tiên tôi không có mẹ. Những ai còn có mẹ hãy cố gắng dành thời gian với mẹ. Đừng bỏ lỡ cơ hội và viễn phúc đó.

Lung Tung Xèng với Thương Linh

Sáng nay vẫn thức sớm như mọi ngày nhưng phá lệ không đọc sách để xem chương trình “The Tuesday Night Show” của nhóm Lung Tung Xèng với sự hiện diện của nữ ca sĩ Thương Linh, một giọng hát đầy quyến rũ.

Thương Linh mở đầu chương trình với ca khúc nhạc ngoại quốc “Casablanca.” Cô phát âm tiếng Anh rất rõ và nhả chữ rất nhẹ nhàng chẳng hạn như “t” ở cuối chữ “light” và chữ “hot” hoặc “ch” của “each.” Giọng Thương Linh “too damn sexy.” Hơi tiếc một chút là phải nhưng bài này băng nhạc chơi theo giai điệu bossa nova thì phê biết mấy. Điển hình là bài “Thuở ấy có em” được chơi theo điệu blues. Giọng Thương Linh ca theo điệu jazz-blues thì khỏi phải chê rồi. Anh Tuấn Joe solo khúc blues rock quá chất luôn.

Chương trình được khép lại với bài cover “Come Together” của The Beatles. Đến khúc này chắc Thương Linh đã xỉn rồi nên cũng quậy tưng bừng. Qua chương trình này, tôi càng nể Thương Linh hơn vì cô “loosen up” với hai chai bia và ly rượu đỏ. Cô hát hay, uống lại khá. Sau bài “Come Together,” cô kêu gọi #StopTheHate và #SpreadTheLove.

Với những bạo lực kỳ thị người Mỹ gốc Á Châu càng ngày càng tăng, chúng ta cần phải đoàn kết, lên án, và chống đối những sự kiện thù ghét chủng tộc.

Mẹ vợ

Trưa Chủ nhật trước khi lái xe từ Lancaster về lại Virginia, chúng tôi ghé lại Wegmans ăn trưa. Mấy cha con bốc những hộp sushi. Thằng út thì chỉ ăn khoai tây chiên. Thấy có khoai lang chiên nên cũng gọi một phần. Thấy chưng bày những lon bia địa phương nên gọi luôn lon bia lúa dâu (strawberry wheat) để nhâm nhi.

Sau khi ăn uống no nê vợ dành lái xe. Lâu ngày khỏi phải làm tài xế tôi cũng muốn được thư giãn một tí. Mấy thằng con, đứa xem Tom & Jerry đứa ngủ trưa. Với đám con và công việc, tuy gặp nhau mỗi giờ nhưng vợ chồng ít có thời gian ngồi lại với nhau để trò chuyện. Được hai tiếng rưỡi ngồi trong xe thì tâm sự vậy.

Vợ chồng ăn ở với nhau lâu ngày tình cảm vẫn tốt là hạnh phúc rồi. Năm ngoái tôi mất đi cả cha lẫn mẹ. Nếu không có vợ và bốn thằng con chắc tôi đã bị rơi vào depression. Tôi ít khi tâm sự nỗi mất mát của mình đến với vợ con vì không muốn họ phải buồn lây. Nhưng chiều hôm đó tôi đã tâm sự với vợ về mẹ. Tôi vẫn đau buồn vì mẹ ra đi quá nhanh từ lúc phát hiện ra bệnh. Vì COVID nên mẹ con phải bị cách ly. Gặp mẹ lần cuối chỉ được vài phút. Tôi đã cố gắng không khóc để mẹ khỏi đau buồn nhưng giọt nước mắt của mẹ đã khiến tôi nhói đau cho đến ngày hôm nay.

Tôi tâm sự với vợ mục đích muốn nhắc nhở về mẹ vợ. Chúng tôi rất may mắn được có mẹ vợ sống chung một nhà. Bố vợ mất cũng đã lâu. Có mấy thằng cháu nên bà cũng đỡ đau buồn. Tám thằng cháu trai, thằng nào cũng yêu quý bà. Mười mấy năm ở chung, tôi luôn trân trọng mẹ. Nhưng giờ đây tôi càng quý mến mẹ hơn vì mẹ là bậc cha mẹ và bậc ông bà duy nhất còn lại của chúng tôi. Tuy sức khỏe mẹ vẫn tốt nhưng vài năm gần đây mẹ đã yếu đi. Mẹ đã có tuổi. Thời gian trôi qua rất nhanh và không thể đoán trước được ngày mai sẽ ra sau.

Giờ phút nào còn có mẹ thì phải nắm lấy hạnh phúc đó. Tôi và mẹ có cái duyên mới được chung sống. Tôi tin vào duyên số vì không phải muốn là được. Có một lần khá lâu, vợ có tâm sự với tôi. Xem tình hình mẹ ở với gia đình mình là thích hợp nhất. Tôi đồng ý và mẹ muốn ở đến lúc nào cũng được cả. Tôi chỉ hy vọng mẹ bỏ qua những thiếu sót và sai lầm của tôi.

Tuy mẹ vợ sống chung với con rể không khó bằng mẹ chồng và con dâu nhưng cũng không dễ dàng. Tôi đã từng sống và chứng kiến sự mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể và cái kết là vợ chồng tan rã. Tôi và mẹ vợ chưa từng có mâu thuẫn với nhau chắc là vì mẹ dễ dãi và không chấp nhất.

Tôi biết bản thân mình không phải là người dễ chịu hoặc dễ ôn hòa. Tôi đã từng phát ngôn những lời nặng nề đến họ hàng vì nóng nảy nhất thời hoặc thiếu suy nghĩ. Hối hận cũng có vài lần nhưng ai vẫn trách móc thì đành chịu. Tôi chỉ thay đổi được những gì mình chưa làm. Cuộc đời này quá ngắn ngủi. Tôi không thể thể nào thay đổi quá khứ. Chỉ có thể thay đổi hiện tại và tương lai.

Thăm mẹ

Thứ bảy đưa vợ con về Lancaster thăm mẹ. Trước khi lên đường, tôi ghé qua khu Eden mua những loại xôi mẹ thích như xôi vò, xôi sầu riêng, xôi mặn. Bây giờ mẹ không còn thưởng thức nữa.

Đến nhà chị, phòng mẹ vẫn thế. Chiếc xe chữ “U” mẹ dùng lúc trước và những lọ thuốc của mẹ vẫn còn đấy. Chiếc ghế mẹ thường ngồi ăn cùng với cái iPad mẹ thường xem vẫn còn đó. Mấy đứa cháu buồn vì không còn hình bóng của bà nội.

Đến nơi mẹ an nghỉ. Mộ của mẹ cỏ vẫn chưa mọc. Đất vẫn còn nâu. Mộ bia vẫn chưa hoàn tất. Bình hoa vẫn chưa có. Tôi mua những chậu hoa trồng xuống trước mộ của mẹ. Thắp nén hương tưởng nhớ đến mẹ. Người mẹ và người bà yêu dấu của chúng con đã nằm xuống và đã yên nghỉ.

Chiều đến nhà chị cả tụ họp. Đám nhỏ cùng chơi với nhau rất thân thiện. Mấy chị em ăn uống và trò chuyện nhắc lại những kỷ niệm xưa về mẹ. Cho dù phải chấp nhận sự ra đi của mẹ, chúng con vẫn tha thiết nhớ về mẹ. Hình bóng của mẹ vẫn luôn luôn trong tim của chúng con.

Ngọc Quy: Tạ ơn đời

Tôi nghe tiếng hát Ngọc Quy trước đây qua những nhạc phẩm Võ Tá Hân phổ từ thơ Cao Nguyên. Giọng hát Ngọc Quy cũng tốt nhưng không đạt nét riêng. Hơn nữa những bài hoà âm sơ sài nên phần trình bày của Ngọc Quy cũng đi vào lãng quên.

Vì album Tạ ơn đời do chính Ngọc Quy biên tập nên phần hòa âm phối khí được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Chẳng hạn như “Ru em từng ngón xuân nồng” của Trịnh Công Sơn, phần orchestration rất khát khao (lustful). Tuy giọng Ngọc Quy trầm ấm nhưng cách trình bày thì chỉ y như sự dự đoán (predictable).

Hai bài của Phạm Duy, “Tạ ơn đời” và “Hẹn hò,” phần hòa âm semi-classical rất ấn tượng và Ngọc Quy được cứu vớt bởi phần song ca cùng Ngọc Mai. Sự khác biệt giữa giọng alto cao ngất của nàng và giọng baritone thấp của chàng quyện vào nhau rất hợp. Vì thế hai bài này là đỉnh của album.

Đáng tiếc rằng album này không có một đường lối khẳng định. Nhạc đồng quê “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn, qua nhịp điệu chacha làm mất đi bầu không khí nhạc thính phòng. “Đường xưa lối cũ” của Hoàng Thi Thơ không tệ nhưng điệu nhạc làm đứt đi sự liền lạc của người nghe. Còn “Ngỡ đâu tình đã quên mình,” Ngọc Quy khè hơi bị nhiều khi phát âm chữ “khi.”

Minh Đức: Trên tháng ngày đã qua

Không biết là trending hay full production quá đắt nên gần đây các ca sĩ thu âm theo dạng acoustic khá nhiều, nhất là những ca sĩ nam với chất giọng trầm. Minh Đức mới phát hành một album acoustic với tiếng đàn guitar làm nhạc cụ chính.

Với giọng baritone ấm áp, Minh Đức cover lại những bài cũ. Với “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên, Minh Đức hát một cách trung thành. Anh không phá cách cũng chẳng dùng hòa âm gì mới mẻ cả. Anh chỉ hát với tiếng đàn guitar mộc mạc và tiếng violin da diết. Nghe buồn thấm thía. Có lẽ như thế đã đủ tiêu chuẩn.

Với “Từ độ ánh trăng tàn,” nhạc Anh Bằng thơ Đặng Hiền, tiếng kéo violin càng não nề hơn nhất là khi Minh Đức hát câu, “Tình yêu thủy tinh rơi vụn vỡ trong tim.” Với “Trên tháng ngày đã qua” của Từ Công Phụng, phần nhạc đệm cũng chỉ guitar và violin và thêm vào percussion để có nhịp điệu Latin.

Đây là một album thính phòng thân mật. Chỉ tiếc là toàn bài cũ lôi ra hát lại. Bây giờ muốn nghe nhạc Việt mới cũng hơi khó. Mười mấy năm về trước lúc tôi mới bắt đầu review nhạc Việt, những sản phẩm mới và ca khúc mới khá nhiều. Giờ đây chỉ nghe cover lại hết nhạc Trịnh Công Sơn qua nhạc Lam Phương, hết nhạc Phạm Duy qua nhạc Từ Công Phụng, hết nhạc Ngô Thụy Miên qua nhạc Anh Bằng. Xào tới xào lui cũng chỉ những tác phẩm của mấy nhạc sĩ quen thuộc này. Thôi thì có gì nghe nấy. Có còn hơn không. Có còn hơn không.

Món ăn ký ức

Buổi sáng vào nhà bếp, tôi cho ổ bánh mì vợ làm vào lò nướng. Đập hai cái trứng vào bát rồi đánh cho thật đều. Bắt chảo lên bếp cho vào chút dầu. Khi chảo nóng đổ trứng vào. Lúc trứng gần chín lật lại và đặt lên hai miếng American cheese. Khi cheese nóng và chảy ra một tí, kẹp trứng vào bánh mì. Rắc chút muối tiêu. Xịt chút ketchup và tương ớt Sriracha. Quấy một ly cà phê sữa đá vừa ăn vừa uống.

Tôi có thể ăn bánh mì trứng với cheese mỗi ngày vì nó đã trở thành món ăn ký ức. Suốt mấy năm đại học, tôi dường như ăn món này mỗi ngày vì nó vừa rẻ vừa no dai. Hơn nữa nó cho tôi một chút tình đồng hương.

Trước cổng trường ngày nào cũng có một chiếc xe food truck rất to có đủ thứ món ăn từ cơm chiên đến đủ loại sandwich và những thùng cooler với nhiều loại nước khác nhau. Đến giờ ăn trưa học sinh xếp hàng rất đông để mua đồ ăn nước uống. Chủ xe food truck là cặp vợ chồng người Việt. Tôi đoán ở tuổi 50. Cô là người đứng lấy order nên tôi nói chuyện với cô bằng tiếng Việt. Suốt cả ngày nghe giảng bằng tiếng Anh trong lớp học nên khi nghe được tiếng Việt tôi rất quý. Nó cho tôi cái cảm giác thân thiện khi được nghe tiếng mẹ đẻ.

Ngày ra trường tôi đến tạm biệt cô. Cô mỉm cười chúc mừng tôi. 20 năm trôi qua tôi đã không gặp lại cô nhưng tôi vẫn nhớ mãi những ổ bánh mì trứng với cheese, muối tiêu, và ketchup. Đồng thời tôi vẫn nhớ mãi những tiếng hét chát chúa của cô dành cho ông chồng.

Phương Thanh: Trống vắng

Phương Thanh mê rống. Sở trường của cô là rống. Nhạc không rống cô cũng rống. Bài không rống cô cũng cố rống. Không có nhạc mới để rống cô lôi những bài cũ ra để rống.

Đáng lý ra thu âm theo acoustic không nên rống. Vì acoustic cần sự nhẹ nhàng và thân mật để lắng nghe. Tiếc rằng Phương Thanh không thể nào kiềm chế được chất rống của chính mình. Qua liên khúc “Khi giấc mơ về” và “Vì em yêu anh” của Đức Trí, cô hát nhẹ cùng tiếng đàn guitar và dương cầm dịu dàng. Bỗng nhiên đến gần đoạn cuối cô nén lại không nổi nên đã rống lên như bị ma nhát.

Nghe cô hát lại “Một thời đã xa” với tâm trạng nặng trĩu và đầy phiền muộn khác biệt với version của Thuỳ Chi. Cũng thu âm theo dạng acoustic nhưng Đức Trí cho người nghe một cảm giác buồn dịu dàng của một thời đã xa. Thuỳ Chi không gào thét mà chỉ hát một cách rất mềm mại khiến cho người nghe phải bùi ngùi hồi tưởng lại dĩ vãng xưa.

Qua album này chắc Phương Thanh muốn fans của cô nhớ lại thời gian đình đám của cô trong làng nhạc trẻ Việt Nam vào thập niên 90. Trình bài lại “Trống vắng” của Quốc Hùng, cô rống cho thỏa mãn.

Contact