Furie

Phim võ thuật do Lê Văn Kiệt đạo diễn và Ngô Thanh Vân trình diễn. Nội dung rất đơn giản. Một người mẹ làm nghề đòi nợ. Khi đứa con gái bị bắt cóc, người làm mẹ bằng mọi giá phải cứu lại đứa trẻ. Lê Văn Kiệt không chú trọng vào câu chuyện cũng không quan tâm phần đối thoại. Trong một tiếng rưỡi, những trận đánh nhau diễn ra không kịp thở. Xem Ngô Thanh Vân đập tơi tả những người đàn ông thật đã mắt. Đáng tiếc, đây chỉ là một phim hành động thiếu chiều sâu.

Nguyễn Ngọc Thạch: Lòng dạ đàn bà

Quyển tiểu thuyết bi thảm, hồi hộp, và rùng rợn được dàn dựng khéo léo của tác giả Nguyễn Ngọc Thạch. Thường thì câu chuyện được kể qua một nhân vật chính nhưng những nhân vật trong truyện của Thạch đều được kể riêng. Người đọc sẽ thấy được những khía cạnh khác nhau. Cùng sống chung trong một căn nhà bề ngoài thì rất giàu sang nhưng tình người bên trong thì rất tệ hại. Cách viết của Thạch đơn giản và ngắn gọn nhưng đặc sắc. Thạch cho đọc giả nếm được mùi ác độc của đàn bà: “Con ong độc nhất ở đuôi, đàn bà độc nhất ở nơi tấm lòng.” Sao khi đọc mấy quyển sách tiếng Anh liên tiếp, tôi khao khát được đọc tiếng Việt. Tuy đọc sách này như uống ly nước độc nhưng thật đã khát.

Có một dòng sông

Cuộc đời con người giống như một dòng sông trôi chảy không bao giờ dừng lại. Vì thế mỗi chặng đường đã trôi qua không thể nào ngăn chặn lại được. Những gì của quá khứ giờ đây cũng chỉ còn lại trong ký ức.

Tôi vẫn yêu quý tuổi thơ của mình dù biết rằng nó đã không còn tồn tại. Nếu như không xa quê hương lúc tuổi thơ đang lên cao vút, không biết tôi có còn nhớ nhung đến thế không? Sau ba mươi năm trở về căn nhà của tuổi thơ giờ đã không còn nữa và phố xá xưa giờ cũng đã thay đổi. Nhưng trong đầu óc của tôi, từng chi tiết vẫn y như cũ. Cũng may là còn có một số láng giềng vẫn còn nhớ đến tôi và những kỷ niệm xa xưa.

Thời gian trôi qua vun vút. Tôi tiếc nuối những tình bạn tôi đã vô tình đánh mất. Từ tiểu học, tôi có một nhóm bạn khá thân nhưng rồi sau trung học đường ai nấy đi. Xa mặt cách lòng. Tình bạn tàn phai theo ngày tháng. Giờ gặp nhau trên Facebook không nói không nụ cười. Chút tình dường như hiu hắt bay.

Rồi có những mối tình đã không giữ được. Từng người tình bỏ tôi đi như những dòng sông nhỏ. Rồi sông cứ trôi và tôi vẫn lạc lối. Nếu có thể quay lại, tôi sẽ sửa đổi lại những lỗi lầm xưa nhưng dòng sông không bao giờ chảy ngược. Thôi thì cảm ơn họ đã cho tôi những kinh nghiệm làm sao đừng phá vỡ những hạnh phúc đang có trong tầm tay. Có mất mát mới biết quý trọng tình cảm người khác trao cho mình. Có thất tình mới biết yêu quý tình. Có đau mới biết mở rộng con tim. Từ đó tôi thề sẽ nắm vững tình yêu và sẽ không bao giờ buông tay âm thầm tìm về cô đơn.

Thôi thì đời hãy cứ trôi. I just go with the flow.

Liên Đoàn Hùng Vương

Đạo và Đán tham gia liên đoàn Hùng Vương đã được bốn tuần. Mỗi chiều thứ sáu tôi có nhiệm vụ đưa rước bọn nó đến họp mặt từ 6:30 chiều đến 8:30. Lần đầu hai đứa nhút nhát không chịu sinh hoạt. Nhưng rồi thấy bọn con nít được chơi những trò chơi vui nên cũng nhảy vào. Lần thứ nhì thì chỉ còn thằng Đán rụt rè không muốn vào. Đến lần thứ ba thì không còn xa lạ gì nữa.

Riêng tôi trong thời gian chờ đợi chỉ muốn hai tiếng đồng hồ yên tĩnh để đọc sách sau một ngày làm việc. Tôi cũng chẳng hứng thú xã giao nhưng vì là người mới nên tôi cũng cố gắng chào hỏi những phụ huynh khác. Đại khái là hỏi han về liên đoàn và về con cái của họ. Rất vui là phụ huynh nào cũng niềm nở và dễ thương. Họ chia sẻ kinh nghiệm của họ và khuyến khích tôi chịu khó cho tụi nó tham gia.

Chỉ gặp nhau bốn lần thứ sáu và một lần picnic nhưng tôi có được cái cảm giác rất gần gũi. Đây là những bậc cha mẹ rất thương con cái và sẵn sàng làm mọi chuyện cho con. Có cha mẹ phải lái xe hơn cả tiếng đồng hồ mỗi chiều thứ Sáu để đưa con đến tham gia. Tuy có thể tham gia vào liên đoàn Mỹ gần nhà nhưng họ muốn mấy đứa nhỏ có thêm bạn bè Việt và hiểu biết thêm về nguồn gốc Việt Nam.

Trong lúc đám nhỏ sinh hoạt thì cha mẹ cùng bàn bạc với nhau về những lần đi cắm trại sắp tới trong liên đoàn, tương lai con cái, công ăn việc làm, dạy tiếng Việt cho bọn nhỏ, và những món ăn nhậu. Nghe nói có ăn nhậu là tôi kết rồi. Tuy mới gia nhập nhưng tôi nhận thấy được sự đoàn kết của cha mẹ Việt Nam với nhau. Lúc đi picnic ngày chủ nhật tuần vừa rồi phụ huynh có bàn với nhau về một cuộc họp mặt dành riêng cho cha mẹ để có cơ hội quen biết nhau.

Lúc đầu tôi cũng ngại tham gia liên đoàn nhưng mẹ bọn nhỏ bắt mấy cha con đi tôi phải theo lệnh mà thực hành nhưng giờ đây tôi thấy cũng tốt. Thứ nhất là cho bọn nhỏ rèn luyện kỷ luật, nề nếp, và kỹ năng lãnh đạo. Thứ nhì là sự đoàn kết giữa mẹ cha. Hy vọng rằng qua con cái cha mẹ cũng trở thành bạn bè để giúp đỡ lẫn nhau dạy dỗ con cái nên người để sau này bọn chúng góp sức cho xã hội. Làm cha làm mẹ nuôi con mình được như vậy là mãn nguyện rồi.

Học tiếng Việt

Tôi muốn mấy đứa con học tiếng Việt nhưng không muốn ép buộc bọn nó. Hy vọng rằng sau này nó muốn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của cha mẹ và ông bà nó thì tụi nó tự học lấy.

Tôi xa quê hương sau khi học lớp năm. Đến Mỹ tôi phải gác lại tiếng mẹ đẻ của mình để tập trung học tiếng của xứ người. Sau mấy chục năm không đọc và không viết, tiếng Việt trong tôi mất dần. Vài năm gần đây tôi cố gắng rèn luyện lại tiếng Việt. Tôi bắt đầu viết tiếng Việt trên blog của mình. Vì là trang blog cá nhân nên tôi muốn viết gì thì viết. Văn chương quê mùa cũng không sao. Nghĩ gì viết nấy. Chính tả lúc đầu đầy lỗi. Giờ thì chữ nào không chắc chắn nhờ đến Google. Trên iPhone tôi dùng bàn phím LabanKey để gõ chữ Việt. Nhờ công dụng gợi ý chữ để gõ nhanh hơn và ít lỗi chính tả.

Ngoài việc viết, tôi cố tìm sách tiếng Việt để trau dồi thêm. May mắn là những thư viện công cộng ở thành phố tôi đang sinh sống có vài kệ sách dành riêng cho tiếng Việt vì cộng đồng người Việt ở đây khá đông. Đồng thời tôi cũng thường xuyên nghe nhạc Việt nhất là những tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Tuy đã nghe nhạc của ông rất nhiều nhưng mỗi lần chăm chú lắng nghe tôi lại nhận ra những câu thơ thú vị. Ví dụ như gần đây tôi chợt nhận thức và hiểu được câu: “Em đi về cầu mưa ướt áo / Đường phượng bay mù không lối vào / Hàng cây lá xanh gần với nhau.” Cho dù đã nhiều lần nghe bài “Mưa hồng.”

Đó là cách tự học tiếng Việt của tôi. Ngoài tiếng Việt, tôi càng yêu cả chữ Việt. Khi làm bài luận án để lấy bằng thạc sĩ về thiết kế đồ hoạ, tôi chọn ngay đề tài nghệ thuật chữ Việt. Mục đích của tôi là giúp những nhà thiết kế chữ ngoại quốc tạo ra những phông chữ rõ và dễ đọc cho chữ Việt. Sau khi phát hành sách luận án của mình trên mạng, tôi đã được đón nhận nồng nhiệt vào cộng đồng thiết kế chữ và được cơ hội giúp đỡ cách nhà thiết chữ vòng quanh thế giới để đem đến chữ Việt cho chúng ta. Mục tiêu kế tiếp của tôi là khuyến khích người Việt thiết kế chữ Việt.

Tình người

Hôm nay coi như đã hoàn tất được một trong những lời hứa đã khiến tôi phải căng thẳng mấy tháng vừa qua. Một mình tôi thì không sao cả. Chỉ sợ liên quan đến vợ và con cái nên nhiều khi cũng khó thực hiện. Trách nhiệm của tôi không chỉ một mình mà còn cả gia đình. Nhưng dù sao thì mọi chuyện cũng suôn sẻ và tốt đẹp. Tôi hy vọng mọi việc rồi cũng như thế.

Trong đời sống tôi luôn đặt nặng tình người và nhất là người trong gia đình. Cho dù không ruột thịt tôi cũng xem như người nhà. Giúp đỡ được gì tôi chẳng những không ngần ngại mà còn sẵn sàng. Tôi không cần họ phải trả ơn gì cả nhưng thật thất vọng khi họ đối xử với tôi như người xa lạ. Thôi cũng không sao cả. Người ta không xem mình như người thân mình vẫn giữ lời hứa và làm trọn vẹn tình nghĩa của mình cho dù phải ngượng nghịu và không thoải mái. Những lúc khó chịu tôi chỉ nhớ đến lời dặn dò của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi.”

Thanh Lâm Saxophone 4: Nghĩa mẹ tình cha bao la biển trời

Với niềm đam mê nghe nhạc jazz, tôi quý trọng tiếng kèn saxophone, nhất là chất đẹp dịu dàng của cây alto. Tôi đã từng bị lôi cuốn bởi âm thanh của Charlie Parker, Cannonball Adderley, Ornette Coleman, rồi đến Eric Dolphy. Dĩ nhiên tôi không so sánh Thanh Lâm với những tay jazz legends đó nhưng tôi hơi đáng tiếc là anh không phát triển được sự quyến rũ của cây alto qua album mới nhất của anh với tựa đề Nghĩa mẹ tình cha bao la biển trời. Từ bài mở đầu “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân cho đến bài nhạc ngoại quốc cuối cùng “Papa”, anh rất chung thủy với lời nhạc của tác giả và không cho mình cơ hội để ứng tấu (improvise). Không một đứa con Việt Nam nào mà không nằm lòng giai điệu của “Lòng mẹ” nên anh không cần phải chơi đúng theo khuôn khổ của nó. Đáng tiếc hơn là anh dùng bài hoà âm pop ballad quá bình thường để thổi tiếng kèn của mình thay vì chơi với một bang nhạc sống nhóm bốn (quartet) hoặc với một dàn nhạc giao hưởng (orchestra). Có lẽ đó là sự đầu tư tốn kém lớn lao cho nghệ thuật nên anh chỉ dừng lại ở một album không lời dành cho các nhà hàng Việt phục vụ khách nước ngoài.

Bích Liên: Phạm Duy hát vào đời

Tuy ít nghe giọng soprano nhưng cả tuần vừa qua tôi bị lôi cuốn bởi chất giọng cao sang của Bích Liên qua mười tình ca quen thuộc của Phạm Duy. Được hỗ trợ bởi dàn orchestra đầy sắc màu, Bích Liên bay bổng trong “Xuân hành”, lắng đọng trong “Một bàn tay”, da diết trong “Tìm nhau”, và xao xuyến trong “Tạ ơn đời”. Càng nghe càng thấm thía nhất là giữa đêm khuya trong không gian yên tĩnh. Một album được đầu tư kỹ lưỡng từ hòa âm phối khí đến từng ca khúc chọn lọc để đem đến cho người nghe một experience trọn vẹn.

Chuyện thiên hạ

Hôm qua thấy cặp vợ chồng già đầu bạc trắng người Á Đông (chắc là Hàn Quốc) tay trong tay đi ra thư viện. Đến lề đường ông nhẹ nhàng nếu lấy bà quan sát xung quanh coi có xem không rồi mới dìu bà đi tiếp. Đến xe, ông ân cần mở cửa cho bà vào. Seatbelt cho bà cẩn thận, đóng cửa, rồi mới quay về chỗ lái. Dễ thương vô cùng.

Đầu tuần trước thằng lính (người Ấn Độ) rủ đi ăn trưa cùng với bạn gái (cha Do Thái, mẹ Nhật Bản). Đến tiệm burger mạnh ai nấy gọi đồ ăn mạnh ai nấy trả tiền. Tôi cũng ngạc nhiên sao nó không bao con bồ nó. Cuối tuần đó nó lại rủ tôi đi ăn trưa. Chúng tôi vào quán Nhật. Tôi gọi vài món sushi và sashimi rồi gọi thêm một bình sake nóng. Tôi mời nó thử sake vì nó nói chưa từng bao giờ uống qua. Thấy ngon và ấm nên nó không ngại làm thêm vài shots. Thấy nó ngà ngà và nói chuyện thân mật nên tôi hỏi thử nó với con bồ sống chung với nhau tiền bạc tính sao? Nhà của nó nên con bồ trả nó tiền nhà mỗi tháng. Điện nước đồ ăn chia đôi. Ngủ chung thì miễn phí. Quá lời luôn.

Trưa hôm qua ra Eden ăn tô bún mắm nghe thiên hạ nói chuyện tào lao. Tại sao mấy ông muốn mấy bà về Việt Nam còn mấy bà thì lại cấm mấy ông không được về. Mấy ông về Việt Nam rồi chỉ còn thân xác trở lại Mỹ. Hồn thì vẫn ở lại Việt Nam. Còn quý bà thì khác. Khi các bà về Việt Nam trở lại Mỹ răng trắng hơi, mũi thon hơn, và ngực nở hơn. Hỏi xem ông nào mà không muốn vợ về Việt Nam? Hơi exaggerate một chút nhưng cũng vui.

Lan Anh: Tình khúc xưa

Lan Anh có chất giọng tốt: khỏe và cao. Cô chuyên trở từ alto qua soprano dễ dàng nên hơi tự tin. Đang lái xe một mình mà nghe cô trình bày “Đôi mắt người Sơn Tây” (Quang Dũng) với volume cao tôi phải kéo cửa sổ xuống. Tôi không sợ giọng cao nhức nhối của cô làm bể màng nhĩ mà chỉ lo ngại bể kính xe phải tốn tiền. Cô đẩy giọng mình qua khỏi khu vực dễ chịu cho người nghe. Bù lại cô hát chừng mực những tác phẩm như “Hẹn hò” (Phạm Duy) và “Bản tình cuối” (Ngô Thụy Miên). Riêng “Từ giọng hát em” (Ngô Thụy Miên) miêu tả chính xác về giọng hát Lan Anh: “Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao một trời một trời.”

Contact