Phi chính trị

Hôm trước tôi tình cờ trò chuyện với một đứa cháu gái—tuy gọi là cháu nhưng nó cũng ba mươi mấy tuổi rồi. Tôi hỏi cháu có đi bầu cử không và cháu trả lời “không.” Vì chẳng phải là cháu của tôi nên cũng chỉ hỏi cho có lệ. Thế rồi cháu nói chuyện với cậu thật của nó. Thì ra cháu chẳng biết gì về chính trị và cháu chưa từng đi bầu cử cho dù cháu có thể sinh tại Mỹ hoặc định cư lúc còn rất nhỏ.

Tôi thật sự ngưỡng mộ sự thơ ngây của cháu. Cháu có thể sống một cách thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào và điên đảo của chính trị diễn ra từng ngày trong xã hội. Thật sự thì biết cũng chẳng có ích lợi gì. Chính trị ở Mỹ bị mua bán từ mấy chục năm qua. Càng theo dõi càng thêm phiền muộn. Tôi đã cố gắng gạt bỏ nó qua đời sống của mình vì nó đã khiến tôi mất tình cảm bạn bè và người thân trong gia đình. Tôi thấy không đáng.

Tôi muốn tinh thần được trở lại như cháu. Chỉ cần làm những gì mình thích và chỉ quan tâm đến những gì ảnh hưởng đến riêng mình. Suy nghĩ như thế có lẽ quá hẹp hòi nhưng cuộc sống sẽ thoải mái và thanh thản hơn. Những ngày tháng sắp tới sẽ còn gây cấn và căng thẳng hơn. Chắc phải deactivate Facebook một thời gian để qua vụ bầu cử tổng thống.

Đúng ra tôi phải theo đảng Cộng Hòa vì không ai điên đến nỗi tự đánh tay nuôi cái miệng. Từ lúc đảng Cộng Hòa lên, nơi tôi làm càng mạnh. Đã nhiều giáo viên tạm nghỉ dạy theo lời kêu gọi của chính phủ. Trong bốn năm vừa qua trường đã nhận gần 100 triệu tiền đóng góp từ những tay Mạnh Thường Quân của đảng Cộng Hòa. Cho dù như thế tôi vẫn không thể chấp nhận đường lối vô lương tâm và sự rụt rè của những nhà lãnh đạo bên đảng Cộng Hòa. Linh hồn của họ đã bị con đười ươi màu da cam cướp đi mất. Họ không còn là những thủ lĩnh làm việc cho dân nữa. Họ đã trở thành những con chốt bị điều khiển. Họ chọn sự trung thành với đảng trên cả đất nước. Họ chỉ lo cho người giàu mà không quan tâm đến những người trung bình và người nghèo. Thật đáng tiếc quá.

Tôi không biết rồi đây sẽ bị ảnh hưởng gì trong công việc nếu đảng Cộng Hòa không còn mạnh nữa nhưng đất nước sẽ tốt hơn với một vị tổng thống mới. Nhất là sau khi đánh gục con đười ươi đã tung hoành phá hoại đất nước trong mấy năm qua. Tôi biết rất nhiều người trong cộng đồng Việt rất tôn thờ con đười ươi. Đó là quyền lợi tự do của họ. Chỉ hy vọng rằng dù sao đi nữa tình đồng hương, tình bạn bè, và nhất là tình người thân không bị ảnh hưởng. Cho nên nếu tôi có lời xúc phạm xin bỏ qua. Tôi không cố ý. Dù chính trị có thay đổi thế nào tình cảm của tôi đối với người thân vẫn không đổi thay. Lý do đơn giản vẫn là không đáng.

Kỷ niệm 29 năm của chị Thư và anh Hội

Cuối tuần cả gia đình tôi đi dự buổi tiệc kỷ niệm 29 năm của chị Thư và anh Hội. Nhìn thấy anh chị gần 3 thập kỷ vẫn yêu thương như thuở ban đầu, tôi rất hâm mộ.

Gia đình chị Thư quen với gia đình vợ tôi từ lúc còn ở Việt Nam. Bố mẹ vợ tôi và bố mẹ chị là bạn thân. Tôi không biết nhiều về chị nhưng nhận ra được sự cởi mở và thân thiện của chị mỗi lúc gặp và trò chuyện. Chị là người đã đưa hai thằng con trai và thằng cháu tôi đến võ đường của anh. Dĩ nhiên là hai thằng nhỏ con tôi và thằng cháu nhỏ cũng sẽ bái anh làm sư phụ khi tụi nó chịu nghe lời.

Tôi biết anh Hội qua võ đường Thần Phong. Tuy chỉ gặp anh vài phút những ngày cuối tuần lúc đưa mấy thằng con đến học võ, nhưng tôi luôn kính trọng bản chất khiêm tốn và điềm đạm của anh. Anh dạy từng đứa tận tình theo năng khiếu của mỗi đứa. Tôi tin rằng anh không chỉ dạy võ cho mấy đứa nhỏ mà luôn cả đạo đức làm người. Hy vọng bọn nó sẽ học hỏi võ thuật và noi gương theo nhân cách của thầy.

Tôi lấy làm vinh hạnh được chứng kiến buổi tiệc thật ấm cúng của anh chị. Con gái anh chị ca bài “The Power of Love” tặng cha mẹ đầy ý nghĩa. Bạn bè hát những bài nhạc tình gửi tặng cặp vợ chồng hạnh phúc. Đặc biệt là anh chị cùng song ca “Bài ca hạnh ngộ” của Lê Uyên Phương. Khi anh chị cất câu, “Rồi mai đây đi trên đường đời / đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn,” tôi hiểu được tình yêu bền lâu của anh chị. Lúc mới yêu và mới cưới, đôi uyên ương nào cũng nắm chặt lấy tay nhau. Nhưng khi đường đời đầy chông gai họ có còn nắm chặt hay không hay buông tay âm thầm tìm về cô đơn? Lê Uyên Phương đưa hai câu này vào nhạc thật độc đáo.

Vợ chồng tôi cũng nhận thức được hai câu này và hy vọng rằng chúng tôi cũng sẽ có kỷ niệm 29 năm như anh chị. Cám ơn anh chị đã cho chúng em cùng chung vui với anh chị trong một ngày tràn đầy ý nghĩa tình yêu. Qua tình cảm anh chị dành cho nhau, tôi tin chắc rằng anh sẽ đưa chị đến cuối cuộc đời.

Xuân Hảo: Bản tình trầm

Xuân Hảo có giọng ca trầm đẹp. Qua Bản tình trầm Hảo cover lại những ca khúc lãng mạn như “Tháng giêng và anh” và “Niệm khúc cuối” (Ngô Thuỵ Miên) rất trung thành. Những bài hoà âm cũng đơn giản không có gì mới lạ. Hảo cũng cover lại những bài trữ tình như “Tình bơ vơ” (Lam Phương) và “Mùa đông của anh” (Trần Thiện Thanh). Chỉ có khác là không đủ sến thôi. Album nghe cũng tạm. Không dỡ cũng chẳng có gì nổi bật.

Vì sao tôi viết

Tôi không viết văn, chỉ viết lách. Tôi không viết hay, nhưng hay viết. Tôi viết theo cảm nhận của mình nên thỉnh thoảng không phân biệt được những gì nên chia sẻ và những gì nên giữ lại. Một khi viết xuống tôi không bỏ, trừ khi có va chạm và dĩ nhiên có nhiều lần không tránh khỏi. Thế thì tạo sao không viết vào tập hay nhật ký riêng mà viết trên mạng? Lý do đơn giản là tôi sống trên mạng và nuôi sống bằng mạng.

Viết không phải là nghề nhưng có liên quan đến công việc tôi đã chọn và đang thực hành gần 20 năm. Lúc mới vào nghề tôi chỉ thiết kế trang web và rất thích thú mỗi khi sản phẩm của mình được tung lên mạng. Nhưng một quá trình có thể kéo dài đến một tháng, ba tháng, hoặc một năm. Tôi thiếu nhẫn nại nên đâm ra chán. Nhưng trào lưu blog đã cho tôi một thú vị mới. Trang mạng không chỉ để trưng bày thiết kế của mình mà còn cho tôi thêm một tiếng nói. Từ đó thiết kế và viết trở thành sự liên kết giữa niềm đam mê và nghề nghiệp của tôi.

Không ai trả tiền cho tôi viết (nhưng nếu bạn muốn đãi tôi ly cà phê thì tôi sẵn sàng tiếp nhận) nên viết là sự tự do của tôi, muốn viết gì viết. Viết khác hẳn với thiết kế vì thiết kế nhiều lúc không theo ý mình mà phải tuân theo người trả tiền hoặc theo cấp trên. Có khi không ưng ý cũng phải chấp nhận. Cho nên sự tự do trong viết rất cần để tôi cân bằng với sự gò bó trong thiết kế. Tôi còn tồn tại theo đuổi nghề gần hai thập niên là nhờ vào viết để nuôi dưỡng niềm đam mê cho thiết kế.

Mười mấy năm qua tôi đã tạo cho mình một ngôi nhà riêng trong thế giới mạng. Nó chỉ là một ngôi nhà nhỏ trong hàng tỷ ngôi nhà nhưng nó là một ngôi nhà rất riêng của tôi. Một ngôi nhà mang một cái tên rất riêng và địa chỉ riêng (Visualgui.com). Một ngôi nhà được thiết kế rất riêng. Một ngôi nhà được xây dựng từng đoạn mã chứ không phải lấy khuôn mẫu của người khác tạo ra. Từng mẫu chữ, từng màu sắc, từng thẩm mỹ được chính tay và mắt tôi tuyển chọn kỹ lưỡng để cách trình bày gọn gàng, rõ ràng, thân thiện, và quan trọng nhất là dễ đọc.

Dĩ nhiên ngôi nhà của tôi lúc nào cũng rộng mở để đón nhận những ai viếng thăm. Thích thì vào đọc không thích thì đi. Không tốn kém gì hết. Tôi không tự hào hết những gì tôi đã viết nhưng tôi rất quý trọng nơi cho tôi một không gian để chia sẻ những cảm xúc của mình. Đúng hay sai chỉ là những gì tôi cảm nhận lúc viết. Đừng bận tâm gì cả.

Theo thói quen, tôi viết vào buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc vào đêm khuya. Dĩ nhiên là không ngồi vào bàn viết mà nằm nướng trên giường gõ iPhone. Buổi sáng đầu óc tỉnh táo nên lấy từ những nguồn cảm hứng tươi đẹp. Trái lại những đêm khuya, nhất là những lúc khó ngủ, đầu óc mệt mỏi nên thường viết về những phiền muộn vì thế nhiều lúc những gì không nên chia sẻ cũng thoát ra. Dù vui hay buồn, sâu hay cạn, tư hay công, tốt hay xấu, tôi viết để trị liệu tinh thần. Viết để giải thoát căng thẳng. Viết để xoa dịu tâm hồn. Và như thế tôi viết trong từng ngày. Và như thế tôi viết trong cuộc đời. Và tôi viết bằng trái tim của tôi.

Đặng Nguyễn Đông Vy: Hãy tìm tôi giữa cánh đồng

Quyển sách được chia làm hai phần. Phần đầu gồm những bài tản văn ngắn ngủi dễ thương tác giả viết về những ký ức đẹp đẽ và thơ mộng ở thôn quê. Đông Vy viết nhẹ nhàng, gọn gàng, và dễ đọc. Như lời tâm sự của cô về di chúc: “Tôi chợt nhận ra cuộc sống sự thật quá ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra rằng làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa.” Phần thứ nhì của sách gồm những truyện ngắn tình cảm. Sự thay đổi từ những chuyện của “tôi” trong tản văn đổi qua chuyện tình yêu của người khác khiến cho người đọc có cảm giác xa lạ. Những câu chuyện tình yêu nam nữ không còn thu hút nữa. Hơi uổng một tí.

Tình cha con

Chiều qua trong lúc ăn tối, gia đình bàn tán cuối tuần nghỉ ba ngày lễ sẽ đi đâu. Hai thằng lớn muốn đi trượt tuyết. Nếu đi thì chỉ có ba cha con thôi vì Xuân và Vương chưa biết chơi. Dù thích đi trượt tuyết lắm nhưng tôi muốn những ngày nghỉ bên gia đình, nhất là với thằng út.

Bỗng nhiên Đán hỏi ngày xưa ông nội có đi trượt tuyết với ba không? Tôi trả lời là không vì Việt Nam không có tuyết. Nó hỏi tiếp vậy ông nội đi chơi đâu với ba? Tôi bảo ngày xưa ông nội đi làm xa có lúc cả tháng chỉ về có một hai ngày rồi đi tiếp nên cũng không có thời gian dành cho ba.

Tôi nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại ba. Lúc nhỏ tôi không được gần ba nhiều. Sau này qua Mỹ hình dáng người cha trong tôi càng ngày càng xa dần theo thời gian. Bốn mươi hai năm trôi qua tình cha con vẫn hững hờ.

Lần vừa rồi tôi về Việt Nam (mới đây mà đã ba năm), ba có nói lý do tại sao ba bỏ lại mẹ con tôi ở Mỹ. Tôi cũng không biết phải nghĩ sao vì tôi không hiểu được tình cảm của ba mẹ. Nếu được chọn giữa mái ấm gia đình có ba mẹ ở Việt Nam và cuộc sống thiếu cha ở Mỹ, tôi sẽ chọn ở lại Việt Nam. Nhưng đó là sự quyết định giữa ba mẹ còn tôi thì đã được sắp đặt chứ không được chọn lựa.

Nếu như trong trường hợp của tôi, dù khó khăn trong công ăn việc làm, tôi vẫn sắp xếp để không rời xa con cái. Trừ khi vợ chồng ly dị, tôi không nghĩ một gia đình phải sống xa nhau, nhất là lúc con cái ở tuổi cần có cha mẹ trong cuộc sống của nó và hiện diện trong những sinh hoạt của nó.

Tôi không trách ba đã không dìu dắt tôi qua những ngày tháng tôi cần ông nhất. Tôi chỉ không muốn những đứa con của mình phải sống thiếu đi tình cảm của người đã tạo ra nó.

Một ngày bình thường

Sau ba năm, tôi mới đi khám tổng quát lại hôm qua. Nhịn ăn từ chiều hôm trước để thử máu. Khi cô y tá rút hai ống máu từ tay, tôi choáng váng và lạnh cả người. Thế là phải nằm xuống cho cô quạt và cho nước uống. Mười lăm phút sau mới cảm thấy bình thường trở lại. Định vào văn phòng làm việc nhưng thôi về nhà làm luôn.

Trưa đến vợ rủ đi ăn lẩu buffet lấy lại sức. Ừ lâu quá không ăn lẩu cũng thèm. Trời mưa lạnh lạnh có lẩu nóng và cay còn gì bằng. Thế là vợ chồng, mẹ vợ và Vương làm một nồi lẩu to chia hai, một bên nước lèo cay, một bên không cay. Làm thêm một bình saké nóng. Ăn xong làm việc không nổi vì quá buồn ngủ. Tranh thủ giải quyết hết đám email rồi chạy lên phòng. Đang ngủ như chưa từng được ngủ mấy ngày liên tiếp. Vợ đánh thức dậy đi đón con ở trường rồi đưa đi bơi nhưng dậy không nổi nên giao phó nhiệm vụ lại cho vợ.

Tôi mò xuống làm việc tiếp mới chợt nhớ hôm nay chưa có cà phê nên vừa buồn ngủ vừa nhức đầu vừa uể oải. Chất caffeine đã ngắm vào máu rồi không có chịu không nổi. Làm một ly cà phê tỉnh táo liền. Gần năm giờ chiều Vương thức dậy. Dạo này tôi ít dành thời gian cho thằng út vì bận chạy show cho mấy thằng lớn. Hôm nay chỉ có hai cha con nên rủ nó đi indoor playground vì trời còn mưa. Thế là nó hớn hở mang giày, bận áo ấm vào, và mở cửa ra xe. Hai cha con chơi với nhau từ năm giờ đến bảy giờ playground đóng cửa mới chịu về.

Tội nghiệp thằng út không được đi chơi nhiều ba như mấy thằng anh nên được ra khỏi nhà như chim sổ lòng. Nó mừng rỡ chạy nhảy và luôn luôn nở nụ cười trên môi. Và thế tôi cũng thấy vui và hạnh phúc được những giây phút nhẹ nhàng không nghĩ ngợi nhiều. Chỉ cần thả hồn để trở về tuổi thơ. “Đời vẽ trong tôi một ngày / Rồi vẽ thêm đêm thật dài / Từ đó tôi thề sẽ rong chơi.”

Niềm bất hạnh

Chiều chủ nhật tôi đi đám tang con của một anh trưởng trong liên đoàn hướng đạo. Cháu qua đời vì cơn nhồi máu cơ tim. Cháu mới 28 tuổi. Tuy quen anh không lâu nhưng tôi ngậm ngùi xót xa cùng anh. Tôi không thể nào chia sẻ nỗi đau đớn của một người cha phải tiễn đưa con mình ra đi vĩnh viễn.

Trong lúc đám tang một anh trưởng khác cho tôi biết bảy năm trước anh cũng làm tang lễ cho con trai lớn của anh. Cháu mất lúc 22 tuổi. Tôi điếng lặng cả người. Tôi nghe và chứng kiến hoàn cảnh của họ mà không thể nào không nghĩ đến chính mình. Làm cha mẹ mà phải chấp nhận và đối diện với nỗi bất hạnh như thế. Tôi không thể nào tưởng tượng nỗi. Tôi cứ nghĩ luật của thiên nhiên là tre già măng mọc. Đâu ngờ rằng lại có nhiều trường hợp không theo luật lệ của thiên nhiên như thế.

Về đến nhà tôi ôm mỗi đứa con vào lòng. Vì không biết tương lai sẽ ra sao nên tôi không thể nào lơ là. Tôi không thể đợi ngày mai. Phải sống cho từng giây phút và “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người.”

Phiên Nghiên: An trú giữa đời

Cái thú vị khi đọc tạp bút của Phiên Nghiên là những bài viết cho tôi có cảm giác như đang đọc một trang blog cá nhân mà không cần dùng đến mạng. Vì mỗi bài văn ngắn gọn như mỗi bài post, tôi có thể đọc bất cứ lúc nào có thời gian rảnh rỗi. Phần nhiều Phiên Nghiên viết về những cảm nhận của mình trong đời sống. Cô viết tự nhiên, trôi chảy, và không gò bó. Không phải người viết blog nào cũng đạt được.

Tuy còn trẻ nhưng Phiên Nghiên có những nhận xét chững chạc. Chẳng hạn cô viết về hạnh phúc, “Không bao giờ và không ai có thể nắm giữ được người khác nếu người đó không muốn, cho nên hãy dựng xây an lạc từ phía mình, từ từng điều nhỏ mình làm cho ngày, cho người mà thôi.” Tôi cũng nhận thấy như thế sau vài trải nghiệm trong cuộc sống của mình.

Qua cách quan sát xung quanh của Phiên Nghiên về con người hoặc thiên nhiên, tôi cảm nhận được lối sống nhẹ nhàng của cô. Điểm yếu của sách là quá nhiều bài nên không thể nhớ hết nổi nhưng câu chuyện dễ thương khiến tôi nhớ nhất được kể về mẹ của tác giả học Anh văn. Và đây là câu văn làm tôi nhớ về quê hương: “Thời còn đạp xe đi học ở Mỹ Tho mình thích chạy ngang đường Trần Hưng Đạo có lò làm bánh tây lúc nào cũng thơm nức thơm nở, hay đi đường tắt qua chợ Hàng Còng để hít hà mùi chuối chiên, hay ngang qua góc ngã tư đường Lê Đại Hành kế trường học là mùi hoành thánh mì mỗi sáng.” Tôi đã từng có những cảm giác như thế 30 năm trước đến giờ vẫn không phai nhạt.

Ngày đầu năm

Sáng thứ bảy mưa lâm râm muốn nằm nướng tiếp nhưng phải dậy đưa Đạo và Đán đến Eden Center múa lân. Chín giờ đợi đến mười một giờ mấy mới bắt đầu múa. Hai thằng con múa con lân nhỏ. Nói múa nhưng đứng ngớ ngẩn thì nhiều hơn. Tuy nhiên lần đầu như thế là vui rồi.

Ở đây cộng đồng ăn Tết cũng khá nhộn nhịp. Đã lâu lắm rồi mới được nghe lại những tiếng pháo nổ giòn giã. Người ta bịt mũi vì sợ mùi pháo còn tôi thì hít vào mùi thuốc để có chút cảm giác của tuổi thơ.

Chiều về mệt rã rời nhưng cũng vui khi được gia đình cậu mợ Sáu viếng thăm trong ngày Tết. Tối đến ăn lẩu cùng gia đình bên vợ gồm ba gia đình với tám thằng nhóc.

Khuya đi quán nhậu Làng Văn cùng anh Tân với mấy người bạn. Quán vắng tanh chỉ có riêng bàn chúng tôi. Bia Heineken lạnh. Mồi ngon (ruột heo chiên giòn xào với dưa cải). Hát karaoke cùng những người bạn dễ thương. Đến hai giờ khuya quán đóng cửa nên về nhà anh Khôi chơi tiếp. Tôi mang theo chai Patrón trắng. Đang hứng thú nên tiếp tục làm vài shots. Nhưng đến shot thứ ba là tôi quắt rồi nên bò vào phòng trống ngủ.

Vì ngủ dưới basement nên không biết trời trăng gì cả. Đến chín giờ sáng hôm sau vợ nhắn tin tôi thức giấc nghe tiếng đàn piano solo bài “Cõi vắng.” Tôi đoán là anh Tân đang đánh. Tôi lên lầu nói chuyện với anh Tân vì trong nhà không còn ai. Gia đình anh Khôi đã đi ski. Mấy người bạn nhậu đêm qua cũng đã về. Tôi cũng tạm biệt anh Tân.

Về đến nhà thấy vợ không được vui. Tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi trận chiến giữa Đức và Mễ Tây Cơ trong cơ thể. Tôi cố gắng lấy hết sức để chụp hình Tết cùng gia đình vợ. Mọi người vẫn vui vẻ hoặc có vẻ vui vẻ chỉ có vợ vẫn hầm hầm. Tôi biết mình quá chén và không độ sức mình. Chẳng lẽ vậy là cho rằng tôi không nghĩ đến người khác mà chỉ riêng mình? Một năm tôi đi nhậu cùng bạn bè một hoặc hai lần. Thường thì chỉ uống rượu một mình. Tôi cảm thấy đâu có gì quá đáng. Chẳng lẽ phải mất hết tự do đến thế.

Tôi đâu bỏ bê con cái. Từ chín giờ sáng đến mười giờ đêm tôi đã dành trọn thời gian cho gia đình. Còn bị mấy người bạn chọc là đã hoàn thành bổn phận cha nên đi nhậu hăng hái lắm. Cuộc đời đến tuổi 41 cũng có vậy thôi.

Hôm nay nghe tin Kobe Bryant bị chết vì tai nạn trực thăng mình cũng bùi ngùi. Kobe cũng 41 tuổi như tôi. Lúc tôi phải đi học đại học thì anh chàng này chơi bóng gỗ thật tài giỏi và dĩ nhiên kiếm rất nhiều tiền. Tôi rất hâm mộ anh ta. Bây giờ mới thấm thía rằng có tiền cũng có cái hại. Thôi thì mỗi người mỗi số mạng. Biết nói gì hơn ngoài những giây phút ngậm ngùi.

Contact