Nhạc Trịnh Công Sơn Qua Tiếng Hát Ngọc Lan

Dòng nhạc Trịnh Công Sơn không phải là sở trường của Ngọc Lan nên cô hát rất ít so với số lượng bài cô để lại cho đời. Khoảng 800 ca khúc cô thu âm, 32 tác phẩm nhạc Trịnh (tôi được nghe). Tuy nhiên đó cũng là thế lợi vì cô không bị gò bó bởi kỹ thuật hoặc ảnh hưởng từ những danh ca đã thành công lẩy lừng với nhạc Trịnh, nhất là Khánh Ly. Ngọc Lan không chỉ hát khác hẳn với Khánh Ly mà còn thổi vào một luồng không khí mát lạ, ngọt ngào, trong sáng, và đầy cảm xúc riêng của mình vào ca từ nhạc Trịnh.

Vì 32 bài được tập hợp từ nhiều album khác nhau nên lối hòa âm phối khí mỗi bài mỗi nét. Tuy vậy nhưng lối trình bày của Ngọc Lan vẫn thống nhất nên người yêu nhạc Trịnh và tiếng hát Ngọc Lan được thưởng thức suôn sẻ. Riêng cá nhân người viết này thì tập trung vào giọng hát và ca từ nhiều hơn là phần hòa âm.

Trong “Đêm thấy ta là thác đổ”, Ngọc Lan ca nhẹ như hơi thở và dịu ngọt như dòng suối. Giọng cô gần gũi tuy nhịp trống có phần nào chen vào sự thân mật giữa cô và người nghe. Nếu có thể thay đổi nhịp điệu điện tử bằng tiếng trống nhè nhẹ để nhường không gian cho tiếng hát cùng lời tâm sự với tiếng đàn acoustic guitar thì tuyệt vời hơn.

Với cách hát mọc mạc đầy cảm xúc, Ngọc Lan diễn tả rất đạt những bài mang tính cách triết lý của Trịnh. Trong “Một ngày như mọi ngày”, Ngọc Lan trút hết tâm hồn vào lời ca như đang tự sự lòng mình:

Một ngày như mọi ngày
Đời nhẹ như mây khói
Một ngày như mọi ngày
Mang nặng hồn tả tơi

Hoặc những lời thơ lý thuyết của loài người trong “Cỏ xót xa đưa” như: “Người đã đến và người sẽ về bên kia núi”. Và cũng giống người nhạc sĩ tài hoa, Ngọc Lan không chỉ coi nhẹ mà còn ca tụng cái chết trong giai điệu tươi vui của “Bên Đời Hiu Quạnh”:

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi

Với những tác phẩm khá tiêu biểu đã được nhiều ca sĩ thu âm như “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Ru ta ngậm ngùi”, và “Hạ trắng”, Ngọc Lan lôi kéo chúng về với thế giới riêng biệt của mình. Sự tuyệt diệu của cô trình bài “Ru em từng ngón xuân nồng” là không để sơ hở kỹ thuật. Nghe thoáng qua thì thấy cô ca rất dễ dàng nhưng lắng nghe kỹ mới để ý lối bắt câu ngắn gọn không quá chau chuốc và sự kiểm soát hơi thở của mình. Cách phân câu điêu luyện của Ngọc Lan có thể nhận ra được trong bốn câu đầu của “Ru ta ngậm ngùi”. Cô chuyên chở từ giọng thấp trầm (contralto) đến giọng cao (mezzo-soprano) rất nhã nhặn, không thều thào hay gào thét.

Với “Hạ Trắng”, Ngọc Lan cất lên hai chữ “Gọi nắng” như một phép lạ xua mây bay đi để “Nắng lên thắp đầy”. Tiếng saxophone thanh thao của Thanh Lâm cũng reo hò theo để làm nổi bật thêm giọng ca đầy cảm xúc. Trái lại thì tiếng kèn soprano chua chát, cùng với cách phối khí rùng rợn, đã lấn đi tiếng hát của cô trong “Ru Tình”. Không chỉ vậy mà phần điệp khúc còn chen vào phần hard-rock guitar choáng cả màng nhĩ. “Ru tình” như thế chắc tình cũng phải bịt tai bỏ chạy. Vả lại bài này thu âm vào lúc cơn bệnh đã khiến giọng Ngọc Lan mất đi chất đậm đà. Sai lầm hơn nữa là bài “Lời buồn thánh”. Lời hát thì buồn thảm, “Chiều chúa nhật buồn / Nằm trong căn gác đìu hiu”, mà nhạc thì dồn dập điệu new wave như đang ở một vũ trường. Có lẽ người nhạc sĩ hòa âm nghe ca từ buồn quá nên làm nhạc nhanh cho đỡ sầu thảm. Thôi thì cứ xem như là một thí nghiệm lạc đề.

Có một số bài không phải ở người hát mà là hòa âm làm mất đi những vẽ đẹp. Nếu có thể tách lời hát ra và làm hòa âm lại thì chắc rất hay. Dù sao đi nữa đây cũng là những sản phẩm rất quý còn duy trì trong làng âm nhạc Việt Nam.

Ngọc Lan đã đem tiếng hát cho đời rồi cũng đã lặng lẽ ra đi. Cô hát mấy câu cuối của ca khúc “Lặng lẽ nơi này” như gửi gấm tâm trạng của mình:

Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi

Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi.

Và tiếng hát thương yêu ấy đã về vùng trời bình yên.

Updated June 25, 2022