Hà Lê: Ở trọ

Đây là lần đầu tiên tôi nghe giọng hát của Hà Lê nên cũng chẳng rõ lai lịch của em (mới Google biết em 35 tuổi nên nhỏ hơn tôi) nhưng tôi thích ngay cách em biến hoá nhạc xưa với âm hưởng hiện đại. Từ “Huế, Sài Gòn, Hà Nội” được đổi mới qua giai điệu reggae, đến “Biển nhớ” với electronic hip-hop, đến “Ở trọ” với không gian ambience, Hà Lê cùng những nhạc sĩ hoà âm thổi vào ca khúc Trịnh Công Sơn những luồng gió contemporary. Đã lâu rồi mới được thưởng thức nhạc Trịnh với những thay đổi mới lạ.

Đặng Anh Đào: Hoài niệm và mộng du

Đọc đến trang 95 mà vẫn không nhập được vào những câu chuyện trong hồi kí của tác giả. Chắc là vì tôi biết rất ít về Hà Nội và hoàn toàn không biết gì về Sầm Sơn. Hơn nữa những nhân vật cùng thời của bà tôi càng không biết, ngoài Hồ Chí Minh. Tuy nhiên bà còn viết được sách ở tuổi 85 thì đầu óc còn quá tốt.

Mừng sinh nhận 83 của Mẹ

Gần đây con bận rộn quá nên xém một chút quên ngày sinh nhật của mẹ. Con thành thật xin lỗi mẹ. Đã lâu rồi không gặp mẹ. Xin mẹ thông cảm nhé. Chừng nào cơn đại dịch lắng xuống con sẽ đưa đám cháu về thăm mẹ. Con xin chúc mẹ luôn mạnh khoẻ.

Kì thị

Khi đọc những lời lẽ miệt thị người Mỹ Da Đen, tôi xót xa và xấu hổ cho cộng đồng Việt ở Mỹ. Trong giờ phút này cộng đồng của chúng ta phải tranh đấu cho sự bất công của cộng đồng Da Đen. Nếu như chúng ta không lên tiếng kêu gọi thay đổi thì đừng thêm dầu vô lửa với những từ ngữ khinh bỉ như “lười biếng,” “vô giáo dục,” “thấp hèn,” hoặc “trộm cướp.”

Sinh mạng của người Mỹ Da Đen thật đáng trân trọng. Họ đã trải qua quá nhiều sự bất công và sự kì thị. Từ lúc làm nô lệ bị đánh đập và thậm chí bị treo cổ, họ đã đấu tranh để được quyền công bằng. Sau 400 năm, giờ đây sinh mạng của người Da Đen vẫn nằm trong tay những người có nhiệm vụ bảo vệ họ. Người Mỹ Da Đen biểu tình vì sinh mạng của họ vẫn bị nguy hại. Người Mỹ Da Đen biểu tình vì sinh mạng của họ dễ dàng cướp đi chỉ vì màu da của họ. Người Mỹ Da Đen biểu tình cho mạng sống của họ. Người Mỹ Da Đen biểu tình cách đối xử hung bạo và tàn nhẫn với họ. Những kẻ cướp bóc chỉ lợi dụng hoặc muốn tàn phá sự biểu tình bình lặng của họ.

Nước Mỹ nợ người Mỹ Da Đen rất nhiều. Điều ít nhất người Mỹ có thể làm là tôn trọng mạng sống của họ. Việc chúng ta có thể làm được là thay đổi chính quyền trong cuộc bầu cử sắp tới. Những lời lẽ khinh bỉ và kì thị nên giữ lại cho chính cá nhân thôi.

Kỷ niệm 12 năm

Hôm qua tôi đùa với bà xã, “12 năm nô lệ, em cảm thấy sao?” Cũng may là chưa bị dũa. 12 năm thành vợ thành chồng cùng nhau chia sẻ cay đắng ngọt bùi. 12 năm vẫn sát cánh bên nhau cho dù thế giới biến đổi và cuộc sống đảo điên.

Nhất là trong những ngày tháng đại dịch, chúng tôi càng gần nhau hơn. Gặp nhau từng phút từng giây mà chưa chém giết nhau hay thù oán nhau thì vẫn còn yêu nhau. Dù ghét nhau, giận nhau, cãi nhau, phiền nhau, đổ lỗi cho nhau, nhưng xin đừng xa nhau. 12 năm cảm xúc nào cũng đã bộc lộ.

Lúc mới quen chúng tôi đã có những giây phút khá lãng mạn qua những nhạc phẩm đã ghi lại mối tình của hai đứa. Sau 12 năm không biết những lời nhạc vẫn còn như thế hay đã thay đổi. Chẳng hạn như “Tình tự mùa xuân” của Từ Công Phụng:

Em lại đây với anh
Ngồi đây với anh
Trong cuộc đời này.
Nghe thời gian lướt qua
Mùa xuân khẽ sang
Chừng như không gian đang sưởi ấm
những giọt tình nồng.

Bây giờ mỗi bữa cơm còn nuốt không trôi với mấy thằng nhóc nữa huống gì ngồi lại với nhau để sưởi ấm những giọt tình nồng.

Rồi còn “Vì đó là em” của Diệu Hương:

Không cần biết em là ai
Không cần biết em từ đâu
Không cần biết em ngày sau.
Ta yêu em bằng mấy ngàn biển rộng
Ta yêu em qua đông tàn ngày tận
Yêu em như yêu vùng trời mênh mông.

Giờ thì biết em quá rồi. Tranh cãi lộn với em mỏi cả mồm vẫn không thắng được. Vì có đôi lúc em không cần lý lẽ.

Còn “Nụ hôn gởi gió,” nhạc Hoàng Việt Khanh và thơ của Hiền Vy: “Môi em mọng đỏ, là đỏ như mơ / Cho anh nhờ gió hôn vào là vào môi em.” Có những hôm em đang làm cá thấy thương nên hôn nhẹ lên cổ vai em. Em quay lại hỏi, “Muốn gì?” Lãng mạn nay đã trở thành lãng xẹt.

Cũng may là lời trong “Bài ca hạnh ngộ” của Lê Uyên Phương vẫn không thay đổi: “Rồi mai đây đi trên đường đời / Đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn.” Đúng thế 12 năm tuy không còn nắm tay nhau nữa nhưng vẫn không buông tay âm thầm tìm về cô đơn.

Giờ đây coronavirus vẫn còn tung hoành nên cũng không ăn mừng gì. Thôi thì xin mượn bài viết này để ghi lại kỷ niệm 12 năm.

Happy anniversary to the love of my life.

May mắn

Tuần rồi tôi có đăng lên vài tấm hình mấy đứa con lên blog. Có một đọc giả gửi thư nhắc nhở rằng tôi là một người chồng và một người cha may mắn. Đúng thế, tôi là người đàn ông rất may mắn mặc dù vợ tôi không được hiền và con tôi không được ngoan.

Đừng hiểu lầm nhé. Tôi không phải nói vợ tôi là bà chằn và đám con tôi là lũ quỷ. Tuy nhiên “vợ hiền con ngoan” thì không thực tế cho lắm. Vợ chồng sống chung mười hai năm, không thù ghét nhau là may mắn rồi. Những lời lẽ nhỏ nhẹ và ngọt ngào của thuở ban đầu giờ đã thay thế bằng những lời cộc lốc và chua chát. Những câu nói đùa giỡn của ngày nào giờ chỉ khiến đối phương giận. Tôi thấy được sự hao mòn trong đôi mắt em.

Hai tháng nay sống quây quần trong nhà với vợ con đã trở thành thói quen. May mắn được vợ luôn lo lắng cho những món ăn thường ngày và lâu lâu những món ăn tinh thần. Còn đám nhỏ thì không lúc nào không khiến tôi mệt mỏi. Có con cái mới biết quý trọng những phút giây yên tĩnh. May mắn là bọn chúng khỏe mạnh và phát triển tốt. Mỗi ngày được chứng kiến sự thay đổi của thằng Vương là một niềm vui và hạnh phúc lớn. Những lời nói những cử chỉ của nó thật đáng yêu. Thấy nó được mấy thằng anh lớn thương yêu bảo bọc tôi cũng yên tâm.

Dĩ nhiên tôi không phải người chồng lý tưởng cũng không phải người cha hoàn hảo. Tôi có những khuyết điểm của mình và cố gắng vượt qua. Dù sao đi nữa thì tôi vẫn là người rất may mắn.

Lời khuyên

Lại một người nữa giống như tôi nên tôi đồng cảm với sự khó khăn trong cách cư xử với nhau trong đời sống. Những chuyện càng tế nhị càng khó sử càng nên phải giải quyết.

Quan trọng là có gì không vừa ý phải nói ra. Bày tỏ những gì việc không hài lòng. Đừng yên lặng mà cứ ôm mãi trong lòng. Chuyện nhỏ sẽ chồng chất thành chuyện to. Ngày này qua tháng nọ những chuyện ấm ức rồi sẽ bùng nổ. Sống với nhau cần phải hiểu nhau. Nhường nhịn nhau vẫn chưa đủ cần có sự biết điều. Thà rằng mích lòng trước đặng lòng sau chớ đừng để mất lòng nhau. Một khi tình cảm đã sứt mẻ sẽ khó hàn gắn.

Hy vọng rằng người đừng đi đến kết quả như tôi. Còn cứu vãn được thì nên làm. Đừng để quá muộn màng giống như tôi. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Cho dù chỉ để gió cuốn đi.

Ngày của mẹ

Năm nay ngày của mẹ nhưng con không thể về bên cạnh mẹ. Mong mẹ thứ tha. Con hứa sau vụ coronavirus này chúng con sẽ về thăm mẹ.

Lâu rồi không gặp mặt nhau con nhớ mẹ lắm. Dường như thời gian xa cách tình cảm của mẹ đối với con có chút nhạt phai. Dĩ nhiên mẹ lúc nào cũng thương yêu con cái nhưng địa vị của con đã không còn như xưa. Có lẽ con đã trưởng thành nên mẹ không còn bận tâm như xưa. Có lẽ cuộc sống của con ổn định nên mẹ yên tâm. Có lẽ con bận bịu với con cái nên mẹ không muốn con phải thêm lo lắng cho mẹ. Đáng lý ra con phải là người lo lắng cho mẹ nhưng thật hổ thẹn con không thực hiện được. Mong mẹ hiểu và tha thứ.

Trong thâm tâm con mẹ lúc nào cũng quan trọng và lớn lao. Hình bóng của mẹ vẫn trọn vẹn không bao giờ thay đổi. Con biết rằng chỉ nói và suy nghĩ cũng không thể nào bằng được hành động nhưng ít nhất viết ra những tâm sự của mình con cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Có lần con ngỏ ý muốn mẹ về ở gần chúng con, mẹ đã nói một câu khiến con đau đớn vô cùng. Có lẽ cả cuộc đời này con sẽ không bao giờ quên. Con suy nghĩ mãi vì sao mẹ nói như thế. Chẳng lẽ mẹ cố ý nói như thế để con khỏi ái nấy phải về việc phải lo lắng cho mẹ. Chẳng lẽ mẹ muốn con được yên tâm để tập trung lo lắng cho gia đình của con.

Con hâm mộ chị Thơm và đội ơn chị rất nhiều vì chị luôn sát cánh bên mẹ. Tuy gia đình riêng của chị bị đổ vỡ nhưng bù lại chị được mẹ chở che. Chữ tình không trọn nhưng trọn chữ hiếu.

Hôm nay ngày của mẹ đáng lẽ ra phải nói lên những lời vui tươi nhưng lại viết xuống tâm sự của con đã ấp ủ từ lâu. Con không viết lại trên Facebook nên chắc mẹ cũng không đọc được những gì con đang viết ở đây. Thôi thì dân dịp ngày của mẹ con xin chúc mẹ sức khỏe dồi dào. Con thương mẹ và luôn nhớ đến mẹ. Mẹ vẫn là tất cả trong cuộc đời của con. Happy Mother’s Day!

Tản Viên: Chuyện tình kim chi

Chuyện tình hai trái tim Việt trên mảnh đất Hàn. Hoàng Anh và Kiều My sang Hàn Quốc du học thạc sĩ ngành Y. Chàng qua trước một khóa nên giúp đỡ nàng trong việc học, đưa nàng đi chơi, cùng thưởng thức những món ăn kim chi, rồi tình cảm nảy nở. Nguyên một sách chỉ có thể thôi. Tình cảm của họ hoàn hảo từ đầu đến cuối không một lần giận hờn, cũng không một lần cãi vã, cũng không một lần ghen tuông vì đâu có nhân vật thứ ba nào cản trở đâu. Tản Viên là Tiến sĩ Y học nên văn viết khô khan lại xen vào những từ ngữ Anh nên đọc hơi bị choáng. Ví dụ, “[Ở] Việt Nam họ làm kim chi cho người Việt nên phải giảm bớt cay đi và modify để phù hợp với khẩu vị.” Viết mẹ “thay đổi” cho rồi. Tiểu thuyết không thu hút cũng không hấp dẫn nên đọc cũng không hứng thú.

Nhớ gì nhất?

Hai tháng nay quanh quẩn trong nhà riết rồi cũng thấy quen. Dĩ nhiên là nhớ nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như buổi trưa lái xe ra khu Eden tìm món ăn Việt hoặc đi trượt băng cùng mấy thằng con hoặc đi bộ ra Dunkin Donuts uống cà phê. Nhưng nhớ nhiều nhất vẫn là những thư viện công cộng.

Bao nhiêu sách Việt tôi mượn trước khi thư viện đóng cửa đọc đã gần hết. Tôi đang đọc quyển cuối. Còn sách tiếng Anh, tôi lôi hết những sách cũ đã mua mà chưa kịp đọc ra đọc. Sau đó chắc phải đọc lại sách đã đọc rồi.

Thật sự nhớ thư viện lắm. Mỗi ngày sau khi ăn trưa không biết đi đâu cho tiêu cơm, tôi lại đến thư viện đảo đi đảo lại những kệ sách mới được trưng bày nhưng rồi không mượn sách nào cả vì tôi còn một số sách đã mượn nhưng chưa đọc. Thỉnh thoảng gặp chào hỏi cô bạn lúc trước làm chung ở trường. Tuy không thân thiện nhưng lâu lâu cũng tâm sự vài ba câu. Cô vui vẻ, dễ thương, và nhiệt tình.

Tôi ước gì thư viện mở cửa lại nhưng chỉ cho phép lấy sách ở ngoài chứ không được vào bên trong. Bây giờ mượn sách qua mạng quá dễ dàng. Chỉ cần đến trả sách hoặc lấy sách thì cũng an toàn. Tuy thư viện vẫn cho mượn ebooks nhưng tôi chưa bao giờ dùng. Tôi vẫn thích đọc sách bằng giấy hơn làm sách bằng điện. Vả lại đọc sách bằng iPhone dễ bị phân tâm. Tôi có vài quyển sách trong phone mà đọc mấy năm rồi cũng chẳng xong quyển nào. Nhưng nếu tình hình vẫn còn kéo dài thì chắc phải thử đọc sách điện.

Contact