Thích Nhất Hạnh: Tình người

Mẹ vợ để quyển sách “Tình người” của thuyền sư Thích Nhất Hạnh trên bàn làm việc cho tôi đọc. Lúc trước tôi có đọc một số sách của thầy Nhất Hạnh bằng tiếng Anh. Thầy viết rất giản dị và dễ hiểu. Tập truyện tiếng Việt này viết về những câu chuyện của thầy lúc còn làm chú điệu cũng rất nhẹ nhàng và đơn sơ. Chẳng hạn như “Những hạt cơm của Phật” kể về chú thằn lằn đến ăn cơm mỗi khi thầy cúng Phật. Truyện chủ đề “Tình người,” nói về cơ duyên của thầy và một người lính Pháp, vẫn còn ấn tượng trong tôi. Tập truyện rất ngắn (chỉ 121 trang), thầy Nhất Hạnh giúp chúng ta nhận thức được những bài học trong Phật pháp được áp dụng trong đời sống. Nếu bạn muốn đọc, hãy vào trang nhà Làng Mai đọc trên mạng.

Vĩnh biệt chú Sen

Lúc mới qua Mỹ, tôi thường phụ chị Phương ở tiệm tạp hóa. Đại khái là bỏ đồ vào bao mỗi khi chị thanh toán tiền cho khách hàng. Lý do đơn giản tôi giúp chị là vì muốn gặp người Việt. Thỉnh thoảng chú Sen cũng ghé chơi vì chú cũng ở gần tiệm. Lúc đó chú cũng chỉ ở một mình chưa bảo lãnh vợ con sang nên chú ra tiệm chơi cho đỡ buồn. Chú cũng tình nguyện giúp chị Phương những công việc lặt vặt trong tiệm.

Chú có làn da ngăm ngăm giống tôi. Chú hiền lành, giản dị, và luôn nở một nụ cười rất tươi. Có lần chú lái xe đưa tôi và chị Phương đi Phila bốc hàng về bán. Chị mua nào là trái cây, rau cải, đậu phụ, và những món ăn vặt. Chị không mua một chỗ mà đi vòng quanh phố Tàu ở Phila. Đến chiều mệt và đói meo, chị đãi hai người công nhân ăn mì tô ở nhà hàng Tàu. Tô mì nóng hổi và thật là ngon miệng. Ăn xong thì chú lái chúng tôi về lại Lancaster. Những ký ức tuy đơn giản nhưng khó quên của những chuỗi ngày mới qua Mỹ.

Sau này chú bảo lãnh vợ con sang Mỹ nên bận bịu không còn đến tiệm nữa. Tôi thỉnh thoảng cũng đi chơi với hai thằng con trai của chú. Mấy mươi năm đã không gặp lại chú. Hôm qua thấy con của chú để tang cho chú tôi mới biết chú đã ra đi. Cuộc đời thật quá ngắn ngủi. Nụ cười của chú vẫn in đậm trong trí nhớ của tôi. Thôi thì tạm vĩnh biệt chú nhé. “Người ra đi bến sông nằm lạnh / Này nhân gian có nghe đời nghiêng” (Trịnh Công Sơn). Cầu mong cho linh hồn chú được yên nghỉ trong bình an.

Thất thứ năm

Thưa mẹ, sáng nay tuyết đã phủ đầy đường. Con gọi Sư Cô Hạnh Hiếu hỏi hôm nay chùa có cúng thất không. Cô cho biết thầy vẫn cúng nhưng con đừng đến vì tuyết vẫn đang rơi. Thế thì con nhờ thầy và cô tụng kinh, cầu nguyện, và cúng thất thứ năm cho mẹ.

Mỗi tuần con trông đến ngày chủ nhật để đến chùa. Thứ nhất là cầu siêu cho mẹ. Thứ nhì là được gần gũi những người cùng chung hoàn cảnh vừa mới mất người thân yêu. Thứ ba là được những tiếng đồng hồ nhẹ nhàng trong kinh Phật. Cuối cùng là mua những món chay để ăn cả tuần.

Mẹ rời xa chúng con đã năm tuần rồi. Con muốn trở lại cuộc sống bình thường nhưng vẫn cảm thấy thiếu sót hình bóng của mẹ. Lúc trước mỗi lần lái xe con thường gọi điện thoại thăm mẹ để cho qua thời gian. Giờ đây chỉ còn nghe lại những tin nhắn mẹ đã để lại cho con. Con vẫn nghe đi nghe lại cuộc chuyện trò của hai mẹ con mà con đã mạo muội quay lại. Nghe được tiếng nói của mẹ làm lòng con ấm lại rất nhiều.

Những nụ cười lẫn những giọt nước mắt, những lời ân cần lẫn những lời trách móc, những chuỗi ngày vui vẻ lẫn những chuỗi ngày buồn bã, những ký ức về mẹ vẫn in đậm trong đầu óc và tim con. Bốn mươi mấy tuổi đầu con mới cảm nhận được nỗi đau của đứa con mồ côi. Tuy đã trưởng thành và có thể tự lo cho bản thân và con cái, sự mất mát của cha mẹ vẫn làm cho con mất đi sự thăng bằng. Không phải trong cuộc sống nhưng trong tâm hồn. Không hối hận nhưng vẫn hối tiếc. Không khóc lóc nhưng vẫn rơi nước mắt. Không than vãn nhưng vẫn bày tỏ.

Con xót xa dùm những đứa trẻ mồ côi cha mẹ và vô cùng hạnh phúc cho những ai vẫn còn có cha mẹ. Mỗi lần nghe tin những người thân và bạn bè vượt qua được cơn bệnh dịch, con vô cùng vui mừng. Giờ đây cũng đã có thuốc ngừa dịch và mẹ vợ cũng đã chích. Vẫn chưa đến lượt con nhưng con sẽ đợi để những người cần hơn con, nhất là người lớn tuổi, được thuốc. Con vẫn phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang và xa cách mọi người khi ra khỏi nhà. Hy vọng đại nạn sẽ nhanh chóng trôi qua để không còn những sự mất mát oan uổng nữa.

Kinh Phước Đức

Lắng nghe thầy Thích Chúc Đại giải thích bốn câu trong “Kinh Phước Đức” đầy ý nghĩa:

Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Tinh cần làm việc lành
Là phước đức lớn nhất.

Đọc trọn bài ở trang nhà Làng Mai.

Thất thứ tư

Thưa mẹ, những đêm đông giá buốt khiến con xót xa nhớ về mẹ. Nơi mẹ nằm hoang vu và lạnh lẽo lắm. Lúc trước con nghe nhạc phẩm “Đừng bỏ em một mình” của nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh do ca sĩ Thái Hiền trình bày con đã rùng mình. Giờ đây con không dám nghe lại. Con đã cố gắng rất nhiều để trở lại với cuộc sống bình thường nhưng trong thâm tâm và trí óc của con vẫn vắng đi một hình bóng quá lớn. Đêm đến con vẫn âm thầm rơi nước mắt. Sự ra đi của mẹ con vẫn không thể nào ngờ được. Con tìm đến kinh Phật để giúp con vượt qua nhưng lòng con vẫn không thể nào lắng xuống.

Hôm qua con đến chùa Di Đà niệm Phật và cúng thất thứ tư cho mẹ. Người đến cầu an và cầu siêu cho người thân nhiều hơn tuần trước. Con không biết mình đang làm gì. Chỉ cố gắng đặt niềm tin vào những lời khẩn cầu và hy vọng mẹ sẽ được siêu thoát. Lúc ba mất, sư bà Thích Nữ Nghĩa Liên đã trấn an con. Lúc mẹ mất, sư bà dặn dò trong vòng 49 ngày nếu được con nên ăn chay và viếng thăm những ngôi chùa gần chỗ con ở cúng dường và nhờ các sư cầu siêu cho cha mẹ.

Việc ăn chay thì cũng không có gì quá khó khăn đối với con. Mỗi chủ nhật sau giờ cầu siêu cho mẹ, con mua luôn những món chay tại chùa về ăn cả tuần. Giờ đây con cũng chẳng cảm thấy thèm thịt cá nữa. Chỉ cần chén cơm với dưa mắm thêm rau luộc cũng thấy ngon miệng.

Việc đi chùa và cúng dường các chị cũng đã giao phó cho con nên con cũng làm theo. Lúc trước con ít khi đến chùa. Thỉnh thoảng chỉ đi dự Tết mà thôi. Không ngờ ở Virginia, Maryland, và DC có rất nhiều chùa. Chỉ ngắm nhìn những tượng Phật cũng có cảm giác thanh tịnh hơn. Nếu có duyên với Phật pháp, con sẽ cố gắng đi chùa và học hỏi nhiều hơn vì cái tâm trong Đức Phật.

Đây là những ngôi chùa và tịnh xá con đã có cơ hội viếng thăm:

Chùa Pháp Hoa (Buddhist Association of PA)
202 Cherry Street, Columbia, PA 17512

Tịnh Xá Hương Thiền
4516 Guinea Road, Fairfax, VA 22032

Chùa Di Đà
6822 Columbia Pike, Annandale, VA 22003

Vạn Hạnh Center
7605 Bull Run Drive, Centreville, VA 20121

Chùa Hoa Nghiêm
9105 Backlick Road, Fort Belvoir, VA 22060

Virginia Bouddha Vihar
9108 Backlick Road, Fort Belvoir, VA 22060

Chùa Giác Hoàng
5401 16th Street NW, Washington, DC 20011

Ký Viên Tự (Jetavana Vihara)
1400 Madison Street NW, Washington, DC 20011

Drikung Dharma Surya (Garchen Quan Âm Tự)
5300 Ox Road, Fairfax, VA 22030

Chùa Xá Lợi
6310 Manor Woods Road, Frederick, MD 21703

Thất thứ ba

Thưa mẹ, thứ Hai tuần trước khi con viếng thăm chùa A Di Đà nhờ các sư cầu siêu cho mẹ, Sư Cô Hạnh Hiếu mời con mỗi Chủ Nhật cúng thất cho mẹ. Hôm qua con đã đến chùa làm lễ thất thứ ba cho mẹ. Sư ông và sư cô rất tận tình và rất hảo tâm. Các sư tụng kinh rất hay và nhuần nhuyễn. Con đọc theo họ muốn không kịp. Thêm cái thú vị khi tụng kinh là tập đọc tiếng Việt thật nhanh. Con vừa tụng vừa ngẫm nghĩ nên dùng mẫu chữ nào để có thể giúp những người đọc kinh yếu kém như con đọc nhanh chóng hơn. Máu thiết kế của con nó lại nổi lên.

Sau khi làm lễ xong, con hỏi sư ông phát danh là gì. Ông cho biết là Pháp Quang. Con nhanh miệng khoe với ông pháp danh của con là Huệ Quang. Ông đùa rằng, “Vậy là con tỏa sáng hơn thầy rồi.” Thế rồi gặp ai ông cũng giới thiệu, “Phật tử Huệ Quang đây.” Pháp danh này con đã được sư cụ ban cho lúc con ở tịnh xá Ngọc Định. Mấy mươi năm con gần như lãng quên pháp danh này cho đến lúc sư ông cho biết pháp danh của ông.

Mấy tuần nay vì muốn cầu siêu cho mẹ nên con đã đi thăm viếng một số ngôi chùa xung quanh khu con ở. Lúc trước con không nghĩ đến việc đi chùa. Giờ đây con cảm thấy thanh thản và gần gũi hơn mỗi khi đến chùa. Con rất mến mộ thầy Thanh Tâm ở Kỳ Viên Tự. Sau mùa dịch, con sẽ tìm đến thầy để học hỏi thêm về nội tâm trong Đức Phật. Giờ đây mỗi lần làm việc gì con nghĩ ngay đến bốn chữ “an vui thanh tịnh” thầy đã dặn dò. Tuy nhiên con chỉ nghĩ đến sau khi cơn giận lắng xuống. Chẳng hạn như hôm qua thằng Đạo làm con bực bội. Con rầy nó rồi mới nhớ phải “an vui thanh tịnh.” Con dịu lại ngay đến ôm và hôn lên má nó. Con kể cho nó nghe những gì con đã học và khuyên nó cũng nên làm theo. Nó hiểu được và cũng không còn cằn nhằn nữa. Hai cha con thuận hòa trở lại.

Thế là mẹ ra đi đã ba tuần rồi. Thời gian trôi qua thật nhanh. Mẹ ra đi nơi này vẫn thế. Thế gian giờ vẫn còn bị đại dịch hoành hành. Cô Lệ Thu cũng đã ra đi ngày thứ Sáu vừa qua sau những tháng ngày chống chọi với con COVID. Nghe tình trạng của cô cũng giống như mẹ cũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Mẹ và cô thật dũng cảm. Con rất kính phục tinh thần mạnh mẽ của những bà mẹ Việt.

Hôm qua thằng Đạo và mẹ nó ăn Big Mac làm con nhớ lại kỷ niệm ngày xưa hai mẹ con mình. Chiều hôm đó con chở mẹ ra McDonald’s. Big Mac giảm giá hai cái cho hai đô. Thế là buổi ăn tối hôm đó chỉ tốn bốn đô. Lúc đó con thấy mẹ ăn thật ngon và càng ngạc nhiên khi thấy mẹ xơi luôn cái thứ nhì. Hai mẹ con không ai nói đến ai chỉ thầm lặng thưởng thức. Thế mà hình dáng ngày hôm đó của mẹ con sẽ không bao giờ quên. Giờ đây con mới thấm thía câu, “Mẹ còn chẳng biết là may. Mẹ mất mới tiếc những ngày làm con.”

Vĩnh biệt Cô Lệ Thu

“Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều / Hàng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu.” – Phạm Duy

Nghe tin danh ca Lệ Thu đã từ trần sau những tháng ngày chóng chọi với COVID-19, tôi xót xa vô cùng. Lại một người yêu mến bị con COVID cướp đi mạng sống. Đã phải chứng kiến từng phút giây đớn đau của mẹ, tôi hiểu được sự chịu đựng của cô. Cô đã đấu tranh cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ đây cô đã được giải thoát và không còn phải sống trong sự đau khổ nữa. Xin cô an nghỉ trong bình yên. Tiếng hát của cô sẽ tồn tại mãi trong mỗi con tim cô đã từng chạm đến.

An vui thanh tịnh

Thưa mẹ, hôm thứ Tư vừa rồi con bị đau chân nên không thể tiếp tục đi chùa. Con chỉ nằm ở nhà uống thuốc và uống giấm táo để xoa dịu cơn đau. Hôm thứ Năm chân bớt đau nên con đưa thằng Xuân qua DC viếng thăm chùa Giác Hoàng và Kỳ Viên Tự.

Ở Kỳ Viên Tự con gặp được thầy Thanh Tâm. Thầy đã giảng dạy cho con một số cơ bản về cái tâm trong Phật giáo. Điều thầy nhắc nhở mà con nhớ nhất là “an vui thanh tịnh.” Trước khi làm chuyện gì cũng phải nghĩ đến bốn chữ này. Chẳng hạn như lúc lái xe hãy “Nguyện cho mình được an vui thanh tịnh” để tâm hồn được bình thản mà không phải gấp gáp hay sân si với người khác. Thầy cũng dặn con, “Nguyện cho mẹ được an vui thanh tịnh.” Lúc đối xử với con cái phải cố gắng “an vui thanh tịnh” để tránh la hét hoặc thiếu nhẫn nại. Và nhất là đối với “kẻ thù,” mình cần phải “Nguyện cho người được an vui thanh tịnh.” Con thấy ý nghĩa lắm nhưng thực hành được hay không là chuyện khác. Con sẽ cố gắng.

Giờ đây người ta đối xử với con ra sao không còn quan trọng nữa. Hoặc nếu như con đã làm tổn thương đến người khác con đã sám hối. Cuộc đời này quá ngắn ngủi và quá mong manh. “Sống từng ngày. Chết từng ngày. Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây.” Bây giờ sự quan trọng nhất đối với con là lo lắng cho đàn con và gia đình. Hôm qua chân đã đỡ đau nhiều nên con đưa Xuân và Vương đi chơi trong lúc Đạo và Đán học. Thấy hai anh em chúng nó cùng chơi với nhau, lòng con được cảm giác “An vui thanh tịnh.” Rồi nghĩ đến không biết những tháng ngày như thế sẽ còn được bao lâu. Thôi thì được lúc nào hay lúc nấy. Khi đi đến cuối đời không còn phải hối tiếc. Như mẹ suốt đời đã luôn chăm lo và nuôi nấng cho chúng con. Lúc mẹ ra đi mẹ đã không còn lưu luyến gì nữa. Con xin nguyện cầu thêm một lần nữa được “an vui thanh tịnh.”

Nguyễn Bính: Thơ và Đời

Vài tháng trước trong lúc ngắm nghía bộ sách của mẹ vợ chợt thấy quyển Nguyễn Bính: Thơ và Đời. Mở ra trang đầu độc vài chữ viết tay. Thì ra quyển sách này được tặng cho ông anh vợ. Thôi thì mượn đọc theo lời người có lòng mến tặng đã dặn dò: “Đừng quên Việt Nam anh nhé!”

Dĩ nhiên cái tên Nguyễn Bính thì không xa lạ gì trong văn thơ và nghệ thuật Việt Nam. Tôi chỉ biết đến thơ của ông khi đã trở thành lời nhạc như “Thời trước,” “Người hàng xóm,” và nhất là “Ghen.”

Bây giờ được đọc nhiều tác phẩm của ông hơn nên cảm nhận được nét chân thật và giản dị trong lời thơ. Ông thấy gì viết nấy và nghĩ sao viết vậy. Ông viết thật với lòng mình nên thơ ông dễ đi vào lòng người. Thỉnh thoảng sẽ đọc lại những dòng thơ của ông để không quên quê hương Việt Nam.

Nhớ đến một người

Thưa mẹ, hôm thứ Bảy vừa qua, chúng con mời người thân trong gia đình và bạn bè đến nơi an nghỉ của mẹ để chia sẻ về cuộc đời của mẹ. Chị Hương, chị Thơm, con, Sammy, và Eric đã có mặt. Gia đình dì Hai gồm có chị Huế Phương, chị Cúc Hoa, chị Thanh Hoa, và chị Hoa Nhỏ. Anh Minh ở xa không đến được nhưng cũng tham dự qua video.

Đặc biệt là có anh Long và em Phú con của dì Nga. Mẹ còn nhớ dì Nga ngày xưa làm trong chỗ may đồ với mình không? Bây giờ anh Long và em Phú rất thành công nhưng vẫn dễ thương. Từ lúc mẹ gọi con về để lo cho mẹ lúc mẹ bị nhiễm dịch, con đã gọi em Phú và em đã giúp đỡ con rất nhiều về việc y tế. Mỗi ngày Phú đều nhắn tin hỏi thăm tình hình của mẹ. Lúc mẹ nằm trong bệnh viện, vợ của Phú là người bác sĩ đã giúp con đưa mẹ vào ICU để tiếp tục trị liệu cho mẹ. Con cám ơn tấm lòng của hai vợ chồng của Phú và anh Long. Có được tình bạn như thế thật quý giá.

Mẹ có biết không, mảnh đất nơi mẹ yên nghỉ là của chị Hoa Nhỏ nhường lại cho mẹ. Chị ấy muốn mẹ được nghỉ ngơi kế bên dì Hai và đồng thời nhớ công ơn của mẹ đã thương yêu và lo lắng cho chị lúc còn nhỏ. Con rất cảm động khi nghe mọi người chia sẻ những kỷ niệm về mẹ. Chị Thanh Hoa đã kể lại những câu chuyện rất vui. Con rất hãnh diện có một người mẹ đầy tình nghĩa và được mọi người xung quanh yêu mến.

Chiều Chủ Nhật hôm qua, người cô mà con đã không gặp mặt hơn hai mươi mấy năm đã đến viếng thăm mẹ. Một ngày làm cô suốt đời vẫn làm cô. Không những chỉ riêng con mà còn có anh Long, em Phú, và rất nhiều học sinh tị nạn cùng thời được thành công như ngày hôm nay là phần nào được sự giúp đỡ tận tình của cô. Tuy không gặp mặt đã lâu nhưng cô vẫn thường xuyên hỏi thăm con. Lúc hay tin mẹ qua đời cô đã chia sẻ và an ủi con rất nhiều. Cô hiểu được tâm trạng của một người mới mất mẹ. Ba năm trước đây cô cũng đã mất đi người mẹ yêu thương của mình. Con rất quý trọng trái tim rộng lượng của cô luôn luôn giúp đỡ những đứa trẻ như chúng con không chỉ trong việc học vấn mà luôn cả trong đời sống. Lúc gặp mặt, con và cô đã ôn lại những ký ức xưa. Từ lúc ánh nắng ấm áp cho đến lúc mặt trời lặng và những cơn gió lạnh đã luồng vào cơ thể, con mới tạm biệt cô. Thế giới này thật quá nhỏ bé. Thì ra chồng của cô là anh họ của Trân, vợ của Duy. Tuy đại bác bắn không tới nhưng giờ đây con và cô có thêm được mối quan hệ gia đình tuy xa mà gần.

Sau khi chia tay với cô, con định lái xe thẳng về nhà luôn nhưng cũng đã đến giờ ăn chiều nên con trở lại nhà chị Thơm dùng đồ chay. Con cố gắng ăn chay nếu điều đó có thể đem được sự siêu thoát đến cho mẹ. Con thật sự không biết có linh nghiệm hay không nhưng ăn chay cũng tốt thôi.

Từ lúc mẹ gọi con về cho đến bây giờ con đã không đụng đến một giọt rượu. Con biết mẹ không thích con uống rượu. Lúc trước mỗi lần căng thẳng hay phiền muộn con thường dùng đến rượu để tạm thời xoa dịu những đớn đau trong cuộc sống. Tháng vừa qua con đã sống trong những phút giây khó khăn và đau buồn nhất của cuộc đời của con. Nếu đụng đến rượu chắc chắn con đã không thể nào còn được tỉnh táo để tiếp tục sống. Nghĩ đến mẹ, nghĩ đến những đớn đau của mẹ, con thật muốn uống hết chai vodka để trên bàn nơi mẹ thường ăn nhưng con đã cố gắng kiềm chế lại vì thương nhớ mẹ. Con biết mẹ sẽ không muốn thấy con như thế. Con phải tỉnh táo để tiếp tục sống và lo cho gia đình. Mất cha lẫn mẹ trong vòng một tháng, giờ đây con đã mồ côi. Không còn sự mất mát to lớn nào hơn được nữa nhưng con vẫn còn có trách nhiệm một người chồng, một người cha, một người em, một người cậu, một người bạn, và một người công dân trong xã hội. Con phải tiếp tục phấn đấu dùng tình thương của mẹ đã trao cho con để yêu mến mọi người xung quanh như câu nhạc sĩ họ Trịnh đã viết, “Nhớ đến một người để nhớ mọi người.”

Contact