Chiếc áo của mẹ

Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi ngắm những cánh hoa trên chiếc áo mẹ. Mỗi lần đến tủ quần áo tôi vuốt nhẹ lên miếng vải mút xơ lin mượt mà. Đây là một trong những chiếc áo mẹ thường mặt ngày xưa. Nhìn chiếc áo tôi hình dung ra mẹ đang mặt nó và những nụ cười của mẹ cũng đẹp như những cánh hoa trên đó. Rồi nỗi nghẹn ngào lại ùa về. Sự ra đi của mẹ vẫn là một cú sốc tôi không thể nào vượt qua được.

Tôi mất ba một tháng trước khi tôi mất mẹ nhưng mỗi khi nhớ về ông tôi không xót xa bằng khi nghĩ về bà. Với ba, tôi vẫn giữ mãi những ký ức đẹp. Tuy ba không còn trên thế gian này nữa nhưng tôi vẫn nghĩ ông chỉ ở một nơi xa xôi nào đấy. Trước khi ba mất, tôi đã không chứng kiến nỗi đau đớn ba phải chịu đựng. Sao này khi gặp mặt qua phim ảnh ba đã không có lời lẽ nào để nói với tôi và tôi cũng ngại không biết phải hỏi gì ngoài những câu thường lệ. Chắc ba không muốn tôi phải đau buồn quá khi ông phải ra đi.

Lúc ba từ trần tôi đau lòng nhưng không quá nặng nề. Tôi có thể nắm được lý trí và giữ được cảm xúc của mình. Tôi nhớ đến ông qua những kỷ niệm đẹp. Lần cuối cùng tôi gặp lại ông, hai cha con tuy chỉ có mười mấy ngày gần gũi nhưng đó là những giây phút thật đầm ấm và hạnh phúc nhất của tình cha con. Tôi sẽ giữ mãi trong tim và trí nhớ.

Tôi cũng muốn được như vậy với mẹ nhưng hoàn cảnh của mẹ hoàn toàn khác biệt. Những giây phút đớn đau của mẹ vẫn để lại vết bỏng trong đầu óc và tim tôi. Càng nghĩ đến tôi càng muốn rơi nước mắt. Ngày xưa mỗi lần thức dậy sớm tôi đi bộ hay đọc sách. Giờ đây tôi thức dậy với nỗi bùi ngùi tôi không muốn bước ra khỏi giường càng không muốn đọc. Chỉ muốn nằm đây và viết lên những tâm trạng của mình. Chỉ có viết mới giúp tôi xoa dịu những nỗi đau. Tôi không muốn than phiền với vợ con hoặc những người thân xung quanh về nỗi đau riêng của mình. Còn những dòng tự sự thì tôi viết riêng cho chính mình nhất là những khi nhớ về mẹ.

Tục ca của Phạm Duy

Tuần trước đọc một bài văn của Trần Hữu Thực viết về ca từ của Phạm Duy làm tôi nhớ đến 10 bài tục ca của ông. Đã lâu rồi không nghe. Giờ nghe lại vẫn cảm thấy tục tĩu và vui nhộn.

Những bài tục ca của ông không có ca sĩ nào dám hát nên ông đành tự hát lấy. Nếu như tôi là ca sĩ, tôi sẽ thu âm một album nhạc tục của ông. Thôi thì dùng kỹ năng của mình để thiết kế một trang web gồm những ca từ của ông.

Về phần chữ thì tôi dùng Viaoda Libre của Nguyễn Giang Trà và Xanh Mono của Bảo Lâm và Đào Duy. Đồng thời tôi cũng mượn một tranh vẽ thoả thân của bác Đinh Cường để phụ hoạ cho tập tục ca.

Từ ca từ đến phông chữ đến tranh vẽ, tôi đều sử dụng những sản phẩm của người Việt. Vì thế tôi rất hãnh diện với dự án nhỏ này.

Về nguồn

Sáng nay trò chuyện với một cô bé Việt Nam rất dễ thương. Không biết nên gọi em hay cháu. Thôi thì gọi bằng cô bé đi vậy. Cô bé đang học môn thiết kế đồ họa tại trường đại học RISD và tháng sáu này sẽ ra trường. Cô bé liên lạc với tôi sau khi đọc luận án nghệ thuật chữ Việt của tôi. Cô bé muốn hỏi thêm chi tiếc về vấn đề này. Dù rất bận rộn nhưng tôi cũng tranh thủ thời giờ để chuyện trò. Tôi muốn kết nối và động viên những người Việt trẻ có ý định theo đuổi nghề thế kế chữ.

Hỏi chuyện mới biết cô bé sống và lớn lên ở thành phố Phila gần trường đại học La Salle tôi đã học lúc xưa. Cô bé sinh ra ở Mỹ nên không rành tiếng Việt nhưng giờ đây cô muốn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Cô đang nghiên cứu và đam mê những chiếc dấu trong chữ Việt. Cô sẽ làm một luận án về chúng và sẽ thiết kế những cái dấu đa dạng và phong phú hơn để làm đẹp cho chữ Việt. Tôi ủng hộ ý tưởng của cô bé.

Sau khi thảo luận với nhau về chữ thì cô ta hỏi tôi làm thế nào để học tiếng Việt. Cô bé ngại khi nói tiếng Việt vì cô cho rằng mình nói không đúng tông và hơi nản trí khi học mà không tiến triển. Tôi khuyến khích cô đừng ngại ngùng gì. Chắc chắn cha mẹ cô hoặc những người như tôi nghe được một người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài mà vẫn cố nói và học tiếng mẹ đẻ của mình là đều đáng quý mến.

Tôi kể cho cô bé nghe sơ qua về hoàn cảnh của tôi. Tôi rời Việt Nam lúc 10 tuổi. Tuy đã có căn bản tiếng Việt từ mẫu giáo đến lớp năm, tôi đã phải gác lại chữ mẹ đẽ của mình để tập trung học tiếng xứ người. Mãi đến mấy mươi năm sau tôi mới học lại chữ Việt. Tôi thường xuyên viết blog cả hai thứ tiếng. Viết tiếng Anh thì trật ngữ pháp còn viết tiếng Việt thì sai chính tả. Nhưng tôi đã không e ngại vì tôi viết để rèn luyện cho chính mình. Ai khen ai chê cũng không sao cả. Ai có lòng muốn góp ý sửa chữa tôi rất hoan nghênh. Ngoài tập viết, tôi cũng cố gắng đọc sách tiếng Việt để không quên chữ nghĩa.

Tôi gợi ý cô bé thử hát karaoke để rèn luyện đọc chữ Việt. Cô hỏi tôi nên nghe nhạc nào. Tôi giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn và Lam Phương. Hy vọng những ca khúc bất hữu của hai nhạc sĩ này sẽ đưa cô gần đến nhạc Việt và chữ Việt.

Trần Hữu Thục: Tác giả, tác phẩm & sự kiện

Tập hợp những bài văn dài Trần Hữu Thục đã viết về những nhà văn và nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới. Tôi chỉ chọn đọc những tác giả người Việt. Tuy Trịnh Công Sơn và Phạm Duy là nhạc sĩ nhưng ca từ của họ có thể tách rời ra nhạc và đọc thành thơ. Trần Hữu Thục nhận xét về ca từ của Trịnh Công Sơn có tính chất “trừu tượng, siêu hình, đầy tính cách tân.” Còn ca từ của Phạm Duy thì “thấm đẫm hiện thực.” Dĩ nhiên tôi không xa lạ gì với hai người nhạc sĩ cổ thụ của Việt Nam. Đọc bài nhận xét về thơ của Tô Thùy Yên khiến tôi muốn tìm đọc những sáng tác của ông. Trần Hữu Thục viết giản dị và nhận xét cặn kẽ.

Sám báo hiếu

Hôm thứ Tư, Mẹ vợ cùng vợ chồng con cái cùng nhau đến chùa Di Đà để cúng 100 ngày cho Mẹ. Nghe sư ông Pháp Quang và sư cô Hạnh Hiếu tụng bài kinh về Mẹ rất ý nghĩa. Tôi chỉ nhớ mang máng:

Nhớ nghĩa thân sinh
Con đến trưởng thành
Mẹ dày gian khổ
Ba năm nhũ bộ
Chín tháng cưu mang.
Không ngớt lo toan
Quên ăn bỏ ngủ
Ấm no đầy đủ

Về nhà tìm trên mạng mới biết đây là bài “Sám Vu Lan.” Đồng thời tôi cũng tìm được 10 bài “Sám báo hiếu” nên quyết định làm một trang web để dành đọc. Trong 10 bài “Sám báo hiếu” tôi tìm được, bài số 6 (“Kệ nhớ ơn cha mẹ”) và bài số 7 (“Sám hiếu từ”) giống với nhau. Chỉ khác tựa đề nên tôi đã đổi bài số 6 với “Sám Vu Lan.”

Về phần chữ, tôi dùng Texturina do Guillermo Torres thiết kế. Texturina có những đặc điểm của Blackletter và Blackletter loại chữ được dùng để in kinh mấy trăm năm về trước. Khâm phục nhà thiết kế Guillermo Torres đã tạo ra bộ phông sắc sảo nhưng rất dễ đọc và có luôn cả dấu Việt.

Mời các bạn đọc bộ kinh “Sám báo hiếu.”

Mơ về Mẹ

Đêm qua lần đầu tiên tôi mơ thấy mẹ sau ngày mẹ ra đi. Khác với sự thật đã xảy ra, trong giấc mơ mẹ đã tỉnh dậy và hồi phục sau khi được rút ống (ventilator). Cả bác sĩ cũng không thể ngờ được. Tôi thật vui mừng và tin rằng điều kỳ diệu có thật. Nếu biết trước như thế thì đã rút ống cho mẹ từ lâu. Trong lúc đang gọi điện thoại cho chị báo tin vui thì mẹ đi vòng quanh ngoài nhà thương. Vô tình mẹ lọt xuống ao sen. Tôi đã kéo mẹ lên bờ và đưa mẹ về lại giường nghỉ ngơi.

Sáng nay tỉnh giấc buồn vui lẫn lộn. Vui vì được gặp lại mẹ trong giấc mơ. Buồn vì mẹ không còn bên tôi nữa. Mẹ đã xa chúng con 95 ngày rồi. Thời gian trôi qua thật nhanh. Mỗi ngày tôi vẫn nghĩ về mẹ. Có những giây phút không thể nén lại nỗi nghẹn ngào. Tôi vẫn không thể chấp nhận sự ra đi của mẹ. Phải chi mẹ không bị COVID. Phải chi mẹ đã vượt qua được nó.

Mấy tuần nay tôi khó ngủ, nhất là những đêm gió thổi ào ạt. Mẹ nằm ngoài nghĩa trang chắc lạnh lẽo lắm. Nghĩ đến mẹ, tôi không thể không chạnh lòng. Trong tinh thần và lý trí, tôi rất yếu đuối. Hy vọng các con của tôi sẽ không bị ảnh hưởng.

Hôm trước thằng Đán nói với tôi rằng nó đã nghe và thấy tôi khóc lúc bà nội chết. Nói nói rằng khi ba chết nó sẽ không khóc vì cái chết cũng là một phần trong cuộc sống. Thằng này hôm nay dùng triết lý nữa. Quả thật lúc mẹ ra đi, tôi đã cảm nhận được sự mong manh giữa sống và chết. “Còn sống một ngày là hẹn chết không may” (Trịnh Công Sơn). Rồi đến một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi. Hy vọng sẽ gặp lại ba mẹ sau khi lìa xa thế gian này.

Mừng hụt

Hôm qua sau khi đi ice skate cùng đám nhỏ, tôi dắt bọn nó đi ăn kem. Bỗng nhiên nhận được một loạt email báo có hẹn đi chích ngừa COVID-19. Tôi ngạc nhiên vì chưa đăng ký mà đã có hẹn. Không biết có phải bị spam hay không. Xem kỹ càng thì thấy đúng là email từ nhà thương.

Mừng rỡ về định khoe với vợ nhưng vợ cho biết có người đăng ký dùm. Người ấy thấy còn chỗ trống nên bỏ tên và email của tôi vào luôn. Người ấy được ưu tiên vì có vấn đề sức khỏe (pre-conditions).

Tôi đã xem qua đơn trước khi đăng ký và đã không đủ điều kiện nên đã không đăng ký. Dĩ nhiên nếu muốn đi chích sớm thì có thể khai bệnh này bệnh nọ hoặc hút thuốc. Những chỗ chích ngừa không kiểm soát. Họ chỉ tin cậy vào lời khai trong đơn của mình.

Tôi rất cảm ơn tấm lòng của người ấy nhưng tôi đã hủy bỏ cuộc hẹn. Không phải tôi không muốn chích.It just doesn’t feel right. Thôi thì tiếp tục chờ đến lượt mình. Hy vọng chỉ một ngày gần đây thôi. Tôi không muốn chiếm chỗ người khác cần hơn tôi.

Người Việt cũng bị họa lây

Lúc trước khi những người Việt hùa theo dùng những từ miệt thị như “China virus”, “Vũ Hán virus,” và “kung flu,” tôi đã lên tiếng phản đối vì nó sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng mình. Những kẻ kỳ thị người Á Châu sẽ không phân biệt người Việt, Tàu, Hàn Quốc, Nhật, hay những dân tộc da vàng khác. Trong ánh mắt của họ chúng ta đều như nhau cả.

Mấy hôm trước bác Phạm Ngọc đã bị một thằng kỳ thị đánh chấn thương đầu, gãy sống mũi, và gãy xương cổ. Bác đã sống sót sau 17 năm học tập cãi tạo vậy mà giờ đây ở tuổi 83 lại bị hãm hại trong lúc đi chợ. Con ông đã tạo ra trang GoFundMe để giúp cho ông phục hồi.

Đáng lẽ ra tôi không muốn nhắc đến kẻ đã thua trận và không còn quyền lực gì nữa. Vì nhắc đến chỉ mất đi tình cảm gia đình và bạn bè nhưng hy vọng những người Việt sáng mắt ra khi ùa theo những lời lẽ xem như ghét Tàu nhưng có hại cho cộng đồng của chúng ta.

Tam độc

Chánh kinh:

Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa dục.

Nếu nhiều nóng giận, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa giận.

Nếu nhiều ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa si.

Cả ba loại độc này tôi đều bị nhiễm cả.

Thái Đinh: Bài ca số 8

Nhạc thời nay khác với nhạc thời xưa là tác giả bây giờ đi ngay vào đề tài chứ không vòng vo tam quốc như ngày trước. Thí vụ như bài “Này em có nhớ,” cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết, “Chúa đã bỏ loài người / Phật đã bỏ loài người / Này em xin cứ phụ người.” Nghe thật táo bạo và phải suy nghĩ nát óc mới hiểu ý của nhạc sĩ muốn gửi gắm gì.

Hôm nay nghe bài “Lời đầu môi” của Thái Đinh mới hú hồn. Ca từ của Thái Đinh đi thẳng vào vấn đề, “Ngày xưa em nói ra bao điều mộng mơ / Mà giờ em khác chi đồ / Miệng Nam Mô / Bụng một bồ dao găm.” Qua tiếng saxo vang vọng và nhịp điệu rộn ràng, Thái Đinh dùng tiếng hát ấm áp lãng mạn của mình “chửi” thẳng vào mặt nàng, “thứ đồ mở miệng thì từ bi hiền lành mà trong thâm tâm thì nham hiểm vô cùng.” Có sao viết vậy người nghe khỏi phải đoán mò chi cho mệt óc.

Khi nghe nhạc phẩm tựa đề “Cafuné” tôi chả hiểu chữ đó nghĩa là gì nhưng lối hoà âm rất chill. Phải dùng Google mới biết cafuné nghĩa là “vuốt ve mái tóc.” Thì ra Thái Đinh vừa trình bài vừa giải thích luôn, “Hey baby, cafuné / Muốn khẽ đưa bàn tay nhẹ lay làn tóc dịu dàng hương đến thế.” Hôm nay học được chữ này thật là thú vị. Mai mốt gặp em nào có mái tóc đẹp tôi sẽ hỏi, “Hey baby, can I cafuné you?” Không biết có bị ăn bạt tay hay không?

Qua phần hoà âm r & b đầy quyến rũ dành cho ca khúc “Knock knock,” Thái Đinh gõ cửa nhà nàng, “Cho anh qua nhà em trú đêm nay / Nào mở cửa đi… / Knock knock / Baby, còn đợi chờ chi?” Chỉ có những chàng trai trẻ mới có tự tin dám làm chuyện đó thôi. Cỡ như tôi mà gõ cửa bảo em cho vào trú chắc chắn là vô khám gỡ lịch vì tội hiếm dâm.

Cứ tưởng đâu album này không dành cho những thích giả già như tôi thì Thái Đinh quăng cho một cục xương để gặm. “Xuân úa,” bài cuối trong album, được hoà âm theo phong cách blues buồn. Dùng giọng gió và giọng mềm, Thái Đinh tự sự:

Quên đi, quên đi, quên đi hết
Bao âu lo lòng chẳng cần biết
Cứ âm thầm níu xuân thì
Mà trái tim vẫn cứ câm lì

Quả thật rất đúng với tâm trạng của tôi. Một trái tim khô. Một trái tim quá câm lì. Mùa xuân trong tôi không chỉ úa mà đã héo bà nó rồi.

Đùa chút cho vui thôi. Đã lâu rồi không được nghe những nhạc phẩm mới trong làng âm nhạc Việt Nam nên cảm thấy album này có một chút thú vị. Dù sao gì cũng đỡ hơn nghe nhạc sầu thảm. Nghe đi nghe lại những nhạc phẩm bolero trước sau gì cũng tự tử như, “Em ơi nếu mộng không thành thì sao? Mua bao thuốc chuột uống vô rồi đời.” Bà con nào đam mê nhạc sến đừng ném đá tôi nhé.

Contact