Bùi Văn Doanh: Quê ở đáy lòng

Bộ sưu tập đoản văn ngắn. Mỗi bài trung bình hai trang viết về những kỷ niệm nhỏ nhoi ở quê như cỏ, cá kho, hoặc hoa cau. Ông viết về nghỉ hè:

Tôi ngả mình trên nội cỏ. Bầu trời bỗng vụt cao lồng lộng và tôi bỗng cảm thấy bé nhỏ nhưng thanh thản như một đứa trẻ với kỳ nghỉ hè của chính mình.

Những bài viết nhẹ nhàng và đơn giản nhưng vì quá ngắn nên khi đọc bị gián đoạn, rời rạc, và không đủ thu hút.

Miệt thị người Á châu

Đáng lý ra tôi không nên tham gia vào những lời bình luận trên Facebook nhưng không thể kiềm chế. Sau đây là đối thoại với một người bạn sống ở Việt Nam.

NMK viết:

Ngoài trừ Ronald Reagan, thì đây là vị Tổng Thống Mỹ mà làm mình phấn khích nhất. Gọi tên cho đúng cái đã: wuhancoronavirus hoặc chinesevirus cho thuận mồm.

Tôi trả lời:

Cám ơn những lời khuyến khích của ông nên người Á châu ở Mỹ (không chỉ người Tàu và luôn cả người Việt) bị kỳ thị, chửi rủa, và đánh đập dã man.

NMK:

Thứ nhất, chẳng có gì sai trái khi gọi tên đúng với xuất xứ của nó. Về việc đặt tên khoa học, có nhiều loài còn được đặt tên theo nơi nó được phát hiện. Với thói mất dạy của Trung Quốc như mọi khi thì vừa phục hồi lại sau trận đại dịch đã quay trở lại là loài lòng lang dạ sói như mọi khi khi cố tính đánh lạc hướng dư luận. Còn về việc phân biệt đối xử, kỳ thị thì chẳng riêng gì Mỹ, mà còn ở châu Âu. Việc kỳ thị xảy ra có thể do quá khứ phân biệt chủng tộc, nhưng nguyên nhân của yếu bởi lối sống, lối suy nghĩ kỳ cục, lười biếng của đa số người Việt bên đó. Dĩ nhiên việc họ đánh đồng là không đúng vì vẫn có nhiều người Việt trở thành anh hùng của nước Mỹ, hay vẫn đóng góp cho xã hội Mỹ. Nếu đổi lại là mình, nhà mình bị người khác vô ở, làm thì ít mà phá thì nhiều liệu mình có ác cảm hay không. Là em, dĩ nhiên là có. Bất cứ ai, tá túc trên nhà mình, vô văn hoá, thiếu đạo đức em đều chẳng coi ra gì, bất kể người Mỹ hay Tây ở VN.

Tôi:

Là một nhà lãnh đạo nhất là trong lúc trầm trọng như bây giờ cần phải kêu gọi đoàn kết và lên án phản đối những sự kiện kỳ thị vô cớ chứ không nên châm dầu vào lửa.

Anh hiểu được tâm trạng của em nhưng anh không đồng ý với lý luận của em cho là người Việt mình bị phân biệt chủng tộc bởi họ sống lười biếng ở đây. Trái lại theo chính anh thấy đa số người Việt mình sống rất siêng năng cho dù làm nail hay bác sĩ. Tuy nhiên mỗi người có lối suy nghĩ khác nhau.

Anh càng không đồng ý với em về vấn đề “nhà mình.” Từ lúc lập thành đất nước, Mỹ là do dân tị nạn gây dựng. Dù đến trước mấy trăm năm hay đến sau, tất cả đều như nhau cả. Chỉ khác là đến bến tự do với mục đích gì và có cống hiến cho nước này hay không.

Cho dù không đồng ý nhưng anh vẫn tôn trọng lối suy nghĩ của em.

NMK:

Dĩ nhiên lối suy nghĩ của em thì anh không thể hiểu, vì anh không sống dùm cuộc sống của em ở đây và ngược lại, em không sống dùm cuộc sống của anh ở Mỹ. Mỗi người nhìn một quyết định theo hướng khác, vì mỗi người mong muốn một điều khác. Nước Mỹ là Hợp Chủng Quốc thì việc phân biệt chủng tộc lại là điều càng không thể tránh khỏi. Cuộc đời đôi khi không phải cứ màu trắng thì sẽ là màu trắng.

Nguyễn Ngọc Ký: Những tâm hồn dấu yêu

Lúc lên bốn, Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cả hai tay sau một cơn sốt nặng. Dù khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, ông phấn đấu không ngừng và đã trở thành Nhà giáo Ưu tú và Nhà văn đầu tiên ở Việt Nam viết bằng ngón chân. Đây là tập truyện ký ghi ấn lại công ơn cha mẹ, thầy cô, và những người thân thương đã giúp đỡ và động lực ông trong suốt cuộc đời của ông. Nội dung của những bài viết rất cảm động nhưng lối diễn văn của ông hơi khô khan nên đọc hơi bị chán.

Ngủ đơn phương

Cuối cùng Đán chịu ngủ riêng một mình. Nó ôm biết bao nhiêu là mền gối và thú bông với nó. Đạo vẫn ngủ với mẹ và Vương. Xuân thì ngủ với bà ngoại. Thế là tôi được ngủ một mình sau hơn một chục năm ngủ chung với mấy thằng con. Cảm giác rất thoải mái và rất ngon giấc.

Một trong những thất bại của người làm cha như tôi là không tập cho con ngủ riêng. Thấy bọn nó còn nhỏ mà phải ngủ một mình cũng tội nghiệp nên từ nhỏ cả bốn thằng lúc nào cũng ngủ với mẹ để mẹ cho bú. Khi thằng em chào đời thì thằng anh sang ngủ với ba. Có lúc cả ba cha con cùng ngủ chung giường. Tôi thì khó ngủ nên chật chội càng khó nuôi giấc. Tôi biết mình ngáy rất to sợ làm điếc mấy đứa nhỏ nên ngủ chập chờn không ngon giấc. Sáng nào dậy cũng uể oải. Tôi nghĩ mình bị ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) nhưng đợi qua vụ Coronavirus rồi mới đi thử nghiệm.

Bây giờ ngủ một mình cảm thấy đỡ hơn nhiều. Trước khi ngủ, tôi đọc sách hoặc viết blog cho đến khi mệt mỏi rồi mới lăn ra ngáy. Có lúc mười hai giờ khuya mới ngủ. Tuy nhiên ngủ một mình hơi cô đơn. Có lúc muốn được ôm tụi nó ngủ nhưng tôi thật sự lo ngại khi mình ngáy quá to. Còn vợ thì đã không ngủ chung giường mười mấy năm rồi. Hơi hám gì cũng quên mất rồi. Tôi hy vọng sau này bọn nhóc lớn lên thì vợ chồng cùng chăn gối trở lại nhưng vợ trách tôi ngáy to quá nên cũng đã thẳng thắn từ chối. Thôi thì từ chối ngủ chung cũng không sao. Từ chối cái khác mới có chuyện.

Dì Chín trong tôi

Dì Chín là em út mẹ tôi. Trong các anh chị em, dì là người duy nhất học đến nơi đến chốn. Dì không chỉ học giỏi mà còn chăm chỉ và nhẫn nại. Lúc mới đến Mỹ tuy đã quá tuổi cắp sách đến trường và không biết nhiều tiếng Anh nhưng dì đã không bị những trở ngại đó mà bỏ đi tâm quyết của mình vì dì nhận thức được sự quan trọng của việc học. Với sự phấn đấu không ngừng, dì học xong bốn năm đại học với bằng khoa học máy tính.

Đối với dì sống trong xã hội cần phải có học vấn mới được kính trọng. Cho nên dì luôn khuyến khích và động viên cháu chắt cố gắng học hành. Tuy lúc nhỏ không thấu hiểu được sự quan trọng của nền giáo dục, tôi chỉ biết phải đi theo con đường của dì và anh Minh và chị Hoa (anh và chị họ của tôi). Nhờ cố gắng và noi gương theo ba người này trong gia đình tôi mới có bằng tốt nghiệp bốn năm và bằng thạc sĩ hai năm. Sau này khi hiểu được sự cần thiết của học vấn tôi càng mang ơn của họ.

Là người em út trong gia đình, dì luôn lo lắng và thương yêu các anh chị của mình. Đặc biệt với mẹ tôi, dì kính trọng và biết ơn sự hy sinh của người chị lớn phải bỏ học để phụ bà ngoại việc bếp núc trong nhà để các em có cơ hội đi học. Tuy nhiên tính dì rất thẳng thắn. Có sau nói vậy hoặc nghĩ gì nói đó. Thương thì thương nhưng nói vẫn nói. Ai không chấp nhận được sự thật thì sẽ không thích dì. Còn tôi thì quý trọng cách đối xử của dì. Nhất là đối với những người trong gia đình, dì thương mới nói. Cho nên những gì dì góp ý với tôi (dù khen hay chê) tôi biết được đó là những lời lẽ từ đáy lòng. Hôm qua tôi rất vui khi thấy được một bài dì viết riêng cho tôi trên Facebook. Dì đã đọc những bài tâm sự của tôi nên đã viết để động viên tôi. Dĩ nhiên những gì dì viết hoàn toàn theo sự suy nghĩ của dì. Tôi xin được chia sẻ lại bài viết của dì trên trang blog của mình:

Đừng vì người thân hay bạn bè mà im lặng. Khi cháu nói cho họ biết sự thật những gì cháu biết mà họ vì tiền hoặc quyền lợi nhỏ nhoi nào đó mà không thấy được sự nguy hiểm sẽ đến với chính họ mà còn cả một quốc gia, lúc đó thì quá trể rồi, dù có muốn làm lại thì không thể được. Đặc biệt những người Việt của mình có lẻ vì chiến tranh triền miên khiến họ không cần biết gì nữa ngoài việc có tiền để sống sung sướng ngắn ngủi và tạm bợ họ cũng thấy vui hơn là sống theo lương tâm mà phải vất vã. Nhưng họ quên rằng đồng tiền làm ra bởi mồ hôi nước mắt của chính mình thì mới tôn tại lâu dài, ngược lại sống ví đồng tiền của kẻ khác thì sẽ khổ suốt đời về sau. Đó là luật “NHÂN QUẢ” mà ta thuờng nghe người đời nhắc tới hàng ngày trong xã hội.

Chẳng hạn như nước Mỹ hiện nay luôn gặp những điều không tốt kể thư Khi Trump lảm Tổng thống. Dì thuờng nói với ông xả dì rắng sở dỉ nước Mỹ bị chia rẽ đó là hậu quả của nước Mỹ nhận lấy sáu nhiều thế kỷ làm điều tội lỗi mà họ không thấy.

Nếu dựa vào lịch sử của nước Mỹ thì cháu sẽ thấy: Trước hết khi người Mỹ từ Âu châu đã bỏ đất nước họ để tìm đến đất nước phì nhiêu mầu mỡ nầy họ đã được người bản xử giúp họ trong mùa đông giá buốt không có thức ăn và được người bản xứ giúp đở họ và cứu họ sống qua những ngày băng giá lúc họ bước chân đến mảnh đất nầy. Vậy mà họ đã quên ơn mà trái trại giết những kẻ cứu họ.

Kế đến là người Việt nam mình mất nước đã phải ra đi để tìm nơi an bình sinh sống thì phải chết gì sóng biển hoặc đói khác khi lạc vào những khu rừng không có thức ăn nên phải chết đói.

Cũng chỉ vì họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính họ mà đã giao đất nước Việt Nam cho Tàu Cộng để đổi lấy có được kinh tế giàu có do Trung Cộng đông dân nhân công rẻ, nhưng họ cũng không hưởng được suốt đời được. Vì Tàu Cộng nó đâu có ngu, chẳng qua lúc đó nó còn nghèo nên nó chịu đựng thế thôi. Chứ hiện nay bọn chúng đã ăn cắp các kỷ thuật công nghệ tân tiến của Mỹ rồi thì bọn chúng đâu còn sợ Mỹ nữa.

Mỹ lúc nào cũng cho mình là số “1”, nhưng thật sự hiện nay thì Mỹ không hẳn là số một nửa rồi. Các bọn tư bản nó chỉ muốn bốc lột sức lao động của kẻ nghèo để làm giàu cho chính chúng mà thôi. Nếu cháu nhìn hai chị của cháu hiện đang làm lao động cho các hảng xưởng của Mỷ cháu có thấy không?

Còn rất nhiều chuyện nhưng vì không có thì giờ nên nếu có dịp dì sẽ kể thêm. Dì rất mừng khi thấy cháu nhận thấy được những gì hiện nay đang xảy ra ở Mỹ. Người Việt mình có câu “ĂN HIỀN Ở LÀNH” thì không bao giờ sợ khổ.

Chúc cho gia đình cháu luôn luôn được mạnh khỏe và các con của cháu luôn luôn ngoan ngoản và học giở nhé

Tôi cám ơn những lời chân thật của dì. Giờ nghĩ lại lần cuối tôi gặp dì là lúc dì dự tiệc cưới của tôi. Thấm thoắt đã 12 năm rồi không gặp dì và dì cũng chưa hề gặp bốn thằng con của tôi. Hy vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ lại dì trong một ngày gần đây. Xin chúc dì dượng luôn khỏe mạnh.

Phi chính trị

Hôm trước tôi tình cờ trò chuyện với một đứa cháu gái—tuy gọi là cháu nhưng nó cũng ba mươi mấy tuổi rồi. Tôi hỏi cháu có đi bầu cử không và cháu trả lời “không.” Vì chẳng phải là cháu của tôi nên cũng chỉ hỏi cho có lệ. Thế rồi cháu nói chuyện với cậu thật của nó. Thì ra cháu chẳng biết gì về chính trị và cháu chưa từng đi bầu cử cho dù cháu có thể sinh tại Mỹ hoặc định cư lúc còn rất nhỏ.

Tôi thật sự ngưỡng mộ sự thơ ngây của cháu. Cháu có thể sống một cách thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào và điên đảo của chính trị diễn ra từng ngày trong xã hội. Thật sự thì biết cũng chẳng có ích lợi gì. Chính trị ở Mỹ bị mua bán từ mấy chục năm qua. Càng theo dõi càng thêm phiền muộn. Tôi đã cố gắng gạt bỏ nó qua đời sống của mình vì nó đã khiến tôi mất tình cảm bạn bè và người thân trong gia đình. Tôi thấy không đáng.

Tôi muốn tinh thần được trở lại như cháu. Chỉ cần làm những gì mình thích và chỉ quan tâm đến những gì ảnh hưởng đến riêng mình. Suy nghĩ như thế có lẽ quá hẹp hòi nhưng cuộc sống sẽ thoải mái và thanh thản hơn. Những ngày tháng sắp tới sẽ còn gây cấn và căng thẳng hơn. Chắc phải deactivate Facebook một thời gian để qua vụ bầu cử tổng thống.

Đúng ra tôi phải theo đảng Cộng Hòa vì không ai điên đến nỗi tự đánh tay nuôi cái miệng. Từ lúc đảng Cộng Hòa lên, nơi tôi làm càng mạnh. Đã nhiều giáo viên tạm nghỉ dạy theo lời kêu gọi của chính phủ. Trong bốn năm vừa qua trường đã nhận gần 100 triệu tiền đóng góp từ những tay Mạnh Thường Quân của đảng Cộng Hòa. Cho dù như thế tôi vẫn không thể chấp nhận đường lối vô lương tâm và sự rụt rè của những nhà lãnh đạo bên đảng Cộng Hòa. Linh hồn của họ đã bị con đười ươi màu da cam cướp đi mất. Họ không còn là những thủ lĩnh làm việc cho dân nữa. Họ đã trở thành những con chốt bị điều khiển. Họ chọn sự trung thành với đảng trên cả đất nước. Họ chỉ lo cho người giàu mà không quan tâm đến những người trung bình và người nghèo. Thật đáng tiếc quá.

Tôi không biết rồi đây sẽ bị ảnh hưởng gì trong công việc nếu đảng Cộng Hòa không còn mạnh nữa nhưng đất nước sẽ tốt hơn với một vị tổng thống mới. Nhất là sau khi đánh gục con đười ươi đã tung hoành phá hoại đất nước trong mấy năm qua. Tôi biết rất nhiều người trong cộng đồng Việt rất tôn thờ con đười ươi. Đó là quyền lợi tự do của họ. Chỉ hy vọng rằng dù sao đi nữa tình đồng hương, tình bạn bè, và nhất là tình người thân không bị ảnh hưởng. Cho nên nếu tôi có lời xúc phạm xin bỏ qua. Tôi không cố ý. Dù chính trị có thay đổi thế nào tình cảm của tôi đối với người thân vẫn không đổi thay. Lý do đơn giản vẫn là không đáng.

Kỷ niệm 29 năm của chị Thư và anh Hội

Cuối tuần cả gia đình tôi đi dự buổi tiệc kỷ niệm 29 năm của chị Thư và anh Hội. Nhìn thấy anh chị gần 3 thập kỷ vẫn yêu thương như thuở ban đầu, tôi rất hâm mộ.

Gia đình chị Thư quen với gia đình vợ tôi từ lúc còn ở Việt Nam. Bố mẹ vợ tôi và bố mẹ chị là bạn thân. Tôi không biết nhiều về chị nhưng nhận ra được sự cởi mở và thân thiện của chị mỗi lúc gặp và trò chuyện. Chị là người đã đưa hai thằng con trai và thằng cháu tôi đến võ đường của anh. Dĩ nhiên là hai thằng nhỏ con tôi và thằng cháu nhỏ cũng sẽ bái anh làm sư phụ khi tụi nó chịu nghe lời.

Tôi biết anh Hội qua võ đường Thần Phong. Tuy chỉ gặp anh vài phút những ngày cuối tuần lúc đưa mấy thằng con đến học võ, nhưng tôi luôn kính trọng bản chất khiêm tốn và điềm đạm của anh. Anh dạy từng đứa tận tình theo năng khiếu của mỗi đứa. Tôi tin rằng anh không chỉ dạy võ cho mấy đứa nhỏ mà luôn cả đạo đức làm người. Hy vọng bọn nó sẽ học hỏi võ thuật và noi gương theo nhân cách của thầy.

Tôi lấy làm vinh hạnh được chứng kiến buổi tiệc thật ấm cúng của anh chị. Con gái anh chị ca bài “The Power of Love” tặng cha mẹ đầy ý nghĩa. Bạn bè hát những bài nhạc tình gửi tặng cặp vợ chồng hạnh phúc. Đặc biệt là anh chị cùng song ca “Bài ca hạnh ngộ” của Lê Uyên Phương. Khi anh chị cất câu, “Rồi mai đây đi trên đường đời / đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn,” tôi hiểu được tình yêu bền lâu của anh chị. Lúc mới yêu và mới cưới, đôi uyên ương nào cũng nắm chặt lấy tay nhau. Nhưng khi đường đời đầy chông gai họ có còn nắm chặt hay không hay buông tay âm thầm tìm về cô đơn? Lê Uyên Phương đưa hai câu này vào nhạc thật độc đáo.

Vợ chồng tôi cũng nhận thức được hai câu này và hy vọng rằng chúng tôi cũng sẽ có kỷ niệm 29 năm như anh chị. Cám ơn anh chị đã cho chúng em cùng chung vui với anh chị trong một ngày tràn đầy ý nghĩa tình yêu. Qua tình cảm anh chị dành cho nhau, tôi tin chắc rằng anh sẽ đưa chị đến cuối cuộc đời.

Xuân Hảo: Bản tình trầm

Xuân Hảo có giọng ca trầm đẹp. Qua Bản tình trầm Hảo cover lại những ca khúc lãng mạn như “Tháng giêng và anh” và “Niệm khúc cuối” (Ngô Thuỵ Miên) rất trung thành. Những bài hoà âm cũng đơn giản không có gì mới lạ. Hảo cũng cover lại những bài trữ tình như “Tình bơ vơ” (Lam Phương) và “Mùa đông của anh” (Trần Thiện Thanh). Chỉ có khác là không đủ sến thôi. Album nghe cũng tạm. Không dỡ cũng chẳng có gì nổi bật.

Vì sao tôi viết

Tôi không viết văn, chỉ viết lách. Tôi không viết hay, nhưng hay viết. Tôi viết theo cảm nhận của mình nên thỉnh thoảng không phân biệt được những gì nên chia sẻ và những gì nên giữ lại. Một khi viết xuống tôi không bỏ, trừ khi có va chạm và dĩ nhiên có nhiều lần không tránh khỏi. Thế thì tạo sao không viết vào tập hay nhật ký riêng mà viết trên mạng? Lý do đơn giản là tôi sống trên mạng và nuôi sống bằng mạng.

Viết không phải là nghề nhưng có liên quan đến công việc tôi đã chọn và đang thực hành gần 20 năm. Lúc mới vào nghề tôi chỉ thiết kế trang web và rất thích thú mỗi khi sản phẩm của mình được tung lên mạng. Nhưng một quá trình có thể kéo dài đến một tháng, ba tháng, hoặc một năm. Tôi thiếu nhẫn nại nên đâm ra chán. Nhưng trào lưu blog đã cho tôi một thú vị mới. Trang mạng không chỉ để trưng bày thiết kế của mình mà còn cho tôi thêm một tiếng nói. Từ đó thiết kế và viết trở thành sự liên kết giữa niềm đam mê và nghề nghiệp của tôi.

Không ai trả tiền cho tôi viết (nhưng nếu bạn muốn đãi tôi ly cà phê thì tôi sẵn sàng tiếp nhận) nên viết là sự tự do của tôi, muốn viết gì viết. Viết khác hẳn với thiết kế vì thiết kế nhiều lúc không theo ý mình mà phải tuân theo người trả tiền hoặc theo cấp trên. Có khi không ưng ý cũng phải chấp nhận. Cho nên sự tự do trong viết rất cần để tôi cân bằng với sự gò bó trong thiết kế. Tôi còn tồn tại theo đuổi nghề gần hai thập niên là nhờ vào viết để nuôi dưỡng niềm đam mê cho thiết kế.

Mười mấy năm qua tôi đã tạo cho mình một ngôi nhà riêng trong thế giới mạng. Nó chỉ là một ngôi nhà nhỏ trong hàng tỷ ngôi nhà nhưng nó là một ngôi nhà rất riêng của tôi. Một ngôi nhà mang một cái tên rất riêng và địa chỉ riêng (Visualgui.com). Một ngôi nhà được thiết kế rất riêng. Một ngôi nhà được xây dựng từng đoạn mã chứ không phải lấy khuôn mẫu của người khác tạo ra. Từng mẫu chữ, từng màu sắc, từng thẩm mỹ được chính tay và mắt tôi tuyển chọn kỹ lưỡng để cách trình bày gọn gàng, rõ ràng, thân thiện, và quan trọng nhất là dễ đọc.

Dĩ nhiên ngôi nhà của tôi lúc nào cũng rộng mở để đón nhận những ai viếng thăm. Thích thì vào đọc không thích thì đi. Không tốn kém gì hết. Tôi không tự hào hết những gì tôi đã viết nhưng tôi rất quý trọng nơi cho tôi một không gian để chia sẻ những cảm xúc của mình. Đúng hay sai chỉ là những gì tôi cảm nhận lúc viết. Đừng bận tâm gì cả.

Theo thói quen, tôi viết vào buổi sáng lúc mới thức dậy hoặc vào đêm khuya. Dĩ nhiên là không ngồi vào bàn viết mà nằm nướng trên giường gõ iPhone. Buổi sáng đầu óc tỉnh táo nên lấy từ những nguồn cảm hứng tươi đẹp. Trái lại những đêm khuya, nhất là những lúc khó ngủ, đầu óc mệt mỏi nên thường viết về những phiền muộn vì thế nhiều lúc những gì không nên chia sẻ cũng thoát ra. Dù vui hay buồn, sâu hay cạn, tư hay công, tốt hay xấu, tôi viết để trị liệu tinh thần. Viết để giải thoát căng thẳng. Viết để xoa dịu tâm hồn. Và như thế tôi viết trong từng ngày. Và như thế tôi viết trong cuộc đời. Và tôi viết bằng trái tim của tôi.

Đặng Nguyễn Đông Vy: Hãy tìm tôi giữa cánh đồng

Quyển sách được chia làm hai phần. Phần đầu gồm những bài tản văn ngắn ngủi dễ thương tác giả viết về những ký ức đẹp đẽ và thơ mộng ở thôn quê. Đông Vy viết nhẹ nhàng, gọn gàng, và dễ đọc. Như lời tâm sự của cô về di chúc: “Tôi chợt nhận ra cuộc sống sự thật quá ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra rằng làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa.” Phần thứ nhì của sách gồm những truyện ngắn tình cảm. Sự thay đổi từ những chuyện của “tôi” trong tản văn đổi qua chuyện tình yêu của người khác khiến cho người đọc có cảm giác xa lạ. Những câu chuyện tình yêu nam nữ không còn thu hút nữa. Hơi uổng một tí.

Contact