Mẹ vợ

Anh đội ơn em và mẹ em rất nhiều nhất là những gì em và mẹ làm cho các con. Anh chưa từng bày tỏ tấm lòng của mình đến mẹ vì anh sợ mình chỉ dùng được lời nói thôi. (Như anh bày tỏ những lời yêu thương đến em nhưng đối với em đó cũng chỉ là những lời nói em nghe đã quá nhàm chán.)

Trong lòng anh luôn luôn quý trọng mẹ. Mẹ đã sống với gia đình mình mười mấy năm rồi mà giữa mẹ vợ và con rể không hề có đụng chạm hoặc mâu thuẫn. Thấy được mẹ vẫn còn khoẻ mạnh và chẳng những không chỉ tự chăm sóc cho mình mà còn cả con cháu anh rất vui và ngửng mộ. Và đó là sự thật từ đáy lòng của anh chứ không phải vì anh muốn mẹ trông con cho anh.

Anh ước ao được ở chung với mẹ anh như em hiện được ở bên mẹ em. Đó là cái diễm phúc quý giá không phải đứa con nào cũng có được. Cho dù vô tình hay vô tâm, anh xin lỗi nếu như anh đã có những cử chỉ không tôn trọng mẹ em. Anh biết giờ đây câu xin lỗi của anh đối với em cũng chỉ là lời nói chót lưỡi đâu môi.

Tuy mẹ không nói nhưng anh không thể nào không cảm nhận được tình thương của mẹ dành cho thằng con rể. Anh đã từng chứng kiến những sự mâu thuẫn giữa mẹ vợ và con rể nên anh càng biết quý mến tình thương mẹ em dành cho anh. Anh tin chắc rằng tình anh và mẹ vợ còn sâu đậm hơn tình em và mẹ chồng.

Phân phối

Như anh đã từng tâm sự với em. Gần đây anh lo lắng nhiều chuyện quá nên đầu óc anh lúc nào cũng bị phân phối và áp lực.

Chuyện mẹ ngã. Chuyện chị em bất hòa. Chuyện con cái nói dối. Chuyện nhà cửa. Công việc trong trường. Ngồi vào bàn làm việc mà đầu óc anh cứ quanh quẩn chuyện này chuyện nọ lo sợ đủ điều rồi thời gian trôi qua lúc nào không hay biết.

Đến chiều thì mệt rã người. Đầu óc nặng trĩu. Đêm đến thì vẫn còn suy nghĩ không ngủ được. Mỗi ngày mỗi chuyện phiền phức chồng chất lên nhau. Công việc làm vẫn chưa hoàn tất. Việc nhà vẫn chưa sửa chữa và dọn dẹp gọn gàng. Việc con cái vẫn chưa có giải đáp.

Anh sống trong sự căng thẳng và sự vô dụng của chính bản thân không đáp ứng được những nhu cầu của em. Khi em nói anh, “càng ngày càng tệ,” anh bị shock. Vì đó là một câu khinh bỉ nặng nề, nhất là nó thoát ra từ người mình yêu, người mình luôn tôn trọng, và người mình luôn cố gắng để làm vừa lòng.

Đùa giỡn

Ngày xưa anh hay nói đùa với em. Thấy em nở những nụ cười anh rất vui. Giờ đây những gì anh nói chỉ khiến em thêm khó chịu và bực bội. Anh nhận thức được điều đó. Tuy rất buồn nhưng anh đã không còn đùa giỡn với em như xưa nữa. Xót xa hơn khi nghe em nói chuyện qua phone với bạn đồng nghiệp nhẹ nhàng và êm dịu. Với anh, em chỉ còn lại những lời lẽ chua chát và đắng cay.

Trong đôi mắt em anh là niềm thất vọng. Lời nói, “anh yêu em,” giờ chỉ là chót lưỡi đầu môi. Những hành động của anh cũng chỉ vì anh muốn đạt đến mục tiêu của anh. Có lẽ em nói đúng và anh không thể chấp nhận được sự thật. Anh đã cố gắng nhưng “càng ngày càng tệ.”

Những thiếu sót của anh sẽ không bao giờ bù đắp được. Anh không thể nào đền đáp được sự hy sinh của em cho gia đình chúng ta. Mỗi lần em sinh một đứa con là niềm vui và hạnh phúc anh dấu yêu. Mỗi lần em mất một đứa anh đau điếng đến chết lặng. Dù biết rằng lời nói của anh giờ đây đối với em cũng chỉ vô nghĩa nhưng anh đội ơn em suốt đời.

Thư hồi âm

Đúng, lúc ra đi anh rất giận. Không phải vì em làm anh mất hứng mà em đã…

Nhưng thôi giờ đây có nói gì cũng vô ý nghĩa. Thư hồi âm anh viết rồi anh lại xóa đi thôi.

Thư từ Đức Trí

Thật ngạc nhiên khi nhận được email từ nhạc sĩ Đức Trí. Tôi xin chia sẻ một đoạn anh viết:

Tôi là Đức Trí, cũng họ Trương, đang còn ở VN. Có vài lần ai đó đã gửi tôi xem những bài review về âm nhạc của anh viết, tôi rất thích vì nó sâu sắc và thẳng thắn, có tính chuyên môn cao. Tôi chắc rằng anh là người hiểu biết nhiều về âm nhạc. Là một người làm nghề, chúng tôi rất cần những người review như thế…

Thú thật thì tôi không biết gì về âm nhạc. Tôi chưa bao giờ học nhạc ngoài việc lấy vài lớp như nhận thức âm nhạc (music appreciation) và lịch sử nhạc jazz (jazz history) lúc còn làm cho trường đại học Vassar. Tôi chỉ là người nghe nhạc và viết theo cảm xúc riêng của mình. Tôi chỉ muốn chia sẽ cảm nhận chân thật của mình mỗi khi nghe một album cho nên những bài review của tôi không bị gò bó gì cả và không ai trả tiền cho tôi viết. Mục đích của tôi là viết để không quên tiếng Việt. Tôi sống ở Mỹ hơn 30 rồi nhưng chỉ vài năm gần đây tôi mới đọc và tập viết lại chữ Việt nhiều hơn. Càng trau dồi, tôi càng nhận thức được nét đẹp và sự phong phú trong chữ Việt của mình. Tôi hy vọng một ngày nào đó mấy đứa con tôi cũng sẽ nhận thức được.

Về phần nhạc sĩ Đức Trí thì tôi đã theo dõi những tác phẩm do anh sản xuất (produced) từ lâu. Mới đây nhất là album Trọn một kiếp yêu của Đức Tuấn. Tôi rất thích cái taste của anh. Chẳng hạn như album Một thời đã xa, sự mộc mạc và nhã nhặn trong từng bài hoà âm lại có sức lôi cuốn mãnh liệt. Lâu lâu tôi vẫn nghe lại album đó.

Anh viết thêm:

Nay tôi viết vài dòng, trước để cám ơn anh, hai là để xin thỉnh giáo anh về lĩnh vực tôi rất muốn tìm hiểu mà có lẽ anh khá rành, đó là typo. Tôi là người yêu sách giấy và calligraphy. Hy vọng email này đến được anh, mình có dịp làm quen nhau và có thể học hỏi anh một ít về lĩnh vực này. Nhất là công việc của tôi liên quan đến in giáo trình dạy nhạc, tập nhạc… mong muốn có được ít hiểu biết để fontbook của mình bớt đơn điệu.

Calligraphy thì tôi không rành (thậm chí tôi vẽ chữ rất xấu) nhưng typography thì tôi sẵn sàng trao đổi những gì tôi hiểu biết. Tôi rất hy vọng người Việt chúng ta tìm hiểu về lĩnh vực này nhiều hơn và nhận thức được giá trị của nghệ thuật chữ.

Trần Kiêm Hạ: Vùng biến mất

Tập truyện rất ngắn của Trần Kiêm Hạ về đề tài xã hội nhưng sự thiếu công bằng giữa giàu và nghèo cũng như bậc cấp cao thấp trong cuộc sống. Truyện chủ đề, “Vùng biến mất,” nói về đôi vợ chồng già ở tuổi ngoài 60. Khi bà vợ không cho ông gần gũi chăn gối nữa, ông sống trong nỗi cô đơn chán chường. Một lần trên Facebook, ông quen với một cô gái trẻ một con ly dị chồng. Ban đầu chỉ “chat” rồi chuyển sang tâm tình qua điện thoại rồi tiến thêm một bước xa hơn. Chỉ vì muốn được giải tỏa sự thèm khát của tình dục trong vài phút mà ông phải trả một cái giá rất đắt.

Ở đời không có gì là miễn phí cả. Cái gì cũng có cái giá của nó. Tác giả muốn nhắc nhở đàn ông rằng vợ không cho ăn cơm cũng đừng ra ngoài ăn phở. Như vậy thì ông còn đường nào để lựa chọn? Chẳng lẽ tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm phải chấm dứt vì thiếu tình dục? Nếu như không thì chẳng lẽ ông phải sống trong sự cô đơn và thiếu thốn cho hết cuộc đời? Nếu như đối với ông tình dục là quan trọng thì bà có thể nào đáp ứng giữa đường (meet halfway) được không? Dĩ nhiên tôi đâu phải là nhà tâm lý tình dục đâu mà có câu trả lời.

Tuy đây là tập truyện hư cấu nhưng tác giả dùng những câu chuyện khá giống với thực tế. Cách viết lách của anh mộc mạc nên cũng dễ đọc. Còn các chủ đề thì không có gì mới lạ nên đọc cũng không hào hứng cho lắm.

Tình anh chị em

Người Việt chúng ta có câu tục ngữ chắc chắn đứa trẻ nào sống trên đất Việt cũng thuộc lòng: “Anh em như thể tay chân / rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.” Nhưng theo tôi chứng kiến phần nhiều anh chị em cãi nhau từ nhỏ cho đến già. Lúc còn bé cãi nhau tranh giành đồ chơi. Đến nửa đời người cãi nhau tranh giành tài sản. Đến khi già lôi chuyện cũ ra cãi tiếp.

Dù cho vật đổi sao dời, tình anh chị em vẫn không thể đổi thay. Dù ghét nhau hay giận nhau cũng mãi mãi là anh chị em. Thôi thì mỗi người nhường một bước. Chuyện cũ xóa bỏ, cố gắng hàn gắn lại tình anh chị em. Kiếp này có duyên mới được cùng chung một dòng máu. Đời người ngắn ngủi. Anh chị em nên đoàn kết với nhau. Đã là anh chị em rồi thì không có gì không thể tha thứ cho nhau.

Tôi cũng đã nhiều lần làm tổn thương đến anh chị của mình. Rồi thì anh chị cũng đã từng tha thứ cho thằng em út dại khờ này. Anh chị chẳng những không trách móc những sai lầm của tôi mà còn dùng tình cảm để thương tôi nhiều hơn. Tôi sẽ cố gắng hết sức để gìn giữ tình cảm anh chị em.

Giờ đây thấy mấy đứa con mình tranh cãi nhau nhiều hơn ăn cơm bữa, tôi bực bội, phiền muộn, và đau lòng lắm. Tôi luôn giải thích với chúng sự quan trọng của tình cảm anh em trong gia đình nhưng lời tôi nói như gió thổi qua tai. Hy vọng lúc lớn lên tụi nó sẽ nhận thức được tình cảm anh em mà thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Mẹ đã về

Xin cám ơn những lời hỏi thăm và sự quan tâm của người thân và bạn bè gần xa về tình trạng của mẹ. Trưa thứ năm vừa qua, mẹ đã được cho về từ trung tâm phục hồi. Tuy đi đứng còn rất khó khăn nhưng mẹ cảm thấy thoải mái hơn khi được về nhà.

Chiều hôm qua nhìn thấy mẹ đau đớn đến khóc tôi xót xa. Bác sĩ cho biết mẹ sẽ bị đau đến suốt đời vì xương sống của mẹ đã bị mẻ. Giờ chỉ còn cách uống thuốc để mẹ được giảm cơn đau nhức nhối. Bác sĩ cũng nhắn nhủ mẹ phải vận động chứ đừng nằm hoặc ngồi nhiều. Tuy đau thấu xương, mẹ cũng cố gắng đi qua đi lại trong nhà. Thấy mẹ ăn uống ngon miệng hơn và tinh thần vẫn mạnh mẽ tôi rất vui.

Chỉ có điều mẹ ngủ không được ngon giấc nên tôi nằm kế bên tâm sự với mẹ. Đã lâu rồi tôi không có cơ hội trò chuyện riêng tư với mẹ và ít khi được nghe mẹ kể về quá khứ. Tôi muốn biết thêm về chuyện ấu thơ của mẹ. Tôi muốn tìm hiểu thêm chuyện tình cảm của mẹ cũng như lối suy nghĩ của mẹ. Hai hôm nay tôi hỏi hết những gì tôi thắc mắc và mẹ cũng đã kể lại thật lòng những gì mẹ còn nhớ. Tôi đã thu âm lại hơn hai tiếng đồng hồ cuộc đàm thoại của hai mẹ con. Khi nào có thời gian tôi sẽ viết lại những điều thú vị mẹ đã bày tỏ. Nói tóm lại là cuộc đời mẹ là bể khổ và mẹ chỉ mong mỏi được mau bình phục để sống những ngày tháng bên con cháu.

Chị tôi tạm nghỉ công việc ba tháng để lo cho mẹ. Tôi cảm kích lòng hiếu thảo và cảm tạ sự hy sinh của chị dành cho mẹ. Hy vọng hai mẹ con có những giây phút nhẹ nhàng, vui vẻ, và giá trị bên nhau. Được chăm sóc cho mẹ là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có. Đừng đánh mất đi cơ hội để rồi mai đây hối hận.

Là con trai út trong nhà, tôi có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ và tôi đã ngỏ ý muốn rước mẹ về chung sống với gia đình tôi nhưng mẹ đã quen sống với chị. Mẹ không muốn thay đổi. Mẹ khen chị lo lắng cho mẹ chu đáo nên khuyên tôi khỏi bận tâm. Khi nào cần thì tôi về là đủ rồi. Nghe mẹ nói vậy tôi cũng yên tâm và tôn trọng sự lựa chọn của mẹ. Chị còn đủ sức để lo cho mẹ tôi cũng an lòng và tôi luôn sẵn sàng tiếp tay chị để mẹ có được cuộc sống yên ổn ở tuổi già.

Trương Nguyện Thành: Cha Voi

Mười chín tuổi, Trương Nguyện Thành cùng người em trai mười bốn tuổi vượt biên. Đến Mỹ với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi nhưng anh cố gắng học rồng rã mười năm liên tiếp để nhận bằng Tiến sĩ Hoá học. Anh cưới vợ Nhật và có hai đứa con trai. Đứa lớn tự kỷ và đứa nhỏ nhạy cảm. Tuy vợ chồng ly dị lúc hai cháu còn nhỏ, hai người vẫn tiếp tục cùng nhau dạy dỗ hai đứa con nên người.

Qua Cha Voi, anh chia sẻ những trải nghiệm của mình về cách dạy từ lúc hai cháu còn bé cho đến lúc hai đứa trưởng thành. Khác với Mẹ Hổ (Tiger Mom), phong cách Cha Voi là không dùng hình phạt nghiêm khắc hoặc dùng bạo lực để bắt buộc con tuân theo mà dùng cách thuyết phục và khuyên nhủ con. Cơ bản của Cha Voi là giúp đỡ con phát triển kỹ năng, nhân cách, tư duy, và kiến thức.

Những kinh nghiệm dạy con của anh rút ra từ cách “uốn tre từ thuở còn măng” của ông nội phối hợp với những nhận thức của anh từ văn hoá Việt, Mỹ, Nhật, và Đan Mạch. Tôi ít khi đọc sách về việc nuôi nấng con cái (parenting) cho dù đề tài này được viết rất nhiều trong sách tiếng Anh. Mỗi trường hợp của mỗi gia đình đều khác nhau nên những gì áp dụng cho cha mẹ Mỹ không phù hợp với cha mẹ Việt. Sách này thì có rất nhiều điểm giống trường hợp của tôi từ văn hoá đến cách thức nên những gì anh đã trải nghiệm tôi có thể học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh của mình. Cái nào không áp dụng được thì cũng không mất mát gì.

Tôi hâm mộ sự quyết định viết sách bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh. Tuy sống ở Mỹ hơn bốn mươi năm mà anh vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ của mình và viết rất trôi chảy. Đồng thời sách Việt về đề tài dạy dỗ con cái nên người ở thời đại số rất hiếm hoi. Tôi khuyến khích cha mẹ Việt trong nước và ngoài nước nên đọc. Sách chỉ hơn 300 trang mà tác giả đã ghi lại mười mấy năm trải nghiệm và anh đã thành công. Anh không phải là một chuyên gia dạy con mà chỉ là một người cha thương yêu con cái của mình hết tấm lòng và chỉ mong muốn con mình có được cuộc sống hạnh phúc.

Hà Anh Tuấn: Truyện ngắn

Chiều hôm nay lái xe một mình trên xa lộ hơn ba tiếng đồng hồ, tôi tạm thời gác lại hết những chuyện phiền muộn trong đời sống để chìm đắm vào sáu tập Truyện ngắn của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Mỗi câu chuyện tình cảm sâu lắng được kể qua chất giọng ấm áp của Hà Anh Tuấn và những phần hoà âm mộc mạc, sang trọng, và êm dịu.

Đây là một concept album được sắp xếp kỹ càng để tạo cho người nghe được một cảm nhận (experience) trọn vẹn từ đầu đến cuối tuy ngắn ngủi. Nhưng nếu phải chọn một trong sáu câu chuyện thì tôi sẽ chọn “An.” Chỉ nghe hai câu đầu, “An ơi! Hãy ước hoa đăng chuyển lời / Mênh mang gió tới lắng nghe chờ đợi,” khiến tôi nhớ ngay đến người bạn cũ tên An. An ơi! Thấm thoát hơn hai mươi năm rồi đã không gặp. Qua tiếng đàn dương cầm vu vơ hoà quyện với dàn dây mang máng buồn, Hà Anh Tuấn đem đến trong tôi một thoáng xao xuyến khi hát câu:

Chân đi không nỡ, tay buông không thành
Sợ đời lạc mất dấu
Vương đôi giọt sương khóe mi dứt áo ta buồn
Hương còn chưa thể phai ai níu con đường.

Truyện ngắn là một album truyền cảm, lãng mạn, và rất Hà Anh Tuấn.

Contact