Tình em bán dừa

Hôm nọ thấy thằng con trai chặt dừa làm mình nhớ đến kỷ niệm em bán dừa. Khác với thằng con trai không có kinh nghiệm, em chặt dừa rất nhẹ nhàng và gọn gàng tuy dáng em dịu dàng. Nhớ hơn nữa là em không chịu lấy tiền. Em nở một nụ cười dễ thương và nói rằng hàng xóm mà sao Doanh khách sáo quá.

Mười mấy năm không gặp, em giờ đã trở thành một thiếu nữ rất đẹp. Dáng em cao. Mũi em thon. Răng em khểnh. Nước da em ngâm đậm chất Mỹ Tho. Khi em nhắc lại những ký ức xưa tôi thấy rất vui vì em vẫn còn nhớ.

Ngày xưa chắc chị của em học giỏi hay sau đó mà mẹ tôi thuê chị dạy học thêm cho tôi. Mẹ thì chẳng báo gì cho tôi biết cả. Bổng một hôm đang chơi bắn bi với mấy đứa trong xóm thì chị đến nài nỉ tôi đến nhà chị học. Lúc đó tôi học lớp hai hay lớp ba gì đó còn chị chắc lớp năm hay lớp sáu. Thấy chị tha thiết gọi, tôi cũng đành bỏ chơi mà đến nhà chị để học. Thấy tôi học một mình không tập trung nên chị bảo đứa em cùng lứa vào học chung. Hai đứa học dễ dàng hơn một tí vì những gì tôi không biết em trả lời dùm. Có lúc học hết bài mà vẫn chưa hết giờ, chị lơ là. Thế là mẹ chị vừa bán dừa vừa nhảy vô dạy thế. Còn tôi thì ngồi gục lên gục xuống.

Tôi không nhớ học được bao lâu nhưng tôi không thể nào quên được những chuỗi ngày thơ ấu đó. Không ngờ em cũng chưa đã quên. Lúc em nhắc lại chuyện xưa thì tôi hỏi thăm người thầy đã từng dạy kèm hai đứa mình. Em hỏi tôi muốn đi thăm thầy không em đưa tôi đi.

Em đưa tôi sang sông bằng chiếc xuồng ba lá. Em nắm lấy tay tôi mỗi lần lên xuống xuồng và qua cầu tre. Cuối cùng cũng đến nhà chị. Lúc đó chồng chị đi làm chỉ còn chị ở nhà trông mấy đứa con. Thấy tôi chị mừng rỡ và nhận ra ngay. Tôi vẫn nhận ra chị. Chị vẫn đẹp như ngày nào chỉ khác là nhan sắc mặn mà hơn. Chị hỏi thăm cuộc sống của tôi và mẹ ở Mỹ ra sao. Lúc đó tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học. Chị bảo rằng tuy chị đã bỏ học đi lấy chồng nhưng chị rất tự hào đã dạy dỗ hai đứa học trò thành công. Thấy tôi và em cười xung sướng chị cũng không ngại “giới thiệu” luôn. Không biết chị nói đùa hay nói thật, chị bảo tôi đưa em qua Mỹ luôn. Tôi hỏi em có muốn đi không tôi đưa em đi ngay. Em chỉ cười e thẹn.

Quả thật lúc đó tôi như được lên cung trăng nhưng tôi mất đi tự tin dưới sắc đẹp của em. Tôi như thằng Cuội được chị Hằng cứu vớt. Câu trong đầu của tôi lúc nào cũng, “It’s too good to be true.” Nếu như tôi không phải trai Việt Kiều thì làm gì mà có cửa. Tôi không chắc chắn em đến với tôi là thật lòng hay là giả dối. Tôi quay về Mỹ và khép lại mối tình vẫn chưa bắt đầu.

Vài năm sau nghe tin em đã lấy chồng tây và đã định cư nước ngoài. Thế thì tôi cũng mừng cho em. Chúc em được hạnh phúc nơi xứ lạ quê người.

Miếng bánh mì đường

Chiều nay nâng niu miếng bánh mì trên tay, từng hạt đường chậm vào ngón nhưng chưa kịp đưa vào miệng thì một ký ức nho nhỏ của tuổi thơ đã ùa về.

Không nhớ chính xác lúc đó 9 hoặc 10 tuổi nhưng nhớ hôm đó tôi bị ốm nhẹ nên chỉ đứng trước cửa nhà nhìn ra đường chứ không tung tăng chạy nhảy cùng mấy đứa hàng xóm. Bỗng nhiên thằng nhà kế bên đến trước mặt nhai rột rột miếng bánh mì có những hạt đường chiếu lóng lánh. Ngắm nhía miếng bánh mì giòn rụm đưa vào miệng nó và một vài hạt đường nhỏ rơi xuống đời mà tôi thèm thuồng. Nhất là khi nó bỏ hết miếng cuối cùng vào mồm rồi bỏ đi.

Tôi trở vào nhà với nét mặt buồn rầu. Mẹ hỏi con bị sao? Tôi nói con thèm ăn bánh mì giòn có đường. Mẹ lập tức chạy xe đạp khắp các tiệm bánh ở Mỹ Tho để mua cho tôi ăn. Giờ đây cầm miếng bánh mì thơm mùi bơ, ngọt vị đường mà không thể nào quên được tấm lòng thương con vô bờ bến của mẹ. Xin cám ơn mẹ rất nhiều.

Trang nhạc Phú Quang

Gần đây tôi hay nghe lại nhạc Phú Quang, nhất là với giọng hát của Quang Lý và Ngọc Anh. Nghe lời nhạc của ông đẹp và thơ mộng nên tôi muốn thiết kế một trang web nhạc gồm những sáng tác của ông.

Thứ nhất là để làm mẫu cho nghệ thuật chữ Việt (Vietnamese Typography). Gần đây tôi thu được bộ chữ Harriet, thiết kế của Jackson Showalter-Cavanaugh. Anh thiết kế những dấu Việt đẹp và rõ nên tôi muốn dùng để làm một dẫn chứng về chữ Việt.

Thứ hai là để làm thỏa mãn bản thân. Tôi có sở thích đọc lời nhạc như đọc thơ qua iPhone. Những lúc xếp hàng đợi mua ly cà phê hoặc đợi trả tiền ở Costco, tôi mở trang web nhạc ra đọc thay vì lướt qua Twitter hay Facebook. Tuy lời nhạc tìm rất dễ dàng qua Google nhưng những trang nhạc thường chỉ để từng bài chứ không hết những bài hát của một nhạc sĩ. Đa số những trang nhạc đó load rất chậm vì họ kèm theo quảng cáo và họ chỉ dùng phông chữ thường (generic). Tôi muốn dùng chữ khác hơn và dễ đọc hơn.

Mỗi khi đọc hết một bài trên những trang nhạc khác, tôi lại phải tìm đọc bài khác. Cho nên tôi dồn hết tất cả những tác phẩm của một nhạc sĩ vào một trang theo thứ tự của tựa đề. Đọc hết một bài thì scroll tiếp đến bài kế. Khi nào ngưng đọc vẫn để trang web như vậy không đóng lại và thế thì lần sau sẽ đọc tiếp.

Tôi đã tạo ra tập nhạc của Trịnh Công Sơn, lời rap của Rhymastic, và tập thơ của Hồ Xuân Hương. Những trang này xem như những sưu tầm riêng của tôi. Nếu như sau này những trang nhạc không còn nữa, tôi vẫn còn lưu lại cho mình. Tuy hơi tốn công một chút nhưng thiết kế cũng vui vui. Sẵn tiện học luôn chữ Việt. Dự án kế tiếp tôi sẽ làm khi thời gian cho phép sẽ là những tác phẩm của nhạc sĩ Diệu Hương. Nhưng bây giờ mời các bạn vào đọc những lời nhạc của nhạc sĩ Phú Quang.

Một ngày ngọt ngào

Thưa ba,

Hôm qua con vừa đọc xong quyển hồi ký rất cảm động của nữ danh ca Mariah Carey. Không ngờ đằng sau danh tiếng lẫy lừng và thành công rực rỡ, cô đã trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc sống.

Lúc mới qua Mỹ, con thích giọng hát của cô và rất khâm phục lời hát cô đã viết, đặc biệt là nhạc phẩm “One Sweet Day” (Một ngày ngọt ngào) cô đã viết và trình diễn với nhóm Boyz II Men. Lúc nhạc phẩm này mới ra, con đã xem đi xem lại rất nhiều trên MTV. Lúc đó con biết được lời nhạc rất hay nhưng chưa cảm nhận được tâm trạng gửi gắm trong ca từ. Giờ nghe lại mới thấm, nhất là phần điệp khúc:

Và tôi biết được bạn đang tỏa sáng xuống tôi từ Thiên đàng
Như những người bạn chúng đã mất trên đường đời
Và tôi biết một ngày nào đó chúng ta sẽ cùng bên nhau
Một ngày ngọt ngào.

Có người cho rằng những gì con viết chỉ là đạo đức giả. Lúc ba còn sống con đã không giúp đỡ được gì cho ba. Lúc ba đi rồi thì là kẻ la khóc to nhất. Con không giận cũng không trách họ. Những gì con viết xuống đây là để tưởng nhớ và chia sẻ những kỷ niệm của riêng con với ba. Điều đó con không cảm thấy xấu xa hay giả tạo. Điều con chỉ sợ là không còn gì để viết hoặc không dám viết.

Mấy mươi năm qua con viết về ba rất nhiều. Lúc bố vợ còn trên cõi đời này, bố đã đọc những lời tâm sự con viết về ba và bố đã hiểu được tâm trạng của con. Lúc mới biết con, bố cũng khá ngạc nhiên nếu không thất vọng. Mấy chục tuổi đầu mà không biết dùng cây búa để đóng cây đinh cho thẳng. Nhưng rồi bố cũng chấp nhận thằng con rể vụng về này tối ngày chỉ chăm chỉ đọc và viết. Sau khi trở thành con rể, bố tặng cho đồ nghề và đã dạy cho con cách sửa chữa những thứ lặt vặt trong nhà. Nhờ bố mà giờ đây con tự tin hơn mỗi khi phải sửa chữa đồ trong nhà.

Lúc tụi con mới cưới bố đã về Việt Nam và đã gặp ba và đã biết mặt nhau. Bố mến sự thân tình và tình cảm của ba. Hy vọng giờ đây bố và ba có thể gặp lại nhau vào một ngày ngọt ngào.

Trở về ngôi chùa xưa

Thưa ba,

Tuổi thơ của con được gắn liền với đức Phật là nhờ công quả của ba. Ngày xưa được theo ba xây cất hoặc sửa sang lại ngôi chùa là những chuỗi ngày vui vẻ và bình yên mà con không bao giờ quên.

Ba được Sư Bà đặt cho pháp danh là Thiện Minh còn con là Huệ Quang. Con rất thích pháp danh của mình và luôn được Sư Bà, Sư Cô, và chị Mỹ Châu gọi nên con đã quên tên thật của mình lúc đó. Ngày ba hoàn tất công việc và tạm biệt các Sư và chị Châu con không chịu về. Con muốn ở lại chùa vì nơi đó con đã tìm được niềm vui. Chiều theo ý con, ba đã để con ở lại trong chùa.

Mỗi buổi sáng thức dậy con được thưởng thức những món điểm tâm chay rồi cùng Sư Bà, Sư Cô, và chị Châu đi tụng kinh. Con được giao phó phần gõ chuông mỗi lúc sư bà đọc kinh. Niệm Phật xong con phụ giúp Sư Cô đi tưới cây xung quanh chùa trong lúc chị Châu đi học. Giỏi thì được Sư Cô thưởng cho một trái dừa tươi uống vừa ngọt vừa đã khát.

Lúc trưa lại được ăn những món chay rất ngon. Món con thích thất là cơm rang bằng “dầu lửa.” Ăn trưa xong thì được ngủ trưa. Có lúc được ngủ trên chiếc võng sau vườn dưới gốc dừa. Nhờ những luồng gió man mát và những tiếng ve kêu da diết đã cho con những giấc ngủ nhẹ nhàng thoải mái. Ngủ dậy được Sư Bà dạy học nhưng con không nhớ rõ đã học những gì vì lúc đó con còn chưa lên mẫu giáo. Nhưng con lại nhớ rất rõ sau giờ học với Sư Bà là giờ chơi với chị Châu. Hai chị em chơi trốn tìm vòng quanh khu chùa, chơi lò cò, chơi thảy đá, hoặc chơi thắt lá dừa. Chị Châu thắt rất khéo những con thú và chong chóng bằng lá dừa.

Chiều đến đi niệm Phật và thắp nhang những tượng Phật. Rồi thì ăn tối những món chay rất ngon như tàu hủ chiên chấm nước tương và rau muống xào thơm phức. Sau buổi ăn tối thì con và chị Châu xúm lại nghe Sư Cô kể chuyện Phật pháp. Sư Cô kể chuyện rất hay nên con rất say mê nhất là những buổi tối trời mưa.

Được sống trong chùa là những giây phút thanh tịnh nhất của cuộc đời con. Dưới tình thương của Sư Bà, Sư Cô, và chị Châu, con được sống trong một thế giới nhỏ bé, an toàn, và hoàn toàn khác biệt với thế giới bên ngoài.

Giờ đây ba được trở về với ngôi chùa xưa ba đã bỏ công ra xây dựng và đóng góp, con rất an tâm. Hằng ngày ba cũng sẽ được nghe kinh phật như con lúc xưa. Con tin chắc rằng linh hồn ba được thanh tịnh và thanh bình trong ngôi chùa đó.

Đạo đức giả

Cám ơn những bạn đọc đã gửi lời phân ưu về sự ra đi của ba. Hôm nay nhận một lời phê bình từ Rac Roi Qua ([email protected]):

Nhung ke luc cha me con song khong bao gio giup do duoc gi chinh la nhung ke la khoc to nhat khi cha me chet. Dung la do dao duc gia!

Đúng như lời bạn nói, lúc ba còn sống tôi đã không giúp đỡ được gì cho ba. Đến khi ba ra đi tôi cũng không giúp đỡ được gì cho ông nhưng tôi không khóc to nhất. Bạn đã phê bình tôi mà chưa đọc những gì tôi đã viết:

Lúc ba ra đi, con đã không khóc lóc không bi lụy. Không phải con mất đi cảm giác nhưng con vẫn giữ được ba trong lòng. Mối quan hệ của hai cha con xưa nay vẫn không đổi thay và nó vẫn tồn tại trong tâm hồn con cho dù nghìn trùng xa cách.

Đáng tiếc là bạn không dùng tên thật nên tôi đã không hồi âm. Tôi viết về ba không phải để than vãn mà để nhớ đến người cha đã xa cách mấy mươi năm qua. Nếu điều đó là đạo đức giả thì bạn đừng quan tâm đến làm gì. Nó không ảnh hưởng gì đến bạn và cũng không làm bạn phải tốn kém gì cả.

Vẫn còn có ba

Thưa ba,

Dạo này hai thằng cháu nội của ba học rất tệ. Chúng nó giờ có đầy đủ quá nên không cố phấn đấu. Con kể cho nó nghe ngày xưa mỗi lần con cố gắng học lên hạng, ba thưởng con ăn kem. Con rất mê được ăn kem ở vườn hoa Lạc Hồng. Kem trắng, thơm, và có vị rất đặc biệt. Sau này qua Mỹ tuy có rất nhiều loại kem nhưng con chỉ thèm được ăn kem Việt Nam.

Sau khi kể cho chúng nó nghe, con cũng bùi ngùi nhớ lại những lúc con thành đạt hoặc những giây phút hạnh phúc nhất cũng không có ba bên cạnh để chia sẻ. Năm lớp 8, con đứng nhất khối môn toán tuy Anh văn vẫn chưa vững vàng. Năm tốt nghiệp trung học và được vào đại học chỉ có mẹ và chị Thơm đưa con đến ký túc xá. Lễ tốt nghiệp đại học cầm cái bằng trong tay cũng không có ba. Ngày con kết hôn cũng không ba. Ngày con nhận được bằng thạc sĩ và được triển lãm dự án “Nghệ thuật chữ Việt” cũng không có ba ở bên cạnh. Và ngược lại, khi ba rời khỏi cõi đời này con cũng không được đến bên cạnh ba lần cuối. Đời đã an bài như thế thì con cũng đành chấp nhận nhưng con vẫn luôn nghĩ về ba trong những giây phút đó.

Ngày xưa mỗi lần nghĩ đến ba, việc con chỉ có thể làm là viết xuống những cảm nhận của mình. Những lá thư con viết cho ba đã khiến ba và nhiều người buồn. Dần dần không thấy ba hồi âm nên con chỉ viết trong nhật ký. Giờ đây mỗi lần nhớ đến ba, con cũng không làm gì được ngoài việc viết xuống những cảm nghĩ của mình. Lúc trước cũng thế, viết để tâm sự với ba. Giờ cũng thế, viết để được gần ba hơn. Lúc ba ra đi, con đã không khóc lóc không bi lụy. Không phải con mất đi cảm giác nhưng con vẫn giữ được ba trong lòng. Mối quan hệ của hai cha con xưa nay vẫn không đổi thay và nó vẫn tồn tại trong tâm hồn con cho dù nghìn trùng xa cách.

Lúc trước tuy mấy mươi năm không gặp, hai cha con cũng chỉ hỏi thăm nhau hai ba câu qua điện thoại cho có lệ: Ba khỏe không? Khỏe. Con khỏe không? Dạ cũng khỏe. Cô Ba bác Tư và đại gia đình khỏe không? Khỏe. Mấy dì mấy cậu khỏe không? Dạ thưa khỏe. Thôi bye nhé. Dạ bye.

Những tháng ngày trước khi ba ra đi, ba đã không còn nói với con gì cả. Con cũng chỉ nhìn ba qua điện thoại mà cũng chẳng biết nói gì hơn. Không dám hỏi ba khỏe không vì có cảm giác ba đang đau đớn lắm. Tình cảm con dành cho ba không thể nói lên thành lời nhưng có thể viết xuống tường chữ. Còn viết về ba là còn cảm nhận được ba. Còn viết về ba là còn tâm sự với ba. Còn viết về ba là còn yêu mến ba. Còn viết về ba là còn có ba. Chúc ba ngủ ngon.

Hoàng Thùy Linh: Hoàng

Sự thành công của “Để mị nói cho mà nghe” đem đến điểm mới lạ cho Hoàng Thuỳ Linh qua âm hưởng dân tộc hiện đại. Lời nhạc dễ thương và dễ dàng đi vào lòng người và cái thu hút của bài là lối hoà âm nhộn nhịp và trẻ trung.

“Lắm mối tối ngồi không” cũng tưng bừng và duyên dáng. Linh xử lý chất giọng của mình khéo léo để phù hợp với lối hoà âm nhanh nhẹn và tươi vui. Lúc đầu đọc tựa đề không có dấu, tôi đón sai chữ “Lắm mối.” Phải chi, “Em vẫn chưa có chồng / [Làm mồi] tối ngồi không” thì anh đem rượu vào nhậu em luôn.

“Kẻ cắp gặp bà già” chuyển sang âm hưởng điện tử với Binz phụ trách phần rap: “Môi này cho anh mơ / Straight up không văn thơ / Em là vực sâu anh đã rơi / Lúc nào rồi chẳng nhớ.” Tự nhiên chêm vào chữ “straight up” nghe lãng xẹt nhưng đó là cái gu Binz.

“Tứ phủ” đưa người nghe lạc vào một không gian đương đại đầy huyền bí của “Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu.” Giọng của Linh bay bổng như một linh hồn bị thất tình và đang quằn quại với nhịp điệu electronic dồn dập và đầy ma lực.

Album thứ ba này mở một ngoặt mới cho Linh và cô đã lột xác để nhập vai vào những nhân vật trong mỗi bài hát. Từ giọng hát đến hoà âm phối khí, Linh đầu tư kỹ càng cho những bài hát của mình. Lâu lắm mới thưởng thức một album không đụng hàng. Nghe những album cover lại nhạc Trịnh hoặc nhạc trữ tình riết cũng thấy ngán ngẩm.

Dạy con thơ

Như mỗi đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất Việt, lòng tôi xôn xao mỗi khi xuân về. Được nghe tiếng pháo nổ, được mặc những bộ đồ mới, và dĩ nhiên là được tiền lì xì. Riêng tôi, tết là được gặp gỡ ba nhiều hơn. Những tháng ngày trong năm, ba đi làm xa lâu lâu mới về và chỉ ở lại nhà vài ngày rồi đi. Đến gần tết ba mới ở nhà được vài tuần.

Để chuẩn bị đón xuân, ba thường quét dọn và lau chùi nhà cửa từ lầu một đến lầu ba. Năm đó tôi được năm hoặc sáu tuổi, tôi cứ theo gót ba để xem ba dọn dẹp. Ba không cho đến gần vì sợ bụi bặm bay vào mũi tôi lúc ba đang quét nên ba bắt tôi ngồi trên chiếc ghế. Rồi tôi ngắm ba ngồi chồm hổm lau từng ô gạch bằng nùi giẻ. Thấy tôi vừa chán vừa buồn ngủ, ba dạy tôi hát bài gì đó mà tôi chỉ nhớ được hai câu, “Có lỗi không nhận lỗi là hèn / Có lỗi mà nhận lỗi là ngoan.” Ba hát đi hát lại vài lần rồi bảo tôi hát lại. Tôi không chịu nhưng ba cứ bắt thì tôi hát, “Có lỗi không nhận lỗi là hèn / Có lỗi mà nhận lỗi là ngu.”

Ba nhìn tôi với sự ngạc nhiên. Cũng may là tay ba đang dơ, chứ không chắc tôi ăn bạt tay rồi. Dùng tay không được, ba quay qua táp vào thằng nhóc của tôi thật nhanh. Tôi kinh ngạc vô cùng. Không đau lắm nhưng đủ để nhớ suốt đời. Chỉ có ba mới chơi trò quái lạ như thế với thằng con nghịch ngợm này.

Ước gì tôi có nhiều thời gian bên ba nhưng định mệnh đã an bày cho cha con sống cách xa nửa vòng trái đất. Ba mươi mấy năm trôi qua, tôi cũng đã quen với lối sống như thế. Tuy không gặp mặt hằng ngày nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ đến ba. Giận ba trách ba rồi thì cũng thông cảm và thương mến ba. Vì đó là ba. Dù ba ở Việt Nam hay trên thiên đàng, tôi vẫn nghe được những tiếng nói cười giòn giã của ba mỗi khi nghĩ về ba. Ba vẫn luôn tồn tại trong tôi. Giờ đây ba vẫn bên tôi.

Con đường ba đã chọn

Có đôi lúc tôi cảm thấy chán chường với cuộc sống tấp nập và hối hả trên đất Mỹ. Nhất là vào những tháng ngày lạnh lẽo và hiu quạnh của mùa đông, tôi muốn bỏ hết tất cả để trở về Việt Nam sống một cuộc sống nhẹ nhàng và giản dị với ba.

Ba năm trước tôi đã có những tháng ngày ngắn ngủi bên ba trong căn nhà đơn sơ, không TV, không internet, không tin tức về chính trị Mỹ. Những buổi trưa hè tôi nằm trên chiếc võng trước nhà đọc sách, lắng nghe tiếng ve kêu, hoặc ngắm nhìn những hạt mưa rơi. Tâm hồn tôi lắng đọng và cảm giác thoải mái hơn so với cuộc sống vội vã và đầy áp lực ở Mỹ.

Dĩ nhiên đó chỉ là điều mơ ước. Tôi không thể nào bỏ lại vợ con và càng không thể nào bỏ lại mẹ già để chọn cuộc sống riêng cho mình. Tôi chấp nhận sự thật và tiếp tục sống, làm việc, và chăm sóc đàn con. Tôi không có đường chọn lựa nào khác hơn.

Khi ba quyết định về lại Việt Nam, ba đã không một lời giải thích nào cho tôi. Mấy tháng ba ở Mỹ là khoảng thời gian dài nhất tôi được sống bên ba. Lúc còn ở Việt Nam ba vẫn thường đi làm xa nên cũng không gặp được ba hằng ngày. Vì ba đã quen với cuộc sống nay đây mai đó nên bị ràng buộc trong một căn phòng thuê nhỏ ba không chịu được. Ngược lại, đối với tôi đó chính là mái ấm gia đình.

Còn gì hạnh phúc hơn khi được sống bên cạnh cha mẹ. Hằng ngày đi học về được gặp gỡ cha mẹ, được nói và được nghe tiếng Việt sau những tiếng đồng hồ dài câm nín và bị tra tấn lỗ tai với những tiếng nói lạ quắc. Được ngồi chung bàn thưởng thức những món ăn Việt Nam chính tay mẹ nấu sau khi ăn những món ăn trưa chán ngắt trong trường. Như những gì quá tốt đẹp cho sự thật (too good to be true), nó sẽ không tồn tại.

Lúc ba chọn con đường trở về Việt Nam, căn phòng thuê trở nên trống vắng. Đi học về không còn được nghe tiếng nói giòn giã của ba mà chỉ còn lại những cảm giác sầu muộn của mẹ. Tôi chơi vơi lạc lõng. Đi học bị bạn bè khác màu da trêu chọc không có người chở che. Khi không còn kiềm chế được chính mình, tôi đánh lộn trong lớp và bị đuổi học. Đó là những chuỗi ngày khó khăn nhất của tôi.

Sau này lúc tôi được ở bên cạnh ba lần vừa rồi tôi về Việt Nam, ba mới giải thích quyết định của ba. Giữa vợ và con ở Mỹ và các anh chị ở Việt Nam, ba đành phải chọn một bên. Bên con còn có mẹ, còn các anh chị không có ai cả nên ba phải về để lo cho các anh chị. Quyết định đó cũng công bằng. Phải chi ba nói với tôi từ lúc đầu, tôi đã không hiểu lầm ba và tôi đã sớm chấp nhận sự thật đó.

Sự chọn lựa đó chắc chắn rất khó khăn và khổ tâm cho ba nhưng con đường ba đi đó, con đường ba theo đó đúng đấy ba ơi. Được chứng kiến các anh chị thương yêu và chăm sóc cho ba đến cuối đời cho con thấy được sự hy sinh của ba rất xứng đáng. Chính mẹ cũng thấu hiểu được điều đó. Nếu mẹ và con giữ ba lại bên Mỹ thì đó là điều quá tham lam và ích kỷ.

Ba đã biết trước và đã tin tưởng mẹ một mình nuôi dưỡng con nên người và ba đã không bỏ rơi các anh chị. Ba cũng đã dạy dỗ các anh chị trở thành những người trọng tình nghĩa. Giờ đây anh chị em càng gắn bó hơn nhờ ơn cha.

Cám ơn những công lao và sự hy sinh to lớn của ba. Xin ba hãy yên tâm và an giấc.

Contact