Trang web tưởng nhớ Mẹ

Trong những chuỗi ngày sống lo lắng, sợ hãi, và đau buồn, tôi nằm trong căn phòng xưa của mẹ mòn mỏi đợi chờ tiếng reo điện thoại của bác sĩ để báo niềm hy vọng. Ngược lại, tôi chỉ nhận được những tin đầy tuyệt vọng. Vì không biết gì về lĩnh vực y học nên tôi không thể làm gì được cho mẹ. Dưới tâm trạng bất lực, việc tôi có thể làm là thiết kế trang nhà riêng cho mẹ.

Thế là tôi bắt tay vào làm. Công việc đầu tiên là chọn lọc những hình ảnh cho mẹ. Xem lại những tấm ảnh mẹ đi nghỉ mát bên Mexico với cu Đạo và vợ chồng tôi, mẹ ôm mấy đứa cháu nội vào lòng, mẹ cảm động trong ngày mừng sinh nhật 80 tuổi, mẹ lúc còn trẻ, bao nhiêu ký ức tràn về. Tôi cười mà giọt lệ tuôn rơi. “Mẹ của tôi có một nụ cười, đẹp như đóa hoa đời rực tươi” (Ngọc Tú Anh).

Tôi kết hợp những tấm ảnh của mẹ được chọn lọc với những câu thơ nói lên tấm lòng của mẹ. Và như thế tôi đã tạo ra 12 tấm băng rôn đủ để làm ra một cuốn lịch 2021 với chủ đề mẹ và đặc biệt là mẹ của tôi. Tôi đã in 3 quyển cho gia đình tôi và hai chị.

Khi tạo trang nhà riêng cho mẹ thì phải viết tiểu sử của mẹ. Tôi viết rất tổng quát về mẹ, như nơi mẹ sinh ra hoặc mẹ thích làm gì trong cuộc sống. Không ngờ bài tiểu sử đó phải sửa lại thành bài cáo phó. Trong đó tôi rất thích câu chuyện người chị họ đã kể cho tôi nghe mấy hôm trước. Tuy câu chuyện rất đơn giản nhưng nó vẫn nằm trong trí nhớ của chị 50 năm qua.

Khi chọn lựa kiểu chữ, tôi nghĩ ngay đến Queens của nhà thiết kế Sebastian Losch. Anh đã tặng cho tôi bộ phông này khi chúng tôi trao đổi thiết kế về những dấu phụ cho ngôn ngữ Việt. Tại sao tôi lại quyết định chọn Queens? Đơn giản là vì trong tôi mẹ luôn luôn là một nữ hoàng, đặc biệt là một nữ hoàng nấu ăn những món miền nam Việt Nam.

Nhắc đến món ăn thì tôi là một trong những người được may mắn thưởng thức rất nhiều món ăn ngon và đảm bảo rất sạch sẽ do chính tay mẹ nấu. Lúc trước có một thời gian tôi viết rất nhiều về những món ăn Việt trên trang blog cá nhân của mình. Vì thế tôi đã chụp được một số hình ảnh của những món mẹ đã nấu. Khi ôn lại hình ảnh những món ăn khiến tôi nghĩ ngay đến kiểu chữ Patrona của nhà thiết kế Ringo R. Seeber. Patrona được thiết kế hướng về ẩm thực. Thế là tôi phối hợp giữa Queens và Patrona để tạo ra một trang nhà cho nữ hoàng ẩm thực.

Sau cùng tôi chọn phông kiểu chữ Saira Extra Condensed của Omnibus-Type để dùng cho những phần cần chữ nhỏ như dẫn đường (navigation) hoặc bản quyền (copyright).

Mời các bạn và người thân viếng thăm trang nhà riêng của Mẹ.

Lễ viếng bà Lý Ngọc Anh

Kính thưa người thân và bạn hữu,

Chúng tôi xin thông báo buổi lễ viếng bà Lý Ngọc Anh sẽ được cử hành vào thứ Hai, ngày 4, tháng 1, năm 2021, từ 9:00 am đến 10:30 am, tại:

Charles F. Snyder Funeral Home
3110 Lititz Pike
Lititz, PA 17543

Sau giờ thăm viếng, linh cữu của bà Lý Ngọc Anh sẽ được an táng tại:

Bareville Union Cemetery
74 Brethren Church Road
Leola, PA 17540

Xin miễn chấp điếu. Thay vì tặng hoa, xin quyên góp đến chùa:

Buddhist Association of PA
202 Cherry Street
Columbia PA 17512

Tưởng nhớ bà Lý Ngọc Anh

Bà Lý Ngọc Anh, người mẹ yêu dấu, người bà, người bà cố, người vợ, người chị, và người con, từ trần vào ngày 28, tháng 12, năm 2020 (nhằm ngày 15, tháng 11, năm Canh Tý) hưởng thọ 83 tuổi, sau một thời gian chống chọi dữ dội với bệnh dịch COVID-19. Bà Lý Ngọc Anh sinh ngày 8, tháng 6, năm 1937 tại thành phố Mỹ Tho, Việt Nam. Ngày 11, tháng 4, năm 1990, bà sang định cư tại thành phố Willimantic, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, đoàn tụ cùng gia đình con gái lớn, Nguyễn Ngọc Hương. Vài tháng sau, bà và hai con, Nguyễn Thị Thơm và Trương Công Doanh, chuyển về sinh sống gần chị em và các cháu tại thành phố Lancaster, tiểu bang Pennsylvania.

Ở Lancaster, bà đã làm qua nhiều công việc như kiểm tra chất lượng sản phẩm ở một vài xưởng may mặc và hái trái cây ở những trang trại trước khi chuyển qua hãng xưởng trứng, Sauder’s Eggs, nơi bà làm việc hơn 10 năm cho đến lúc nghỉ hưu. Ngoài công việc, bà thích nấu những món ăn truyền thống Việt Nam. Bà chú trọng việc ăn uống nên thường dành nhiều thời gian chuẩn bị và nấu nướng những món ăn ngon, bổ dưỡng cho gia đình. Với bà, món ăn ngon phải được làm ra từ nguyên liệu tươi sạch và phải được nấu đúng cách. Vì thế con cái thường phải chờ đợi khá lâu cho mỗi bữa ăn. Tuy vậy chẳng ai phàn nàn vì mọi người biết rằng mình sắp được thưởng thức những món ăn ngon miệng và chất lượng.

Bà là một người phụ nữ cứng cỏi và quyết đoán. Tuy bà sống xa chồng, ông Hồ Hữu Tỷ vừa từ trần vào ngày 15, tháng 11, năm 2020, nửa vòng trái đất, mối quan hệ vợ chồng giữa hai người vẫn giữ nguyên vẹn trong suốt 30 năm qua. Mỗi Chủ Nhật, ông bà gọi điện thoại hỏi thăm nhau. Một tay bà chăm lo và nuôi dưỡng con gái thứ nhì Nguyễn Thị Thơm và con trai út Trương Công Doanh cho đến lúc các con trưởng thành trên đất Mỹ trong lúc chồng vẫn sinh sống ở quê nhà. Mặc dù không rành ngôn ngữ bản xứ, bà vẫn yêu cuộc sống của mình ở Hoa Kỳ. Bà tin rằng đây là đất nước có hệ thống y tế đứng hàng đầu trên thế giới.

Bà Lý Ngọc Anh được thương yêu bởi những người thân bên cạnh và những ai được dịp biết đến bà. Bà là một người tốt bụng, rộng lượng, và chân thành. Cháu Huỳnh Thuý Hoa (con gái út của người chị cả Lý Kim Anh) kể lại. Lúc bảy tuổi cháu đã làm một chuyện sai trái nên sợ ba đánh đòn. Mẹ cháu vì bận rộn với công việc làm ăn nên cháu không dám tìm đến mẹ can thiệp. Cháu đã bỏ nhà ra đi. Bà Lý Ngọc Anh mang cháu về nuôi và xem cháu như con ruột. Bà không hề hỏi han hay phán xét về việc làm của cháu. Bà để cháu sống với bà ba ngày sau khi cha cháu nguôi giận và quên đi lỗi lầm của cháu. Nửa thế kỷ sau, người cháu ấy vẫn luôn nhớ rõ công ơn người dì đã lo lắng thức ăn và sự tận tình chăm sóc của dì. Cháu còn nhớ dì cho phép cháu đi chơi rong trong khu vườn muốn ăn trái cây gì thì cứ việc hái.

Đã sống qua thời chiến tranh Việt Nam nên bà Lý Ngọc Anh luôn là một người có ý chí sinh tồn mạnh mẽ. Bà có thể sống bất cứ nơi đâu, như trên mảnh đất lạ quê người ở Hoa Kỳ. Bà đã từng vượt qua nhiều khó khăn trong tài chính, những biến cố trong cuộc sống, cũng như những vấn đề trong sức khỏe ở tuổi già. Bà đã đấu tranh với bệnh dịch COVID-19 cho đến hơi thở cuối cùng.

Bà Lý Ngọc Anh ra đi để lại con gái lớn Nguyễn Ngọc Hương, con gái thứ nhì Nguyễn Thị Thơm, con trai út Trương Công Doanh, và con dâu Nguyễn Đức Hải Dung. Bà để lại cháu ngoại Lộc Nguyễn, cháu dâu Jennifer Delima, cháu ngoại Christopher Nguyễn, cháu dâu Amy Phương Ngô, cháu ngoại Samantha Trần, cháu ngoại Eric Trần, cháu nội Trương Công Đạo, cháu nội Trương Công Đán, cháu nội Trương Việt Xuân, cháu nội Trương Việt Vương, cháu chắt Isabella Nguyễn, cháu chắt Angela Nguyễn, và cháu chắt Aiden Nguyễn. Bà cũng để lại em trai Lý Văn Anh, em dâu Lý Thị Lụa, em gái Anh Lý Teitle, em rể Sidney Teitler, và bà con ở thành phố Lancaster, tiểu bang Pennsylvania.

Là những người thân trong gia đình và bạn hữu thân thiết, chúng tôi yêu quí bà sâu sắc. Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến bà và sẽ giữ bà trong tim vĩnh viễn. Xin tạm biệt người thân yêu của chúng tôi. Mong linh hồn bà được an nghỉ trong bình yên.

Vĩnh biệt Lam Phương

Năm 2020 lại cướp đi một nhạc sĩ tài hoa của làng âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Lam Phương đã ra đi vào ngày 22, tháng 12. Xin chia buồn cùng gia đình ông. Cám ơn ông đã để lại hơn 200 ca khúc đã đi vào từng con tim Việt Nam. Mong linh hồn của ông được an nghỉ trong sự bình an.

Về nhà

Hôm qua được trò chuyện với má qua video. Da mặt mẹ vẫn hồng hào. Mẹ hỏi ngay chị đã khỏe chưa? Mẹ rất lo cho chị và Eric.

Mẹ nói mẹ muốn về nhà. Mẹ không muốn ở bệnh viện nữa. Mẹ quá mệt mỏi rồi. Chỉ nằm một chỗ không được ăn cả ngày, mẹ bị y tá và bác sĩ quấy nhiễu nên mẹ muốn đến đón mẹ về. Mẹ còn dặn nhớ mang tã theo.

Tôi ngậm ngùi nói với mẹ rằng con sẽ đón mẹ về nhưng mẹ phải thở được bác sĩ mới cho mẹ về. Mẹ chỉ muốn về với con cháu cho đến giây phút cuối. Chúng con sẽ tôn trọng quyết định của mẹ. Mẹ nghỉ ngơi nhé.

Mẹ của tôi

Sáng nay gọi điện thoại cho mẹ. Mẹ bắt máy và lời đầu tiên mẹ hỏi, “Mầy có đưa con Thơm đi bệnh viện chưa? Ở trong đây có đầy đủ thuốc, máy móc, bác sĩ, và y tá để lo cho nó.” Tôi trấn an mẹ, “Má yên an tâm đi. Con đã gọi cấp cứu cho chị rồi và họ đã khám cho chị và cho biết chị không cần phải nhập viện từ từ chị sẽ khỏi.”

Mẹ bật khóc và nói, “Hai tuần nữa mầy về rồi không có ai lo hết.” Tôi không thể nào cầm nước mắt tôi hứa với mẹ, “Má ráng hết bệnh về với con. Con đang ở nhà mong đợi má về. Má cố gắng qua khỏi nhé. Con sẽ ở lại chăm sóc cho má. Má phải mau lành bệnh nhé.” Mẹ vẫn khóc và đáp, “OK.” Tôi cố gắng không khóc ra lời và nói, “I love you.” Mẹ đáp, “I love you, too.”

Đầu óc mẹ vẫn còn tỉnh táo con rất mừng. Mẹ phải hồi phục để về với con nhé.

Cố gắng lên, Má

Má ơi, cố gắng vượt qua biến cố này nhé. Cố gắng bình phục để về đây chung vui mùa Giáng Sinh và đón mừng Tết Tây với con. Con mong đợi má tin vui của má từng giây. Những người thân và bạn bè ai cũng mong đợi má mau qua cơn ác mộng này.

Con xin lỗi má. Má đã gọi con về để lo cho má nhưng giờ đây con cũng không làm gì được cho má. Con biết má không muốn nằm bệnh viện nhưng với tình hình của má con không thể nào không gọi cấp cứu. Để má ở nhà đến ngày hôm nay sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Con không còn lựa chọn nào khác.

Má tha thứ cho con nhé. Tuy không thể gặp được má nhưng con vẫn liên lạc với bác sĩ và y tá để theo giỏi tình hình của má. Con cũng ráng giữ gìn sức khoẻ để đợi má về. Lễ mùa đông năm nay má về với tụi con nhé. Con nhớ má lắm.

Vĩnh biệt Chí Tài

Cám ơn sự đống góp cả cuộc đời của anh cho nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam. Anh đã đem lại tiếng cười cho những tâm hồn Việt sống trên đất hải ngoại suốt mấy mươi năm qua. Cầu mong cho anh được an nghỉ trong bình yên.

Giang Hồng Ngọc: Mùa thu chết

Có những tình khúc nên giữ đúng ca từ của tác giả cho dù người hát là nam hay nữ. Như “Tình bơ vơ,” nhạc sĩ Lam Phương viết theo tâm sự và trải nghiệm của ông. Đáng tiếc khi Giang Hồng Ngọc hát bài này trong album Mùa thu chết, cô đã đổi “anh” và “em” như “Anh khóc cho đời viễn xứ / Về làm chi rồi anh lặng lẽ ra đi.” Chỉ qua sự thay đổi nhỏ nhoi này, cô đặt mình vào câu chuyện thay vì dùng tiếng hát của mình để kể lại câu chuyện của tác giả.

Bài này được hoà âm nhẹ nhàng với tiếng đàn dương cầm êm dịu và tiếng sax xót xa. Giọng Giang Hồng Ngọc truyền cảm và ấm áp nhưng cô đánh mất đi cái tâm trạng lận đận của một người đàn ông: “Anh khóc cho duyên hững hờ / Em chết trong mộng ngày thơ.” Người nhạc sĩ buồn cho số phận trớ trêu của mình chứ không khóc.

Những bài khác trong album gồm có “Mùa thu chết,” “Thu ca,” “Thu sầu,” “Đời đá vàng,” và liên khúc Ngô Thụy Miên được hoà âm theo phong cách thính phòng. Không đặc sắc nhưng đủ chất lượng.

Xuân Hảo: Tình Trầm (Trịnh Công Sơn)

“Tình sầu” là một trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi ngán nhất. Đơn giản là từ giai điệu đến ca từ đều sầu thấu xương. Có lần lái xe giữa đêm mưa mùa hè hiu quạnh với tâm trạng buồn vời vợi mà nghe Thanh Lam rên rỉ ca khúc này tôi chỉ muốn đâm xe xuống cầu cho xong. Nhưng lúc đó cũng chưa sầu thảm bằng năm 2020.

Hôm qua tôi lái xe một mình sau giờ học trượt băng. Trời đã trở tối và thời tiết đã trở lạnh, tôi lại nghe “Tình sầu” nhưng với giọng hát ấm áp của Xuân Hảo trong album Tình trầm (Trịnh Công Sơn). Chỉ có tiếng đàn guitar đồng hành, Xuân Hảo như đang tâm sự một nỗi buồn sâu lắng chứ không sầu thảm. Khi con người có trải nghiệm mới chạm được thế nào là “Hồn mình như vá khâu / Buồn mình như lũng sâu.”

Và như thế tôi tiếp tục chìm lắng theo tiếng hát mộc mạc, chậm rãi, và thân mật của Xuân Hảo qua những ca khúc quen thuộc như “Ru em từng ngón xuân nồng,” “Nhìn những mùa thu đi,” “Đêm thấy ta là thác đổ,” và đặc biệt là, “Mưa hồng.” Tuy đã nghe đi nghe lại bài “Mưa hồng” rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấm thía như đây giờ. “Người nằm xuống nghe tiếng ru / Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.” Từng chữ như từng nhát dao đâm vào tim.

Chưa bao giờ tôi mong đợi một năm trôi qua thật nhanh như năm 2020. Chỉ còn 25 ngày nữa là dứt năm. Hy vọng sẽ không còn biến cố nào sẽ xảy ra trong cuộc sống. Và hơn bao giờ hết, lúc này tôi mới cảm nhận được ý của nhạc sĩ họ Trịnh qua đoạn: “Ta đi qua nửa đời / Chưa thấy được ngày vui / Đường trần rồi khăn gói / Mai kia chào cuộc đời / Nghìn trùng con gió bay.”

Contact