Đạt Đỗ trò chuyện với Thế cơ À

Đạt Đỗ cho biết:

Chia sẻ một chút đến các bạn, anh đang xem học hỏi cách ứng dụng kiểu chữ ở fontsinuse.com và chuyên về tiếng Việt vietnamesetypography.com

Nguyễn Lan Anh trò chuyện với Thế cơ À

Nguyễn Lan Anh chia sẻ:

Về mảng Typography và cụ thể là Lettering, nguồn tham khảo đa số vẫn sẽ là từ các artist “guột” của chị, phần lớn là từ trời Tây. Ở Việt Nam, chị thường theo dõi các cô/chú/anh/chị/bạn cao nhân như chú Donny Trương, Lâm Bảo, anh Duy Đào, anh Đào Huy Hoàng calligrapher, anh Trọng Chít, anh Hiếu Trương và các anh chị bạn bên mảng Lettering để lấy cảm hứng như: anh Hiệp, chị Nana, anh Lê Ngọc Quốc Dũng (Xưởng vẽ Mùa Hè), chị Huyền Đinh.

Dạo một vòng Instagram của Nguyễn Lan Anh nhé.

Lê Hương Mi định nghĩa chữ Typography

Lê Hương Mi viết cho iDesign:

Typography, ở khía cạnh từ nguyên, bao gồm hai từ Hy Lạp cổ là “typos” và “graphein”.

“Typos” là một cú đánh, ấn xuống; là kết quả của một cú đánh (dấu vết, dấu ấn); là dấu và hình tượng nói chung.

“Grapheia/graphein” là viết, sự viết.

Do vậy, “typos” + “graphein” = sự viết xuống những dấu hiệu.

Trong tiếng Trung Quốc, khái niệm tương đương với typography là 版式 (bănshì) – dịch sang từ Hán Việt là “bản thức”, bản trong “bản in” và “thức” trong “cách thức”.

Từ những phân tích từ nguyên trên, ta có thể thấy “typography” hay “bản thức” chỉ việc viết xuống và sắp xếp các dấu hiệu thể hiện ngôn ngữ (ký tự), phương thức để thực hiện những việc ấy, dành cho bản in.

Lê Hương Mi kết luận:

Để kết thúc bài viết, tác giả muốn đề xuất khái niệm “Ký tự pháp” như khái niệm tương đương với typography trong tiếng Việt. “Ký tự” trong tiếng Việt có thể được hiểu là bất cứ biểu tượng/dấu hiệu nào của ngôn ngữ, và “pháp” là phương pháp – đồng thời tương ứng với “pháp” trong thư pháp.

Thuật ngữ

Hương Mi Lê chia sẻ với Thế cơ À về tài liệu chị thường tham khảo về đề tài thuật ngữ:

Ngoài ra, chị cũng có đọc hay nghe các chia sẻ của một số người thực hành, nghiên cứu, và giảng dạy gốc Việt như anh Phạm Đam Ca mấy năm trước, và Donny Trương. Mặc dù thực ra toàn là tài liệu bằng… tiếng Anh và tiếng Pháp (anh Phạm Đam Ca học ở Pháp và anh Donny Trương ở Mỹ). Nhưng họ đều (đã) hướng về thực hành ký tự pháp cho ngôn ngữ Việt Nam với những tính chất riêng khác với những ngôn ngữ sử dụng chữ cái latin khác phổ biến như Anh, Pháp, Đức, Ý… Quốc ngữ của mình là một vùng đất còn rất nhiều cái để khai phá (về mặt hình thức).

Chị nói thêm:

Hậu quả là, ví dụ, một cụm từ mà chị thấy hay được dùng để chỉ “typography” ngay trong những môi trường kể trên là “nghệ thuật chữ” – vừa khó hiểu vừa dễ làm hiểu sai, vì “typography” không phải “nghệ thuật” theo cách ta nên hiểu nghệ thuật trong bối cảnh hiện đại. Ký tự pháp là một môn khoa học thiết kế. Người dạy và người học mơ hồ ngay từ thuật ngữ chỉ chính chuyên ngành thì khó lòng hiểu, trao đổi, và thực hành thực sự đúng.

Vậy từ typography có phải dịch là thuật ngữ hay không?

Trò chuyện về ký tự pháp cùng Thế cơ À

Thế cơ À:

Mở đầu cho chuỗi phỏng vấn về việc xây dựng Hệ thống Từ vựng tiếng Việt cho chủ đề typography tại Việt Nam, Thế cơ À đã may mắn kết nối được với chú Donny Trương, tác giả của cuốn sách Vietnamese Typography.

Vốn là luận văn thạc sĩ chuyên ngành thiết kế đồ họa của chú tại trường đại học George Mason University, Vietnamese Typography được xuất bản vào tháng 11 năm 2015. Cuốn sách được ra mắt dưới định dạng website này nhanh chóng trở thành một bản định hướng thiết yếu cho nhiều nhà thiết kế kiểu chữ trong việc thiết kế chữ Việt.

Cuốn sách giúp nhiều người thực hành typography trên thế giới hiểu được những nét độc đáo của tạo hình dấu tiếng Việt kể cả khi họ không nói hoặc viết ngôn ngữ đó. Nhờ đó, họ tự tin hơn trong việc thiết kế các dấu phụ, đóng vai trò quan trọng đối với tính dễ nhận diện (legibility) và tính dễ đọc (readability) của tiếng Việt.

Với những trải nghiệm ấy, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thêm về quan điểm của chú về chủ đề này ngay nào.

Phần 1: Bối cảnh giao tiếp: không gian, thời gian, đối tượng giao tiếp

1. Hiện tại, chú có đang phải thường xuyên trao đổi về các chủ đề typography không? Nếu có thì là khi nào, với ai và ở đâu?

Chú vẫn thường xuyên trao đổi về chủ đề nghệ thuật chữ hằng ngày trong công việc và trong những dự án cá nhân. Từ khi sách được phát hành, chú tham khảo với những nhà thiết kế chữ để tư vấn họ về chữ Việt. Chú giúp họ trong việc đặt những con dấu sao cho người Việt dễ đọc.

Qua câu trả lời của chú, chúng cháu cũng thấy chú đã chuyển ngữ typography thành nghệ thuật ngữ. Chú có thể giải thích thêm về cách gọi này không?

Khi viết hay nói tiếng Việt, chú cố gắng chỉ dùng chữ Việt nếu không cần đưa vào chữ Anh. Lúc viết sách, chú đã nghiên cứu rất nhiều để dịch sang tiếng Việt cho đúng nghĩa và cuối cùng chú đã chọn “Nghệ thuật chữ Việt”.

3. Khi biên soạn cuốn sách Vietnamese Typography hay thực hiện các nghiên cứu khác, chú thường tham khảo tài liệu từ đâu? Có tài liệu tiếng Việt nào đáng chú ý không? Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu, thảo luận về chủ đề này chưa?

Lúc bắt tay vào luận án Vietnamese Typography, chú gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu. Chú sinh sống ở Mỹ nên việc tham khảo sách vở tiếng Việt càng hiếm hoi. Chú có liên lạc với giáo sư Ngô Thanh Nhàn và giáo sư John D. Phan, nhưng cả hai cũng không cung cấp tài liệu gì về chữ Việt. Không biết phải tham khảo với ai nên chú viết một đôi lời trên blog cá nhân của mình. Không bao lâu thì nhận được thư anh Phạm Đam Ca gửi động viên, giải thích, và góp ý một vài tài liệu như Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes phát hành vào năm 1651. Đến bây giờ chú vẫn chưa tìm thấy tài liệu về chủ đề này trong tiếng Việt. Còn những phần tài liệu đã được tham khảo qua tiếng Anh, chú ghi lại ở cuối sách.

4. Trong lúc tư vấn/đào tạo, chú trao đổi với khách hàng/đối tác như thế nào về chủ đề này? Có thuận lợi/khó khăn gì về giao tiếp không? Nếu có khó khăn thì chú giải quyết như thế nào?

Trong quá trình tư vấn về chữ Việt thì không gặp khó khăn gì vì những nhà thiết kế chữ họ rất tin tưởng chú. Thứ nhất, chú là người Việt đọc được tiếng Việt. Thứ hai, chú đã nghiên cứu và trau dồi rất nhiều về đề tài này khi làm luận án của mình.

Phần 2: Từ vựng sử dụng: tiếng Anh hay tiếng Việt, thuận lợi/khó khăn/giải pháp

5. Khi phải viết hay nói về chủ đề này, cần tới các thuật ngữ chuyên môn thì chú sẽ sử dụng ngôn ngữ nào? Khó khăn/thuận lợi khi cần trao đổi về chủ đề tại Việt Nam?

Hiện tại chú chỉ dùng Anh ngữ vì chú chỉ làm việc với những nhà thiết kế người nước ngoài. Chú chưa trao đổi về chủ đề này tại Việt Nam nhưng chú nghĩ sẽ không gặp nhiều khó khăn lắm vì những bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ rất giỏi Anh ngữ.

6. Vậy có phải là những bạn không thạo tiếng Anh sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu typography? Tại sao lại như vậy?

Ý của chú là những bạn trẻ bây giờ giỏi tiếng Anh nên cũng không gặp khó khăn nhiều. Theo chú thì việc tìm hiểu về nghệ thuật sắp đặt chữ không đơn giản. Nó đòi hỏi sự đam mê và tỉ mỉ. Cho dù người rành hay không rành tiếng Anh cũng phải bỏ công ra học những từ vựng của nó. Khó khăn hay không tùy theo sự nhẫn nại của mỗi người.

Lúc mới tìm hiểu và học hỏi về nghệ thuật sắp đặt chữ, chú đọc đi đọc lại The Elements of Typographic Style của ông Robert Bringhurst đến bốn hoặc năm lần mới bắc đầu hiểu được những từ vựng ông dùng. Một khi đã hiểu rồi thì chú muốn đọc thêm nữa. Chú làm việc cho trường George Mason University và chú đã đọc gần hết những quyển sách về nghệ thuật chữ trong thư viện. Chú cũng sưu tầm cho mình một bộ sách về đề tài này.

Phần 3: Quan điểm về việc xây dựng hệ thống từ vựng tiếng Việt cho chủ đề Typography tại Việt Nam

7. Quan điểm của chú về việc xây dựng hệ thống từ vựng cho chủ đề Typography: đánh giá hiện trạng/xu hướng sử dụng ngôn ngữ hiện tại; sự cần thiết của việc thống nhất hệ thống thuật ngữ này; đề xuất giải pháp; mong muốn tương lai?

Theo quan điểm của chú việc xây dựng hệ thống từ vựng cho nghệ thuật chữ Việt rất quan trọng và cần thiết. Chú rất muốn chuyển ngữ Vietnamese Typography qua tiếng Việt nhưng vẫn chưa có thời gian và điều kiện.

Thế cơ À:

Thế cơ À xin được gửi lời cảm ơn trân trọng và thân mến nhất tới chú Donny Trương vì đã dành thời gian chia sẻ những điều quý giá này tới cộng đồng. Để lan rộng hơn giá trị này, mọi người có thể ghé thăm website Vietnamese Typography để nghiên cứu hoặc ủng hộ cho dự án. Việc phỏng vấn và khảo sát cộng đồng sẽ vẫn luôn diễn ra thường xuyên và song song với các hoạt động đăng bài của chúng mình. Sau cùng, điều chúng mình muốn làm là kích thích quá trình trao đổi tri thức, nhận thức giữa người hiểu với người chưa hiểu, người đi trước với người đi sau vài bước, người biết với người biết ít hơn chút. Vì chúng mình tin đối thoại cộng đồng là cách nhanh nhất để dân chủ hóa trí thức.

Website: https://thecoa.super.site/
Instagram: https://www.instagram.com/thecoafoundry/
Behance: https://www.behance.net/thc11
Email: [email protected]

An Opportunity?

A marketing email with the subject line: “Opportunity for vietnamesetypography”

I stopped reading the first part of the email:

Donny,

This is a really interesting site on Japanese typography. It was cool to learn about some of the history from your site.

The person who read my website learned something cool that I did no write. Japanese typography?

Nhớ Cha

Biết cha đã mãi đi rồi
Vẫn nguyên cảm xúc bồi hồi tiếc thương
Giờ cha đã ở Thiên đường
Con cháu ở lại nhớ thương cạn lời
Biết là quy luật muôn đời
Sinh lão bệnh tử phải rời nhân gian
Mà sao vẫn cứ lệ tràn
Mà sao vẫn cứ muôn vàn tiếc thương.

Nguyễn Khắc Thiện

Giỗ thứ hai của Ba

Mới đó mà hai năm đã trôi qua từ khi ba lìa xa cõi trần. Đời người có đến rồi cũng có đi. Chỉ có tình thương tồn tại mãi trong tim. Những lời nói uy lực cùng những tiếng cười rộn rã của ba vẫn luôn sống mãi trong con. Nhớ đến ba là nhớ đến những phút giây êm đềm ở quê nhà. Ngày giỗ của ba, con xin thắp nén hương cầu nguyện cho linh hồn ba được bình yên trên cõi niết bàn.

Hồn nương theo gió cha đi
Bỏ con thơ dại biết gì mà trông
Xứ người còn lại trời đông
Cô đơn côi cút cay nồng gian truân.

Đời người một kiếp thiên luân
Tử sanh xoay chuyển thấm nhuần thịt da
Ơn cha rộng lớn bao la
Lệ nào khóc muộn trăng tà mờ lu.

Trích từ “Giỗ Cha” của Nguyễn Tâm

Tình gần mà xa

Cuối tuần vừa rồi, vợ đi xa để tôi ở nhà trông bốn thằng con. Tôi cũng muốn thử sức một mình nuôi con ra sao. Dĩ nhiên tôi không mong điều đó sẽ đến nhưng vẫn luôn chuẩn bị tâm lý nếu vợ chồng không thể nào cùng đi chung đường đời nữa. Những năm gần đây tôi với vợ dường như đã rẽ ra hai lối đi khác nhau.

Trong cuộc sống chúng tôi hoàn toàn khác biệt. Ngoài việc nuôi nấng con cái, chúng tôi không có sở thích chung. Vợ thích ở nhà trồng trọt và thư giãn ngoài công việc làm. Ngược lại tôi thích ra ngoài rong chơi. Những ngày cuối tuần vợ ở nhà còn tôi đưa đám nhỏ lang thang từ công viên trượt (skateparks) đến sân chơi thể thao (playgrounds). Những lúc phụ huynh trong hướng đạo tụ tập ăn uống, phần đông họ đi có vợ có chồng, còn tôi thường đi một mình vì vợ tôi không mấy thích đám đông. Hoặc những lần đi cắm trại qua đêm cũng chỉ mình tôi đi với hai đứa lớn còn vợ ở nhà với hai đứa nhỏ.

Lúc đầu một vài lần không sao nhưng rồi khoảng cách càng ngày càng xa hơn. Tôi và vợ làm tất cả cho gia đình và dành hết thời gian cho con cái, nhưng chỉ làm những công việc cần thiết cho nhau. Trong cách cư xử với nhau những lời ngọt ngào êm tai giờ đã thay vào những lời lẽ châm chích khó nghe. Hậu quả của việc chung sống với nhau mười mấy năm qua.

Những lúc thời tiết trở lạnh, tôi mong muốn được hơi ấm của vợ. Có những đêm thèm được trò chuyện với vợ vì đã lâu không nói với nhau ngoài những lời lẽ trách móc nhau. Một hôm nỗi đơn độc lạnh lẽo khiến tôi trằn trọc mãi không ngủ được và cuối cùng tôi lấy được can đảm để tâm sự với vợ. Tôi chia sẻ những gì tôi cảm nhận giữ tôi và vợ và ngược lại vợ cũng sẻ chia những gì muốn nói. Thì ra vợ không lạnh lùng như tôi nghĩ. Tình cảm vợ chồng tuy mòn mỏi theo năm tháng nhưng vẫn sâu đậm. Trong cuộc sống vợ chồng đôi lúc cũng phải trò chuyện và tâm sự với nhau để hiểu được tình cảm dành cho nhau.

Tôi không muốn đi đến hoàn cảnh vợ chồng sống chung một nhà mà đường ai nấy đi và việc ai nấy làm như một người bạn tôi quen biết. Hai vợ chồng vẫn ở chung nhà vì con cái nhưng mạnh ai nấy sống. Ông tìm đến rượu để giải sầu và tìm một mối tình xa tận ở quê nhà. Vài tháng ông bay về Việt Nam thăm người yêu trong khi người vợ sống ngay trong ngôi nhà. Cuộc sống thật khó hiểu. Tôi vẫn yêu vợ nồng nàn như ngày nào. Hy vọng rằng “đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn”.

Câu hỏi về Vietnamese Typography

Thư từ bạn TN:

Dạ em chào anh Donny Truong, em muốn mua cuốn sách Vietnamese Typography thì mua qua đâu ạ.

Em thấy có phần đóng góp, thì đấy là đóng góp bao nhiêu cũng được hay nó có một giá nhất định ạ. Em cảm ơn anh.

Chào TN,

Cám ơn bạn đọc Vietnamese Typography. Sách không có bản in vì mình vẫn tiếp tục cặp nhật trong phần giới thiệu phông chữ có dấu Việt (type recommendations) và phần mẫu thiết kế (samples). Mình muốn đây là một dự án tiếp tục hoạt động chứ không dừng lại. Quyển sách khi in rồi thì không còn bổ xung được nữa.

Trong dự án này có phần đóng góp tùy theo bạn đọc không có một giá nhất định. Hy vọng của mình là giúp sức trong công việc làm cho nghệ thuật chữ Việt càng ngày càng phong phú hơn.

Cheers,

Donny

Contact