Tình thương của Mẹ

Thưa mẹ, mấy hôm nay còn thường xuyên đi trượt băng vào buổi sáng. Mỗi lần đến sân trượt con đều chứng kiến một người mẹ dạy cho đứa con hai tuổi của mình tập trượt. Người mẹ luôn luôn nhẫn nại dìu dắt đứa con của mình. Khi đứa con sắp ngã, người mẹ nhanh tay đỡ con lên. Khi đứa con ngã, người mẹ cũng giả vờ ngã theo. Thế là hai mẹ con nằm trên băng đá lăn lộn và cười đùa. Đứa con rất thích được ngã và được xem mẹ của mình cùng ngã. Nhìn thấy họ quấn quýt bên nhau con nhớ đến mẹ. Mẹ luôn dìu dắt con trên đường đời, nâng đỡ mỗi khi con sắp ngã, và đau đớn hơn con mỗi khi con vấp ngã. Tình thương của mẹ là vô bờ.

Hôm qua con và chị Thơm thu dọn lại đồ đạc cho mẹ. Những tấm ảnh “Từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” mẹ vẫn cất giữ kỹ càng. Cuốn sổ điện thoại chứa đựng những nét chữ của mẹ. Những manh áo vải mẹ đang khâu dở dang. Tất cả đều mang dấu ấn của mẹ để lại. Làm sao con có thể rời bỏ căn phòng đầy bóng dáng của mẹ?

Giờ đây con cảm thấy giữa cái sống và cái chết thật quá mong manh. Lúc ba qua đời mẹ rơi nước mắt nghẹn ngào nói “mới nghe tiếng ông ngày nào nay đã mất.” Ngày hôm sau con và chị đưa mẹ đi therapy. Sau đó cả ba người đều đói bụng. Chúng con đưa mẹ đến nhà hàng Thái. Hôm đó nhà hàng vắng khách chỉ có ba mẹ con. Từ súp tom yum chua cay đến cá chiên sốt chua ngọt đến mực và tàu hủ chiên giòn, mẹ ăn ngon lành. Mẹ còn thử ly cà phê Thái của con khen ngon nên gọi riêng một ly. Hôm đó ba mẹ con ăn uống no nê gần ba tiếng đồng hồ. Vậy mà giờ đây không còn thấy được mẹ thưởng thức những món ăn nữa.

Chiều nay con và chị Thơm đến thăm mẹ. Hôm tiễn đưa mẹ phải tranh thủ cho đúng giờ theo thầy tu dặn dò nên không có cơ hội để họ hàng nói đôi lời về mẹ. Thứ Bảy này con mời bà con họ hàng ra mộ để cùng nhau tưởng nhớ đến mẹ. Con thật muốn được nghe những câu chuyện nói về mẹ qua những người thân trong gia đình. Mẹ yên nghỉ nhé.

Lân Nhã: Nhã

Lân Nhã có chất giọng trầm ấm và quyến rũ. Tiếc rằng Lân Nhã phát âm quá nặng nề. Qua tám tình khúc quá quen thuộc, Lân Nhã không có khai thác được gì cho riêng mình. Luôn cả những phần hòa âm cũng không giúp được tiếng hát của Lân Nhã. Chỉ riêng “Bài không tên cuối cùng” (Vũ Thành An) được nổi bật nhờ sự mộc mạc của tiếng đàn guitar. Tuy nhiên đổi lời hát không phải là lỗi của Lân Nhã, nhưng “Những khi tình còn nồng” đánh mất đi cái câu mà có lẽ nhiều người nghe thích nhất của bài này: “Những khi mình mặn nồng.”

Cầu siêu cho mẹ

Mẹ ơi, đêm qua con trò chuyện với Sư Bà Thích Nữ Nghĩa Liên và Sư Cô Mỹ Châu ở tịnh xá Ngọc Định. Được sư bà cầu siêu cho mẹ 100 ngày, con rất an tâm. Sư bà và sư cô vẫn thương con như ngày nào. Hai sư vẫn nhớ rất rõ những kí ức lúc con ở tịnh xá. Mới đó mà gần 40 năm rồi. Thời gian khiến cho con người thay đổi nhưng tình người vẫn không nhạt phai.

Hôm nay tâm trạng của con đỡ hơn hôm qua. Hai đêm trước con nhớ mẹ đến khóc. Nằm trong căn phòng của mẹ, con nhìn thấy quá nhiều kỉ vật của mẹ. Đi loanh quanh nhà, con nhớ hình dáng mẹ. Mới vài tháng trước con còn tập mẹ đi bằng “xe chữ u” và dìu dắt mẹ tập dưỡng sinh. Trong kệ tủ của mẹ con tìm được chiếc vòng cẩm thạch của mẹ. Cho con xin để làm vật kỉ niệm nhé.

Chiều hôm qua con đến thăm mẹ. Đất vẫn còn mềm. Hoa vẫn còn tươi. Giờ đây mẹ được an nghỉ kế bên người chị cả và anh rể. Hoàng hôn nơi đây thật đẹp và yên tĩnh. Mẹ có thể ngắm nhìn mặt trời và thiên nhiên. Thỉnh thoảng sẽ có xe ngựa của người Amish chạy ngang qua con đường vắng vẻ.

Con thắp nén hương cho mẹ rồi ngồi đọc tập thơ của Nguyễn Bính. Trong bài “Thư gửi thày mẹ” có hai câu cuối, “Nhớ thương thày mẹ khôn cùng / Lạy thầy lạy mẹ thấu lòng cho con.” Sinh thời ba mẹ đã sống xa nhau. Giờ đây ba mẹ được vĩnh viễn bên nhau và không cần bận tâm gì đến con cái nữa.

Tàn nhang con đi thăm viếng mộ bia xung quanh để chọn cho mẹ một tấm. Thì ra trong khu vực yên tĩnh này có một số người Việt Nam đó. Mẹ làm quen với họ nhé. Lúc trước mẹ rất thân thiện mỗi khi thấy người Việt. Lúc mẹ sống với con ở New York, mẹ đã nhanh chóng kết bạn với một người dì cùng ở khu nhà thuê. Con ở đó mấy năm trời chẳng quen biết được người nào cả.

Giờ đây con vẫn còn ở nhà chị Thơm nên con sẽ viếng thăm mẹ mỗi ngày. Sau này con sẽ thỉnh thoảng về thăm mẹ. Mấy đứa cháu rất nhớ bà nội lắm vì lúc nào xin bánh kẹo bà cũng không từ chối. Lần sau con sẽ đưa chúng nó đến bên mẹ. Con sẽ thay mẹ tặng bánh kẹo cho tụi nó.

Con ở lại đây thêm vài ngày với chị Thơm. Chúng con an ủi cho nhau và làm thêm một chút việc. Giờ đây chỉ còn lại mấy chị em nên thương yêu và gắn bó với nhau hơn. Con làm được gì cho mấy chị, con sẽ không ngần ngại. Con sẽ làm theo những lời dặn dò của mẹ. Những gì mẹ dặn cũng quá dễ dàng vì tấm lòng nhân hậu và rộng lượng của mẹ, cho đi mà không hề nhận lại. Mọi chuyện đâu cũng vào đó thôi. Mẹ yên tâm nhé.

Cây Hằng Chữa

Hôm qua trước khi linh cữu Mẹ được an táng, chúng tôi có một lễ kỷ niệm “Cây Hằng Chữ” ngắn nhưng rất ý nghĩa. Trên hầm mộ của mẹ được khắc lên “Cây Hằng Chữ.” Cây được thiết kế với 20 chiếc nhẫn mang hình bồ câu. Sau khi đọc thơ, gia đình và người thân được lấy một chiếc nhẫn để làm kỷ niệm.

Đến sáng ngày tang lễ của Mẹ, tôi mới chợt nhớ ra, bài thơ bằng tiếng Anh và tôi cần phải dịch qua tiếng Việt cho người Việt nghe. Tôi vội vàng nghĩ ngay đến một người bạn rất giỏi về chữ và thơ văn. Người bạn này thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh, lẫn tiếng Tàu. Tôi nhờ bạn ấy dịch dùm trong vòng vài tiếng đồng hồ.

Trong buổi lễ, cô giám đốc nhà quàn đọc tiếng Anh và tôi đọc lại tiếng Việt. Mọi người đều khen ngợi và hỏi tôi ở đâu có bài tiếng Việt. Tôi hứa sẽ chia sẻ lại bài này. Cám ơn Linh rất nhiều.

Cây Hằng Chữa toả bóng trên người
chạc của cây vươn đến bầu trời.
Rễ cây cắm xuống sâu vô tận
kết nối người về lại bên tôi.
Dáng của cây, thân cây, kích cỡ
đại diện cho một đời của người.

Những thử thách và những tranh đấu
những vui buồn và những khó khăn.
Tôi xin lấy từ Cây Hằng Chữa
chiếc nhẫn mang hình dáng bồ câu.
Chiếc nhẫn đong đầy những kỷ niệm
tình thương của Người tôi mãi mãi không quên.

Tang lễ Mẹ

Hôm nay là một ngày tốt để cử hành tang lễ cho mẹ. Con cháu và người thân đến viếng thăm trong ngôi nhà quàn ấm cúng. Chúng con mời thầy Thích Chúc Đại đến tụng kinh và niệm Phật cho me ra đi nhẹ nhàng và bình an. Con ngậm ngùi khi nghe thầy ngâm bốn câu:

Kính lại hương linh mẹ
Mẹ là người lo cho con suốt cuộc đời này
Hôm nay mẹ đã đi thật rồi
Kể từ đây con là kẻ mồ côi

Vâng, mẹ đã ra đi thật rồi. Mẹ đã được an nghỉ. Giờ đây con là kẻ mồ côi. Từ nay không còn nhìn thấy mẹ, không còn nghe tiếng nói của mẹ, và không còn được thưởng thức những món ăn của mẹ. Con nhớ mẹ vô cùng khi thầy ngâm bài thơ này:

Kính lạy hương linh mẹ
Nhớ lại hình ảnh xưa
Mẹ từng nấu cơm cho ăn
Lo từng chút cho chúng con
Mẹ lam lũ một đời
Mẹ thân khổ một đời
Lúc nào cũng thương yêu chúng con
Chưa bao giờ than phiền với chúng con
Ấy vậy mà chúng con chưa kịp báo hiếu
Mẹ đã đi thật rồi.
Chúng con giờ đây bơ vơ giữa dòng đời
Rồi đây biết chỗ nào tựa nương
Biết chỗ nào mà quay về
Hôm nay bằng tất cả tấm lòng thành
Nghĩ về ân đức của mẹ
Xin dâng lên chén cơm này
Nguyện hương linh mẹ
Thuỳ từ chứng giám.

Hôm nay tang lễ được cử hành tốt đẹp. Thêm được chương trình đặc biệt “Cây Hàng Chữa.” Người bạn tên Linh của con đã dịch lại bài thơ này từ tiếng Anh:

Cây Hằng Chữa tỏa bóng trên Mẹ
chạc của cây vươn đến bầu trời.
Rễ cây cắm xuống sâu vô tận
kết nối Mẹ về lại bên con.
Dáng của cây, thân cây, kích cỡ
đại diện cho một đời của Mẹ.
Những thử thách và những tranh đấu
những vui buồn và những khó khăn.
Con xin lấy từ Cây Hằng Chữa
chiếc nhẫn mang hình dáng bồ câu.
chiếc nhẫn đong đầy những kỷ niệm
tình thương của Mẹ con mãi mãi không quên.

Mấy chị em, con cháu, và thân nhân, ai cũng nhớ thương đến mẹ. Hôm nay con đã không còn khóc nữa. Con không muốn mẹ thấy con khóc khi tiễn đưa mẹ đi một nơi tốt hơn thế gian này. Xin được tri ân công lao nuôi dưỡng của mẹ. Xin được tri ân tấm lòng nhân hậu của mẹ. Xin được tri ân sự hy sinh của mẹ. Chúng con sẽ luôn nhớ mẹ và mẹ sẽ luôn ở trong tim và tâm hồn của chúng con. Xin tạm vĩnh biệt mẹ.

Thất thứ nhất

Sáng Chủ Nhật mưa đầm đìa, tôi và chị lái xe lên chùa Phát Hoa cầu siêu chư hương linh mẹ. Đã mấy mươi năm rồi tôi không có trở lại chùa. Nhà chùa vẫn thế không thay đổi gì nhiều. Tôi xin phép được lên lầu ba ngồi một mình yên tĩnh. Tôi giở kinh Phật ra đọc, thấy bài “Sám Hối Phát Nguyện” hay nên chép lại:

Đệ tử kính lạy đức Phật Thích-Ca, Phật A-Di-Đà,
Thập phương chư Phật, Vô lượng Phật, Pháp,
Cùng Thánh hiền Tăng,
Đệ tử lâu đời lâu kiếp,
Nghiệp chướng nặng nề,
Tham giận, kiêu căng,
Si-mê, lầm-lạc,
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi lầm,
Thành tâm sám hối,
Thể tránh điều dữ,
Nguyện làm việc lành.
Ngửa trông ơn Phật,
Từ bỉ gia hộ,
Thân không tật bệnh,
Tâm không phiền não.
Hằng ngày an vui tu tập,
Phép Phật nhiệm mầu,
Để mau ra khỏi luân-hồi,
Minh tâm kiến tánh,
Trí tuệ sáng suốt,
Thần-thông tự tại,
Đặng cứu độ các bậc tôn-trưởng,
Cha me anh em,
Thân bằng quyến thuộc,
Cùng tất cả chúng sanh,
Đồng thành Phật đạo.

Hôm nay Phật tử ở Lancaster, Pennsylvania, mời được thầy Thích Chúc Đại từ Maryland về cúng Thất cho người thân. Sẵn dịp, thầy cúng Thất thứ nhất cho mẹ. Ngày mai thầy sẽ đến tụng kinh lễ an táng của cho mẹ.

Không biết có hoàn thành được không nhưng tôi bắt đầu ăn chay 49 ngày. Lúc ba mất chưa kịp ăn chay thì giờ đây ăn cho cả hai. Ăn trưa xong, ba chị em cùng hai cháu và anh Hai đến nhà quàn thay đồ cho mẹ. Gương mặt của mẹ vẫn tươi đẹp và hồng hào không cần trang điểm. Mẹ nhìn đẹp quá cho dù có chút vết thương trên mặt lúc còn ở bệnh viện.

Ngày mai mẹ để lại thân xác để rời khỏi cõi tạm này. Chúc mẹ được ở một nơi tốt đẹp hơn. Nơi đó sẽ không còn COVID để quấy nhiễu mẹ nữa.

Trò chuyện với Mẹ

Giữa tháng sáu năm vừa qua, mẹ nhập viện sau khi bị té trong lúc đang tắm. Vì bị nứt xương sống và xương mông, mẹ ở lại bệnh viện điều trị gần một tuần rồi chuyển sang trung tâm phục hồi. Gần ba tuần tập luyện, mẹ mới được về nhà. Tuy vẫn còn đi đứng khó khăn nhưng mẹ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn khi được ở nhà. Mẹ ăn uống ngon miệng hơn và tinh thần mạnh mẽ hơn.

Vẫn còn đau đớn mẹ ngủ không ngon giấc nên tôi nằm bên cạnh tâm sự với mẹ. Tôi muốn biết thêm về quá khứ và tuổi thơ của mẹ cũng như chuyện tình cảm và cách suy nghĩ của mẹ. Trong lúc trò chuyện, tôi dùng iPhone để thu âm lại những lời mẹ nói để sau này có thời gian tôi sẽ viết lại một bài tiểu sử ngắn về mẹ.

Trong những ngày vừa qua nghe đi nghe lại cuộc đàm thoại của hai mẹ con mà tôi không thể nén lại nỗi nghẹn ngào. Tôi chép lại những lời tâm sự của mẹ nhưng phải dừng lại vì tôi không thể nào dùng chữ để diễn đạt được chất giọng mạnh mẽ, cách nói chất phác, những nụ cười nhẹ nhàng, và những ý nghĩ thâm trầm của mẹ. Tôi quyết định để mẹ tự kể lại những câu chuyện của đời mẹ.

Cám ơn mẹ đã cho con được cơ hội quý báo này để con luôn luôn được nghe tiếng nói cùng tiếng cười cũng như được hiểu biết thêm về cuộc đời đầy gian nan của mẹ. “Bao năm gian khổ héo hon. Mẹ luôn cam chịu nuôi con nên người.”

Xin mời gia đình và bẹn bè thân hữu nghe cuộc trò chuyện với mẹ.

Nỗi đau

Mẹ ơi, con đau đớn quá mỗi lần nhớ lại tấm lòng bao la của mẹ. Trong lúc tính mạng tràn đầy nguy hiểm, mẹ vẫn nhắc nhở chị uống thuốc và đi bác sĩ điều trị. Mẹ vẫn lo lắng cho sức khỏe của con và luôn nhắc nhở con ăn uống điều độ.

Ba giờ sáng ngày thứ Tư hôm đó, bác sĩ gọi điện thoại cho con báo tin buồn. Bác sĩ sắp xếp cho con và chị vào bệnh viện ngay để thấy mẹ lần cuối. Lúc chúng con vào, mẹ đang ngủ nhưng tỉnh giấc ngay khi nghe tiếng chúng con gọi. Mẹ mừng rỡ khi gặp được chúng con và câu đầu tiên mẹ hỏi là chị đã khỏi bệnh chưa. Nói chuyện được vài câu mẹ lại thiếp đi. Chúng con đứng lặng im xót xa nhìn mẹ. Vài phút sau, mẹ tỉnh giấc nhìn quanh vẫn thấy chúng con. Mẹ bảo thôi khuya lắm rồi chúng con hãy về nhà nghỉ ngơi đứng đó làm gì. Nhận thấy được tinh thần lạc quan của mẹ, chúng con nỡ lòng nào ra về và nỡ tâm nào để mẹ ra đi.

Mẹ là thế, lúc nào cũng đặt con cái trước bản thân mình. Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh tất cả cho chúng con. Từ miếng ăn, từ manh áo, từ cơn ốm đau, mẹ đã lo lắng cho chúng con từng phút từng giây. Lúc còn nhỏ ở Việt Nam năm nào vào mùa cúm, con cũng phải nhập viện từ ba ngày đến cả tuần. Ba đi làm xa chưa về trong khi mẹ thì không hề rời khỏi giường bệnh của con nửa bước. Những lúc đó con không hề sợ nằm bệnh viện và vô nước biển, vì bên cạnh con luôn có mẹ.

Nỗi đau lớn nhất của đời con là không được kề cận bên mẹ trong những ngày cuối đời của mẹ. Con COVID ác độc này không chỉ giết mẹ mà còn tàn nhẫn cách ly con với mẹ. Nhìn mẹ qua màn hình mỗi đêm lòng con đau nhói. Niềm hy vọng nhỏ nhoi tan biến từng phút từng giây. Vết thương trong tim con như được mũi kim khâu lại theo từng nhịp thở của mẹ.

Chương trình quay hình trực tiếp trong buổi viếng thăm

Là con cháu của bà Lý Ngọc Anh, chúng tôi vô cùng cảm động với những lời phân ưu qua điện thoại, email, và trên Facebook từ gia đình trong và ngoài nước cũng như từ bạn hữu gần xa.

Vì bà ra đi trong mùa COVID-19 nên không thể gặp mặt mọi người lần cuối. Nhờ có phương tiện Facebook và trang web nên gia đình và bạn bè được biết rõ thông tin về bà.

Chúng tôi thành thật cám ơn tình thương của gia đình và bạn bè đã dành cho bà. Trong lễ viếng sẽ được cử hành vào thứ Hai, ngày 4, tháng 1, năm 2021, chúng tôi sẽ có chương trình quay hình trực tiếp tại trang nhà quàn. Gia đình và bạn bè ở xa có thể vào trang cáo phó của bà Lý Ngọc Anh từ 9:00 sáng đến 10:30 sáng, giờ miền Đông (ET), để theo dõi.

Trang web tưởng nhớ Mẹ

Trong những chuỗi ngày sống lo lắng, sợ hãi, và đau buồn, tôi nằm trong căn phòng xưa của mẹ mòn mỏi đợi chờ tiếng reo điện thoại của bác sĩ để báo niềm hy vọng. Ngược lại, tôi chỉ nhận được những tin đầy tuyệt vọng. Vì không biết gì về lĩnh vực y học nên tôi không thể làm gì được cho mẹ. Dưới tâm trạng bất lực, việc tôi có thể làm là thiết kế trang nhà riêng cho mẹ.

Thế là tôi bắt tay vào làm. Công việc đầu tiên là chọn lọc những hình ảnh cho mẹ. Xem lại những tấm ảnh mẹ đi nghỉ mát bên Mexico với cu Đạo và vợ chồng tôi, mẹ ôm mấy đứa cháu nội vào lòng, mẹ cảm động trong ngày mừng sinh nhật 80 tuổi, mẹ lúc còn trẻ, bao nhiêu ký ức tràn về. Tôi cười mà giọt lệ tuôn rơi. “Mẹ của tôi có một nụ cười, đẹp như đóa hoa đời rực tươi” (Ngọc Tú Anh).

Tôi kết hợp những tấm ảnh của mẹ được chọn lọc với những câu thơ nói lên tấm lòng của mẹ. Và như thế tôi đã tạo ra 12 tấm băng rôn đủ để làm ra một cuốn lịch 2021 với chủ đề mẹ và đặc biệt là mẹ của tôi. Tôi đã in 3 quyển cho gia đình tôi và hai chị.

Khi tạo trang nhà riêng cho mẹ thì phải viết tiểu sử của mẹ. Tôi viết rất tổng quát về mẹ, như nơi mẹ sinh ra hoặc mẹ thích làm gì trong cuộc sống. Không ngờ bài tiểu sử đó phải sửa lại thành bài cáo phó. Trong đó tôi rất thích câu chuyện người chị họ đã kể cho tôi nghe mấy hôm trước. Tuy câu chuyện rất đơn giản nhưng nó vẫn nằm trong trí nhớ của chị 50 năm qua.

Khi chọn lựa kiểu chữ, tôi nghĩ ngay đến Queens của nhà thiết kế Sebastian Losch. Anh đã tặng cho tôi bộ phông này khi chúng tôi trao đổi thiết kế về những dấu phụ cho ngôn ngữ Việt. Tại sao tôi lại quyết định chọn Queens? Đơn giản là vì trong tôi mẹ luôn luôn là một nữ hoàng, đặc biệt là một nữ hoàng nấu ăn những món miền nam Việt Nam.

Nhắc đến món ăn thì tôi là một trong những người được may mắn thưởng thức rất nhiều món ăn ngon và đảm bảo rất sạch sẽ do chính tay mẹ nấu. Lúc trước có một thời gian tôi viết rất nhiều về những món ăn Việt trên trang blog cá nhân của mình. Vì thế tôi đã chụp được một số hình ảnh của những món mẹ đã nấu. Khi ôn lại hình ảnh những món ăn khiến tôi nghĩ ngay đến kiểu chữ Patrona của nhà thiết kế Ringo R. Seeber. Patrona được thiết kế hướng về ẩm thực. Thế là tôi phối hợp giữa Queens và Patrona để tạo ra một trang nhà cho nữ hoàng ẩm thực.

Sau cùng tôi chọn phông kiểu chữ Saira Extra Condensed của Omnibus-Type để dùng cho những phần cần chữ nhỏ như dẫn đường (navigation) hoặc bản quyền (copyright).

Mời các bạn và người thân viếng thăm trang nhà riêng của Mẹ.

Contact