Stopped Private Lessons

After careful consideration, I decided to pull the plug on Đạo’s and Xuân’s ice skating private lessons. It was a hard decision to make because I deeply wanted them to excel in ice skating. Unfortunately, that’s not what they wanted. They don’t want to compete. They just want to skate for fun. They still wanted to take private lessons, but they didn’t want to practice. With just a half-an-hour session each week, they won’t get anywhere if they don’t practice. After six weeks of private lessons, they couldn’t move beyond basic crossovers.

Over the weekend, I asked the kids to go to the rink to practice and all of them said no. Because they had a cousin sleeping over, they rather spent time playing video games than skating. I could have made them go to the rink, but it would be pointless if their hearts weren’t into it. I feel bad if I force them to go and I feel even worse if I go alone. I could spend three or four hours a day on ice practicing because I love ice skating. I offered them the same opportunity, but they didn’t want to take it. If they could just spend three or hours a week practicing, they could have a chance to go further. Unfortunately, they resisted every single time I asked them to go. These practicing sessions aren’t free either. I am not going to waste our money if they don’t put their efforts into it.

With private lessons and ice time fees, I paid almost $100 an hour. That’s not cheap. I can’t afford that type of money to skate for fun. If they just want to have fun, they can take group lessons. Group lessons are much more affordable and they also come with practice sessions. Maybe we can go back to taking group lessons again just for fun like the good old times before I went over my head thinking they could go further. What I wanted isn’t what my kids wanted. I wish I was given the opportunity when I was a kid like they have now, but I probably would have taken it for granted like they do now. Then again, ice skating is more enjoyable if they don’t have to worry about competing or take it too seriously.

Swinging vọng cổ

Nhạc sĩ Đức Trí đánh thử vọng cổ theo giai điệu jazz swing. Nghe cũng hấp dẫn lắm. Các bạn nghe thử nhé.

Lên mây

Đầu tuần đến giờ bận bịu trong việc đưa những ngôi nhà mạng của tôi lên mây nên chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi đêm. Sáng phải thức sớm đưa thằng Đạo đến trường và vào chỗ làm nên đầu óc tiếp tục lân lân như đang bay trên mây. Mấy ngày qua tuy mệt nhọc nhưng học hỏi được rất nhiều về công nghệ đưa những trang web lên mây. Hy vọng mọi chuyện sẽ được suôn sẻ.

Trở lại văn phòng công việc dày đặc. Vì chưa tìm được phụ tá nên công việc lớn nhỏ phải tự làm. Vài tuần trước tôi bị giao phó chương trình thiết kế cho buổi tiệc chào đón học sinh trở lại trường. Từ thiệp mời đến ly rượu đến tờ giấy napkin đến những món quà nho nhỏ đều do chính tay tôi thiết kế. Buổi tiệc được chọn theo đề tài Mễ Tây Cơ nên tôi dùng nhiều màu sắc và chữ.

Hôm nay mải mê làm việc mà quên cả buổi tiệc. Cũng may gần bốn giờ chiều anh bạn da đen làm chung rủ rê tôi đi nhậu. Anh ta biết tôi thích tequila shots nên kéo tôi đi. Đáng tiếc họ chỉ đãi bia, rượu chát, và margaritas. Tôi và anh ta lấy đồ ăn và margaritas. Chúng tôi chỉ đại khái hỏi thăm nhau hơn một năm qua cuộc sống như thế nào. Sau khi mỗi người uống bốn ly margaritas, anh mới tiết lộ rằng giấy tờ ly dị của anh và vợ vừa mới hoàn tất ngày hôm qua. Thấy anh ta thở nhẹ nhõm nên tôi nghĩ đó là tin vui chứ không phải tin buồn. Tuy thấy ngà ngà rồi nhưng sẵn rượu miễn phí nên tôi chúc mừng anh bằng cách nhậu tiếp.

Đã quen biết anh mười năm nay và biến được tính tình anh cởi mở nên hỏi luôn khi ly dị có chia tài sản gì không. Anh lắc đầu và trả lời rằng cô ta là giáo sư trường Đại học nên làm lương nhiều hơn anh. Anh cho biết thêm tuy cô có bốn cái bằng cấp nhưng không có trí cơ bản (common sense). Tôi cụng ly với lời nói này của anh.

Anh khôi hài và miệng lưỡi lắm nên tôi nghĩ không lâu anh sẽ tìm được một người mới. Tôi chợt nhớ ra lúc tôi mới vô làm không bao lâu anh cũng đang trong thời kỳ ly dị. Anh nói hai lần ly dị quá tởm rồi anh không dám bước thêm bước nữa. Nói thì nói vậy nhưng giữa đàn ông và đàn ông với nhau tôi hiểu được anh ta không thể thiếu đàn bà.

Tôi chúc mừng anh duyên nợ cũ đã dàn xếp xong gì mau sớm tìm được tình yêu mới. Biết đâu anh sẽ được may mắn lần thứ ba (third time’s the charm). Hy vọng là như vậy. Tôi tạm biệt anh với cảm giác quay cuồng như đang trên mây.

Lê Luynh: Giọt sương chạy trốn

Tập truyện ngụ ngôn của Lê Luynh viết cho thiếu nhi với những chủ đề vây quanh đời sống. Mỗi câu chuyện được tác giả gửi gấm vào một bài học nho nhỏ trong cuộc sống hoặc trong cách đối xử với nhau. Phần minh họa của Nga Phan làm cho những câu chuyện dễ thương thêm sắc màu. Sau mỗi truyện tác giả cho thêm ba câu hỏi để phụ huynh cùng thảo luận với con. Sẽ thử đọc với mấy thằng con xem tụi nó có hiểu gì không.

Mẹ và khổ qua

Mướp đắng còn có tên gọi là khổ qua. Thời thơ ấu tôi rất ghét vị đắng của nó. Mỗi lần mẹ nấu canh khổ qua dồn thịt, tôi chỉ gỡ thịt ăn còn trả lại phần mướp đắng cho mẹ. Tôi không thể hiểu nổi tại sao mẹ lại thích ăn canh khổ qua đắng nghét mà mẹ cũng chẳng bao giờ giải thích cho tôi nghe lý do mẹ thích ăn mướp đắng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mẹ hy sinh ăn phần đắng để cho tôi ăn phần ngon ngọt của thịt.

Thế mà càng lớn tôi càng thích ăn khổ qua. Càng đắng tôi càng thích nên tôi kết luận rằng phải có khổ qua trong cuộc sống mới thấm thía được vị đắng của nó. Có lần hai mẹ con nằm tâm sự, tôi hỏi về cuộc đời của mẹ. Mẹ trả lời, “Cuộc đời là bể khổ. Khổ từ lúc lọt lòng mẹ”. Tưởng như mẹ đùa nhưng xem xét lại cuộc đời của mẹ lúc nào cũng khổ. Từ nhỏ mẹ chịu khổ để giúp đỡ cha mẹ và chị em. Lớn lên mẹ chịu khổ vì phải sống trong chiến tranh. Lúc lấy chồng thì khổ vì chồng. Đến lúc có con thì khổ vì con và tôi đã từng đem đến những khổ đau cho mẹ.

Vì cả cuộc đời mẹ luôn phải đối diện với cái khổ nên mẹ rất dũng cảm và sẵn sàng cam chịu mọi khổ đau. Có một lần còn nhỏ tôi ngắm mẹ làm cua. Không may mẹ bị cua kẹp. Máu chảy từ ngón tay nhưng mẹ ngồi lặng yên để nó kẹp cho đến lúc nó buông tha. Tôi ngồi nhìn mẹ mà xót xa. Vài năm trước, tôi đưa mẹ đi bác sĩ chân để gọt da dư trên ngón chân cái của mẹ. Mẹ đau điếng cả người nhưng vẫn ngồi yên còn tôi thì xin phép rời phòng tìm nhà vệ sinh để mửa. Khác với mẹ, tôi chịu đau rất dở và nhìn thấy cảnh mổ xẻ tôi chịu không nổi. Khi mẹ bị nhiễm dịch Covid ở giai đoạn cuối, tôi quyết định đặt mẹ lên ventilator vì tôi biết được sức chịu đựng của mẹ. Vì muốn cứu mẹ, tôi đã một lần nữa khiến cho mẹ thêm đau khổ.

Giờ đây mẹ đã rời bỏ cõi tạm và đã được thoát khỏi kiếp khổ nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến mẹ. Mỗi lần ăn khổ qua là mỗi lần nếm được vị đắng trong nỗi khổ của mẹ. Mùa hè năm nay mẹ vợ có trồng hai cây khổ qua trong khu vườn nhà tôi. Giờ đây tôi ăn mọi thứ với khổ qua như thịt ba chỉ xào mắm tôm hoặc bún riêu. Trưa hôm qua, còn dư nước lèo bún riêu nên tôi nấu mì gói và cho vào khổ qua. Vừa ăn tôi vừa nhớ đến mẹ.

Nguyễn Nhật Ánh: Con chim xanh biếc bay về

Ai đã từng đọc qua những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sẽ không cảm thấy ngạc nhiên về cách viết và đặc biệt là cách kể chuyện của ông. Con chim xanh biếc bay về cũng không ngoại lệ. Đây là tiểu thuyết tình cảm của những nhân vật mới ra trường đại học. Họ vẫn còn ngây thơ và yêu đời. Tuy là truyện yêu đương nhưng nó vẫn nhẹ nhàng và hồn nhiên như những tác phẩm khác của ông. Tôi phục cách viết giản dị và thoải mái của ông. Ông chứng minh cách dùng từ ngữ không cần phải cao siêu mà vẫn thu hút được người đọc.

Đi chợ

Dạo này tôi thường đi chợ Aldi gần nhà để mua cherries và kem. Thỉnh thoảng mua vài chai rượu vang hoặc một két bia. Mấy hôm rủ mấy thằng con theo nhưng chỉ có thằng Xuân với thằng Vương chịu đi. Chúng nó tự chọn kem, chips, hay những món ăn vặt khác.

Mỗi lần đi chợ là mỗi lần tôi nhớ đến mẹ. Nghĩ lại những giây phút được gần mẹ nhiều nhất là lúc đưa mẹ đi chợ. Ngày xưa tôi ngán đi chợ lắm nhất là mỗi khi đi với mẹ. Mẹ chọn lựa những món hàng rất kỹ lưỡng nên đi rất lâu. Tôi thường hối mẹ nhanh lên nhưng mẹ vẫn chậm rãi xem xét những gì mẹ mua.

Mẹ đã không còn bên tôi nữa nhưng hình bóng mẹ vẫn luôn hiện về mỗi khi tôi đi chợ. Giờ đây sự ao ước được đưa mẹ đi chợ khiến tôi nghẹn ngào muối rơi nước mắt. Phải chi mẹ không bị nhiễm Covid, giờ đây mẹ con mình cùng đeo khẩu trang đi chợ. Phải chi chuyện đó chưa hề xảy ra. Phải chi con giữ được sự an toàn cho mẹ. Phải chi mọi người đeo khẩu trang. Phải chi nhà lãnh đạo ngăn chặn sự lan truyền của con coronavirus khắp nước Mỹ. Phải chi chính phủ Tàu thành thật khai báo với thể giới nguồn gốc của con virus. Phải chi và phải chi.

Tuy biết rằng có buồn bã có hối hận cũng không thể đem mẹ trở lại nhưng con không thể tự kiềm chế được cảm xúc của mình. Mẹ ơi, con nhớ mẹ vô cùng.

Vĩnh biệt Chú Chiếu

Sau những tháng ngày sống trong sự đau đớn quằn quại của ung thư, chú đã thoát khỏi sự hành hạ của thể xác. Chú đã rời xa thế gian này để hướng về miền Cực Lạc. 

Là một đứa cháu rể trong gia đình, cháu không biết nhiều về chú. Chú cháu mình gặp nhau chỉ vài lần trong những dịp đại gia đình họp mặt và hai chú cháu cũng không có trò chuyện gì nhiều. Tuy nhiên, cháu được biết đến chú nhiều hơn qua quyển tiểu thuyết chú viết dựa trên cuộc đời của mình.

Chú luôn phấn đấu trong cuộc sống cho dù trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời và thăng trầm của chiến tranh. Chú sống tằn tiện không phung phí. Chú sống mãn nguyện cho chính mình. Chú đã làm được những điều chú mong muốn. Chú đã hoàn tất quyển sách để con cháu sau này đọc để biết về cuộc đời của chú.

Không ai ở mãi cõi tạm này. Giờ đến lúc chú phải ra đi. Chúc chú thượng lộ bình an.

Thăm cô

Tối hôm qua video chat với cô giáo dạy lớp năm. Nghe tình hình dịch ở quê nhà trầm trọng nên gọi hỏi thăm cô. Giờ đây cô đã 71 tuổi. Thời gian trôi qua nhanh quá. Cô hỏi tôi có nên chích ngừa hay không vì cô bị viêm gan. Tôi khuyên cô nên chích nếu có cơ hội vì cô lớn tuổi và có tiền đề (pre-conditions). Nếu cô bị nhiễm dịch sẽ khó chống cự. Tuy nhiên cô nên hỏi bác sĩ cho chắc ăn. Giờ đây cô vẫn chưa có thuốc để chích trong khi ở Mỹ có nhiều người không chịu chích.

Trò chuyện với cô một chút thì tôi chợt nhớ đến đứa cháu gái của cô gọi cô là bà. Lúc tôi về Việt Nam bốn năm về trước cháu mới chín tuổi. Nghe hoàn cảnh của cháu cũng tội. Mẹ cháu mất sớm. Ba đi lập gia đình mới nên bỏ lại cháu bơ vơ. Bà dì thấy vậy nên đem cháu về nuôi. Cô tôi đó giờ vẫn độc thân không chồng con nên có nó cũng tốt. Cháu niềm nở dễ thương và chăm chỉ học hành. Cháu thích học Anh ngữ.

Lúc đó cô gợi ý tôi nhận cháu làm con nuôi vì cô tin tưởng tôi. Tôi cũng muốn có một đứa con gái. Nhưng nhận làm con nuôi, tôi không biết có thể làm tròn trách nhiệm của một người cha nổi không. Tôi hỏi ý kiến vợ nhưng vợ không đồng ý nên tôi cũng từ chối. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ đến bé gái.

Hôm qua cô đưa tôi nói chuyện với cháu. Bây giờ cháu đã mười ba tuổi. Cháu vẫn niềm nở như xưa và rất lễ phép. Tôi đưa điện thoại cho Đạo để hai đứa trò chuyện bằng tiếng Anh. Không ngờ anh Đạo nhà ta cũng hoạt bát lắm. Biết hỏi chuyện và trả lời lưu loát. Bạn nghe tiếng Anh không hiểu Đạo nói tiếng Việt luôn.

Hai đứa cách nhau một tuổi nhưng cách xa nửa vòng trái đất và hoàn cảnh khác biệt. Nhưng cùng là người Việt Nam nên cũng có mối quan hệ tình đồng hương. Tôi tưởng tượng nhà có thêm một con gái chắc cũng vui lắm. Thôi duyên số là thế thôi.

Chữ Việt phong phú

Thông thường những nhà thiết kế chữ liên lạc với tôi để cố vấn về phần dấu trong chữ Việt của chúng ta. Họ muốn biết những dấu họ thiết kế có đúng và dễ đọc cho những người bản ngữ. Cho nên trách nhiệm của tôi là nhận xét cách thiết kế và vị trí của từng dấu. Chẳng hạn như dấu sắc và dấu huyền nên đặt bên phải hay bên trái của dấu ớ để người đọc có thể nhanh chóng nhận ra chữ ngay. Hoặc các dấu cao hay thấp để những hàng chữ không bị chạm vào nhau. Tóm lại là tôi chú trọng vào sự rõ ràng và dễ đọc trong phần chữ Việt.

Tuy nhiên cũng có đôi lúc những bộ chữ không thuộc về sự rõ ràng mà thuộc về thẩm mỹ. Phần lớn chữ được thiết kế theo thẩm mỹ có những cá tính rất riêng. Chẳng hạn như bộ chữ Megazoid của nhà thiết kế David Jonathan Ross. Bộ chữ này có tính cách hình học (geometric) qua sự thử nghiệm giữa hình tròn và hình vuông. Khi David thiết kế dấu cho chữ Việt, anh hỏi ý kiến của tôi như thế nào. Lúc đầu nhìn cũng khó chấp nhận, chẳng hạn như những cái dấu bị dính liền với nhau, nhưng để ý kỹ tôi nhận thấy lạ và hay.

Lúc đầu anh đưa tôi xem, những chiếc dấu rất mong manh so với chữ cái nên tôi góp ý với anh là thiết kế dày dặn hơn để dấu và chữ được phối hợp chặt chẽ với nhau. David đồng ý và đã sửa lại. Dĩ nhiên bộ chữ này không thể dùng để đọc mà dùng để đẹp.

Nếu như bạn thích những bộ chữ có tiếng Việt để thư viện chữ của mình phong phú hơn, bạn nên tham gia câu lạc bộ Font of the Month Club của David. Mỗi đầu tháng anh sẽ gửi một bộ chữ cho những người trong câu lạc bộ. Mỗi tháng chỉ có $6. Nếu tài chính bạn hạn hẹp, bạn chỉ cần đóng $2 một tháng. Tôi đã tham gia từ lúc anh mới bắt đầu ba năm trước. Đến giờ tôi vẫn là thành viên.

Contact