Lệ Thu Nguyễn: Em Ơi Hà Nội phố

Với chất giọng alto êm dịu, Lệ Thu Nguyễn hát những tình khúc của nhạc sĩ Phú Quang rất hợp. Cùng với những nhà hoà âm tài tình, tiếng hát của Lệ Thu Nguyễn được thêm những âm thanh và màu sắc khác nhau. “Hà Nội ngày trở về” được nhạc sĩ Duy Cường phối khí theo phong cách bán cổ điển với dàn nhạc giao hưởng (orchestra). “Mơ về nơi xa lắm” được nhạc sĩ Olivier Renoir hoà âm theo điệu pop chậm pha với một chúc rock. “Biển, nỗi nhớ và em” được nhạc sĩ NC Phương Nam dàn dựng mộc mạc để tạo ra một không gian thính phòng. “Chiều đông Maskova” được nhạc sĩ Sỹ Đan đệm theo điệu bossa nova nhẹ nhàng. Đặc biệt là “Nỗi nhớ mùa đông” được nhạc sĩ Trần Minh Tuấn thổi vào chất blues buồn da diết, nhất là câu: “Nằm nghe xôn xao tiếng đời / Mà ngỡ ai đó nói cười / Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy / Giờ đây cũng bỏ ta đi.” Một album gần như hoàn hảo giữa nhạc, lời, và tiếng hát.

Kim Anh: Men tình

Qua lời mở đầu, chị Kim Anh cho biết Men tình là album để đời của chị, và ca khúc tựa đề cũng do chị sáng tác trong tâm trạng cô đơn và cô độc nhất. Với phần nhạc mộc mạc (guitar và saxophone), chị hát như trải lòng cuộc đời mình: “Và đêm nay dưới ánh đèn màu / Người anh đây nhưng tim anh ở nơi đâu / Anh ơi anh đâu rồi? Môi em khô cạn hồn em nát tan”.

Từ lúc “Mùa thu lá bay”, mấy mươi năm đã không nghe chị hát. Giờ đây giọng chị vẫn nồng nàng nhưng lắng đọng hơn. Chị hát “Gõ cửa” của nhạc sĩ Mạnh Quỳnh như muốn chìm đắm nổi buồn trong giai điệu blues say sưa, nhất là khi tiếng kèn trumpet bè theo chất giọng khàn của chị: “Luyến ái làm chi sẽ khổ lắm anh / Ðếm lá mùa thu vương đổ bên thềm”.

Với “Vết thương cuối cùng”, chị trút hết tâm trạng của mình vào từng lời hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Để và tiếng saxophone như đẫm muối vào vết thương đau ngọt ngào của chị để rồi chị thót lên: “Từ nay chỉ còn lại mình ta / Già thêm tuổi chia xa / Tiếc cho ngày đã qua”. Thắm quá.

Sự đóng góp nhiệt tình và phù hợp của nhạc sĩ Hiệp Định (piano và keyboard), Bá Thiệu (guitar), Đông Hoà (saxophone), Tạ Hiền (violin), và Quang Dũng (đàn tranh, sáo, và bầu) đã đem đến cho chị một sản phẩm hoàn hảo. Hy vọng rằng chị sẽ cho ra thêm những cuốn băng để đời nữa trong tương lai.

Vĩnh biệt Dượng Ba

Dượng Ba, chồng của Cô Ba tôi, đã từ trần vào mùng ba Tết Nhâm Dần (2022). Dượng là anh rể của ba tôi và ba tôi đã đổi qua lấy họ của dượng. Tên ông bà nội đặt cho ba là Hồ Hữu Tỷ. Tôi không hiểu rõ tại sau ba lại đổi thành Trương Văn Chánh, nhưng dường như có liên quan đến chính trị và học tập cải tạo. Cho nên tôi cũng theo họ Trương chứ không lấy họ Hồ.

Lúc còn nhỏ chưa cấp sách đến trường, tôi theo ba đi làm xa. Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi không bao giờ quên là lúc ba đi xây dựng Rạp Hát Cái Bè. Ba lo việc công trình nên không có thể dành thời gian cho tôi. Cũng may là có Dượng Ba luôn chăm sóc và ở bên cạnh tôi.

Buổi sáng thì dượng cùng tôi rong chơi vòng quanh khu xây dựng. Tôi thích chạy lên xuống những bãi cát cao to dùng để xây nhà. Dượng giúp tôi đào lỗ trên bãi cát rồi lắp lá chuối làm bẫy để những đứa trẻ khác bị lọt hố. Sau giờ ăn trưa dượng cho tôi đi ngủ. Đến chiều thì dượng dắt tôi đi xem cải lương ngay tại rạp hát. Chúng tôi được ưu tiên ngồi hàng ghế đầu vì rạp hát được công ty của bác tôi xây dựng. Đến tối thì tôi ngủ chung với dượng. Những chuỗi ngày đó tôi rất yêu quý và thân với dượng.

Sau khi Rạp Hát Cái Bè hoàn tất thì tôi về lại nhà. Không biết chuyện gì đã xảy ra giữa ba và dượng, nhưng hai người đã ghét nhau. Một hôm tôi về nhà thì nghe tin ba đã bị đưa lên phường vì tội đánh đập dượng. Tôi nghe thế nên vội vã đạp xe qua nhà dượng. Lúc đó chỉ có dượng ở nhà một mình. Dượng đưa tôi vào nhà và cho tôi ăn bánh. Dượng nói lưng dượng bị đau vì ba tôi đánh dượng bằng khúc cây. Tôi không nhớ rõ đã trò chuyện gì với dượng nhưng tôi còn nhớ rất rõ là trước khi tôi ra về dượng đã hôn lên trán tôi. Những ký ức đó tôi luôn ghi nhớ.

Năm 2017, tôi trở về Việt Nam thăm gia đình. Một hôm ba đưa tôi đến thăm Cô Ba. Khi thấy dượng đang nhổ cỏ ở cổng nhà thì ba la lớn lên, “mở cửa”. Tôi đến chào dượng và hỏi dượng còn nhớ cháu Doanh này không nhưng dượng đã không còn nhận ra tôi nữa. Khi tôi và ba vào nhà gặp Cô Ba thì dượng cầm con dao tiến gần đến đòi chém ba tôi. Ba lại lớn tiếng nói, “Để tôi quỳ xuống cho anh chém”. Lúc đó Cô Ba run rẩy vì sợ. Tôi trấn an cô rồi đến gần dượng nắm lấy tay dượng và xin dượng bớt giận và bỏ qua cho ba. Tuy dượng vẫn không nhận ra tôi, nhưng dượng đã bỏ đi. Hơn ba mươi năm trôi qua mà tình cảm anh em vẫn không thể hàn gắn lại được. Giờ đây cả hai cũng đã rời xa cõi đời này, hy vọng họ sẽ được đoàn tụ và hòa đồng trở lại ở thế giới bên kia.

Cám ơn dượng đã cho con những ký ức đẹp của tuổi thơ. Con sẽ luôn nhớ đến dượng. Xin cầu nguyện cho linh hồn của dượng được yên nghỉ.

Vĩnh biệt Cậu Sáu

Sau một năm, người em trai duy nhất của mẹ cũng từ giã cõi tạm này. Cậu Sáu, ông Lý Văn Anh, từ trần ngày 8, tháng 2, năm 2022, hưởng thọ 78 tuổi.

Tháng 12 vừa rồi tôi đến nhà thăm cậu. Vì cậu lãng tai nên khó có thể trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, cậu vẫn thân mật mời tôi ăn chè và xôi mợ nấu ăn mừng đầy tháng cháu nội gái thứ nhì của cậu mợ. Chúng tôi ngồi ăn và xem lại những album hình ảnh gia đình cậu vẫn còn giữ. Tôi chụp lại một mớ để đưa vào quyển sách dì Chín viết về cuộc đời của ông bà ngoại và cuộc sống của mấy dì cậu. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp lại cậu.

Sự ra đi của cậu khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. Tôi rất yêu quý và kính trọng cậu. Cậu là một người chồng thương yêu vợ và một người cha dành hết tình cảm cho đứa con trai duy nhất của mình. Cậu sống đơn giản và không phung phí, tuy cuộc sống của cậu không thiếu thốn. Ở tuổi già, cậu sống thầm lặng. Có lần tôi hỏi sao cậu không đặt máy trợ thính để dễ dàng trò chuyện với mọi người. Cậu mỉm cười và trả lời rằng để cho lỗ tai cậu nó nghỉ ngơi. Hơn nữa cậu không muốn nghe thêm chuyện đời. Tôi thấy lý luận của cậu hay. Tuy không muốn mình bị mất đi thính lực, nhưng tôi rất muốn bỏ ngoài tai hết chuyện của thiên hạ. Sống như thế mới được thoải mái và không phiền muộn. Với đôi tai không cần nghe chuyện ngoài đời, cậu đã sống những năm tháng an nhàn và thanh thản bên vợ con và gia đình.

Giờ đây cậu đã theo các chị em của mình về miền Cực lạc. Thế là mấy chị em lại được đoàn tụ ở một nơi không còn đau đớn và khổ sở nữa. Xin cầu nguyện cho linh hồn cậu được an nghỉ trong bình yên.

Hương Giang: Hoài Cảm

Với giọng hát khàng và nồng nàng của Hương Giang cùng với tiếng đàn dương cầm nhẹ nhàng và sâu lắng, Hoài Cảm đáng lẽ ra phải là một album thính phòng ấm áp. Nhưng không biết lúc thu âm studio có lạnh lắm không mà Hương Giang run giữ quá. Mỗi lần cô nhã chữ cô run đến rợn cả người. Chẳng hạn như bài mở đầu, “Khúc thụy du” (nhạc Anh Bằng, thơ Du Tử Lê), cô hát, “Hãy nói về cuộc đờờờời / Khi tôi không còn nữữữữa.” Phải chi cô đừng sử dụng vibrato thì nghe đỡ nổi da gà. Đáng lẽ ra nhạc phẩm “Chiều tím” (Lam Phương) với cách hoà âm sang trọng là một bài blues đẹp nét nhưng cách run của cô làm người nghe rất khó chịu. Đáng tiếc thật.

Khám định kỳ

Hai hôm trước đi bác sĩ khám định kỳ. Không biết lấy hẹn làm sao mà đúng vào mùng một Tết. Thôi kệ đi luôn. Quả lại tôi cũng không tin dị đoan gì cả. Tôi nghĩ dạo này chơi thể thao đều đặn nên sức khỏe sẽ tốt. Cân giảm được vài pounds. Blood pressure cũng trung bình.

Hôm qua nhận được kết quả thử máu. Cholesterol và glucose đều tăng. Bác sĩ khuyên tập thể dục thêm nữa để giảm cân nhưng không đề cập đến vấn đề ăn uống. Nhưng tôi nghĩ phải ăn uống cẩn thận hơn nhất là đồ ngọt. Bớt uống Gatorade và trà bubble. Bớt ăn đồ ngọt và đồ ăn nhiều dầu mỡ.

Còn được vớt vát là chất uric acid giảm xuống mà không cần phải uống thuốc. Tôi vẫn uống wine đều đặn. Thỉnh thoảng vẫn uống bia và rượu nặng. Không ăn thịt bò thường xuyên. Lâu lâu thèm thì ăn một tô phở bò.

Sức khỏe như thế coi như tạm ổn. Sẽ cố gắng thể thao nhiều hơn và kiềm chế cái miệng lại.

Xuân Nhâm Dần

Hôm nay chợt nhận ra rằng dạo này ít viết tiếng Việt. Thôi thì mấy bài sắp tới sẽ cố gắng viết bù lại bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Với những người Việt đến đọc trang blog này, chúc các bạn năm Nhâm Dần mọi sự tốt đẹp với cuộc sống trở lại bình thường.

Đây là xuân thứ hai vắng cha vắng mẹ và xuân tha hương thứ ba mươi mấy rồi. Xuân mỗi năm mỗi xa hơn nhưng không nhạt phai. Mặc dù chỉ còn lại trong ký ức, còn là người Việt Nam thì vẫn còn xuân. Cho dù con tôi sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nó vẫn gốc Việt nên nó cũng phải biết đến xuân. Chữ xuân thật đẹp nên tôi đã đặt tên cho thằng con trai là Xuân.

Mỗi lần xuân về tôi lại nhớ mẹ. Không tha thiết là nhớ nhung những kỷ niệm xưa mà chỉ nhớ đến mẹ. Không tiếc nuối là phải chi còn có mẹ vì sớm muộn gì cũng phải lìa xa mẹ. Nỗi đau không còn có mẹ trên cõi đời này cũng từ từ xoa dịu đi. Cái chết không ai tránh khỏi nên đành phải chấp nhận. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ mãi con người của mẹ, tiếng cười và tiếng nói của mẹ, và tính tình có một không hai của mẹ.

Mấy năm gần đây cuộc sống của tôi có rất nhiều điều thay đổi. Tôi phải làm quen với sự mất mát trong cuộc sống. Tôi mất người thân thương bởi covid hoặc ung thư. Tôi mất đi tình bạn bè và tình thân thiết bởi chính trị. Tôi mất đi lòng người bởi những gì tôi đã viết hoặc đã nói. Những mất mát này không may xảy ra nhưng tôi đã chấp nhận. Thế giới của tôi càng lúc càng thu bé lại. Chỉ còn lại vợ con và những người thân trong gia đình. Càng lớn tôi càng khó tìm được bạn bè cho dù rất muốn. Thôi thì cũng đành phải chấp nhận cuộc sống riêng tư của mình. Dần dà rồi cũng quen thôi.

Nguyễn Hữu Lý: Quê hương qua thi ca Việt Nam

Hơn 100 bài thơ qua hơn 100 tác giả viết về quê hương Việt Nam, viết về những địa danh từ Bắc, Trung và Nam, và viết về nỗi nhớ cùng nỗi đau của những tâm hồn tha hương. Tất cả những bài thơ được ông Nguyễn Hữu Lý phiên dịch sang tiếng Anh. Tôi có ý định sau khi đọc xong sẽ tuyển ra một số bài để làm một dự án mẫu đưa vào Vietnamese Typography nhưng tôi không mấy hài lòng về phần tiếng Anh từ cách viết đến ngữ pháp.

Tâm Minh: Mưa Xuân

Tập thơ gồm những tác phẩm từ những tác giả tên tuổi như Robert Frost, Emily Dickinson, James Joyce, và William Shakespeare được dịch giả Tâm Minh chuyển sang ngữ Việt. Khi đọc tập thơ này tôi chỉ chăm chú vào tiếng Việt để xem ông Tâm Minh chuyển ngữ ra sao. Và ông đã dựa vào ý thơ để viết lại những câu thơ bằng tiếng Việt chứ ông không dịch xác nghĩa. Chẳng hạn như đoạn cuối của bài “The Road Not Taken”, Robert Frost viết như sau:

I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I—
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.

Tâm Minh chuyển sang tiếng Việt như sau:

Mai này ta kể chuyện đời
Nơi miền đất lạ thở dài luyến thương:
Rừng kia chia cách đôi đường
Ta theo một ngả ít vương dấu giày
Đời ta từ đó đổi thay
Lá vàng theo gió cuốn bay cuối trời.

Không hiểu tại sao ông lại thêm câu cuối: “Lá vàng theo gió cuốn bay cuối trời”. Quyển sách này đã xuất bản vào năm vào năm 2001 tại tiểu bang Virginia, nơi tôi và dịch giả hiện cư ngụ. Nếu có dịp gặp mặt ông, tôi sẽ hỏi thử. Vì những bài chuyển ngữ của ông có chất thơ chứ không chỉ thông dịch nên đọc rất thú vị.

Vĩnh biệt Bác Nguyệt

Bác Nguyệt, một trong những người chị của mẹ vợ tôi, đã ra đi vào ngày 26, tháng 12, năm 2021. Tôi không biết nhiều về bác nhưng rất quý bác mỗi lần gặp mặt trong tuần gia đình họp mặt hằng năm. (Vì đại dịch nên hai năm nay không còn tập họp như trước).

Bác Nguyệt luôn thương yêu anh chị em và đặc biệt rất gắn bó với mẹ vợ của tôi. Bác lo lắng cho chồng chu đáo từng món ăn. Bác nuôi nâng bốn người con trưởng thành và ổn định với gia đình riêng của họ. Bác cũng chăm sóc đàn cháu của bác khôn lớn.

Lúc bố vợ tôi qua đời, các bác đến Virginia để dự đám tang. Khi bác bay về lại Texas, tôi đưa bác ra phi trường. Trên xe tôi được trò chuyện riêng với bác. Bác luôn vui vẻ và có cái nhìn đời rất nhẹ nhàng.

Cầu nguyện cho linh hồn của bác được an nghỉ trong bình yên.

Contact