Linda Lê: Thư chết

Hiếm khi tôi đọc sách ngoại dịch sang tiếng Việt. Nhất là sách Anh ngữ vì tôi muốn đọc bản chính hơn bản dịch. Lúc đầu tôi tưởng Linda Lê viết bằng tiếng Anh vì tôi hoàn toàn không biết về tác giả. Khi mở mấy trang đầu mới biết truyện Thư chết dịch từ nguyên bản tiếng Pháp tựa đề Lettre Morte. Thấy quyển sách mỏng nên đọc thử. Hơn nữa tôi cũng đâu đọc được tiếng Pháp.

Thư chết, được dịch bởi Bùi Thu Thủy, là một bài thơ dài (206 trang) viết cho người yêu. Trong thư cô kể về người cha đã mất, người cậu bị điên, và người yêu cũ độc tài. Lá thư đọc có xíu rùng rợn nhưng thú vị. Không biết bài gốc tiếng Pháp ra sau nhưng Bùi Thu Thủy dịch rất dễ hiểu. Linda Lê viết rất tối tăm nhưng tôi lại rất thích. Tôi sẽ tìm đọc những tác phẩm khác của cô.

Ngọc Lan: Suối nước mắt

Những năm đầu của thập niên 90, trung tâm băng nhạc hải ngoại xôn xao sản xuất đĩa nhạc. Mỗi trung tâm đều có một người nhạc sĩ chính (hoặc giám đốc âm nhạc) phụ trách về phần hòa âm và phối khí. Chẳng hạn như Asia có Trúc Hồ, Thuý Nga có Tùng Châu, Hải u có Quang Nhật, Văn Sơn có Huỳnh Nhật Tân, Tình có Đồng Sơn, và Người Đẹp Bình Dương có Lê Đức Cường. Mỗi người nhạc sĩ đều có tài nghệ và sắc màu riêng. Khi nghe âm nhạc của Asia, chúng ta nghĩ ngay đến Trúc Hồ mặt dù Asia có một số nhạc sĩ hoà âm khác như Trúc Sinh, Sỹ Đan, và Vũ Tuấn Đức. Khi nghe những bài của Người Đẹp Bình Dương, chúng ta nhận ra ngay tài nghệ của nhạc sĩ Lê Đức Cường, đặc biệt là những bài hoà âm với nhịp điệu khiêu vũ.

Hôm qua nghe lại album Ngọc Lan với tựa đề Suối nước mắt (Người Đẹp Bình Dương Gold Volume 2), tôi như được quay trở lại vũ trường của những năm giữa 1990. Album được mở đầu với “Người tình Nam Mỹ” qua nhịp điệu cha cha cha nhộn nhịp và tiếng kèn trumpet và trombone ríu rít bên nhau. Giọng hát dịu dàng của Ngọc Lan chiếm ngay tâm hồn tôi trong câu đầu, “Là mặt trời mùa xuân Nam Mỹ”. Nghe cô phát âm dấu ngã chữ “Mỹ” mà tôi cũng muốn tan rã.

Ca khúc “Chiều tím” (nhạc Đan Thọ, thơ Đinh Hùng) được hoà âm với vũ điệu rumba lả lướt. Ngọc Lan mà hát rumba thì khỏi phải bàn rồi, nhưng vẫn phải nhắc tới câu cuối, “Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao / Tóc bay dài, gió viễn khơi”. Đấy, lại là dấu ngã trong chữ “viễn” cô nhả thật dễ thương.

“Đừng hỏi vì sao tôi buồn” (Bảo Thu) được hòa âm với điệu boston nồng nàn, sâu lắng, và Ngọc Lan hát với một tâm trạng bùi ngùi: “Lòng buồn nhìn theo xác pháo / Tiễn người yêu bước ra đi / Lòng tôi lạnh lẽo cô đơn / chớ hỏi vì sao tôi buồn.” Lại dấu ngã trong chữ “tiễn” của cô nghe thật xót xa.

Bài tango “Làm sao em khóc” (Nguyệt Ánh) và paso “Môi tím” (Nhạc Hoa, lời Việt của Khúc Lan) là hai nhịp điệu không thể thiếu trong vũ trường. Cách hòa âm sôi nổi của Lê Đức Cường cùng tiếng hát quyến rũ của Ngọc Lan như mời gọi những ai thích khiêu vũ đặc ly rượu xuống bàn, nắm lấy tay người yêu, và dìu dắt nhau tiến đến sàn nhảy.

“Tình yêu đắm say”, một tình khúc tiếng Pháp với nhịp điệu pop ballad, đầy chất lãng mạn. Đặc biệt trong phần hòa âm có tiếng guitar bass ấm áp đệm cho giọng hát ngọt ngào của Ngọc Lan. Cô hát tiếng Pháp thì khỏi chê rồi, nhưng thú thật tôi có biết gì về Pháp ngữ đâu mà nhận xét. Còn tiếng Việt thì cô hát như một phụ nữ đang yêu, “Gần bên anh ước ao gần mãi / Xin chớ xa em hỡi người yêu dấu”. Lại dấu ngã trong chữ “mãi” của cô làm tôi say đắm.

Tuy Người Đẹp Bình Dương không quảng bá sản phẩm này dành cho những người đam mê khiêu vũ nhưng những ca khúc trong album này đều có thể dùng để nhảy. Với những phần hòa âm tươi đẹp của nhạc sĩ Lê Đức Cường, Suối nước mắt cho ta nghe được sự đa dạng của Ngọc Lan. Dù cha cha cha cha hay rumba, paso hay tango, boston hay pop ballad, cô uyển chuyển giọng hát của mình vào các nhịp điệu một cách nhẹ nhàng thoải mái và rất Ngọc Lan.

Ngẫu hứng viết về Ngọc Lan

Gần đây tôi lấy nguồn cảm hứng nghe lại Ngọc Lan hát và viết rất hăng say về những gì tôi đã nghe. Chẳng những thế tôi còn viết lại những bài tôi đã đăng từ rất lâu. Thí vụ như bài nhận xét về album Ngọc Lan 5: Tình Gần, tôi đã viết lại toàn bộ vì khi đọc lại những gì mình đã viết cách đây 18 năm nghe khen quá đà. Tuy tôi vẫn thích album đó nhưng phải viết lại cho đỡ xấu hổ.

Giờ đây trang nhà iLoveNgocLan.com cũng chỉ còn một mình tôi quản lý nên tôi tiếp tục đăng những bài viết của mình cho đỡ cảm thấy lạnh tanh. Tôi không biết gì về đời tư của cô nên tôi chỉ viết về nhạc. Đây là một số bài tôi đã viết và đang bên đó.

Những năm gần đây iLoveNgocLan.com không còn là một nơi để những người hâm mộ tiếng hát Ngọc Lan trò chuyện và bình luận nữa tuy số lượng truy cập vẫn còn cao. Mỗi tháng có đến 4.62k unique visitors.

Hoá ra những cuộc tương tác đã giời qua Facebook. Tuy đã thành lập ra trang I Love Ngoc Lan Facebook từ rất lâu nhưng chúng tôi không đủ nghị lực và thời gian để chăm sóc và quản lý. Thế nhưng trang I Love Ngoc Lan Facebook đã được 5.1K followers. Gần đây tôi đăng lại những bài đã viết ở đây qua trang Facebook và đã có được nhiều phản ứng cũng như trao đổi. Sự thu hút của cô Ngọc Lan vẫn mạnh mẽ như ngày nào.

Tôi sẽ tiếp tục đăng những bài do chính tôi viết hoặc tìm được những gì thú vị trên mạng để các bạn vẫn có thể đọc nhưng nếu các bạn muốn được liên ứng hay chuyện trò cùng các thành viên hâm mộ Ngọc Lan, mời gia nhập vào trang I Love Ngoc Lan Facebook.

Ngọc Lan tình tự nhạc Ngô Thụy Miên

Sau khi iLoveNgocLan.com chào đời vào năm 2003, tôi muốn đóng góp thêm trong phần multimedia để trang nhà thêm phong phú. Đến năm 2004 tôi mới tạo ra một dự án slideshow dùng phần mềm Flash để kết hợp hình, nhạc, và chữ. Đáng tiếc là công nghệ Flash Player bị lỗi thời và biến mất trên mạng nên tôi chuyển slideshow qua video và đăng lên YouTube để lưu niệm. Giờ đây, 18 năm sau, xem lại bao ký ức ùa về.

Khi thiết kế slideshow, thách thức lớn nhất là chọn bài hát. Trong kho tàng âm nhạc của Ngọc Lan có khoảng 800 ca khúc, biết bài nào mà dùng. Nhưng một trong ca khúc tôi để ý đến thời điểm đó là “Tình khúc buồn” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Phần nhạc dạo mở đầu với nhịp trống dồn dập cùng tiếng đàn guitar điêu luyện như một âm phổ mở đầu cho một bộ phim, rất đúng với ý tưởng làm slideshow của tôi. Tuy nhiên, cái đặc điểm để tôi quyết định chọn ca khúc này chỉ có một chữ. Tôi mê cách Ngọc Lan phát âm chữ “quyện” khi cô hát, “Em như vạt lụa đào quyện ta lời thì thào”. Thú thật lúc đó tôi chưa hiểu rõ chữ “quyện” nghĩa là gì. Lúc tôi định cư ở Mỹ chỉ mới học hết lớp năm ở Việt Nam và tôi đã phải tạm gác lại ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để tập trung học ngoại ngữ. Hơn nữa tôi là người Nam nên chưa bao giờ dùng chữ “quyện” cả, chỉ dùng chữ “dính” thì phải. Thế là tôi phải tra từ điển để tìm hiểu chữ Việt phong phú. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên dùng chữ “quyện” rất khéo léo trong lời nhạc của mình, nên trong slideshow tôi cũng muốn hình ảnh và tiếng hát của Ngọc Lan “quyện” vào nhau. Từ đó tôi chú ý đến ca từ trong tình ca của người nhạc sĩ tài hoa này để cố gắng học lại tiếng mẹ đẻ của mình, và tôi đã khám phá ra lời nhạc của ông rất lãng mạn.

Chẳng hạn như “Niệm khúc cuối”, ca từ của ông quá tình tứ: “Cho tôi xin em như gối mộng / Cho tôi ôm em vào lòng / Xin cho một lần, cho đêm mặn nồng / Yêu thương vợ chồng”. Giọng hát êm ái của Ngọc Lan như giúp người con trai nói lên những gì con tim muốn thổ lộ với người mình yêu: “Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời / Cũng đã muộn rồi / Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em”. Cô kết thúc câu cuối một cách thiết tha, dịu dàng và giữ nguyên lời của tác giả chứ không đổi thành “xin vẫn yêu anh”. Đáng tiếc bản hòa âm không thích hợp. Từ nhịp điệu đều đều như công nghệ điện tử đến tiếng đàn electronic keyboard nhừa nhựa như đang đánh cho tiệc cưới, bài phối không tỏa sáng thêm giọng ca của Ngọc Lan.

“Dấu tình sầu” cũng bị rơi vào tình trạng giống như thế. Ngọc Lan gửi hết tất cả tâm hồn vào ca từ của Ngô Thụy Miên và cô lên những nốt cao của ông rất hồn nhiên, nhất là câu đầu, “Chiều còn vương nắng để gió đi tìm”. Nhưng đến câu “Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn / Đường hoang vắng cho lá về nguồn”, tiếng hát của cô bị tiếng rít của đàn synthesizer lấn át đi. “Bản tình cuối” cũng bắt đầu với tiếng đàn electronic keyboard ré lên the thé. Đỉnh cao nhất trong ca khúc là, “Ngày nào đời cho ta biết… tình là… đắng… cay…” Cô lên nốt cao gọn gàng (không phô trương một số ca sĩ hát sau này) và cô thả ngay chữ “cay” để nó tan biến vào khoảng trống chứ không dây dưa. Phần dạo của bài, tiếng kèn tenor saxophone cũng độc tấu lại đoạn đó. Khúc đầu rất mạnh mẽ nhưng tới “tình là… đắng… cay…” thì bị yếu xuống hẳn.

Mỗi ca khúc thu âm, Ngọc Lan luôn thổi vào những không khí tươi mát và hồn nhiên từ giọng hát ngọt ngào và êm dịu của mình. Ngọc Lan trình bài những tình ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, như “Từ giọng hát em”, “Bài tình cho em”, “Mùa thu cho em”, “Giọt nước mắt ngà”, “Mắt biếc”, và “Giáng ngọc”, cũng đầy tính chất Ngọc Lan. Tuy nhiên không phải bài nào cũng được vẹn toàn bởi những bài hoà âm phối khí không “quyện” vào giọng hát của cô.

Ngọc Lan chìm đắm trong tình khúc Lam Phương

“Buồn nào hơn đêm nay / Buồn nào hơn đêm nay / Khi ngoài kia bão tố đầy trời”, tiếng hát mong manh của Ngọc Lan rót nhẹ từng giọt buồn tê tái vào lòng người nghe qua ca khúc “Xin thời gian qua mau” của cố nhạc sĩ Lam Phương. Từ tiếng kèn saxophone da diết đến nhịp điệu rumba êm dịu và dĩ nhiên là tiếng hát Ngọc Lan đã lôi cuốn tôi ngay từ giây phút đầu tiên được nghe ca khúc này. Đêm nay nghe lại tâm trạng vẫn mang mác buồn và bỗng nhiên khao khát được nghe thêm những ca khúc khác của chú Lam Phương qua giọng hát cô Ngọc Lan.

Thú thật, tuy đã mê giọng hát Ngọc Lan hơn 30 năm và đã nghe vô số ca khúc cô thu âm, tôi không nhớ rõ đã từng nghe qua cô hát nhạc của chú Lam Phương ngoài ca khúc “Xin thời gian qua mau”. Nên khi tìm đến những bài của chú do cô hát, tôi như được nghe lần đầu. Dĩ nhiên dòng nhạc của chú thì không hề xa lại gì với tôi, nhất là các ca khúc nổi tiếng được nhiều ca sĩ hát, nhưng Ngọc Lan luôn có phong cách riêng của mình. Điển hình là ca khúc “Em là tất cả”, cách hát của cô nồng thắm và mượt mà nhưng vẫn mềm mại chứ không sầu luỵ hoặc não nề. Khi cô bắt vào phần điệp khúc, “Sao anh ngồi lặng lẽ… để lòng em tái tê”, cô buông ngay chữ “lẽ” không níu kéo và không hề dùng kỹ thuật rung (vibrato) như nhiều ca sĩ bây giờ để tăng thêm bi kịch (dramatic) khiến tai tôi chịu không nỗi. Từ “Mưa lệ”, “Như giấc chiêm bao”, “Cho em quên tuổi ngọc”, đến “Thu sầu”, Ngọc Lan chinh phục các ca khúc của chú Lam Phương bằng “trường phái” riêng của mình qua cảm xúc gần gũi và cách xử lý sáng suốt trong ca từ.

Riêng “Say”, tôi đã từng nghe qua khoảng mười mấy năm trước nhưng không gây ấn tượng cho lắm vì cô hát bị phô vài chỗ và để lộ cách lấy hơi. Hơn nữa bài hòa âm phối khí cũng không có gì để nhớ. Tôi nghĩ nhạc phẩm này thu âm trong giai đoạn sức khỏe suy yếu nên Ngọc Lan không kiểm soát được giọng hát của mình. Giờ nghe lại mới cảm nhận được những yếu điểm đó biểu hiện cho cảm xúc chân thật của cô. Trong suốt thời gian đi ca hát, Ngọc Lan dành trọn tình cảm của mình cho âm nhạc nhưng cô vẫn luôn khép kín về đời sống riêng tư của mình. Khi hát cô đặt tâm trạng của mình vào ca khúc chứ không đặt ca khúc vào tâm trạng của mình. Với “Say”, cô không ngại để lộ những sơ hở trong kỹ thuật. Cô chỉ để cảm xúc của mình tuôn ra. Chẳng hạn như cô hát rất thấp hai câu, “Ta buồn ta chán sự đời / Vì đời bạc tựa như vôi”, nhưng cô lấy hơi và lên rất cao, “Đêm nay nằm ngủ ngoài hiên / Quanh ta có mảnh trăng hiền,” để rồi thổ lộ, “Ta ôm lòng đất vào tim / Say trong giấc ngủ / Cho quên đi kiếp làm người”.

My dearest Ngọc Lan, you intoxicated me.

Linh Lê: Đào

Truyện tiểu thuyết được kể qua hai nhân vật nữ: một nhà báo và một kỹ nữ. Qua 38 chương ngắn gọn, tác giả Linh Lê khéo léo kết hợp hai câu chuyện thành một. Tác phẩm của cô như được đem một khía cạnh tối đen của xã hội ra ngoài ánh sáng. Kết thúc sẽ lặng đọng lại trong lòng người đọc sau khi quyển sách được khép lại.

Tâm trạng xám

Hôm nay mưa cả ngày nên bầu trời xám xịt. Nước mưa còn đọng lại nên không thể ra công viên trượt. Ngồi trong văn phòng làm việc một mình với tâm trạng mang máng buồn. Có những thứ không muốn chứng kiến và không muốn cảm nhận nhưng không thể tránh né. Để rồi thấy được sự hẹp hòi của con người chỉ khiến mình thêm ác cảm. Tuy cố gắng không dòm ngó nhưng khi sự việc xảy ra trước mắt làm sao có thể nhìn chỗ khác?

Chắc càng già càng nhạy cảm hơn nên tôi không thể nào làm lơ. Trên đời chắc không có điều gì là công bằng cả. Biết điều hay không chỉ là do cảm giác của con người. Thấy bao điều nhưng chẳng nói. Nói ra nhiều cũng vậy thôi. Thấy chướng mắt đã nhiều rồi. Một lời thêm càng phiền thêm. Còn nói gì?

Thôi thì cứ xem nhưng mọi chuyện không gì xảy xa. Có thấy cũng nên làm ngơ. Chuyện ai nấy làm. Nhà ai nấy sống. Gia đình ai nấy chăm sóc. Cuộc sống nhạt nhẽo và phũ phàng như thế nếu mình không chấp nhận thì chỉ đem phiền muộn vào thân. Thôi thì việc gì không cần nhìn cứ nhắm mắt lại như không thấy.

Ngọc Lan & Kiều Nga

Trong âm nhạc, Ngọc Lan và Kiều Nga tâm đầu ý hợp mặc dù mỗi giọng hát mỗi nét riêng. Trong khi Ngọc Lan nhẹ nhàng, mềm mại, và quyến rũ, thì Kiều Nga mạnh mẽ, mặn nồng, và thanh nhã. Kết quả là những âm thanh muôn màu muôn sắc khi hai giọng hát được phối hợp với nhau.

Muốn được thưởng thức sự kỳ diệu của Ngọc Lan và Kiều Nga, bạn hãy nghe lại những album Liên khúc tình yêu do trung tâm Asia sản xuất và phát hành vào những năm 1990. Cái thú vị của liên khúc là nó tạo ra một sân chơi để ca sĩ thí nghiệm sự đa dạng của mình. Người ca sĩ không chỉ phải biết hát nhiều ca khúc mà đòi hỏi phải cộng tác với đồng nghiệp của mình. Riêng những “Liên khúc tình yêu” được kết nối không chỉ qua nhiều tình ca khác nhau, mà còn nhiều ngôn ngữ khác nhau như Việt, Anh, Pháp, Tàu, và Tây Ban Nha để tạo ra một trải nghiệm âm nhạc phong phú và sáng tạo.

Chẳng hạn như Liên khúc tình yêu 1, Ngọc Lan, Kiều Nga, và Trung Hành cộng tác rất chặt chẽ và ăn khớp với nhau. Ở điểm 5:00 phút trong liên khúc thứ nhất, Ngọc Lan bắc vào bài “Vũ điệu tình nồng” một cách bất ngờ nhưng hồn nhiên, “Thoáng nghe tim ngập ngừng / Người đến đây bên tôi thấm nụ cười hồng”. Phần hoà âm trở nên sôi động hẳn lên với vũ điệu Lambada. Kiều Nga tiếp tục hát bằng tiếng Tây Ban Nha đầy chất lửa. Với “Trưng Vương khung cửa mùa thu” (lời Việt Nam Lộc) cho ta cảm nhận được sự hợp tác đầy hiệu quả giữa Ngọc Lan và Kiều Nga: hai tiếng hát một tâm hồn.

Với Liên khúc tình yêu 2, ba giọng nữ, Ngọc Lan, Kiều Nga, và Ngọc Hương, đem đến cho người nghe những phần kết hợp hấp dẫn. Ngọc Lan bắt đầu với ca khúc “Diana” (Paul Anka) bằng tiếng Anh và cách phát âm mềm mại của cô nghe thật dễ thương, “I’m so young and you’re so old / This, my darling, I’ve been told”. Kiều Nga tiếp nối với bài “Khi ta 20” qua giọng cao vời vợi và sự nhẹ nhàng của Ngọc Lan đem lại phần dịu dàng của lứa tuổi 20. Kiều Nga chuyển tiếp qua ca khúc “Put Your Head on My Shoulder” (Paul Anka) và cô phát âm tiếng Anh rất rõ lời: “Put your lips [next] to mine, dear / Won’t you kiss me once, baby? Just a kiss goodnight, maybe”. Một lần nữa, Ngọc Lan tương phản sự mạnh mẽ của Kiều Nga với sự ngọt ngào êm ái qua ca khúc “Tình có như không”.

Một đoạn gây ấn tượng trong Liên khúc tình yêu cuối cùng là ca khúc “Gọi nhớ” được trích từ phim bộ Thần Điêu Đại Hiệp. Khi Ngọc Lan cất tiếng hát, “Ngày vui đã hết vỡ như bọt sóng / Tình yêu đã chết như cây mùa đông”, khiến cho tôi hình dung ngay đến Tiểu Long Nữ. Kiều Nga tiếp lời bằng tiếng Tàu luôn. Phải công nhận rằng cả hai Ngọc Lan và Kiều Nga đều có tài ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ thì không nói rồi nhưng cả hai đều hát tiếng Anh, Pháp, và Tàu rất chuẩn.

Ngoài những thu âm liên khúc, Ngọc Lan và Kiều Nga đã hợp tác qua những album như Tiếng hát Ngọc Lan và Kiều Nga: Hai giọng ca vàng do trung tâm Người Đẹp Bình Dương phát hành. Album này gồm những ca khúc ngoại dịch sang lời Việt, và trong đó có hai bài song ca. “Vẫn mãi yêu em” được hòa âm qua nhịp rumba chầm chậm với tiếng kèn saxophone nồng nàn. Với “Trái tim xanh”, Kiều Nga được Ngọc Lan bè như một người bạn đời luôn ở đằng sau nhắc nhở: “Đời người có là bao / Ngàn đời cũng chẳng lâu” và “Đời là biển muôn sóng / Đời là bao cơn gió hung dữ xô lấn ngông cuồng ngược xuôi”.

Có một lần vào tiệm nhạc Việt Nam, tôi chọn ngay album Trên đỉnh mùa đông với hai tiếng hát Ngọc Lan và Kiều Nga, vì khi đọc tựa đề ở bìa sau có sáu bài “song ca”. Tôi cứ ngỡ rằng những bài được để song ca là Ngọc Lan và Kiều Nga. Khi nghe CD mới biết mình bị lầm. Ngọc Lan và Kiều Nga không song ca bài nào hết. Những bài song ca là Ngọc Lan với Duy Quang và Kiều Nga với Duy Quang. Thế mà trên hình bìa chẳng thấy tên hay hình ảnh của nam ca sĩ Duy Quang. Tôi lấy làm thất vọng với chiến lược câu khách của Tình Productions & Bốn Phương và sự không công bằng cho anh Duy Quang tuy anh song ca với cả hai nữ ca sĩ rất tốt. Riêng ca khúc “Bảy ngày đợi mong” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được Ngọc Lan chuyên chở rất tài tình. Cô hát nhã nhặn và điệu bộ nhưng không bị sến hay quá mùi mẫn, nhất là cách cô luyến láy: “Quyết, em quyết dặn lòng / Không nói nửa lời, dù là ghét anh”.

Dĩ nhiên khi viết về sự kết hợp giữa Ngọc Lan và Kiều Nga thì không thể nào không nhắc đến ca khúc “Anh thì không (Toi jamais)” được hai tiên nữ trình diễn trên sân khấu Hollywood Night. Kiều Nga yêu kiều trong chiếc áo đầm đen và Ngọc Lan lộng lẫy trong chiếc áo dạ tiệc đỏ. Xung quanh là những chàng trai Mỹ cao sang và phong độ nhưng hai nàng chỉ quấn quýt bên nhau. “Anh thì không (Toi jamais)” và “Tình yêu biển xanh (L’Amour a la plage)” là hai bài song ca được thu âm trong album Paris vẫn đợi do May Productions thực hiện dưới sự hoà âm và điều khiển ban nhạc của saxophonist Thanh Lâm.

Tuy Ngọc Lan không còn ở cõi tạm này nữa và Kiều Nga cũng đã rút lui ca hát, giờ nghe lại hai giọng hát ngọc ngà này để hồi tưởng lại một thời đã xa.

Nhớ Cha

Hôm nay ngày lễ của Cha, xin trích một đoạn trong “Sám công cha”:

Ðời cha kham khổ nhiều rồi
Nên cha chỉ thích con vui học hành.
Mọi điều khó nhọc đâu thành
Ðể con vững chí nên danh với đời…
Bấy lâu con vẫn nhớ lời
Sống sao cho được ra người đâu quên.
Thà cam nghèo của nghèo tiền
Giàu vì bất chính cha khuyên đừng làm.
Vâng lời mọi việc đường hoàng
Chúng con nay vẫn nghèo nàn như xưa.
Lợi danh như áng mây đưa
Rồi ba tấc đất hơn thua ra gì?
Chúng con thực sự kém chi
Kỹ sư, bác sĩ… có gì thiếu đâu.
Chỉ vì giáo dục ăn sâu
Nên mình đơn giản cháo rau qua ngày.
Nhớ lời cha dạy xưa đây
Bỗng dưng lệ thấm mắt cay mủi lòng.
Nhân lành cha mẹ gieo trồng
Chúng con vun bón vuông tròn mai sau.

Xin cha được an nghỉ trong bình yên. Luôn nhớ về Cha.

Bị bồ bỏ

Hôm trước trò chuyện với đứa bạn cùng thời tiểu học và trung học, hai đứa nhắc lại chuyện dĩ vãng trong đó có những mối tình đi qua đời chúng tôi. Bạn tôi đùa rằng sao hồi đó tôi chọn toàn thứ dữ. Thú thật thì lúc còn trẻ tôi không có chọn lựa. Khi tình yêu đến tôi không bao giờ từ chối. Đơn giản là tình yêu đến tôi không mong đợi gì, tình yêu đi tôi không hề hối tiếc.

Tôi có được ba mối tình cũng khá đậm đà nhưng rồi từng người tình bỏ tôi đi như những dòng sông nhỏ. Một người bỏ tôi quay về với người yêu cũ. Một người bỏ tôi theo chàng lính. Một người bỏ tôi theo chủ tiệm nail. Mỗi lần bị bỏ là mỗi lần đau đớn và xót xa, nhất là khi biết được người yêu bỏ mình theo thằng khác. Sau khi bị đá tôi mới phát hiện em đang lừa dối tôi mà sao anh ngu quá. Nhưng có trải nghiệm mới biết lòng dạ con người. Sự thật quá phũ phàng vì tôi có thể bị thay thế như thay chiếc áo. Vì thế tôi tự nhắc nhở mình rằng không bao giờ để một ai làm tổn thương con tim của mình.

Giờ nhìn lại tôi vô cùng cám ơn ba chàng trai đã cướp đi những mối tình của tôi. Nếu không có ba chàng hiệp nghĩa đó chưa chắc gì tôi tìm được một mối tình đích thực ngày hôm nay. Mười bốn năm với bốn đứa con, chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió trong hôn nhân và biến cố lớn trong cuộc sống, nhưng chúng tôi vẫn sát cánh bên nhau như lời hứa hẹn, “Rồi mai đây đi trên đường đời đừng buông tay âm thầm tìm về cô đơn”.

Contact