Bạn xưa

Hai tuần trước, tôi gặp thằng bạn học chung từ trung học. Hơn mười lăm năm chúng tôi mới gặp lại nhau tuy chúng tôi hiện ở cách nhau không hơn mười lăm phút lái xe.

Nó mời tôi đến câu lạc bộ dành cho lính ăn trưa, uống bia, và rượu bourbon. Từ lúc chúng tôi rời trường trung học, mỗi đứa mỗi nơi. Chúng tôi cũng đã chọn lối đi cho riêng mình. Nó thì vừa đi học đại học vừa đi lính. Nó đã không ngừng nỗ lực gây dựng sự nghiệp. Giờ đây nó đã khá giả. Chỉ có điều hơi cô độc vì không có con và đã một lần đổ vỡ gia đình.

Ngược lại thì tôi không giàu có gì. Làm ít, ăn xài thì nhiều. Nhưng tôi may mắn là được một máy ấm gia đình. Đó cũng là cái an ủi nhưng có con cái thật không dễ dàng. Thậm chí tôi càng căng thẳng khi tụi nhỏ càng lớn. Hy vọng mình có thể làm tròn bổn phận một người cha.

Đúng là cỏ lúc nào cũng xanh hơn ở phía bên kia. Nếu được một mình thì tự do và thong thả biết mấy. Đâu cần phải lúc nào cũng nghĩ về đàn con. Dĩ nhiên tôi không hối hận con đường tôi đã chọn. Tuy khó khăn cũng phải vượt qua.

Một chút kỷ niệm về Bác Tâm

Mỗi năm đến tuần họp mặt đại gia đình, tôi có dịp gặp Bác Tâm. Bác cháu gặp nhau tay bắt mặt mừng. Bác luôn tươi cười với mọi người từ lớn đến bé. Tình thương của bác dành cho mọi người hiện rõ rệt trên khuôn mặt hiền hậu của bác.

Lần họp mặt vừa qua, bác cười nói vui vẻ khi mọi người hát ca mừng tuổi bác. Một buổi sáng tôi thức dậy sớm ăn điểm tâm, uống cà phê, nghe các bác trò chuyện về tuổi thơ, và tình cờ nghe Bắc Tâm chia sẻ, “Hồi đó tao cõng Chú Trang lên núi tìm thầy chữa bệnh.” Tôi hình dung được một người chị không ngại khó khăn để tìm chút hy vọng cho em mình. Tôi cảm nhận và kính phục tình cảm của người chị dành cho em mình.

Lần cuối cùng tôi gặp bác ở bệnh viện. Khi bác tỉnh giấc ngủ và nhận ra tôi, bác nở một nụ cười. Tôi vừa mừng vừa cảm động. Giờ đây bác đã ra đi.

Xin được chia buồn đến Anh Đạt, Chị Tư, Chị Năm, và các cháu. Mong anh chị giữ gìn sức khỏe. Anh chị đã làm hết những gì mình có thể cho mẹ. Những ngày cuối đời của bác, anh chị luôn ở bên cạnh bác để bác yên tâm ra đi.

Đời người còn sống một ngày là hẹn chết ngày mai. Giờ đây linh hồn bác đã được bình yên. Anh chị và các cháu đừng đau buồn quá.

Vĩnh biệt Bác Tâm

Chiều nay Bác Tâm đã vĩnh viễn ra đi. Bác là chị ruột của mẹ vợ tôi. Tôi gặp bác mỗi năm vào dịp họp mặt gia đình bên vợ. Bác hiền hậu và thân thiện. Trong gia đình ai cũng quý mến bác. Tuy là cháu rể, tôi cũng không ngoại lệ. Nghe tin bác từ trần tuy buồn nhưng đời người đến lúc cũng phải tận. Bác cũng đã sống đến 90 năm cuộc đời. Giờ thể xác của bác sẽ trở về cát bụi và linh hồn của bác sẽ được giải thoát. Bác hãy yên nghỉ nhé.

Tuyết Phượng: Yêu đúng người

Sau những album nhạc Trịnh với tiếng đàn guitar mộc mạc của cha cô, Tuyết Phượng thay đổi phong cách với một sản phẩm jazz cùng nhạc sĩ Phạm Thanh Danh.

Ca khúc do chính cô viết, “Khu vườn sân thượng”, dễ thương từ giai điệu waltz nhẹ đến ca từ đầy thiên nhiên: “Một cây chanh, hai nhành cần tây, ba bẹ cải xoăn / Cà chua bi leo giàn vươn xa thêm nhánh / Vườn rau nay rất xanh / đâm chồi ra hoa lớn nhanh”. Chắc chỉ những ai thích trồng trọt như vợ tôi mới cảm nhận được những gì cây trái trong vườn.

“Tự nhiên” (sáng tác của Cao Minh, Chi Lan, Tuyết Phượng) được hòa âm theo điệu swing nhộn nhịp: “Tự nhiên như đôi chân đặt trên đất”. Đáng chú ý là phần cô luyến láy không lời. Hơi ngạc nhiên là cách cô scat khá chuẩn.

Với ca khúc “Người tự do”của mình, Tuyết Phượng chia sẻ cách sống thong thả: “Tôi chẳng cần lo có ngày mai đâu / Chẳng cần nghĩ lâu dài / Pha tách trà thêm chút mật ong nóng / Tôi ngồi đây ngắm trăng”. Phải chi tôi có thể sống tự do và không bị ràng buộc thì hay biết mấy.

Yêu đúng người là một album không chỉ sáng tạo về phần âm nhạc mà còn nhắc nhở người nghe những điều giản dị trong cuộc sống. Cám ơn Tuyết Phượng và Phạm Thanh Danh.

Mỹ Anh: Em•Me (Full Circle Edition)

Nghe album Em•Me của Mỹ Anh mà tôi xém bị tẩu hỏa nhập ma. Không biết cô ca tiếng Anh hay tiếng Việt. Cô hát theo phong cách r&b nên cách phát âm tiếng Việt của cô nghe như tiếng Anh, nhưng lại không phải ca từ Anh. Chẳng hạn như ca khúc “Thật thà”, cô hát câu, “Nếu chia ly đôi đường là chuyện vốn dĩ”, mà tôi nghe thành, “Nếu journey đôi đường là chuyện vốn dĩ”. Ca khúc của cô lẫn tiếng Việt cùng tiếng Anh: “Cầm tay em đi, ôm em đi / Gọi tên em đi, hôn lên mi / I’ll show you that loving you can be easy, so easy”. Đúng với tựa đề nghe nó “Thật Honest”.

Trinh

Mấy tháng nay tôi không ngủ bằng máy CPAP nữa, mà bằng tiếng nhạc nhè nhẹ ru từ chiếc loa nhỏ Bose qua Spotify trên iPhone. Nhiều lúc ngủ quên đến ba, bốn giờ sáng mà vẫn nghe tiếng nhạc.

Hôm nọ đang chập chờn ngủ bỗng nghe ca khúc “Ngày chưa giông bão” (Phan Mạnh Quỳnh) qua một tiếng hát êm dịu và đầy quyến rũ. Hơi lạ là cách phát âm của cô. Tuy cô ca tiếng Việt nhưng cách luyến láy của cô như tiếng Anh. Cách cô lướt chữ nghe hơi kỳ quặc nhưng có chút dễ thương.

Cô tên ngắn gọn là Trinh. Chỉ thế thôi. Tôi không biết gì về cô cả nhưng hiếu kỳ muốn nghe thêm. Với phong cách acoustic, cô trình bài “Mùa thu cho em” (Ngô Thụy Miên), “Xin lỗi“ (Hồ Tiến Đạt), và “Phố mùa đông“ (Bảo Chấn) rất có hồn.

Trinh chưa phát hành album nào cả, mà chỉ tung ra singles trên Spotify. Trong những bài thu âm của cô có một ca khúc tiếng Anh với tựa đề “Never Be the One”, lời Anh của ca khúc “Em về tình khôi” (Quốc Bảo). Cô hát tiếng Anh khá rõ lời và tôi đã hình dung ra được tại sau cô hát tiếng Việt theo phong cách của cô.

Ích kỷ vì con

Hôm thứ bảy vừa rồi tôi được nghe một người anh lớn cho biết lý do tạo sao vợ chồng anh quyết định không có con cái. Từng là trưởng Hướng đạo trong cộng đồng Việt, anh và vợ cho rằng khi có con mình sẽ trở nên ích kỷ hơn. Mình sẽ bận bịu với con mình và không còn thời gian cho những đứa trẻ khác.

Vì chỉ mới quen anh lần đầu nên tôi không khẳng định hay nhận xét gì về sự quyết định của gia đình anh nhưng tôi cảm thấy lý lẽ của anh cũng có lý. Tôi không phủ nhận khi đã làm cha tôi trở nên ích kỷ hơn. Bổn phận làm cha, tôi tập trung sức lực và đầu óc vào con cái của mình.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thức được sự công bằng giữa con mình và con người khác. Dĩ nhiên tôi không muốn con người khác ăn hiếp con mình. Tôi càng không muốn con mình ăn hiếp con người khác. Quang trọng là xử lý làm sao cho đẹp tất cả. Tôi chấp nhận ích kỷ nhưng vẫn còn lý lẽ.

Có những phụ huynh khi chưa có con họ rất là rộng lượng nhưng khi có con rồi, họ chỉ biết về con mình. Con của họ lúc nào cũng trên hết. Tôi hiểu được tình cảm của họ dành cho con mình nhưng khi vì quá thương con mình mà bị mù quáng và mất đi lý lẽ thì khó mà hòa đồng.

Những người như anh trưởng nói trên thì hiếm hoi. Chỉ có những ai trung thành và cống hiến cho Hướng đạo mới rộng lượng đến thế và tôi kính trọng anh.

Duyên Anh: Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang

Khi nghe ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, tôi luôn thắc mắc câu “Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục”. Sau khi đọc quyển tiểu thuyết giang hồ của tác giả Duyên Anh tôi mới hiểu được nguồn gốc của sông Nhẫn Nhục. Nhân vật chính Hoàng Guitar muốn kiếm sống bằng nghề đánh đàn chứ không đánh đá. Anh cố lội sông Nhẫn Nhục để đến được bến bờ bình yên, nhưng đời vẫn trôi anh về bến bờ du đãng. Tuy Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang đã gần 60 năm mà giờ đây tôi mới đọc lần đầu. Tuy nhiên vẫn bị lôi cuốn bởi cây bút đầy hấp dẫn của nhà văn Duyên Anh.

Ngô Lan Hương: #Trầm3

Album #Trầm3 của Ngô Lan Hương tiếp tục với phong cách acoustic. “Mùa thu cho em” (Ngô Thụy Miên) mở đầu Ngô Lan Hương được bè bởi nhóm acapella êm dịu và mộng mơ. Phần thứ hai, cô được tiếng đàn guitar đệm cùng. “Yêu em dài lâu” (Đức Huy) bắt đầu với tiếng đàn dương cầm nhẹ nhàng. Phần saxophone solo điệp khúc chuyển phần hoà âm sang giai điệu jazz mong manh. “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” của chính Ngô Lan Hương viết là trình bày được phối theo giai điệu swing thật dễ thương. Chỉ hơi đáng tiếc là album hơi ngắn chỉ có sáu ca khúc.

Phương Phạm Guitarist & Khang Nhi Pianist: Relaxing Music (Vol. 1 & 2)

Cuối tuần vừa rồi, tôi đưa gia đình đi xa. Phải lái xe bốn tiếng đồng hồ nên tôi cần một chút nhạc êm dịu. Tình cờ khám phá ra album Relaxing Music (Vol. 1) của nhạc sĩ dương cầm Khanh Nhi. Tuy chưa nghe qua tên anh lần nào nhưng cách chơi piano solo của anh lôi cuốn tôi ngay trong bài đầu “Khoảnh khắc” (Trương Quý Hải). Anh đánh nhẹ nhàng êm dịu lại có một chút chất jazz. Rồi “Riêng một góc trời” (Ngô Thụy Miên), “Tình thôi xót” (Bảo Chấn), “Nắng thủy tinh” (Trịnh Công Sơn), mỗi ca khúc đêm lại cho tôi những giây phút thư giãn nhưng không hề nhàm chán.

Tiếng đàn guitar của Phương Phạm thì tôi đã được nghe qua những bài acoustic anh đệm cho ca sĩ. Trong Relaxing Music (Vol. 2), Phương Phạm chơi cùng Khang Nhi qua các ca khúc quen thuộc như “Biển cạn” (Kim Tuấn), “Em ơi Hà Nội phố” (Phú Quang), “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải), và đặc sắc là “Biển nhớ” (Trịnh Công Sơn) — tiếng guitar của Phương Phạm đệm cho tiếng piano của Khang Nhi hát.

Bây giờ trời đã trở lành lạnh, tôi chỉ muốn cuộn mình trong chăn như con sâu làm tổ và lắng nghe Relaxing Music.