Lâm Vân An: Ai cũng có những ngày tồi tệ

Tập truyện ngắn dựa vào đời sống và quan sát của tác giả Lâm Vân An trên đất Mỹ. Từ cách dạy con khác biệt giữa hai văn hóa đến những phán xét khác nhau giữa cô và người bạn Mỹ, Vân An có cái nhìn nhận phóng thoáng trong cuộc sống như cô viết về chứng bệnh “dán nhãn” (labeling):

Người dán nhãn, nghi kỵ dường như đã đánh mất khả năng nhìn cuộc đời một cách tươi sáng, tích cực, cuộc sống của họ dĩ nhiên là ngày càng nhàm chán. Tôi không cho mình là người trưởng thành, hay ho gì hơn ai nhưng rõ như ban ngày là tôi vừa mắc lỗi dán nhãn, nghi kỵ kẻ khác. Cả cơ thể tôi tê liệt vì sự xấu hổ ở đâu tràn đến, nhanh chóng lan khắp người.

Vân An lớn hơn tôi một tuổi và đã sinh sống trên hai mảnh đất Việt và Mỹ nên cũng có những cái nhìn giống nhau. Chúng tôi muốn nắm lấy cả hai văn hóa chứ không muốn phải xác định về phía nào như cha mẹ chồng trong bài “Trẻ con không nói dối.” Cách viết của Vân An thong thả, giản dị, và dễ gần. Tuy hơi dài dòng một tí nhưng đọc vẫn thấy vui và thú vị.

Lợi ích hay đạo đức

Một số bạn đọc đã gửi email đến tôi sau khi đọc blog post “Nên đi bỏ phiếu.” Có bạn cho rằng tuy giờ đây đã thấy được sự dối trá và vô tài của ông Trump như vẫn không bỏ phiếu cho ông Joe Biden. Bạn cho rằng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ là làm ngược lại với lợi ích của bạn. Vì bạn là một người làm thương mại mà đảng Dân chủ thì tăng thuế.

Tôi hiểu được việc bạn kiếm ra tiền bằng mồ hôi và nước mắt của mình. Nhưng nếu như bạn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ không có nghĩa bạn làm ngược lại với lợi ích cá nhân mà bạn làm theo đạo đức của chính mình. Giữa công việc đóng thêm một chút thuế hay để nền dân chủ (democracy) của đất nước tự do bị sụp đổ thì bạn chọn như thế nào?

Dĩ nhiên tôi không thể nào đứng nhìn nền dân chủ bị phá hoại trong tay một người không tôn trọng luật pháp. Không ai trên cả luật pháp và tổng thống Mỹ cũng không ngoại lệ. Nếu như đóng thêm thuế để giúp đỡ những người gặp khó khăn thì cũng nên.

Tôi nghĩ hoàn cảnh lúc mới đặt chân đến bến bờ tự do của bạn cũng giống như tôi. Nhờ có tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ (tiền của những người đóng thuế) đã giúp đỡ dân tị nạn chúng ta lúc ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhờ đó mà bạn đã phấn đấu từ hai bàn tay trắng để có được ngày hôm nay. Giờ đây anh đã thành công thì tại sao không giúp đỡ người khác như mình ngày xưa? Người Việt Nam chúng ta có câu, “Đừng ăn cháo đái bát.”

Sáng nay

Sáu giờ sáng thức giấc. Vẫn mỏi mệt không muốn bò ra giường. Nằm đọc sách đến bảy giờ rưỡi. Cả nhà vẫn còn đang ngủ. Đánh răng rửa mặt rồi đạp xe qua trường Mason. Tập rollerblades nửa tiếng. Về lại nhà mẹ vợ đã dậy và sắp sửa đi bộ thể dục.

Bắc ấm nước pha cà phê. Nướng lại ổ bánh mì thịt cho đồ chua và ớt vào. Đem ra deck ngồi vừa ăn vừa uống vừa nghe podcast vừa thưởng thức ánh nắng dịu dàng của buổi sáng. Vừa xong thì đám nhỏ cũng vừa thức dậy. Giúp hai thằng nhỏ đánh răng rồi cho xuống nhà ăn sáng. Hôm nay chạy qua Dunkin’ Donuts mua chút bánh ngọt và điểm tâm cho bọn nó.

Chín giờ rưỡi mở laptop bắt đầu vào công việc. Buổi sáng của tôi chỉ có thế thôi. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Nếu ngày nào cũng được nhẹ nhàng và giản dị như thế.

Nên đi bỏ phiếu

Gần đây tôi nhận được một số thư từ đọc giả cho biết cộng đồng người Việt đã thức tỉnh. Nhất là một số người gốc Việt lớn tuổi đã nhận ra được sự bất tài và thiếu trình độ của ông tổng thống thất bại. Sự vô cảm, tự cao, và vô dụng của ông ta để cho con coronavirus giết hại hơn 172,000 mạng người Mỹ. Con số đó sẽ còn tăng mỗi ngày. Cho nên là lần bầu cử sắp tới họ sẽ không bỏ phiếu cho ông ta nữa nhưng họ cũng sẽ không bỏ phiếu cho ông Joe Biden.

Đi bỏ phiếu hay không là sự chọn lựa của bạn. Nếu bạn không đi bỏ phiếu cho ai cả thì bạn chỉ lãng phí đi cái quyền lợi của mình. Và nếu như bạn chỉ không bỏ phiếu cho ông ta thì bạn vẫn cho ông ta được cơ hội thắng. Nếu như bạn thật sự nhận thức được sự nguy hại của ông ta và sự sụp đổ nền dân chủ thì bạn nên bỏ phiếu cho Joe Biden.

Chúng ta thường dạy con cháu rằng khi thấy những gì không đúng, chúng ta phải lên tiếng, và phải hành động để thay đổi sự việc sai trái đó. Bạn hãy dùng tờ phiếu của mình để thay đổi đất nước thứ nhì của chúng ta. Chúng ta mang ơn của họ rất nhiều và chúng ta có trách nhiệm phải góp sức để đấu tranh cho nước Mỹ mạnh mẽ, hòa thuận, và công bằng cho tất cả.

Tôi vẫn lo sợ rằng nếu như ông ta tiếp tục làm tổng thống thêm bốn năm nữa, nước Mỹ sẽ không còn nền dân chủ nữa mà nó sẽ trở thành chủ nghĩa phát xít. Cái tự do mà dân Việt Nam của chúng ta đã đánh đổi cả tính mạng để đi tìm sẽ trở thành quốc gia độc tài. Bạn có thể nào nhìn thẳng vào mắt của con cháu bạn nếu như điều đó sẽ xảy ra chỉ gì bạn không chịu đi bỏ phiếu cho lần bầu cử này? Nên đi bỏ phiếu cho ông Joe Biden càng sớm càng tốt.

Những cách bỏ phiếu trong tiểu bang Virginia

Lần bầu cử tổng thống năm nay rất quan trọng và tiểu bang Virginia có ba cách cho bạn chọn lựa: bỏ phiếu trong ngày bầu cử (ngày 3, tháng 11, năm 2020), bỏ phiếu 45 ngày trước ngày bầu cử, hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Nếu bạn đi bỏ phiếu đúng ngày thì chỉ cần kiểm tra lại hồ sơ của mình ở trang Voter Information cho đúng. Nếu bạn chưa ghi danh thì nên làm càng sớm càng tốt.

Nếu bạn muốn bỏ phiếu sớm hơn ngày bầu cử, bạn có thể bắt đầu vào ngày 19, tháng 9, năm 2020, cho đến ngày 31, tháng 10, năm 2020, ở văn phòng ghi danh (Registrar’s Office). Bạn được bỏ phiếu 45 ngày trước ngày bầu cử và bạn sẽ bỏ phiếu y như ngày bầu cử không có gì khác hết. Những người làm sẽ đưa cho bạn tờ phiếu để điền vào. Bỏ phiếu xong bạn sẽ được cái nhãn dán “I voted.”

Cách lựa chọn thứ ba là bỏ phiếu qua đường bưu điện. Bạn không cần phải có lý do gì để bỏ phiếu qua đường bưu điện. Tuy nhiên nếu bạn lo ngại bị truyền nhiễm COVID-19 là một lý do chính đáng. Lần bầu cử trong đảng vừa qua, tôi đã bỏ phiếu qua đường bưu điện. Quá trình dễ dàng và an toàn. Tôi cũng đã đăng ký bỏ phiếu qua đường bưu điện lần này. Bạn có thể đăng ký để bỏ phiếu qua đường bưu điện ở trang này. Hoặc bạn nạp xuống mẫu đơn bằng tiếng Việt, in ra và điền vào. Sau khi bạn gửi đi, bạn sẽ nhận tờ phiếu và phong bì với địa chỉ để gửi phiếu lại. Ngày đầu văn phòng bầu cử của Virginia sẽ gửi phiếu ra là ngày 18, tháng 9, năm 2020.

Nếu bạn lo ngại phiếu bạn bị lạc qua đường bưu điện thì bạn có thể cầm phiếu đến văn phòng ghi danh ở gần chỗ ở của bạn trước 7 giờ tối, ngày 3, tháng 11. Nếu bạn dùng đường bưu điện như U.S. Postal Service, FedEx, hoặc UPS, bạn nên gửi phiếu đi càng sớm càng tốt. Phiếu của bạn cần phải có đóng dấu bưu điện trước hoặc vào ngày 3, tháng 11, năm 2020, và được văn phòng ghi danh nhận vào thứ sáu, ngày 6, tháng 11, năm 2020.

Hy họng những cách bỏ phiếu này sẽ giúp bạn đi bầu cử dễ dàng và an toàn.

Hoàng My: Sài Gòn thương còn hổng hết

Tuy sinh ra ở Bạc Liêu, Hoàng My rất yêu Sài Gòn. Cô yêu thành phố không ngủ cũng như yêu những tâm hồn của Sài Gòn. Từ anh chàng bán xôi dưới chân cao ốc đến bác lái xe ôm đến dì bác báo vỉa hè, những câu chuyện của họ là những câu chuyện của Sài Gòn.

Tôi không phải là dân Sài Gòn nhưng nhận thấy được những nếp sống của người ở Sài Gòn qua những bài tản văn ngắn của Hoàng My. Tuy nhiên Sài Gòn của Hoàng My không lắng đọng lại trong tôi như Sài Gòn của nhạc sĩ Quốc Bảo.

Lúc trước tôi chỉ đọc những bài viết của Quốc Bảo trên trang blog của anh. Tiếc rằng giờ đã không còn nữa. Khi Quốc Bảo viết về Sài Gòn anh đưa tôi đến tận một góc phố và cho tôi thưởng thức một ly cà phê với anh. Hoàng My không đem lại cho tôi được những cảm giác sâu lắng đó.

Tuyết Mai: Mùa hè đẹp nhất

Tuyết Mai có chất giọng toả khói thích hợp với nhạc jazz ballad cho nên qua phiên bản blues “Gửi gió cho mây ngàn bay” (Đoàn Chuẩn và Từ Linh), cô xử lý xuất sắc. Cô hát nhẹ nhàng, chậm rãi, và đầy tự tin. Đồng thời, lối giữ nhịp chặt chẽ qua double bass của Hoàng Nam và cách chơi dương cầm solo đậm chất blues của Hoàng Thiện nghe hơi bị phê.

Ấn bản jazz “Người em sầu mộng” (thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Y Vân) cũng không kém phần lôi cuốn. Sự phối hợp giữa jazz, orchestra, và rock guitar (của Nhật Đông) khéo léo và khiến tôi ước ao cả album được hòa âm và phối khí theo jazz.

Vì những bài jazz quá sôi động nên những phần hoà âm mềm mại của Duy Cường hơi bị chìm. Chẳng hạn như “Tình khúc mùa xuân” (Ngô Thụy Miên), cách hòa âm rất Duy Cường. Dĩ nhiên Duy Cường dùng dàn dây là khỏi phải nghi ngờ nhưng phần nhịp điệu thì hơn yếu.

Tuy đây không phải là một jazz album tôi mong đợi nhưng vẫn là một album ballad lãng mạn và sâu lắng. Tuyết Mai tỏa sáng với giọng cao của mình qua “Mùa hè đẹp nhất” (Đức Huy), nồng nàn qua “Phôi pha” (Trịnh Công Sơn), và đầy cảm xúc qua “Nếu một mai em sẽ qua đời” (Phạm Duy). Lần đầu tiên nghe Tuyết Mai hát. Rất ấn tượng.

Thứ sáu rồi

Mấy ngày nay Facebook cứ DM tôi cho biết hết người này đến người khác chia sẻ tin mới để dụ dỗ tôi quay trở lại. Thằng Zuck này điếm thúi thật. Đã deactivate tài khoản được một tháng v chẳng còn động lực nào để mở lên lại.

Quay qua quay lại quanh quẩn trong nhà thế mà đã hết tuần. Ngày tháng trôi qua thật nhanh vậy mà tháng 11 sao vẫn xa vời vợi. Tôi đã đăng ký để bầu qua thư nhưng sẽ không gửi đi mà đợi đến ngày bầu cử bỏ vào thùng cho chắc ăn. Lần này con khỉ già đó mà thắng nữa không biết bốn năm tới nước Mỹ yêu dấu của tôi sẽ ra sao.

Mỗi buổi sáng tôi thức sớm đi bộ và nghe podcast hoặc nhạc. Bây giờ ai đi đối diện cũng tránh ra xa cả. Giờ thì khỏi lo người ta nghĩ kỳ thị hay miệt thị gì cả. Ai cũng đeo khẩu trang nên khỏi nở nụ cười chào hỏi nhau. Đường ai nấy đi. Việc ai nấy làm. Không đụng chạm không mích lòng. Tôi ngại giao tiếp lắm. Vì sẽ xảy ra xích mích. Tôi đã nhiều lần như thế nên tránh được cứ tránh. Ra đường đầu đội mũ, mắt đeo kính đen, miệng đeo khẩu trang thì khỏi phải nhận ai là ai.

Gari: Đã từng tồn tại, đã từng yêu thương

Đọc vài bài tản văn đầu không ấn tướng lắm. Cảm thấy mình quá già với những tâm trạng của tác giả trẻ. Tôi để sang một bên đọc sách khác. Thấy sách này cũng khá ngắn nên tôi trở lại lần thứ nhì. Những bài tản văn ngắn như những blog posts được viết với tâm trạng cô đơn và trống vắng. Tuy buồn nhưng không bi đát. Phần truyện ngắn với những câu chuyện tình ở tuổi 20 thì cảm xúc hơn. Gari viết nhẹ nhàng như hơi thở và thơ mộng như những giấc mơ. Tuy không phải là khán giả của Gari, tôi đọc để tìm hiểu cảm xúc giới trẻ bây giờ ra sao.

Trần Nùng: Những ngày rất trong

Quyển tùy bút viết về kí ức tuổi thơ của tác giả. Những câu chuyện dễ thương như tình cảm của “Gà mẹ, gà mẹ,” kỉ niệm khó quên “Ngày đầu tiên đi học,” trò chơi “Tát ao” bắt cá, hoặc sự ngây thơ ở tuổi mới biết yêu. Trần Nùng viết giản dị và nhẹ nhàng khơi lại trong tôi những ngày tháng còn ở quê nhà. Ngày xưa tôi cũng thích đi tát ao bắt cá ở nhà nội và tự chơi những trò chơi không cần đến tiền mua. Tuổi trẻ giờ đây không giống như ngày xưa nữa. Chỉ thích ôm iPad và điện thoại thông minh trong phòng có máy lạnh chứ không tự tìm những sinh hoạt ngoài trời như ngày xưa. Một thời đã qua.

Contact