Elvis Phương: 60 năm ca hát

Để đánh dấu 60 năm ca hát của nam ca sĩ Elvis Phương qua album này thì thật là đáng tiếc. 13 ca khúc và hai bonus tracks không thể nào đủ để đại diện cho khoảng đường dài trong nghệ thuật của anh. Qua 60 năm, chất giọng của anh vẫn khỏe mạnh. Cách hát và cách phát âm của anh vẫn không thay đổi nên nghe cũng có gì lạ tai. Những bài hòa âm không đạt lắm. Một cơ hội bị lỡ.

Hồng Nhung Đỗ: Tôi ru em ngủ

Giọng Hồng Nhung Đỗ tốt và những bài phối khí cũng chất lượng. Một album nhạc Trịnh hoàn hảo. Thế nhưng lại nghe không thấm thía. Chắc có lẽ tôi đã nghe quá nhiều album Trịnh Công Sơn và mỗi lần nghe một sản phẩm mới tôi khao khát được nghe những gì khác lạ hơn. Chứ cứ hát đi hát lại nhạc Trịnh như xưa nay thì cũng không có sự thay đổi gì. Album này hay nhưng thiếu đặc điểm riêng.

Phương Phương Thảo: Lệ xa người

Phương Phương Thảo hát nhạc trữ tình không theo giai điệu bolero mà theo phong cách thính phòng. Với tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Vĩnh Tâm và nhạc sĩ Hoàng Vũ Anh Tuấn, Phương Phương Thảo thổi làng gió nhẹ nhàng và ngọt ngào vào những tình khúc để đời của nhạc sĩ Lam Phương như “Thành phố buồn”, “Giọt lệ sầu”, “Phút cuối”, và “Chờ người”. Tuy Phương Phương Thảo trình bài những ca khúc của các nhạc sĩ khác cũng rất tới, nhưng ước gì cô dành trọn vẹn album acoustic này cho cố nhạc sĩ Lam Phương với những ca khúc như “Duyên kiếp”, “Tình bơ vơ”, “Một mình”, “Cỏ úa”, và “Đường về quê hương”.

Hôm qua trên đường lái xe từ tiểu bang Vermont đầy băng tuyết về lại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ấm áp, tôi nghe Lệ xa người mà lòng hướng về quê hương. Dù bất cứ nơi nào trên thế giới, nghe tình khúc của cố nhạc sĩ Lam Phương là không thể nào không cảm nhận được Việt Nam vì nhạc của ông từ lời ca đến giai điệu đến tâm hồn luôn đậm nét Việt Nam.

Nơi nương tựa

Mỗi lần mở lên điện thoại, anh nhìn thấy em. Tấm ảnh anh chụp em vào dịp Tết vừa qua. Em mặc chiếc áo dài nhã nhặn và nở nụ cười thiết tha trông thật dễ thương. Mỗi lần ngắm nhìn em, anh muốn hát lên: “Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi / Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng”.

Cố nhạc sĩ Lam Phương viết thật thấm. Giờ đây những tiếng êm đềm đã thay bằng những lời chua chát. Tuy nhiên, anh không trách em. Ngược lại anh thấu hiểu được tấm lòng của em. Mười mấy năm qua em luôn lo lắng cho gia đình từ mẹ già đến con thơ và cả anh. Cả anh và em phải lăn lộn với công ăn việc làm và còn phải chăm sóc cho đàn con của chúng ta. Từ thằng lớn đến thằng bé, mỗi thằng có mỗi thách thức riêng. Lý trí của anh không mạnh mẽ bằng em. Anh dễ dàng bị phiền não trong công việc và con cái nhưng anh luôn có em làm nơi nương tựa tinh thần. Không có em sát cánh anh không biết có còn đứng vững hay không.

Có lẽ những gì anh muốn nói em nghe cũng đã nhàm chán. Em muốn thấy được những hành động thực tế chứ không cần nghe những lời nói từ đáy lòng. Dù sao đi nữa anh luôn tôn trọng và cần có em trong đời sống. Đời anh mà thiếu em như cây thiếu nước, như nhà thiếu nóc, như hủ tiếu thiếu nước lèo, như bánh bèo thiếu nước mắm, như thịt bò nhúng giấm thiếu mắm nêm. Lâu lắm rồi không được ăn thịt bò nhúng giấm chấm mắm nêm cũng tại con quỷ gout.

Đùa tí cho vui thôi. Anh đã muốn viết xuống bài này lâu rồi nhưng giờ mới có cơ hội.Chỉ hy vọng em hiểu được lòng anh.

Vĩnh biệt Cô Ba

Cô Ba, người chị lớn của ba tôi, vừa qua đời ở tuổi 94. Nếu có thiên đàng, tôi tin chắc Cô Ba sẽ được vào cõi đó. Theo tôi Cô Ba xứng đáng với chữ hiền hậu. Trong cuộc đời của tôi, tôi chưa từng gặp ai hiền hơn cô. Cô thương yêu mọi người trong gia đình từ đàn em đến đàn con đến đàn cháu—trong đó có thằng cháu này.

Khi người vợ thứ nhì của ba tôi qua đời để lại hai đứa con gái còn thơ, cô đem cháu em về nuôi. Cô thương yêu đứa cháu của mình như con ruột. Lúc còn nhỏ tôi cứ tưởng người đó là chị bà con của tôi. Sau này lớn mới biết chị là người chị cùng cha khác mẹ với tôi. Đến đây giờ, chị vẫn xem cô như người mẹ ruột.

Tuy trong hôn nhân của cô gặp nhiều khó khăn nhưng cô vẫn chịu đựng không oán trách. Lần cuối tôi về Việt Nam, tôi cùng ba đến thăm cô. Ba tôi và chồng cô đã không hòa thuận với nhau mấy mươi năm. Lúc tôi và ba tôi ngồi nói chuyện với cô thì dượng cầm cây dao khoai tiến gần đến chúng tôi. Ông chửi thề đòi chém ba tôi. Tôi đến gần dượng, nói nhỏ nhẹ, và cầm giữ lấy tay của dượng. Dượng bớt giận và quay đi.

Tôi trở lại ngồi kế bên cô mới thấy cô run rẩy sợ hãi. Tôi nắm lấy tay cô thì cảm nhận được bàn tay lạnh ngắt của cô. Tôi nói với cô đừng sợ không có chuyên gì đâu nhưng tôi cũng không an tâm để cô ở nhà một mình với dượng. Tôi đợi đến khi mấy anh chị đi làm về tôi mới tạm biệt cô ra đi.

Đó cũng là lần cuối tôi gặp lại cô. Từ lúc đó cô đã yếu đi nhiều. Mắt cô không còn thấy nữa và cô không còn đi đứng được. Đàng con của cô rất hiếu thảo và cũng rất thương cô. Các anh chị đã tận tình tận tâm lo lắng cho cô đến giây phút cuối cùng.

Tuy giờ cô cũng đã rời khỏi cõi tạm này nhưng cô vẫn mãi trong tim của tôi và trong cả dòng họ. Con cầu xin cho linh hồn của cô được bình yên.

Phép bí ẩn của mẹ

Vài tháng gần đây có sự thay đổi trong công việc khiến tôi căng thẳng, thậm chí chán nản. Tôi tự khuyên mình đừng lo xa quá chuyện gì đến sẽ đến. Những gì ngoài tầm tay mình thì cũng không thay đổi được gì. Nhưng làm sao không lo ngại khi tôi còn có trách nhiệm nuôi sống gia đình.

Đôi lúc cũng tâm sự với bà xã về một số vấn đề tôi đang đối diện nhưng rồi lại ngại khiến thêm một người phải lo âu. Người ngoài cuộc cũng không giúp đỡ được gì. Thôi thì cứ tiếp tục đến đâu hay đến đó. Khi một cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Hy vọng là vậy.

Tuần vừa rồi trước khi bước vào cuộc họp, tôi vẫn bâng khuâng không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần và tự nhắc nhủ mình rằng dù chuyện gì xảy ra cũng phải giữ bình tĩnh. Đừng để cảm xúc của chính mình làm mình mất đi lý lẽ. Đã có một số chuyện không tốt đẹp xảy ra khi tôi không tự kiềm chế được cảm xúc của chính mình. Tôi không muốn điều đó lại tái diễn.

Bỗng nhiên tôi nghĩ ngay đến mẹ. Tôi xin mẹ giúp đỡ cho tôi nhưng tôi không biết yêu cầu mẹ giúp đỡ điều gì. Thế rồi cuộc họp diễn ra và kết quả êm đềm hơn những gì tôi tưởng tượng. Mọi chuyện coi như cũng tạm ổn. Tôi cảm thấy thoải mái hơn một chút cho dù tương lai không thể biết được. Một lần nữa, phép bí ẩn của mẹ đã giúp tôi vượt qua một khó khăn trong cuộc sống. Cám ơn mẹ nhiều.

Sauder’s Eggs

Sáng nay nhìn thấy xe tải có ký hiệu Sauder’s Eggs khiến tôi bùi ngùi nhớ đến mẹ. Những ký ức chợt ùa về làm tôi vừa nghẹn ngào vừa nở một nụ cười. Ngày xưa mẹ làm cho hãng trứng Sauder’s 10 tiếng mỗi ngày với mức lương tối thiểu. Thế mà mẹ vẫn cảm thấy may mắn có được việc làm. Mẹ thường đùa rằng mẹ sẽ không bao giờ bị thất nghiệp vì ai cũng ăn trứng rồi ỉa ra. Giờ nghĩ lại mẹ nói đúng. Nghề thiết kế website của tôi chả ai cần.

Nhớ lại thời đó mỗi buổi sáng tôi phải thức sớm đưa mẹ đến hãng. Mùa đông lạnh thấu xương ngủ chưa đã giấc cũng phải bò dậy. Giờ đây ước gì được trở lại thời gian đó được đưa đón mẹ mỗi ngày. Thời đó mẹ làm chung với một bác gái người Việt. Lúc đầu hai người thân thiện nhưng rồi trở thành kẻ thù. Mỗi chiều về nghe mẹ kể chuyện xích mích giữa hai người mà khiến tôi xót xa. Lúc đó còn trẻ trâu và luôn đứng về phía của mẹ nên tôi bị lôi vào trận chiến với những đứa con của bác. Họ đã trưởng thành vậy mà vẫn ăn thua với thằng nhóc như tôi.

Người Việt làm chung với nhau đếm không qua đầu ngón tay vậy mà phải tranh cãi nhau. Nghĩ lại buồn cười thật. Giờ đây mọi chuyện cũng đã qua. Có hối tiếc cũng quá muộn. Hy vọng nếu có tình cờ gặp lại, mấy anh chị đó không trách móc chuyện xưa.

Mỗi khi nghĩ đến mẹ, lòng thật buồn và cuộc sống như vô nghĩa. Tôi không thể nào vượt qua được nỗi đau mất mẹ. Cuộc đời này còn lại của tôi sẽ luôn thiếu mẹ. Thiếu đi những tiếng cười của mẹ. Thiếu đi những lời lẽ của mẹ dù trách móc, giận hờn, hay nhắc nhở. Sau khi rời cõi tạm này tôi sẽ gặp lại được mẹ hay không?

Nhật Thảo: Những ngày thơ mộng

Âm nhạc Việt Nam vẫn bị trong tình trạng ca sĩ mới hát nhạc xưa. Ca sĩ mới nhiều đến nỗi tôi không thể nhớ tên. Còn nhạc mới thì dường như tôi chưa từng được nghe một bài nào trong vòng 5 năm gần đây. Chắc tôi theo giỏi âm nhạc không đúng chỗ hoặc cách nghe nhạc của tôi bị lỗi thời.

Tôi không nghe nhạc đơn (single) mà chỉ thích chiêm ngưỡng trọn vẹn một album. Thường thì ca sĩ thu âm album chỉ hát nhạc xưa. Chẳng hạn như Nhật Thảo với Những ngày thơ mộng. Giọng của cô cũng rất là già dặn và cô trình bài “Bão tình” (nhạc Hoàng Trọng & lời Duy Viêm) rất thấm cùng với lối hòa âm rất mộc của Đạo Nguyễn. Cô hát “Kiếp nào có yêu nhau” (nhạc Phạm Duy & thơ Minh Đức Hoài Trinh) hơi bị run. Tôi không hiểu vì lý do gì vì phần orchestration của Đạo Nguyễn cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng anh đem lại một bất ngờ khi cho tiếng súng nổ vào phần hòa âm của mình.

Nam ca sĩ Tuấn Anh không những được song ca với Nhật Thảo qua ca khúc “Một ngày không có em” (nhạc Y Vân & lời Nguyễn Long) mà còn được hát đơn ca khúc “Bước chân dĩ vãng” (Nguyễn Hiền & Lan Đài). Với giai điệu blues ngà ngà say, Tuấn Anh cướp đi phần trình diễn của ca sĩ chính trong album.

Ngọc Linh: Tự tình

Rất hiếm mới được thưởng thức một album Việt jazz trọn vẹn từ đầu đến cuối. Ngọc Linh đã thành công trong lĩnh vực này với album Tự tình. Với chất giọng ấm áp nồng nàn, Ngọc Linh chuyên trở dòng nhạc tình đầy cảm xúc và lãng mạn. Tuy nhiên, Tự tình được nâng cao nhờ phần hòa âm và phối khí đặc sắc của Phan Cường, Hữu Hiệp, và Thiện Trần. Dĩ nhiên không thiếu sự cống hiến quan trọng của các nhạc sĩ chơi nhạc cụ.

Đã nghe qua một số nam ca sĩ trình bài nhạc phẩm “Vì đó là em” (Diệu Hương) và cách hát của Tuấn Ngọc thì đỉnh rồi nhưng phần hòa âm cho anh không đạt so với âm hưởng blues trong version cho Ngọc Linh. Từ bài pop ballad mà phối lại với blues jazz nghe hơi bị phê.

“Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa / Người lưa thưa chìm dưới sương mù”, nghe Ngọc Linh hát câu này với tiếng jazz khiến cho người nghe có thể cảm nhận được cái “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương. Chắc tại “Tôi đưa em sang sông” (Y Vũ và Nhật Ngân) mà đi tửng tửng theo điệu funk nên “Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?” mà cũng chẳng biết.

Dường như bài hoà âm nào cho “Ảo ảnh” (Y Vân) cũng theo điệu bossa nova nhưng version cho Ngọc Linh được hương vị Latin đậm đà. Tình khúc lãng mạn, “Tình tự mùa xuân” (Từ Công Phụng), được pha một chút blues jazz vào cho thêm phần thấm thía.

Tự tình là một album tôi sẽ nghe đi nghe lại nhiều lần trong năm 2023.

Ngân Thùy: Cho người tình trăm năm

Giọng của Ngân Thùy cũng tốt nhưng thiếu nét riêng. Nếu như phải đoán giọng ca của cô thì chắc sẽ không dễ dàng nhận ra trong một rừng ca sĩ của âm nhạc trong nước. Tôi cũng rất thích lối hoà âm và phối khí của nhạc sĩ Đạo Nguyễn nhưng trong album này không hiệu quả lắm. Những bài phối của anh chỉ nhẹ nhàng theo sao giọng hát của Ngân Thùy chứ không làm tăng thêm phần trình bài của cô. Ngân Thùy hát lại những ca khúc cũ với lối hoà âm hơi bị smooth quá.

Contact