Nhớ gì nhất?

Hai tháng nay quanh quẩn trong nhà riết rồi cũng thấy quen. Dĩ nhiên là nhớ nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như buổi trưa lái xe ra khu Eden tìm món ăn Việt hoặc đi trượt băng cùng mấy thằng con hoặc đi bộ ra Dunkin Donuts uống cà phê. Nhưng nhớ nhiều nhất vẫn là những thư viện công cộng.

Bao nhiêu sách Việt tôi mượn trước khi thư viện đóng cửa đọc đã gần hết. Tôi đang đọc quyển cuối. Còn sách tiếng Anh, tôi lôi hết những sách cũ đã mua mà chưa kịp đọc ra đọc. Sau đó chắc phải đọc lại sách đã đọc rồi.

Thật sự nhớ thư viện lắm. Mỗi ngày sau khi ăn trưa không biết đi đâu cho tiêu cơm, tôi lại đến thư viện đảo đi đảo lại những kệ sách mới được trưng bày nhưng rồi không mượn sách nào cả vì tôi còn một số sách đã mượn nhưng chưa đọc. Thỉnh thoảng gặp chào hỏi cô bạn lúc trước làm chung ở trường. Tuy không thân thiện nhưng lâu lâu cũng tâm sự vài ba câu. Cô vui vẻ, dễ thương, và nhiệt tình.

Tôi ước gì thư viện mở cửa lại nhưng chỉ cho phép lấy sách ở ngoài chứ không được vào bên trong. Bây giờ mượn sách qua mạng quá dễ dàng. Chỉ cần đến trả sách hoặc lấy sách thì cũng an toàn. Tuy thư viện vẫn cho mượn ebooks nhưng tôi chưa bao giờ dùng. Tôi vẫn thích đọc sách bằng giấy hơn làm sách bằng điện. Vả lại đọc sách bằng iPhone dễ bị phân tâm. Tôi có vài quyển sách trong phone mà đọc mấy năm rồi cũng chẳng xong quyển nào. Nhưng nếu tình hình vẫn còn kéo dài thì chắc phải thử đọc sách điện.

Phạm Thu Hà: Sau những ngày mưa

Truyện được kể theo một cô gái trẻ tên Huyên. Gia đình Huyên tan rã khi em trai (nhỏ hơn cô mười một tuổi) bị cơn bão và sóng biển cuốn đi. Cô theo mẹ và người yêu của mẹ đi khắp nơi với đoàn tổ chức hội chợ. Giữa những thú vị đằng sau hội chợ của hiện tại và những kỷ niệm buồn đau trong quá khứ (nhất là về người em ruột đã qua đời), câu chuyện của Huyên về tình cảm gia đình rất xúc động. Tác giả Phạm Thu Hà chỉ mới ở tuổi 20 mà viết rất chín chắn. Với cách kể chuyện gọn gàn cùng những câu văn trôi chảy, truyện dài của Hà nhẹ nhàng đi vào lòng người và để lại những cảm xúc sâu lắng. Khuyến nghị nên đọc.

45 năm

Một ngày như mọi ngày vẫn bị cách ly ở nhà. Sau 45 năm, tôi cũng không có lời lẽ gì để bày tỏ. Thôi thì chỉ chia sẽ những hình ảnh và nhạc tôi đã phối họp để tưởng nhớ ngày Sài Gòn sụp đổ. Mời quý vị xem:

42

Vài hôm trước Facebook nhắc nhở ngày sinh nhật của tôi sắp đến. Như thường lệ mỗi năm gần đến ngày sinh nhật tôi tạm thời ngưng hoạt động để mọi người khỏi phải chúc mừng. Hơn nữa tôi cũng cần một thời gian cách ly với xã hội mạng đó. Không phải vì người khác mà vì chính bản thân mình. Tôi hổ thẹn với sự khoe khoang của mình cho dù chỉ là những hình ảnh con cái, những món ăn, và những ly rượu. Cuộc sống của tôi cũng bình thường thôi đâu hơn ai đâu mà trưng bày. Thế nhưng tôi không tự kiềm chế mình được.

Sống hết 42 năm cuộc đời rồi mà vẫn bị cám dỗ. Hết cám dỗ này đến cám dỗ khác. Tôi bị nghiện rất nhiều thứ. Cái nào bị vướng vào cũng nghiện không gỡ nổi. Biết làm sao bây giờ. Thôi thì miễn không tệ hại lắm thì cũng OK.

Ở tuổi 42, tôi không tiến lên nhiều cũng không thụt lùi bao nhiêu. Cuộc sống vẫn bình thường. Tình cảm vợ chồng vẫn tốt. Con cái cũng tiến triển bình thường. Cho dù đang trong cơn dịch, đời sống cũng không thay đổi nhiều. Vậy là may mắn lắm rồi còn đòi hỏi gì nữa?

Tôi cũng chỉ mong muốn được cuộc sống bình thường. Người trong gia đình an lành là tốt rồi. Đầu năm 2020 không tốt đẹp lắm cho nước Mỹ và luôn cả thế giới. Nếu như có được một điều ước cho ngày sinh nhật, tôi ước ao cuối năm nay sẽ có sự thay đổi cho đất nước Mỹ.

Về cá nhân thì hy vọng sẽ không gây ra những chuyện bất đồng và mâu thuẫn, nhất là những lời lẽ không nên nói càng không nên viết. Năm nay bớt căng thẳng hơn năm ngoái nên cũng không cần phải bộc lộ nhiều. Tình cảm có lúc đưa người ta đến gần nhau và cũng có lúc đẩy người ta đi. Quan trọng là mình có đặt tình cảm vào đúng chỗ hay không. Khi phải đối diện với tình cảm, tôi không đủ can đảm để bày tỏ quan điểm của mình, ngoại trừ với vợ tôi. Tôi trốn tránh sự thật để rồi lộ ra những khuyết điểm đáng tiếc. Đã biết điều đó sẽ xảy ra nhưng tôi vẫn không tránh được.

Người ta thường nói yên lặng là vàng. Đến giờ tôi vẫn không có vàng vì tôi không giữ được sự yên lặng. Càng viết tôi càng biểu lộ những tiêu cực của chính mình. Tốt hay xấu hoặc đúng hay sai, viết để tìm những điều chân thật của chính mình. Hối tiếc thì tôi cũng đã có khá nhiều rồi. Nhưng rồi có sám hối cũng không giải quyết được vấn đề. Thôi thì ở tuổi 42 hãy cố vươn vai mà sống. Đừng để quá khứ hay nuối tiếc ảnh hưởng đến cuộc sống.

42 không quá lớn cũng không còn nhỏ nữa. Sức khỏe là quan trọng. Tôi vẫn chưa chăm sóc sức khỏe của mình cho đàng hoàng. Vẫn thường hay thức khuya dậy sớm và lười thể dục. Ăn không kiêng lại nghiện rượu bia. Muốn thay đổi cũng khó.

42 không cầu mong gì ngoài cuộc sống êm ấm với gia đình. Hơn cả tháng nay trốn trong nhà chống dịch cũng không căng thẳng lắm. Thậm chí tôi đã quen dần với cuộc sống hiện tại. Được ăn uống, được làm việc, được đọc sách, được viết blog, và được bên vợ con. Tuy bị gò bó nhưng chẳng phải lo ngại gì nếu không cần phải ra ngoài. Sáng nay thằng út dậy sớm nhất chạy qua phòng mừng sinh nhật ba. Rồi thằng Xuân qua ca “happy birthday, daddy.” Đến lượt hai thằng lớn thức dậy cũng không quên mừng sinh nhật ba. Trưa đến vợ con cùng làm ổ bánh sinh nhật và món cơm gà thơm ngon. Quà cáp được vợ tặng đúng theo yêu cầu. Một ngày sinh nhật được như thế quá mãn nguyện và hạnh phúc rồi.

Tuy nhiên được quay về với đời sống bình thường càng sớm càng tốt. Trốn chui trốn nhủi con vi rút này cũng khá hồi hộp và không được thoải mái nhưng ở hoàn cảnh nào thì sống theo hoàn cảnh nấy. Còn sống một ngày nhưng đừng hẹn chết không may.

Phát Dương: Tự nhiên say

Tập truyện ngắn của một tác giả trẻ Phát Dương rất ấn tượng. Đề tài quây quanh tình cảm và cuộc sống. Những câu chuyện không phức tạp nhưng đủ gây xúc động. “Chè đắng” và “Bún thương” cho người đọc những vị ngọt và đắng của quê hương. “Nhà máy” cho một chút cảm giác rùng rợn về công nghệ hiện đại và con người. Hai bài nổi bật là “Ngải giấy” (một tai hại hiếp lầm) và “Trên cành có một con nhen” viết về phụ nữ làm gái: “Cô nằm đó, mặt cho gã dày vò. Là ruộng đất cho ai thuê thì người ấy muốn trồng gì cắm gì cày sao thì tuỳ ý người ta chớ. Hết hạn thuê thì thôi. Cô giữ ý nghĩ đó như giữ câu thần chú để nước mắt không rịn ra. Cô không còn cảm giác gì nữa.” Hãy tìm đọc cho đỡ chán trong thời gian bị cách ly.

Chị Đẹp: Sóng đưa nước

Như sóng đưa nước, những câu chuyện trôi nhẹ nhàng dìu dắt người đọc bập bềnh trên những cảm xúc lan man không bờ không bến. Chỉ cần thả lỏng tâm hồn người đọc sẽ bị lôi cuốn ngay bởi những lời văn mộc mạc, dí dỏm, và dễ đồng cảm. Hơn nữa là những ca từ lãng mạn được ghép vào những câu chuyện để dẫn chứng tâm lý thú vị về tình yêu. Thí vụ như đoạn này:

Đàn ông có một biệt tài là họ sẽ cho người đàn bà bước ra, để họ không mang tiếng là người bỏ vợ.
Chỉ vì học không muốn mất vui.
Sen thường nói với cô, ông bà ngày xưa hay lắm, tuy hơi sến nhưng hay, bảo là “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”.
Cái lời hẹn thề sẽ không bao giờ lấy nhau của cô và anh đã sắp được trọn vẹn.
Và đời cô mất vui từ đấy.

Nhân vật chính không tên là một người phụ nữ Việt Kiều độc lập, đẹp, chịu sống, và dám yêu tha thiết cho dù cô biết anh chàng người Hà Nội sẽ không hề cưới cô làm vợ. Họ chỉ là người yêu. Những câu chuyện ngổn ngang không đầu không đuôi, chỉ vây quanh cảm tình của cô dành cho anh và cuộc sống của cô cùng bạn bè. Nhưng đọc hết sẽ hiểu được trọn vẹn một tiểu thuyết tình cảm đẹp không bi lụy. Tác giả của sách có biệt danh là blogger Chị Đẹp. Đúng với tính cách viết blog, sách được viết theo ngẫu hứng và cảm xúc. Sách được viết vào khoảng thời gian mọi người đang hăng say với Yahoo! 360° nên khi đọc đã đem lại cho tôi những ký ức thời đó giúp tôi được giải trí trong những ngày bị cách ly.

Vẫn còn yêu Lan

Đêm qua sau khi mọi người đã ngủ tôi lôi trang nhà I Love Ngọc Lan ra sửa chữa và dọn dẹp lại chút đỉnh. Không phải là vì quá rảnh tay nhưng tôi thích làm những công việc nho nhỏ như thế để giúp mình thư giãn trong lúc chống cự với con vi rút đang náo động thế giới.

Lúc đầu chỉ muốn đổi mới phông chữ sơ sơ nhưng đó không phải là công việc đơn giản. Tôi muốn chọn phông chữ không chỉ đẹp mắt mà còn phải dễ đọc và hợp với phong cách Ngọc Lan. Sau khi thí nghiệm với một số phông, tôi đã chọn Crimson Pro, thiết kế bởi Jacques Le Bailly, cho chữ chính. Crimson Pro là một trong những bộ phông miễn phí có dấu tiếng Việt tôi rất ân ý. Bộ phông này được thiết kế kỹ lưỡng và nhìn rất tao nhã nên thích hợp cho phần đọc của trang nhà.

Để có thêm chữ phụ như dùng cho tựa đề của mỗi bài viết, tôi chọn Work Sans, thiết kế bởi Wei Huang. Đây là một tình cờ tôi đến với bộ phông này dù đã biết đến khá lâu như không chú ý. Trái ngược với sự thanh lịch của Crimson Pro, Work Sans có hình dáng đơn giản nhưng mạnh mẽ. Khi dùng phông thêm nặng (extra bold) cho headlines, Work Sans nổi trội nhưng không dành sự chú ý về chính mình.

Kết quả là sự phối hợp giữa hai phông chữ khác nhau tạo ra một phong cách rất Ngọc Lan: nhã nhặn nhưng không yếu đuối và đặc sắc nhưng không khoe khoang. Đặc biệt là cả hai phông chữ này đều áp dụng công nghệ mới của variable fonts nên rất dể dàng uyển chuyển trong nghệ thuật sắp đặt chữ.

Chỉ việc chọn những bộ chữ thích hợp đã mất đi hết mấy tiếng đồng hồ nên tôi chỉ chỉnh sửa lại cách trưng bày một tý. Đặc biệt là cuối mỗi bài viết có một trái tim. Và phần chân (footer) của trang được cắm thêm cành hoa Ngọc Lan.

Những năm gần đây trang I Love Ngọc Lan đã không còn phổ biến như xưa. Những bài viết đã ít đi nhiều và những người viếng thăm cũng thưa dần. Khi gõ “Ngọc Lan” vào Google, trang này đã không còn đứng ở vị trí thứ nhì nhưng ngày xưa nữa. Thậm chí không tìm thấy trên những trang kết qua của Google nữa. Năm ngoái tôi đã báo cáo với Google nhưng vẫn không thấy thay đổi.

Dù sao đi nữa đây cũng là dự án lao động tình yêu dành cho tiếng hát có một không hai của làng âm nhạc Việt Nam. Đây là sự cống hiến của tôi để giữ gìn lại những kỷ niệm của cô cho nên tôi vẫn còn có trách nhiệm với trang đó. Cho dù không còn ai đến thăm viếng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì trang web này như tôi vẫn đã làm mười mấy năm qua vì tôi vẫn yêu Ngọc Lan.

Nhớ cha

Hôm qua nhìn qua điện thoại thấy ba đã yếu đi rất nhiều so với lúc tôi gặp ông. Mới đó mà đã ba năm trôi qua. Giữa tôi và ba không có chuyện gì nói ngoài những câu thăm hỏi thường lệ. Thời gian và khoảng cách giữa chúng tôi quá lớn và quá xa vời nên cả hai đều không thể chia sẻ tình cảm cho nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn thương nhớ đến ba, nhất là trong những ngày tháng này.

Ngoài việc nghĩ đến ba tôi không còn làm được điều gì. Cũng may còn có anh chị và các cháu ở gần ba và luôn chăm sóc và lo lắng cho ba. Tôi cám ơn mọi người rất nhiều. Và tôi cảm kích người anh bạn luôn luôn dành thời gian cho ba trong khi thằng con ruột này không thể. Thành thật cảm ơn sự nhiệt tình của anh dành cho ba và gia đình.

Sau khi chuyện trò và cúp điện thoại, tôi lặng lẽ bùi ngùi với những cảm xúc lẫn lộn còn chưa tỉnh giấc của buổi sáng. Định ngủ lại thì thằng út chạy vào phòng và gọi “đa đa.” Tôi bế nó lên giường và ôm nó vào lòng. Nó ngoan ngoãn để tôi vuốt ve được vài phút trước khi nó cọ quậy để thoát khỏi bàn tay của tôi và trở về phòng mẹ nó.

Sự xuất hiện của nó cho tôi nhận thức được mỗi tình cha con mỗi khác. Có phức tạp có dễ dàng. Có yêu thương có xót xa. Có xa cách có gần gũi. Có mạnh mẽ có yếu đuối. Có thế nào đi nữa tình cảm cha con vẫn tồn tại.

Thư gửi con vi rút

Covid mến,

Tao cầu xin mày rời khỏi thế giới này càng sớm càng tốt. Mày không giết tao nhưng mày sẽ hành hạ tao đến chết.

Bởi vì mày mà tao bị nhốt trong nhà. Bởi vì mày mà vợ tao nướng ba ổ bánh bông lan phô mai trong ba ngày qua. Cái đầu tiên phồng, xốp, béo, và rất ngon. Chỉ bị lỗi vài đường nẻ thôi thế mà phải làm lại. Ổ thứ nhì nhìn tạm ổn nhưng chưa chín. Đến ổ thứ ba thì nó xẹp lép.

Khổ nỗi vợ làm ra mà tao không ăn thì lãng phí. Hơn nữa không ăn vợ cho nhịn luôn. Nhịn ăn thì còn được cho nhịn thứ khác thì thà chết cho rồi.

Một tháng nay bị nhốt trong nhà tao không dám đứng lên cái cân. Thế mà tao ngồi sụm hết hai cái ghế. Cái ghế trong phòng làm việc và một cái trong phòng ăn. Cho nên mày mà còn tồn tại thì tao cũng chết cho dù mày không trực tiếp hại đến tao.

Thôi thì mày thương hại dùm tao đi. Tao còn bốn thằng con nhỏ để nuôi dưỡng nên người. Tao còn nợ đời này nhiều lắm. Mày hãy buông tha cho tao. Sự ra đi của mày không chỉ cứu giúp tao mà cả thế giới nữa. Mày suy nghĩ lại đi nhé. Tao chưa từng năn nỉ con dịch dật nào cả. Mày là con đầu tiên đấy.

Súp xương bò

Năm ngoái cũng vào thời điểm này, chúng tôi dự một buổi tiệc sinh nhật của người anh cột chèo (chồng của chị vợ tôi). Lần đó chị đãi t-bone steak. Tuy ngại bị gout nhưng thấy mọi người ăn ngon miệng nên cũng xin một miếng.

Sau khi ăn xong thì bà vú (ngày xưa) của người anh cột chèo bảo giữ lại những cục xương để cô nấu súp. Ngày hôm sau thấy một nồi súp xương bò cùng rau quả và khoai tây. Tôi múc một chén nhỏ ăn thử. Nước súp ngọt tuyệt. Tôi làm thêm hai chén nữa.

Tôi nghĩ không biết chất ngọt là trong t-bone hay nước bọt của những người đã thưởng thức cái miếng steak. Tôi không biết cô ấy nhiều nên không dám hỏi đùa. Sợ cô giận. Đôi khi có những thứ không nên biết. Chỉ cần tin tưởng và cảm tạ người nấu cho ta những món ăn tuyệt vời.

Tôi sẽ nhớ hoài món súp đó của cô. Không ngờ chỉ những miếng xương vứt đi có thể trở thành một nồi súp ngon ngọt. Cách tận dụng thức ăn rất hay. Tôi kính phục cô.

Contact