Music Box #45: Don Hồ & Lâm Thúy Vân

Chương trình Music Box #45 đưa tôi trở lại với thập niên 90 tràn đầy ký ức với tiếng hát Don Hồ và Lâm Thúy Vân. Tuy đã xem vài video của Don Hồ trước đó nhưng nhạc phẩm đã làm tôi chú ý đến giọng hát của anh là “Hãy sống cho tuổi trẻ” qua video đầu tay của Asia với tựa đề Đêm Sài Gòn. Và cũng trong video đó, tôi đã đắm say với tiếng hát Lâm Thúy Vân qua ca khúc “Cơn mưa hạ.” Sau đó thì Lâm Thúy Vân đã trở thành người tình trong mộng của những chàng thanh niên trong đó có tôi.

Khi album Dù nắng có mong manh do trung tâm Asia phát hành vào năm 1993, tiếng hát Don Hồ và Lâm Thúy Vân đã chiếm trọn những tâm hồn Việt trẻ ở hải ngoại. Don Hồ hát nhẹ như làn khói được đốt cháy từ điếu thuốc lá qua những nhạc phẩm lãng mạng như “Dù nắng có mong manh” (Lê Minh Bằng) và “Như đã dấu yêu” (Đức Huy). Còn Lâm Thúy Vân hát với chất giọng cao sang và cảm tình qua “Trái tim ngục tù” (Đức Huy) và “Mưa trên biển vắng” (lời Việt Nhật Ngân). Hai nhạc phẩm này Lâm Thúy Vân được Don Hồ hát bè rất ấn tượng. Giọng cao của Lâm Thúy Vân và giọng thấp Don Hồ quyện vào nhau rất phù hợp. Trong chương trình Music Box, Lâm Thúy Vân chia sẻ rằng được hát với Don Hồ như được một người che chở cho mình. Đúng như thế. Tuy giọng anh nhẹ nhàng và chỉ ở hậu cảnh (background) nhưng Don Hồ là một người bạn luôn luôn đứng đằng sau để bao che cho người bạn đồng nghiệp của mình. Đáng tiếc rằng, album này không có bài nào song ca cả. Phải chi bài “Hãy yêu như chưa yêu lần nào (Lê Hựu Hà) được trở thành một bài song ca thì quá tuyệt vời. Không hiểu sau bài này cả hai ca chung nhưng Don Hồ chỉ hát một đoạn thôi.

Một năm sau (1994), trung tâm Asia phát hành Đoản khúc cuối cho em với tiếng hát Don Hồ, Lâm Thúy Vân, và Nini. Album này đã chứng minh sự hợp ý và hợp tình của đôi song ca Don Hồ và Lâm Thúy Vân qua “Chiều một mình qua phố” (Trịnh Công Sơn) và “Bây giờ còn yêu” (lời Việt Anh Bằng). Riêng “Cỏ ủa” (Lam Phương) là một version rất thú vị khi đổi bài đơn ca thành song ca. Tuy hai giọng khác nhau nhưng tâm hôn và cảm xúc của họ đã trở thành một khi thu âm ca khúc này. Hai người dìu dắt và nâng đỡ nhau để cùng đi chung trên con đường nghệ thuật ở hải ngoại.

Qua những lời tâm tình của Don Hồ và Lâm Thúy Vân trong chương trình Music Box cho thấy họ là hai người bạn rất thân không chỉ trong âm nhạc và luôn trong cả đời sống. Tình cảm và sự trân trọng của họ dành cho nhau hơn cả tình yêu trai gái. Mấy mươi năm đã trôi qua giọng hát của họ cũng đã thay đổi theo thời gian. Lâm Thuý Vân không còn hát như cô gái mười chín tuổi mới bước chân vào nghề. Giờ đây cô hát với đầy trải nghiệm, cảm xúc, và nồng nàn. Giọng và cách hát của cô giờ đây chín muồi hơi xưa. Don Hồ thì không còn hát như thở tự nhiên nữa mà anh dùng kỹ thuật nhiều hơn nên khi anh hát có phần gò bó và điệu đà hơn. Có lẻ kỹ thuật hơn thì hay hơn nhưng riêng cá nhân của người nghe này thì tôi prefer cách hát nhẹ như làn gió của anh lúc xưa hơn. Ví dụ như khi nghe lại nhạc phẩm “Người tình trăm năm” (Đức Huy), version cũ có tính cách mơ hồ và hồn nhiên. Khi hát hết câu anh buông nhẹ không kéo dài. Còn version mới thì anh không chịu nhả chữ và luôn nếu kéo lại với vibrato nên nghe hơi bị khó chịu. Dĩ nhiên đó là cách hát của anh và tôi chỉ là một người nghe nhạc bình thường. Dù sao đi nữa, tôi cũng rất cám ơn sự đóng góp của Don Hồ và Lâm Thúy Vân trong làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại.

Giỗ đầu của ba

Mới ngày nào mà một năm đã trôi qua từ khi ba tôi lìa xa cõi đời này. Lúc ông còn sống, ba và tôi cũng đã xa cách nửa vòng trái đất nên những kỷ niệm về ba lúc thời ấu thơ vẫn sống mãi trong tôi và tôi cũng đã viết lại rất nhiều. Hôm nay ngày giỗ đầu của ba, tôi muốn chia sẻ lá thư của người em họ kể lại những “Kỉ niệm với bác Năm.” Thanh đã gửi lá thư này đến tôi vài ngày sau khi ba tôi qua đời. Thanh viết rất chân thật khi ôn lại những ký ức đẹp với ba tôi. Xin cám ơn Thanh rất đã cho phép tôi đăng lại lá thư trong trang nhà của tôi.

Hôm đó là sáng thứ hai, một buổi sáng đầu tuần nhiều công việc như thường lệ. Đang ngồi làm việc trên phòng thì mẹ nói thấy Doanh bên Mỹ trên FB nói Bác Năm trai mất rồi, mẹ mới comment chia buồn.

Tôi cảm thấy lòng mình trùng xuống, có cái gì đó buồn lẫn 1 chút mất mát. Tôi liền lập tức vào FB anh xem thế nào và sự thật là vậy. Sau ông bà, đây là lần đầu tiên trong cuộc sống tôi có người thân ngang với ba mẹ, ở vai chú bác cô dì, qua đời. Vẫn biết lớn rồi, sớm muộn cũng có ngày này nhưng trong lòng vẫn chưa chấp nhận được.

Sau khi đọc xong bài viết của anh Doanh và comment vài dòng ngắn ngủi với anh trên FB, tôi làm tiếp đống công việc để sắp nghỉ ăn trưa gọi về ba ở VN xem như thế nào. Vừa làm tôi vừa nhớ lại về Bác Năm. Đối với riêng tôi, mỗi lần nghĩ về Bác Năm vẫn là 2 từ “cương trực” và “hào sảng”.

Cương trực thì qua tiếp xúc Bác Năm ai cũng cảm nhận được. Từ lời nói tới công việc làm ăn.

Còn về hào sảng, có 1 chuyện nhỏ như vầy cách đây gần 20 năm rồi, vào khoảng giữa đầu năm lớp 10. Bác ghé qua nhà tôi chơi. Trong lúc đợi ba tôi về, Bác ngồi ở ghế đá trước nhà rồi lấy trong túi ra cái điện thoại nói chuyện. Xong kêu “mày coi coi điện thoại này tốt không sao tiếng nhỏ quá, chỉnh tiếng lớn lên dùm tao”.

Lúc đó tôi khoái vọc lắm, nên cầm vọc liền. Điện thoại lúc đó muốn chỉnh tiếng phải mò chứ không có nút lớn nhỏ trực tiếp như bây giờ. Xong tôi đưa lại Bác Năm nói điện thoại thật ra đã chỉnh loa tối đa sẵn rồi. Bác Năm hỏi “mày thấy tốt không” rồi lại nói “cho mày đó lấy xài đi”. Lúc đó tôi còn nhỏ, trong lòng cũng khoái lắm nhưng giả bộ từ chối.

Thật ra thời đó điện thoại cục gạch mới xuất hiện ở VN, ngay sau cái thời máy nhắn tin “bíp bơ”, nên điện thoại di động khá mắc tiền. Điện thoại bàn lúc đó vẫn còn thông dụng (điện thoại quay vòng vẫn còn), nói chi điện thoại di động. Đtdd ban đầu 10tr rồi lúc đó xuống khoảng 2tr 1 cái, nếu so với vật giá hiện giờ sau 20 năm thì cũng 30 40tr chứ không ít. Lúc đó ba tôi cũng chưa xài nữa vì chưa cần. Vậy mà Bác Năm thấy tôi thích là muốn cho. Đối với tôi đó là cả 1 gia tài.

Tôi thì con nít mà nên khoái để dùng chơi game con rắn chứ cũng có ai đâu mà gọi. Nên tôi nói thôi Bác Năm để gọi đi chứ con đâu có xài để làm gì đâu. Rồi Bác Năm lại hỏi thêm 2 3 lần chê tiếng nhỏ quá cho mày lấy xài đi. Thật ra lúc đó tôi khoái lắm mà vừa ngại vừa sợ ba la nên thôi. Tính Bác Năm là vậy, thấy con cháu thích thì cái gì cho được là cho liền.

Nhắc đến con cháu. Tôi lại nhớ khoảng thời gian Bác còn ở ngoài Lê Lợi với chị Lệ. Tôi lại nhớ lúc lớp 8 hay 9, Bác Năm cùng cả nhà chuẩn bị đón anh Doanh và Bác Năm gái từ Mỹ về thế nào. Và cả nhà Bác Năm ghé nhà tôi thế nào, ngồi vị trí nào, ghế trong nhà màu gì, trời chạng vạng tối thế nào, mở quạt ra sao.

Tôi lại nhớ lúc còn nhỏ hơn nữa ở VN, đến Tết là cả nhà ghé nhà Bác Năm chơi. Có lẽ cái cảm giác trời chiều tối, cộng thêm những hàng hoa ven chợ, cùng với tiếng xào xạc của chổi quét lúc người ta dọn về, làm tôi thích nhất qua nhà Bác Năm lúc Tết vì cảm giác lạ lạ đó chỉ ở ngay chợ mới có, Bác Năm lúc nào cũng vui vẻ và hòa nhã khi nhà tôi ghé thăm.

Tôi lại nhớ Bác Năm đi mổ về qua nhà Chú Mười và những cơn đau trong thời gian đó mà Bác Năm phải chịu đựng.

Tôi lại nhớ có lần Bác Năm thấy tôi thích ăn bún hơn ăn cơm vì bún dễ ăn, Bác la tôi “con trai ăn bún yếu như cọng bún, ăn cơm đi mày”.

Từng hình ảnh, mới như ngày hôm qua hiện ra, trong tâm trí, từng đoạn và rất rõ ràng. Có lẽ khi rời khỏi VN, thời gian như dừng lại, nên tôi nhớ từng thứ một dù những thứ đó là khi còn nhỏ và rất nhỏ nhặt, chỉ là không muốn nói nhiều kể nhiều với ai cả.

Tôi lại nhớ khoảng thời gian sau này. Khi đã có điều kiện về lại VN. Mỗi lần về tôi ghé Bác Năm chơi thấy Bác vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Vẫn trò chuyện vui vẻ và giọng nói hào sảng của Bác vẫn như ngày nào.

Mỗi lần tôi qua chở ba đi ăn sáng, lúc qua cầu là thấy Bác Năm đạp xe đi tập thể dục về. Đều đặn và thường xuyên. Tôi cũng thấy vui vì Bác còn khỏe. Nhưng lại cũng thấy lo vì không biết mắt Bác có còn thấy rõ không. Nhất là giao thông buổi sáng người ta đi làm đi học rất đông nữa.

Tôi lại nhớ lúc đám giỗ, tôi đang ngồi bàn ngoài cùng các anh em khác ăn, thì Bác Năm đi ra cầm ly bia ra kêu tôi uống. Lúc đó cách đây cũng 8 năm rồi. Lúc đó tôi còn uống nước ngọt chứ chưa uống bia nữa. Vì tôi không biết uống bia, thế là bác cháu chia cùng 1 ly, Bác Năm 1 nửa tôi 1 nửa vui lắm. (Rồi mấy lần đám giỗ sau thì tôi lớn lên, quen rồi nên với Bác Năm là cạn ly khỏi chia).

Rồi sau này sức khỏe Bác Năm không còn như xưa nên đám giỗ có khi qua có khi không qua. Nhưng mỗi lần về tôi thăm riêng Bác Năm bên nhà. Thì Bác Năm đều nhắc đến anh Doanh, hỏi tôi có liên lạc với anh Doanh không, rồi kể nói chuyện điện thoại với Bác Năm gái v.v.

Mỗi lần như vậy tôi nghĩ có lẽ Bác Năm cũng nhớ anh Doanh lắm, và Bác cũng hiểu cho tôi hay anh Doanh về sự bất tiện của vị trí địa lý, về khoảng cách xa gia đình. Tuy Bác nói ít nhưng tôi cảm nhận được. Tôi cũng không biết cách hỏi hay an ủi Bác Năm được. Vì tôi nói tiếng Việt theo kiểu tiếng Anh, nên không biết nói sao để diễn đạt ý mình cho Bác hiểu nữa (trừ khi viết thôi).

Sau đó anh Doanh có cơ hội công việc về thăm Bác Năm. Khi tôi về gặp Bác Năm, nghe Bác Năm kể lại thấy Bác Năm vui lắm, tôi cũng cảm thấy vui phần nào.

Tôi vừa làm vừa nhớ nhiều thứ nữa. Đối với nhiều người, trí thông minh/trí nhớ là sự thiên phú, cũng là sự bất hạnh, nó phụ thuộc vào người nắm giữ nó. Có nhiều người tìm cách lảng tránh hoặc cố quên. Riêng tôi cảm thấy nó bình thường, nên luôn ghi nhớ và giữ kỉ niệm lại dù trải nghiệm đó tốt hay xấu, chỉ là đừng để bản thân sống mãi trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của mình thôi.

Thời gian mới đó mà qua mau quá. Cách đây vài tháng tôi nói tôi biết Bác Năm bị bệnh, mà giờ Bác đã mất rồi. Thời gian đúng là cứ qua đi không quay trở lại được. Vốn dĩ bản chất của cuộc sống là tre già măng mọc, không thể dừng và quay lại theo ý mình. Tôi chỉ biết cầu mong Bác về miền an lành và Bác sẽ che chở phù hộ cho các anh chị em con cháu trong nhà.

T.Thanh
22/11/2020

Đọc lại bài của Thanh, miệng thì mỉm cười, mắt lại thấy cay cay. Năm giỗ đầu của ba, vợ tôi nấu mấy món chay và tôi mua một ít xôi chè đặt trên bàn thờ. Thắp chút nén nhang khói tưởng nhớ đến ba.

Mỗi lần nghĩ về ba, tâm trạng tôi luôn bị xáo trộn. Buồn vì ba không còn trên cõi đời này nữa nhưng tiếc nuối hay hối hận thì không. Không biết định mệnh đã an bài cho hai cha con luôn xa cách. Tôi thường trách ba đã chọn con đường đó nhưng giờ nhìn lại tôi cũng là người đã chọn cho mình cuộc sống riêng. Ba đã quen với đời sống ở Việt Nam còn tôi thì không muốn từ bỏ lối sống ở Mỹ. Tôi không biết mình sẽ sống ra sao ở quê nhà vì tôi chưa từng thử. Có nhiều lần chán nản với đời sống ở Mỹ tôi muốn quay lại quê nhà dù sao gì cũng còn có ba và bà con chú bác. Từ lúc ba ra đi, tôi không còn luyến tiếc gì về Việt Nam nữa. Dường như quê hương tôi đã quá xa và không còn gì để tôi lưu luyến. Tuy vẫn còn anh chị và người thân trong gia đình ở quê nhà, tôi không còn tha thiết muốn trở về vì nơi đó không còn hình bóng của ba tôi nữa.

Đoàn Vi Hương: Vì sao ta yêu nhau

Album gồm những tình tự của Đoàn Vi Hương qua tiếng hát Ý Lan được mở đầu với một nụ “Hôn.” Qua điệu rumba nhẹ nhàng dưới tay hoà âm của Nguyễn Quang, Ý Lan hát như đang muốn được hôn, “Đừng chần chờ hỡi anh / Thời gian đâu có ngừng / Đừng vội vàng bước chân / Hãy cho nhau một nụ hôn.” Bài đầu tiên ngọt ngào bao nhiêu thì bài thứ hai cay đắng bấy nhiêu, “Môi em khô đi tìm nước mắt / Nước mắt bây giờ còn có hay không.”

Qua những bài tình ca cho thấy Đoàn Vi Hương chọn Ý Lan hát những ca từ của mình rất thích hợp. Đặc biệt là bài “Vì sao ta yêu nhau,” Ý Lan dùng chút điệu đà (sỡ trường của chị) để lả lơi trên giai điệu swing tươi vui. Và ca khúc khiến tôi vô cùng nghẹn ngào và không thể cầm được nước mắt là bài cuối trong album.

Qua giai điệu quê hương được hoà âm bởi tay Đồng Sơn, Ý Lan ngâm những câu ca dao: “Tôi muốn bắc thang lên hỏi ông trời / Làm sao làm sao ngưng lại thời gian / Cho đôi mắt mẹ còn nhìn rõ con / Và xin cho đôi tay mẹ vẫn còn đó / Để mẹ ôm trọn lấy con.” Tiếc rằng ông trời cũng không thể ngưng lại thời gian. Từng giờ, từng phút, và từng giây cứ tiếp tục trôi qua và mẹ tôi đã ra đi gần một năm. Mỗi lần nghĩ đến mẹ tôi luôn muốn được gọi muôn lần “Mẹ ơi.”

Đi nông trại

Ít khi có dịp dành thời gian riêng với Vương nên hôm nay lấy ngày nghỉ đưa nó đi chơi. Bây giờ mùa thu thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nhưng có nắng ấm nên không khí rất thoải mái và dễ chịu. Rủ luôn vợ và mẹ vợ đi nông trại để được gần với thiên nhiên.

Đáng lý ra là đi Cox Farms nhưng vé vào cổng đã bán hết nên chọn Great Country Farms cách nhà một tiếng đồng hồ. Khác với CF, GCF rất vắng. Đến nông trại cũng hơn 11 giờ rưỡi trưa nên chúng tôi đi ra đồng chọn một trái bí ngô về trưng cho có chúc mùa thu.

Mua bí xong chúng tôi qua bờ sông kế bên ăn trưa. Cuộc sống dường như chậm lại. Tôi không dùng iPhone để chụp hình và cũng đăng trên Facebook. Tôi chỉ tận hưởng thiên nhiên.

Ăn nhẹ xong chúng tôi quay lại nông trại để xem những thú vật như gà, vịt, dê, và heo. Vương được rong chơi trong khu vực playground gồm có gối nhảy, cầu tuột, và những trò chơi ngoài trời. Vương rất thích nhưng chơi không bao lâu phải quay lại để đón mấy anh tan học về.

Một ngày thứ Hai chỉ đơn giản như thế là đủ rồi. Thấy Vương tung tăng giữa cánh đồng chứ không ngồi cặm cụi vào iPad, tôi rất vui trong lòng.

Vĩnh biệt Chú Bảy

Nhận tin Chú Bảy vừa qua đời chiều hôm qua, tôi không khỏi nghẹn ngào. Chú ra đi gần một năm sau ba tôi mất. Trong mấy anh chị em, Chú Bảy là người thành công nhất trong ngành xây dựng. Chú và thím cùng sát cánh bên nhau gầy dựng sự nghiệp lẫn gia đình. Bốn đứa con của chú được nuôi dưỡng, đào tạo, và thành đạt.

Đối với gia đình và người thân, chú luôn thương yêu và lo lắng cho các anh chị em. Lúc còn sống, ba tôi thường khen chú luôn trọng tình nghĩa. Với con cháu chú cũng quan tâm và thương mến. Với tôi, chú rất ít nói. Mỗi lần đến thăm chú thì cũng chỉ hỏi thăm vài câu qua lại. Tôi cũng không biết phải nói gì với chú nữa nhưng tôi biết được nếu tôi cần sự giúp đỡ chú sẽ sẵn sàng.

Chú đã ra đi ở tuổi 74 sau gần một năm chống chọi với ung thư gan. Mong linh hồn chú được an nghỉ trong bình yên. Cháu sẽ nhớ chú mãi mãi.

Cắm trại

Cuối tuần đi cắm trại với liên đoàn Hùng Vương. Tuy không hứng thú lắm nhưng cũng phải đi với Đạo và Đán cho tụi nó tham gia hướng đạo. Chiều thứ sáu dựng lều rồi trò chuyện với các trưởng và phụ huynh khác. Mọi người muốn tôi tham gia đánh trống cho đoàn lân để kiếm thêm tiền cho liên đoàn. Thôi thì tôi cũng đồng ý. Giúp được việc gì thì giúp. Bàn chuyện đến khuya tôi trở vào lều nhưng không ngủ được. Đến gần ba giờ sáng tôi mới thiếp đi.

Đến bảy giờ sáng, thức dậy ăn điểm tâm rồi đưa thằng Đán đi tập ice hockey. Sau giờ tập xong, tôi ghé chợ mua hai thùng bia để uống cùng mọi người ở vùng cắm trại. Buổi trưa chị Diễm đãi liên ăn phở. Tuy bị gout nhưng tôi không thể nào bỏ qua phở chị Diễm. Sau giờ trưa đám nhỏ đi sinh hoạt còn phụ huynh chuẩn bị cơm chiều. Chúng tôi đốt than lên nướng thịt và sườn. Đồng thời phụ huynh khác cũng đem theo những món nên buổi ăn tối khá nhiều. Sinh hoạt xong, mười giờ là lúc phải giữ yên lặng.

Đám nhóc chơi bên đống lửa gần đến 11 giờ mới đi ngủ. Phụ huynh và các trưởng nướng cá khô, uống bia, và trò chuyện tiếp. Tôi khá buồn ngủ nhưng cũng ngồi lắng nghe. Đến gần một giờ sáng tôi không chịu nổi nên về lều ngủ. Tuy mệt mỏi nhưng vẫn khó ngủ vì mấy ông vẫn trò chuyện lớn tiếng.

Đến hai giờ khuya, trời bắt đầu mưa nên mấy ông cũng đi ngủ. Tôi nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái lều. Tôi nhớ đến vợ và hai đứa nhỏ. Chỉ vắng có một ngày mà sao nhớ nhung vô cùng. Ước gì có vợ nằm kế bên thì lãng mạn biết mấy. Đã lâu rồi không được nằm kế vợ. Tôi bị bốn thằng khác lần lượt chiếm chỗ. Từ thằng Đạo, đến thằng Đán, đến thằng Xuân, giờ thì thằng Vương không xa mẹ nửa bước.

Đến gần ba giờ sáng tôi mới thiếp đi và mưa vẫn rơi. Sáu giờ sáng tôi tỉnh giấc và mưa vẫn tiếp tục rơi. Tôi nằm đọc sách một chút mà lòng vẫn lo ngại không biết xụp lều xuống có được không nếu như trời vẫn mưa. Cũng may tám giờ sáng mưa đã tạnh. Chúng tôi ăn sáng xếp đồ đạc vào xe rồi đám nhỏ làm lễ bế mạc.

Chúng tôi chia tay nhau ra về. Dù biết rằng cuộc vui nào rồi cũng phải tàn nhưng lòng tôi có một chút buồn. Dù sao gì tôi cũng xem những phụ huynh khác như bạn, nhất là cùng người Việt với nhau. Nhưng ngoài những buổi họp mặt như vầy vì con của chúng ta tình bạn bè không hề tiến xa hơn được nữa. Khi đám con lớn rồi thì cũng sẽ không còn gặp nhau để nhậu nhẹt hay chuyện trò gì nữa.

Show của Đen

Tôi không thường xuyên theo dõi Việt rap và cũng không biết nhiều về Đen Vâu. Có nghe qua vài bài của Đen trên YouTube nhưng không bị thu hút cho lắm. Hôm nay thấy “Show của Đen” trên YouTube nên xem thử.

Một rapper được một cái show hoành tráng như thế thì Đen đã thành công. Đen chứng tỏ được mình là một artist chứ không phải là một ca sĩ. Trong làng âm nhạc Việt Nam, ca sĩ thì tràn đầy nhưng rất hiếm artist. Sự khác biệt giữa ca sĩ và artist là ca sĩ hát những sáng tác của nhạc sĩ còn artist trình bày những tác phẩm tự mình viết.

Đen viết lời chia sẻ những câu chuyện. Tuy lời rap rất ấn tượng nhưng Đen không phải là một lyricist mà là storyteller (người kể chuyện). Đen thiếu phần chơi chữ (wordplay). Về delivery (cách rap) thì Đen không có nhiều flows. Điều này làm cho những bài rap của Đen thiếu đa dạng.

Vợ tôi

Hôm trước vợ trách móc tôi rằng, “Sống với nhau mười mấy năm chỉ có mỗi một việc anh chẳng bao giờ thấy mệt.” Quả thật, không ai hiểu tôi bằng vợ cả. Ngược lại, dường như tôi không hiểu rõ vợ mình. Có lẽ vì em kín đáo hơn tôi. Chẳng bao giờ em bộc lộ tình cảm của em với tôi cả, nhưng em không kiệm lời mỗi lần bực bội với những gì tôi không chịu làm hoặc không hài lòng với những gì tôi làm.

Còn tôi thì chẳng bao giờ che giấu được cảm xúc của mình với vợ. Trước khi lấy nhau vẫn thế và đến bây giờ vẫn vậy: “Cuộc tình anh dành cho em. Đam mê đắm say kiếp kiếp.” Sến thật nhưng là sự thật. Dĩ nhiên hài lòng 100% thì không. Trong hôn nhân có yêu thương thì phải có dung hòa và có hy sinh mới có bền vững. Em và tôi đã phải trải qua rất nhiều thử thách trong cuộc sống để tiếp bước đến ngày hôm nay. Cho dù có buồn nhiều hơn vui, mệt nhiều hơn sướng, hoặc giận nhiều hòa, tôi vẫn yêu em hơn ngày hôm qua. Tôi hiểu rõ sự hy sinh của em và cảm kích sự đóng góp của em dành cho gia đình của chúng ta. Tôi tin rằng dù có khó khăn cách mấy, chúng ta vẫn có thể cùng nhau vượt qua.

Sau mười mấy năm thành vợ thành chồng, hôm đó lúc em buông lời trách móc, tôi chợt nhận ra được tình cảm em dành cho tôi: “Giận thì giận mà thương thì thương.” Miệng thì nói thế nhưng lòng em vẫn còn có tôi. Từ trước đến giờ, em chưa từng trả lời câu hỏi của tôi, “Tạo sao em chịu lấy tôi?” Rốt cuộc hôm đó tôi đã tìm được câu trả lời tôi đã thắc mắc mười mấy năm qua. Tôi chợt thấy em dễ thương vô cùng và mình được may mắn lắm. Xin cám ơn em rất nhiều.

Hảo Phạm Fiori: Em đến Ý để yêu

Dĩ nhiên là em đến Ý để yêu trai Tây và chia tay trai Việt. Vì trai Việt không ga lăng và không lảng mạn như trai Tây. Trai Việt cứ chui đầu vào chỗ làm kiếm tiền chứ không chịu đưa em đi đây đó chơi như trai Tây. Biết rồi và biết rồi nhưng vẫn cố gắng đọc để thử xem câu chuyện tình giữa trai Tây và gái Việt có gì hấp dẫn hay không. Thất vọng là không có. Không tình dục không tình địch gì cả. Đương nhiên truyện tình cảm thì phải có tình dục nhưng tác giả đều lướt qua hết mỗi khi hai người ở chung một giường không để lại một chút chi tiết nào cả.

Đời nhiều vấn nghi

Một trong những nhạc phẩm nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của nhạc sĩ Đức Huy được rất nhiều người nghe ưa chuộng và nhiều ca sĩ thể hiện là “Và con tim đã vui trở lại.” Tuy nhiên chỉ có một người duy nhất đã làm tôi ướt mi. Cô không phải là ca sĩ nhưng cô đã bộc lộ được cảm xúc của mình khi trình bài nhạc phẩm này. Qua tiếng hát mộc mạc và tình cảm chân thật, cô chia sẻ nỗi mất mát lớn lao của cô, tôi, và mọi người xung quanh.

“Tìm một con đường / tìm một lối đi,” cô hát bằng những giọt nước mắt trong tang lễ tiễn đưa người yêu của mình và cũng là đứa bạn thân của tôi. Hai hôm trước nó đã ra đi trong một tai nạn chèo xuồng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sự mất mát xảy ra trước mắt mình. Từ đó cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn và tôi có một lối nhìn khác về sự mong manh giữa cái sống và cái chết. Tuy biết được đời người có sống rồi phải chết và người thân yêu cũng sẽ lần lượt chia tay, nhưng tôi vẫn không thể nào chuẩn bị tâm lý cho sự ra đi của cha mẹ mình.

Hôm mẹ tôi ra đi rời xa cõi tạm này và vĩnh viễn rời xa tôi, tim tôi như tan vỡ từng mảnh. Tôi đã khóc như chưa từng được khóc. Một mình nằm trong căn phòng cũ của mẹ mà ngỡ như đang ở vực sâu tăm tối. Trong những giây phút tuyệt vọng nhất, tiếng hát hai mươi mấy năm trước của cô lại trở về: “Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu tối / Tôi vẫn không sợ hãi gì vì người gần bên tôi mãi.” Hai câu này đã góp sức giúp tôi mạnh mẽ hơn để vượt qua được những giây phút đớn đau nhất trong cuộc đời của tôi vì tôi biết được mẹ vẫn gần bên tôi mãi.

Contact