Đức Trí: Như chưa bắt đầu

Với những tình khúc trẻ trung bốc cháy một thời, Đức Trí chứng minh sự trưởng thành của mình qua sự hòa âm phối khí già dặn và lắng đọng lại. Xưa kia nghe Phương Thanh gào thét não nề trong “Đêm nghe tiếng mưa” và “Cố quên được đâu” thì giờ đây Nguyên Hà thì thầm nhẹ nhàng qua phần orchestra êm dịu.

Khi xưa Hồ Ngọc Hà hát “Và em đã yêu” với con beat R&B dồn dập thì giờ đây Đức Trí dùng acoustic để phần hoà âm giãn ra với giọng hát nhỏ nhẹ của Nguyên Hà. Quyên Linh hát “Ước mơ trong đời” rất tốt với phần hoà âm theo giai điệu blues nồng nàn, nhất là với tiếng muted trumpet.

Lê Hiếu, Lân Nhã, và Hà My cũng đóng góp tiếng hát của mình trong album này. “Giận anh” là ca khúc duy nhất với chất rock nhẹ. Như chưa bắt đầu cho ta được nghe lại những tình khúc quen thuộc nhưng sâu lắng hơn.

Thùy Chi: Nỗi yêu bé dại

Thùy Chi có giọng hát mong manh như sương khói. Chỉ cần nghe thoáng qua cũng bị lôi cuốn. Tôi ấn tượng ngay khi nghe cô hát “Đánh rơi bên hồ” (Việt Anh) và “Một thời đã xa” (nhạc Trường Hy và lời thơ Nguyễn Thanh Hà) được nhạc sĩ Đức Trí hòa âm theo dạng acoustic.

Tôi có nghe dự án Nỗi yêu bé dại của Đức Trí và Thùy Chi cũng khá lâu nhưng tuần trước mới có dịp nghe. Những bài pop ballad nghe nhẹ nhàng nhưng hơi bị buồn… ngủ. “Dáng lụa cung tơ” và “Dạt dào thương lắm” là hai ca khúc đỡ buồn (ngủ) nhất nhờ có một chút giai điệu dân gian. Đức Trí chơi đàn tỳ bà thật tuyệt diệu.

“Chắc vì em đã” là một bài hit dễ nghe và dễ gần: “Chắc là vì em đã chọn sai con đường / Nên suốt đêm qua em khóc nhiều lắm.” Đức Trí dùng dàng dây đệm bài này thật mát tai.

Đức Tuấn – Phú Quang in symphony: Hà Nội và em khi thu chớm đông sang

Album đôi của Đức Tuấn thu âm 16 ca khúc của Phú Quang đã phát hành vào cuối năm của 2018 mà giờ này tôi mới phát hiện. Đức Tuấn rất chịu đầu tư vào phần nhạc nên những sản phẩm của anh rất đáng giá. Từ “Nỗi nhớ mùa đông” đến “Hà Nội ngày trở về”, Đức Tuấn hát những ca tư sâu lắng với tất cả tâm hồn. Chất giọng của anh đẹp và miệt mài. Tuy album đã được thu âm hơn 6 năm mà nghe vẫn tươi sáng.

Hồng Nhung: Bóng là ai

Hồng Nhung ca nhạc Trịnh qua phần hòa phối khí theo giai điệu jazz thì còn chỗ nào phê bình được nữa. Giọng của cô như rượu vang. Càng ngày càng thêm độ sâu, chẳng hạn như cô hát “Vết lăn trầm” với chất blues nồng nàn. Với “Ru ta ngậm ngùi”, cô nâng giọng alto của minh lên khi hát những nốt cao nhưng vẫn giữ được nét êm dịu. Đặc biệt là ca khúc “Như cánh vạc bay”, cô được Clara Simonoviez hát lời Pháp rất dễ thương. Hồng Nhung cũng hát lời Pháp cho ca khúc “Bống bồng ơi”. Dĩ nhiên tôi không biết cách phát âm tiếng Pháp của cô ra sao. Nếu có phê bình thì chỉ phần đó thôi. Ngoài ra đây là một album có giá trị để thưởng thức và tôi sẽ nghe đi nghe lại nhiều lần trong tương lai.

Nguyễn Hồng Nhung: Giấc mơ của thanh xuân

Giọng hát mộc mạc truyền cảm của Nguyễn Hồng Nhung rất thích hợp với phong cách acoustic. Cô hát “Chuyện tình không suy tư” (Tâm Anh) chậm chạp từng chữ như đang tự sự. Tiếng đàn guitar giúp cô nói lên những lời từ con tim. Cô trình bài “Lệ hoang” (Trịnh Nam Sơn) với tất cả tâm hồn. Đáng tiếc là cô lại chọn những ca khúc ngoại lời Việt. Tuy cô hát những ca khúc giai điệu Hoa rất tốt nhưng chỉ nghe qua một vài lần là cùng. Những ca khúc thuần Việt thì tồn tại dài hơn.

Thùy Dung: Tình khúc nhạc Pháp

Nghe Thùy Dung hát Tình khúc nhạc Pháp khiến tôi tưởng nhớ đến Ngọc Lan. Như Ngọc Lạn, Thùy Dung phát âm tiếng Pháp nhỏ nhẹ và êm dịu nên nghe rất mát tai, đặt biệt là “Chàng (Lui)” và “Giọt sầu trong tim” (Quelque chose dans mon coeur)”. Khác là giọng hát của Ngọc Lan chín mùi hơn một tí. Chẳng hạn như “Chuyện phim buồn (Quand le film est triste)”, nghe Thùy Dung hát mà buồn dùng cho nàng. Còn nghe Ngọc Lan hát thì phải rơi nước mắt cho nàng. Tuy nhiên cả hai nàng thảm thương như nhau. Hơi ngạc nhiên một chút là phần trình bài của Thùy Dung qua ca khúc “Say tình (Méditerranéenne)”. Cô bốc cháy một cách rất dịu dàng chứ không thét gào. Tôi không thể hình dung được Ngọc Lan sẽ hát ca khúc này ra sao. Hơi tiếc là những tình khúc này không được hòa âm theo giai điệu jazz như những ca khúc cô đã trình bày. Tuy nhiên nghe vẫn phê.

Hà Trần: Những con sông ngón tay

Phong cách của Hà Trần là luôn đi đường lối riêng. Trong lúc phong trào bị lôi vào thế giới nhân tạo thì cô trở về với thiên nhiên qua album mới nhất mang tên Những con sông ngón tay, với sự cộng tác của nhạc sĩ Trần Đức Minh và nhà thơ Phan Lê Hà.

Được đệm bởi tiếng đàn guitar điện và dàn dây (orchestra), cô ca hát cùng với tiếng dế, tiếng ếch, và các động vật trong “Đêm hè cuối”. Trong “Đêm ngân” có “con ve nâu dưới đất hẹn bầu trời” để cùng nhau ca hát với tiếng đàn acoustic guitar, một chút chất funk, và cách hát luôn biến chuyển của cô.

Trong khi “Mộng” đưa chúng ta vào một buổi sáng vắng vẻ lắng đọng với thiên nhiên thì “Hà Nội chiều tháng ba” đưa chúng ta đến không gian nhộn nhịp của tiếng xe chạy và tiếng kèn inh ỏi (ở Việt Nam mà không dùng kèn xe chắc chịu không nỗi).

Dĩ nhiên Hà Trần không chỉ lúc nào cũng nhẹ nhàng và êm dịu. Cô rock lên trong hai ca khúc “Giấc mơ màu nâu” và “Ngã rẽ”. Và đương nhiên là có một chút lên đồng của Hà Trần ở trong đó.

Sau tám năm, sự trở lại của Hà Trần là một dự án đầy ý nghĩa. Nên nghe và trải nghiệm.

Nguyễn Ngọc Tiến: Hà Nội còn một chút này

Quyển sách gồm 56 bài viết về Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến. Bài đầu viết về “Tiếng Hà ‘Lội’” đầy thú vị với một chút lịch sử chữ Việt. Bài thứ hai viết về ma tình Vũ Thị Tý. Còn phần nhiều là viết về những địa điểm đặc sắc của Hà Nội. Tiếc rằng tôi không biết gì về những nơi mà nhà văn diễn tả nên cũng không mấy có cảm giác khi đọc. Những ai ở Hà Nội chắc chắn sẽ thích thú và cảm thấy gần gũi hơn.

Văn Anh: 109 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại

Hồi nhỏ lúc còn ở Việt Nam, tôi thường nghe những câu chuyện về thú vật đối xử với nhau rất hung tàn như con này ăn thịt con nọ hoặc bọn nó đấu trí với nhau. Mỗi truyện cho chúng ta một bài học về luân lý, triết lý, hoặc chân lý. Đọc quyển sách này do Vân Anh tuyển chọn tôi mới biết là truyện ngụ ngôn. Đọc cũng thấy vui và để nhớ lại tuổi thơ.

Bạn nhậu

Thứ bảy vừa rồi mưa cả ngày không đi trượt tuyết được. Nằm trên giường viết vu vơ trên Facebook, “Gọi em là hoa vì anh bị dị ứng nên đành phải sống xa hoa”. Ông bạn nhậu trả lời, “Giỏi lắm, vậy giờ bò qua tao nhậu để xa hoa”.

Đang rảnh mà có người rủ đi nhậu thì sao đành từ chối. Trời mưa lành lạnh thèm thèm hương vị Yamazaki cho ấm lòng. Tôi chạy qua ABC nhưng không có hàng. Thấy em Ohishi cũng dễ thương nên bê em về vậy.

Em được ủ từ gạo trong thùng đảo Islay nên em có chất khói hơi nồng trên môi nhưng vẫn êm dịu khi em nhập vào tôi. Anh bạn nhậu và tôi ngồi cụng ly nói chuyện trên trời dưới đất mà cạn hết chai hồi nào không hay. Mà tôi còn tỉnh táo gì nữa mà hay.

Trọng lượng rượu của tôi rất kém nhưng trọng bạn hữu thì mạnh. Bạn thân tình đếm không đủ trên một bàn tay. Được quen biết nhau, hiểu nhau, và hợp gu nhau là vui rồi. Tôi thì rất ham vui mỗi khi có mồi ngon, whiskey Nhật, và bạn nhậu.

Tôi cũng biết lâu lâu mới vui thôi chứ vui hoài chắc chết cái thân. Uống vài tiếng đồng hồ nhưng phải mất mấy ngày mới hồi phục.