Vũ Thắng Lợi: Hà Nội riêng tôi

Tiếng hát Vũ Thắng Lợi chưa từng nghe qua nhưng cái tên nghe hơi kiêu. Vũ Thắng Lợi có giọng ca trầm ấm và đẹp. Anh hát những ca khúc về Hà Nội với cảm xúc chân thật và những phần hòa âm phối khí cũng chất lượng. Ca khúc “Phố nghèo” của Trần Tiến cũng được phối theo giai điệu blues như version của Trần Thu Hà đã thu âm rất lâu. Cái khác biệt là Vũ Thắng Lợi hát không luyến láy như Trần Thu Hà. Tuy nhiên cái version của anh nó có vẻ thành thật. Anh trình bài hai ca khúc của Phú Quang, “Em ơi Hà Nội phố” và “Hà Nội ngày trở về”, cũng mộc mạc và cảm tình. Hà Nội riêng tôi đáng được thưởng thúc trọn vẹn.

Thù hận

Sau khi gửi lá thư cuối cùng, tôi nhận được sự hồi âm. Thì ra người chị cả đã thù tôi suốt bốn năm qua. Nguyên nhân thì tôi không biết và giờ đây thì cũng không cần phải biết.

Mất đi một người chị lớn đúng là chuyện đáng buồn nhưng đó không phải là sự chọn lựa của tôi. Tôi đã cố gắng bốn năm rồi. Một con người mà ngay cả mẹ ruột khuất bóng mà vẫn căm thù, thì tôi cũng không cần gì phải buồn bã. Loài thú còn biết công ơn cha mẹ huống chi loài người nên tôi không bận tâm những người không bằng loài thú.

Kể từ hôm nay, tôi không còn đắn đo suy nghĩ gì nữa. Có những mối quan hệ nên chấm dứt cho dù máu mủ. Tôi sẽ không để những kẻ không đáng quan tâm khiến tôi suy sụp. Thù tôi, tôi khuyến khích thù tiếp. Tôi xin hứa rằng tôi sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc trên sự hận thù của chị.

Lá thư cuối cùng

Chị Hương,

Mẹ mình ra đi đã 4 năm rồi. Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ đều vắng mặt chị. Giỗ thứ nhất, em gọi điện thoại và nhắn tin chị, chị không trả lời và cũng không đến thắp một nén hương cho mẹ hay viếng thăm mộ mẹ. Em rất buồn. Giỗ thứ nhì, em gọi chị nhưng số đã bị chặn. Em nhắn tin cũng không thấy trả lời. Em thất vọng vì chỉ một ngày để tưởng nhớ mẹ mà chị cũng không tới. Đến giỗ thứ ba thì em không buồn và không thất vọng nữa cho dù em đã nhắn tin và chị không hồi âm.

Đến giỗ thứ tư năm nay, em hoàn toàn không còn hy vọng nhưng vẫn nhắn tin đến chị. Kết quả vẫn thế. Chị vẫn không trả lời và vẫn không đến để tưởng niệm người mẹ đã mang nặng đẻ đau và đã có công nuôi nấng chị em mình nên người. Với người mẹ ruột đã nằm xuống mà chị còn tuyệt tình đến thế, thì đối với thằng em cùng mẹ khác cha này có tình nghĩa gì. Dĩ nhiên là em nhận thức được điều đó, nhưng em vẫn muốn hàn gắn lại tình chị em. Em luôn mang ơn chị đã bảo lãnh em qua mảnh đất tự do và đầy cơ hội này.

Tuy nhiên, em tôn trọng sự quyết định của chị. Chị không nhìn nhận thằng em này thì em đành phải chấp nhận. Đây là lá thư cuối cùng em gửi đến chị. Từ đây về sau, em sẽ không liên lạc hay làm phiền đến chị nữa.

Giỗ thứ tư của Mẹ

Hôm nay giỗ mẹ, gia đình tụi con về Lancaster cúng giỗ, viếng thăm mộ mẹ, và cùng dùng buổi cơm trưa với bà con mình. Gần đây con ít viết về mẹ nhưng lúc nào trong con cũng nhớ đến mẹ.

Thời gian trôi qua đã giúp con xoa dịu nỗi đau đớn về sự ra đi của mẹ. Đời người rồi cũng phải đến lúc ra đi không tránh được. Con cũng phải chấp nhận để sống thoải mái một chút và không lo sợ gì cái chết sẽ đến.

Cám ơn mẹ luôn phù hộ con mỗi khi con cầu cứu đến mẹ. Phép ẩn của mẹ luôn giúp con và gia đình tai qua nạn khỏi. Mẹ an nghỉ nhé.

Khánh Phương: LoFi Chill

Lâu rồi không nghe Khánh Phương hát nhưng tôi luôn ấn tượng chất giọng khàn và truyền cảm của anh. Đặc điểm là cái thô trong cách hát của anh. Hôm nay nghe lại các bài hits của anh như “Chiếc khăn gió ấm” (Nguyễn Văn Chung) và “Nỗi đau vô bờ” nhưng được hòa âm theo LoFi nên rất chill. Đêm khuya mùa đông lái xe trên đường phủ tuyết được nghe lại giọng hát của Khánh Phương như được sưởi ấm trong lòng.

Nguyễn Ngọc Thạch: Đời Callboy

Quân là một cậu bé mới lớn ở miền quê. Vì nhà nghèo nên cậu bỏ học lên Sài Gòn kiếm sống phụ giúp gia đình. Không may, cậu bị lừa gạt và gài bẫy trở thành một Callboy. Thú thật lúc nhìn bìa sách, tôi không rõ từ Callboy cho đến khi đã đọc mấy chương đầu. Callboy nghĩa là Trai Gọi cho sang còn thấp hèn thì gọi là Đĩ Đực. Quyển tiểu thuyết về đồng giới khá nhạy cảm. Nguyễn Ngọc Thạch không một chút ngại ngùng gì khi mô tả những cảnh làm tình giữa đàn ông với đàn ông. Đời Callboy đầy bi đát và cái kết đầy bi thảm. Dĩ nhiên văn của Nguyễn Ngọc Thạch thì rất là lôi cuốn nhưng đây là một đề tài khá nặng ký. Bạn đã được cảnh báo.

Binz: Keep cầm ca

Let’s face it. Binz không phải là rapper. Binz là một entertainer với phong cách sáng tạo. Với EP mới nhất, Keep cầm ca, Bin kết hợp hip-hop với bolero một cách rất nghệ thuật. Hát không phải là sở trường, nhưng Bin biết ca làm sao để vào tai người nghe mà không bị chói. Chẳng hạn như “Hồn lỡ sa vào” lấy cảm hứng từ “Về đâu mái tóc người thương” của nhạc sĩ Hoài Linh, Bin hát vừa đủ cảm xúc với con upbeat đúng hip-hop của Triple D.

Còn flow thì Bin càng lúc càng deliver nhuần nhuyễn hơn, “Bạn em là single mommy / Be a strong woman [is] never easy / Em vẫn lao vô những thứ khiến mình buồn / Đèn và bass cho môi em buốt tê / Và cơn say không khiến em feel less empty”. Đó là một reinterpretation về một baby girl dựa theo “Đêm vũ trường” của các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, và Anh Bằng.

Còn chuyện của chính Bin thì sao? Qua “Duyên kiếp cầm ca”, Bin mượn lời “Tình đời” của nhạc sĩ Minh Kỳ để chứng minh Bin bây giờ không còn là một tay rapper underground nữa. Tuy ở đỉnh cao của danh vọng, Bin vẫn cô đơn sau những camera flashes. Verse hai của Bin rất cảm động: “Chìm trong âm thanh ta reo la, tung hô, giữa biển người tìm mua vui / Phục trang lung linh nhưng sao anh feel thấp hèn đời bạc như vôi”.

EP này chỉ trọn vẹn năm bài và đều hit cả. Tuy ngắn nhưng còn đỡ hơn đem vào những fillers cho đủ một album. Thôi thì có còn hơn không. Có còn hơn không.

Phương Phương Thảo: Khoảnh khắc (Vol.4)

Mùa đông lại về. Buổi chiều khi ánh nắng lặng thì thời tiết cũng se lạnh. Cần tìm một chút âm nhạc nhẹ nhàng để sưởi ấm lòng. Khoảnh khắc, volume 4 của Phương Phương Thảo làm được điều đó. Từ “Nỗi nhớ dịu êm” (Bảo Chấn) với phần hoà âm êm dịu, đến “Lối cũ ta về” (Thanh Tùng) với giai điệu blues nồng nàn, đến “Phố mùa đông” (Bảo Chấn) lắng đọng, giọng hát truyền cảm của Phương Phương Thảo sưởi ấm tâm hồn người nghe từ lời hát. Những ca khúc cô cover quá quen thuộc nhưng cách hòa âm phối khí khiến cho người nghe được những phút giây ấm cúng.

Tùng Dương: Multiverse

Lâu rồi không nghe Tùng Dương hát. Trong làng ca nhạc Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại, hiếm có được một ca sĩ luôn thay đổi và làm mới như Tùng Dương. Từ album đầu tay Chạy Trốn, Tùng Dương đã thành công trong việc đem jazz và blues vào ca khúc Việt. Với Những ô màu khối lập phương, Tùng Dương biến hóa từ màu sắc trong âm nhạc lẫn trang phục trên sân khấu.

Thời gian Tùng Dương covers lại những bài tình ca xưa tôi không còn theo giỏi nữa. Năm nay phát hành Multiverse, Tùng Dương cũng đã thay đổi nhiều. Tùng Dương không còn gào thét như ma quái nữa. Hơn nữa Tùng Dương đã già dặn đi nhiều. Bằng chứng là ca khúc “Già” của nhạc sĩ trẻ Antoine Lai, Tùng Dương hát lên tâm trạng của tôi, “Nằm chưa được lâu, gần sáng đau nhức khắp người / Ai bán thời gian, cho xin được giá, mua nhiều ngày mới”. Tuy nhiên phần hòa âm cũng rất mạnh mẽ. Càng già càng xung.

Một ca khúc nữa của Antoine Lai, “Đàn ông không cần khóc”, cũng khá ấn tượng với lời ca như, “Đàn ông ngại khóc sợ khi khóc ra rồi sẽ không nguôi / Đừng buồn tôi ơi / Đàn ông biết khóc là đàn ông biết yêu cuộc đời”. Tùng Dương hát rất cảm xúc với bài phối semi-classical.

“Phản chiếu” là ca khúc do chính Tùng Dương sáng tác với ca từ quái lạ: “Tự đầu độc chính mình / Hủy diệt từng tế bào / Vùng vẫy tiềm thức / Thành muôn trùng khát khao”. Phần orchestration tối đẹp hợp với các hát truyền cảm của tác giả.

Multiverse là một album mới từ nội dung với giai điệu nhưng không quá khó nghe.

Hồng Nhung: Đài phát thanh công cộng

Album đầu tay của Hồng Nhung, Đoản khúc thu Hà Nội phát hành vào năm 1997, với những ca khúc sâu lắng về Hà Nội. Chẳng hạn như “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp, Hồng Nhung hát với những hoài niệm, “Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội / Hà Nội của ta, Thủ Đô yêu dấu / Một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Sau 27 năm, cô hát về Hà Nội qua những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng, trong album Đài phát thanh công cộng, với tâm trạng tươi vui và lãng mạn. Với “Đọc báo công cộng”, cô hát hồn nhiên trong nhịp điệu bossa nova như đang tung tăng trên đất Hà Nội: “Đã qua, mùa đông lạnh tê người từng lối đi / Hàng cây lại rung động vì nắng xuân / Rực rỡ cùng hoa cỏ và lá non”.

Từ con beat dập dìu trong “Gốc Hà Nội” đến giai điệu r&b dồn dập trong “Cà phê Hà Nội” đến một chút funk trong “Phố cổ”, Hồng Nhung, Nguyễn Duy Hùng và nhạc sĩ hoà âm đã đem lại một không khí mới và tươi trẻ về Hà Nội.