Văn hoá Việt

Thảo Thảo viết trên Facebook:

combination giữa yếu tố văn hoá (thi ca, văn học, âm nhạc…) và font/typo + graphic. trang web xịn quá ạ

Rất vui thấy được có người hiểu được dụng ý của tôi về những dự án trong mục typographic samples. Những đề tài trong đó không đơn giản là kiểu mẫu nữa, mà đã trở những gì tôi muốn thu tập cho chính mình và cho những người đọc để chúng ta hiểu thêm về văn hoá Việt Nam.

Quê hương yêu dấu

“Đến bao giờ trở về Việt Nam / thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang”, lần đầu tiên nghe nhạc phẩm “Đường về quê hương” của cố nhạc sĩ Lam Phương ở xứ lạ quê người tôi rơi nước mắt. Sau 30 năm, giờ tự hát vẫn nghẹn ngào nhớ quê hương.

Quốc Bảo – Phạm Hoài Nam: Những khúc hát với Nam

Giọng Phạm Hoài Nam nghe cũng tạm được. Thế mà anh hát những ca khúc của nhạc sĩ Quốc Bảo rất tốt. Trong 10 bài, hết 9 bài được hòa âm theo pop ballad. “Bài ca đôi” mở đầu Những khúc hát với Nam với hai câu cuối rất thấm thía, “Bài ca chắc không xong lời / vì ta vẫn chưa thành đôi”. Riêng chỉ có bài “Pha lê đã vỡ” được phối theo giai điệu blues ngất ngây với ca từ đau đớn, “Tàn theo bóng tối / tình yêu đã đức đôi / Dù cay khóe mắt / Mình tôi trúc / Mình tôi uống / Đắng rất đắng”. Tuy “Pha lê đã vỡ” là ca khúc tôi thích nhất trong album, những ca khúc khác cũng có những nét riêng. Lời nhạc của Quốc Bảo cắt ngay vào tim.

Vũ Trọng Phụng: Làm đĩ

Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tiến bước trước cái thời của ông. Làm đĩ ông viết vào năm 1936 bây giờ đọc vẫn mang tính cách hiện đại. Tôi đọc về sự dâm dục trong sách tiếng Anh cũng khá nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc một quyển tiểu thuyết tiếng Việt viết về cái dâm một cách tự nhiên, hồn nhiên, và thản nhiên. Cái dâm là bản tính trời cho. Dâm không có xấu xa. Chỉ có đạo đức giả mới xấu xa. Làm đĩ chứng tỏ tác giả có cái nhìn cặn kẽ về cái dâm. Ông hiểu thấu được cái dâm. Ông đồng cảm với cái dâm. Ông ca tụng cái dâm. Ông giải tỏa cái dâm để tô điểm cuộc đời. Qua những lời văn chân thật, ông cho phép người đọc muốn dâm cứ dâm. Đừng e ngại và cũng chẳng có gì phải hổ thẹn.

Lê Hiếu: Tình khúc cho em

Lê Hiếu có một giọng hát lãng mạn. Anh hát không lôi cuốn tôi bằng anh phát âm. Khi nghe anh ca, tôi chủ chú ý đến cách anh nhả chữ. Cách anh hát thì chỉ có một kiểu. Tuy Tình khúc cho em của Lê Hiếu đã phát hành bốn năm rồi nhưng tôi chỉ mới nghe qua trên Spotify. Anh hát “Về đây em” và “Con đường màu xanh” của Trịnh Nam Sơn nhẹ nhàng nhưng nồng nàn. Bài phối của “Và tôi cũng yêu em” (Đức Huy) không được hay cho lắm. Phải chi chậm lại thì thích hợp với giọng hát hơi lười của Lê Hiếu hơn. Cả album phần hòa âm và phối khí cũng chỉ tạm thôi.

Buông lơi

Tôi không biết lội nhưng vẫn bơi luôn. Tôi buông lơi những âu lo. Tôi buông lơi những đắn đo. Tôi buông lơi những phiền não. Tôi buông lơi những tham vọng. Tôi buông lơi hết những gì ngoài tầm tay.

Tôi yêu nghề thiết kế lắm. Nhưng sau hai mươi mấy năm trong nghề, tôi nhận thức rằng tôi yêu công việc nhưng công việc chưa từng yêu lại tôi. Công việc có thể bỏ tôi đi bất cứ lúc nào. Vài năm gần đây tôi chỉ nương tựa công việc để nuôi sống gia đình. Tôi vẫn nuôi dưỡng đam mê thiết kế của mình bằng những sáng tạo tự do không kiếm ra tiền.

Nhắc đến tiền, tôi cũng yêu tiền lắm nhưng tiền chẳng bao giờ yêu lại tôi. Tôi dồn hết công sức để đem tiền về với mình nhưng tiền lúc nào cũng bỏ tôi đi. Tiền âm thầm ra đi (trong credit cards) không một lời từ giả. Giờ đây tôi cũng buông lơi tiền. Tiền yêu đến tôi không mong đợi gì. Tiền yêu đi tôi không hề hối tiếc. Cho nên tôi chẳng bao giờ xem túi tiền mình còn bao nhiêu. Cần thì xài, đừng phung phí là được rồi.

Trong tình người, tôi cũng buông lơi những mối quan hệ không thể níu kéo lại được nữa. Dù anh chị em một nhà hay họ hàng hay bè bạn, có quan tâm nhau thì vui vẻ qua lại. Còn không quan tâm nhau thì cũng không quan trọng. Tôi luôn trân trọng và quý mến những người quan tâm đến mình, nhất là những ai rộng lượng bỏ qua được những mâu thuẫn hoặc những sai lầm của tôi. Dĩ nhiên những người không quan tâm đến mình hay vẫn hẹp hòi thì cũng không cần phải miễn cưỡng hay bận tâm.

Nỗi sai lầm lớn nhất của tôi ngày xưa là quá xem trọng tình nghĩa nên có những lúc không kiềm chế được cảm xúc của mình. Giờ đây tôi đã kiểm soát được xúc động của mình. Không quá kỳ vọng khi một ai thân thiện với mình. Không thất vọng khi một ai đối xử tệ với mình. Quang trọng là đừng đem đến căng thẳng và phiền muộn cho nhau.

Càng già, càng trải nghiệm, tôi nhận thức được sự quan trọng khi ta buông lơi. Đừng gánh nặng những gì hại đến sức khỏe. Trong cuộc sống hiện tại có quá nhiều thứ đưa chúng ta đến trầm cảm. Ngoài những môn thể thao trượt tuyết để rèn luyện sức khỏe, buông lơi là cách giúp tôi phục hồi tinh thần và vượt qua những khó khăn trong đời sống.

Hiền Lê: Vĩ cầm ca

Khác với những album trước tôi đã nghe, Vĩ cầm ca không theo phong cách acoustic. “Tình ca phố” (Quốc Bảo) được phối khí theo electronic đương đại. “Lối cũ ta về” (Thanh Tùng) được dàn dựng theo orchestra. “Chưa bao giờ” (Việt Anh) được hòa âm theo pop ballad. “Chuyện tình thảo nguyên” (Trần Tiến) thì hơi upbeat một chút. Tóm lại là những ca khúc Hiền Lê trình bài rất tốt, nhất là “Lối cũ ta về”. Tuy nhiên album không được cái concept cụ thể từ đầu đến cuối nên phần trải nghiệm hơi bị xáo trộn.

Hiền Lê: Gió heo may

Thêm một album thu âm acoustic của Hiền Lê. Trong đây cô thu các ca khúc nhạc Việt lãng mạn của nhiều tác giả như “Phố mùa đông” của Bảo Chấn, “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên, và “Nhìn những mùa thu đi” của Trịnh Công Sơn. Cô vẫn hát với tiếng đàn guitar và violin. Riêng “Nỗi nhớ mùa đông” của Phú Quang và “Chia tay hoàng hôn” của Thuận Yến được đệm với đàn piano và violin. Một sản phẩm đơn giản, gần gũi, và đầy cảm xúc.

Hiền Lê: Em vẫn như ngày xưa

Gần đây tôi thích nghe những album acoustic của Hiền Lê và đặc biệt là album này cô trình bày những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến. Cả bảy ca khúc điều đạt cả nhất là “Ngẫu hứng phố” và “Quê nhà” với hai nhạc cụ guitar và saxophone. Đây là một album mộc mạc, nhẹ nhàng, cảm tình, và rất Hà Nội. “Hôm nay ta buồn lắm đấy, hôm nay ta cô đơn làm sao”, hôm nay ta sẽ nghe lại album này.

Hiền Lê: Tình

Hiền Lê trình bài nhạc Trịnh với phong cách acoustic qua nhạc cụ guitar, violin, và flute. Thấm thía nhất là “Mưa hồng” với những cú móc đàn violin nhẹ nhàng như những hạt mưa rơi tí tách và phần kéo solo đầy cảm xúc. Ngược lại “Ngẫu nhiên” thì tươi vui hơn và nhanh hơn một tí. Tiếng sáo cộng thêm phần nhộn nhịp của thiên nhiên. Chỉ đáng tiếc là liên khúc “Tình nhớ” với “Tình xa” và liên khúc “Ru ta ngậm ngùi” với “Ru đời đi nhé”. Bài này xen lẫn bài nọ nghe lãng xẹt.