Saigon Soul Revival: Mối lương duyên

Đúng với thương hiệu của nhóm, Saigon Soul Revival đem lại âm hưởng soul và giai điệu rock của thập niên 60 và 70 ở Sài Gòn. Tuy SSR viết nhạc riêng cho nhóm nhưng những ca khúc mới lại nghe rất quen tai.

“Đám cưới nhà em” qua nhịp điệu cha cha cha pha tí reggae tươi vui làm người nghe tưởng nhớ đến cặp Hùng Cường và Mai Lệ Huyền. Giọng ca của Nguyễn Anh Minh có chiều sâu, có hồn, và có chút hài hước khi cô hát, “Ơ, thì ra là nàng đang khóc / Chú rể đầu bạc hết tóc / Sao xứng với tầm sắc vóc / Ôi, mẹ cha em vì đã lỡ / Mắc nợ mà không mắc cỡ / Gả em cho chồng lớ ngớ”.

Nếu chỉ nghe 8 ca khúc original của nhóm cũng đã sướng rồi. Thế những nhóm còn cover lại những ca khúc thời đó như “Thôi” (Y Vân và Nguyễn Long) với tiếng kèn trumpet đi kèm da diết với tiếng hát của Nguyễn Anh Minh.

Hãy lắng nghe Mối lương duyên để hồi sinh lại tâm hồn trong cái nóng bức của mùa hè.

Hai đêm nhạc ở Canada

Mỗi lần gặp gỡ anh Trần Viết Tân là mỗi niềm vui. Lần này anh em hội ngộ ở Canada để xem hai buổi nhạc anh và mấy người bạn tổ chức tại Ottawa và Montréal.

Trưa thứ bảy vừa rồi tôi lái xe từ Montréal qua Ottawa và anh hẹn gặp tôi ở quán ăn Nhật. Khi tôi bước vào thì mọi người đang nướng BBQ trên bàn ăn. Trừ anh Tân thì tôi chỉ quen hai người trong số chín người. Thấy còn một chỗ trống kế một cô gái trẻ và xinh xắn, tôi ngồi xuống.

Cô gấp cho tôi vài miếng thịt nướng. Tôi cảm ơn và hỏi, “Em là bạn anh Tân hả”? Cô chưa kịp trả lời thì một người anh tôi quen đáp, “Đây là ca sĩ”. Tôi đùa, “Hèn chi thấy em xinh xinh”. Tôi mở phone lên để xem lại cái poster anh Tân gửi tôi mấy tháng trước. Tên cô có hai chữ đầu giống mẹ tôi: Ngọc Anh Vi.

Thú thật tôi chưa từng nghe qua cô vì đã khá lâu tôi không theo dõi sinh hoạt của Trung tâm Asia. Sau giờ ăn trưa, tôi cùng anh Tân về nhà anh chuẩn bị đến nhà hàng để setup ban nhạc cũng như bàn ghế khán giả. Tôi chỉ giúp đỡ những công việc lặt vặt như sắp xếp số bàn và đi mua bia rượu.

Lúc tôi trở lại nhà hàng thì chương trình đã bắt đầu. Cô Đào Nguyên đang hát ca khúc “It’s Now or Never”. Tuy chưa gặp cô bao giờ, tôi đã có dịp xem cô hát trong Facebook mỗi khi anh Tân live stream. Cô có chất giọng khàn giữa Lệ Quyên và Hồ Ngọc Hà. Cô hát live khỏe và tốt những ca khúc như “Tình lỡ” (Thanh Bình) và “Dancing All Night”. Tôi ước được nghe cô hát nhạc thính phòng theo phong cách acoustic.

Sau khi hát xong, anh Báo Quý chào tôi và cho tôi biết anh thường theo dõi Visualgui.com. Thật là một niềm vui được gặp một đọc giả. Sau đó chúng tôi cùng thưởng thức giọng hát trẻ trung và sống động của Ngọc Anh Vi. Cô hát liên khúc twist và cùng lắc lư với khán giả. Cô hát một hai ca khúc remix cùng với DJ Zyn-Q để chuyển sang nhạc club. DJ Zyn-Q chơi nhạc dance cho đến 12 giờ khuya. Mọi người vui vẻ và phấn khởi chào nhau ra về. Một đêm nhạc đã thành công trong việc đem lại những giây phút thoải mái cho mọi người tham dự.

Một giờ sáng tôi và anh Tân kéo đến nhà người bạn ăn lẩu đến gần hai giờ rưỡi sáng tôi mới đi ngủ. Gần trưa hôm sau anh Tân đưa tôi và Vi đi tham quan vùng Ottawa. Chúng tôi đến Tavern on the Falls uống cocktail và chuyện trò. Ba anh em rất hợp gu. Cả ba đều thích nhạc và nhậu. Vi dễ thương, bình dân, và dễ hòa đồng. Chúng tôi xem Vi như người bạn và người em. Trò chuyện mới biết Vi cũng rất đam mê snowboarding.

Buổi trưa chúng tôi kéo nhau qua Montréal để làm show thứ hai. Sàn chơi là một tiệm phở nhỏ chứa được khoảng 100 người. Đêm đó nhạc và ca sĩ cũng sống động không kém gì hơn ngày hôm qua. Khác là chương trình kéo dài đến 2 giờ sáng. Một lần nữa, DJ Zyn-Q đốt cháy sàn nhảy cho đến phút cuối.

Hai ngày ở Canada không thiếu gì ngoài thiếu ngủ. Tôi hân hạnh được biết thêm một số bạn bè và người thân của anh Tân. Mọi người ai cũng quý mến anh nên đã đón tiếp tôi ân cần. Tôi cảm kích ân tình của mọi người. Riêng anh Tân thì mười mấy năm qua vẫn vậy. Tuy hai anh em ở hai đất nước khác nhau nhưng mỗi lần gặp gỡ vẫn gần gũi, thân thiện, và thoải mái. Vui là chính.

Hồ Biểu Chánh: Lòng dạ đàn bà

Thấy tôi đọc Vũ Trọng Phụng, mấy anh bạn già giới thiệu Hồ Biểu Chánh. Lòng dạ đàn bà là quyển tiểu thuyết đầu tiên của nhà văn họ Hồ tôi vừa đọc xong. Chỉ ba chương gồm 36 trang nên đọc rất nhanh. Nội dung về ông Hội đồng mê gái lấy bà nhỏ bỏ bê vợ con. Ngắn gọn, hết.

Vũ Trọng Phụng: Dứt tình

Tiểu thuyết tình cảm của Vũ Trọng Phụng về mối tình ba trai một gái. Cả ba chàng điều yêu nàng đắm đuối. Nàng thì chỉ yêu anh nhà nghèo nhưng bị ba mẹ ép buộc lấy chồng nhà giàu. Truyện ngắn, đơn giản, không bi lụy. Bài học từ sách là lòng kiêu ngạo hại cả một đời người. Tốt hơn hết là yêu thì cứ yêu đừng kiêu ngạo.

Lil Wuyn: An

Tôi ít khi nghe Việt rap. Có nghe cũng chỉ nghe những bài single trên YouTube. Mấy hôm nay được nghe trọn vẹn một album Việt rap của Lil Wuyn. Tôi chưa từng nghe qua Lil Wuyn nên đây là lần đầu đến với An qua một quan điểm tươi mới (fresh). Bài hát tựa đề gây ấn tượng ngay từ flow đến production đến lyrics. Chỉ với tiếng đàn acoustic guitar đơn giản cũng đủ để Lil Wuyn trải lòng của mình về đời sống:

Hành trình không phải là hành hình
Thành hình, thành tài, và là mình
Rèn luyện, cần cù, và tiết kiệm
Càng lớn càng phải có trách nhiệm
Với gia đình, âm nhạc quanh mình.

Cá nhân tôi thích Lil Wuyn raps về tiếng Việt:

Tiếng Việt phong phú
Nghe một hồi lú lúc nào không hay
Có khi líu lưỡi, có khi thật khó
Để phát ra thành âm hay.

Lil Wuyn đem khá nhiêu punchlines vào những verse của mình. “Mở mắt” với Đen, chẳng hạn, Lil Wuyn raps, “Ta cứ chấp thuận những lời phê phán / Vì đến một ngày họ cũng sẽ chê… chán”. Không những chỉ Đen mà còn có sự hiện diện của đàn anh như Young H và Rhymastic trong album của Lil Wuyn.

Với một concept chặt chẽ từ đầu đến cuối, An là một album đầy hứa hẹn cho tương lai. Một album rap Việt có chất thơ và lời động lực mà không cần văng tục. Như Lil Wuyn bài tỏ trong “More Life”: “Tao chọn âm thầm và làm nên chuyện / Chứ không tuyên bố rằng mình sẽ làm nên chuyện”. Keep pushing it, lil bro!

Vũ Trọng Phụng: Lục xì

“Lục xì” là cách người Hoa Việt phát âm hai từ tiếng Anh “look, see”. Nhà Lục xì là cơ quan y tế chuyên chữa bệnh hoa liễu cho phụ nữ làm đĩ. Ở Hà Nội vào thiệp niên 30, thống kê hơn 5000 đỉ lậu — “nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống bằng sự gieo rắc vi trùng hoa liễu”, theo phóng viên Vũ Trọng Phụng. Khác với tiểu thuyết Làm đĩ của ông, Lục xì là phóng sự về nạn mại dâm và nạn hoa liễu. Đọc không văn vẻ và hấp dẫn như tiểu thuyết nhưng hữu ích.

Lễ Cha

Tưởng nhớ đến người đã tạo ra tôi. Lòng này luôn nhớ đến ông. Yên nghỉ Ba nhé.

Lều Phương Anh: Tình ca Lều (vol2)

Giọt hát của Lều Phương Anh ấm áp và truyền cảm thích hợp với giai điệu blues jazz. Cô covers “Niệm khúc cuối” (Ngô Thụy Miên) rất lả lướt, nhất là tiếng đàn dương cầm, qua phần hòa âm bossa nova. “Bao giờ biết tương tư” (Phạm Duy) được phối theo dàn sang trọng và dây êm dịu. Rất phê với giai điệu Latin cho ca khúc “Sang ngang” (Đỗ Lễ). Hơn đáng tiếc là phần saxo solo hơi bị ngắn. Tuy nhiên, đây là một album tình khúc Việt theo phong cách acoustic jazz đáng thưởng thức về đêm.

Tuyết Phượng: Tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn

Đêm nay lần đầu tiên thưởng thức nhạc Trịnh qua đôi cha đàn con hát. Tuyết Phượng có giọng hát trong như suối và thanh như chim hót. Với tuổi đời của cô, không biết cô có hiểu ca từ trong nhạc Trịnh hay không nhưng cô hát có tâm hồn và có cảm xúc. Cô phát âm rõ và nhả chữ nhẹ nhàng. Tôi đang lắng nghe 3 Tuyển tập nhạc Trịnh Công Sơn của Tuyết Phượng với tiếng đàn acoustic guitar mộc mạc của thân phụ cô. Nhạc Trịnh vẫn mãi tồn tại từ thế hệ này đến thế tới.

Dấu chân địa đàng: Live Latin Jazz Trio & Quartet

Tình cờ tìm được album này trong Spotify. Bài đầu, “Dấu chân địa đàng” (Trịnh Công Sơn), được hòa âm phối khí theo bossa nova với band trio (piano, drum, và bass) thật hấp dẫn, nhất là phần solos của piano và bass.

“Nỗi lòng” (Nguyễn Văn Khánh) được chơi theo giai điệu blues qua phần trình diễn quartet. Kèn saxophone chơi phần melody thật nồng nàng không thua gì tiếng hát một ca sĩ. Phần saxophone improvisation thì tuyệt diệu.

“Mưa hồng” (Trịnh Công Sơn) là bài người viết này ưa thích nhất (personal favorite). Tuy không lời nhưng vẫn có thể nhận ra được câu, “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, qua tiếng đàn dương cầm. Tuy nhiên, 10 bài thu âm live, chỉ cần một chai vang là đủ phê pha từ đầu đến cuối.

Một điều thiếu xót là không tìm ra được thông tin gì về những nhạc sĩ đóng góp trong album. Thấy cover có nhãn hiệu Diễm Xưa nhưng không có back cover. Spotify cần phải làm tốt hơn về phần credits. Tuy Spotify để album này phát hành năm 1999 nhưng không biết có chính xác hay không. Bạn đọc nào có original album này thì gửi info cho mình biết nhé.