Vợ tôi bước vào 50

Tuổi 50 em đang chín muồi (chưa rụng rơi). Trong đôi mắt anh, em vẫn như lần đầu mình gặp nhau. Trong đôi tai anh, em chỉ hơi cộc cằn hơn xưa. Hơn 16 năm thành vợ thành chồng, chỉ thay đổi tí xíu là hạnh phúc rồi.

Trong suốt mười mấy năm qua, em đã tập trung cho gia đình, nhất là con cái. Đến lúc em nên dành thời gian cho chính mình. Chuyến đi du lịch Pháp gần đây, em vắng nhà, mấy cha con anh vẫn sống sót. Em đừng lo lắng gì nhiều. Anh mong em có những giây phút riêng tư để thư giãn tâm hồn lẫn tinh thần vì em là nền tảng của gia đình mình và là nơi nương tựa của anh.

Đời anh mà thiếu em như cây thiếu nước, nhà thiếu nóc, hủ tiếu thiếu nước lèo, bánh bèo thiếu nước mắm, thịt bò nhúng giấm thiếu mắm nêm. Đùa tí cho vui thôi chứ bây giờ anh bị gout bỏ mẹ thịt bò rồi.

Chúc em bước sang tuổi 50 nhiều sức khỏe để lo lắng cho mẹ già, chồng trẻ, và đàn con thơ.

Ngọc Khuê: Dân gian đương đại (vol. 1)

Lâu rồi không nghe tiếng hát Ngọc Khuê và cũng không theo dõi sinh hoạt trong nghệ thuật của cô. Ngọc Khuê là một trong những ca sĩ trẻ khai phá đường lối dân gian đương với Bên bờ ao nhà mình cùng với nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Mới đó mà đã gần 20 năm rồi.

Mấy hôm nay tình cờ tìm được Dân gian đương đại (vol. 1) của Ngọc Khuê trên Spotify. Theo Spotify thì album này được phát hành vào năm 2008. Không biết có chính xác hay không vì tin tức trên Spotify lộn xộn lắm. Trong album này Ngọc Khuê cover lại “Ngày xưa Hoàng Thị” và “Đưa em tìm động hoa vàng” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Dĩ nhiên Ngọc Khuê luôn đưa vào phong cách khác lạ của mình vào ca khúc cũ. “Một thoáng Hồ Tây” của Phó Đức Phương đúng với sở trường của cô từ lời ngâm qua âm hưởng dân gian với phần nhịp điệu đương đại.

Tuy nhiên ca khúc khiến tôi khá ngạc nhiên là “Tình hoài hương” của Phạm Duy. Khác với phong cách yểu điệu thục nữ của cô, Ngọc Khuê hát “Tình hoài hương” với cảm xúc chín muồi và sự trải nghiệm chín chắn. Cô xử lý những câu thấp rất khéo léo như “Quê hương ơi, tóc sương mẹ già yêu dấu / Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu / Cánh tay êm tựa mái đầu / Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc màu.” Từng chữ, từng câu, và từng hơi thở, cô hát với tất cả tình hoài hương.

Thương Linh: Bay và…

Tiếng hát Thương Linh không được ghi nhận xứng đáng (underappreciated). Dường như cô cũng chẳng để ý gì đến tiếng tâm. Thương Linh chỉ đưa hết tâm hồn mình vào bài hát nên cô chuyên chở dòng nhạc jazz và blues rất tự nhiên.

Chẳng hạn như qua album Bay và…, Thương Linh đu đưa vòng quanh điệu swing một cách dễ dàng trong ca khúc “Tôi bắt đầu bay”. Với “Saigon Blues”, cô đắm chìm trong “thành phố yêu ma” với giai điệu xanh nồng nàn. Tuy nhiên, ca khúc gây ấn tượng nhất trong album là “Mắt người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng) qua phần trình bày xuất thần của Thương Linh và phần nhạc classical-jazz sởn gai ốc. Không rõ người nhạc sĩ nào đã phổ bài thơ này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe Thương Linh hát theo lời thơ của Quang Dũng, chứ không phải bài trường ca quen thuộc được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ.

Với “Make Me Your Guitar”, Thương Linh hát tiếng Anh rõ và phát âm chuẩn lời nhạc đầy tình dục: “Oh no! Oh please, stroke me softly, caress me tensely / Til my soul hums in your ears / Tear me down, turn me around, play me up / oh yes, oh yes, love me, love me, my love.” Cho dù thế, đây là một tiếng hát tôi quý trọng.

Nhớ vợ

Bà xã đi Pháp chơi mới đó mà 6 ngày rồi. Ngày mai sẽ trở về. Lấy ngày nghỉ Ở nhà với bốn thằng con mà còn bận rộn hơn ngồi trong văn phòng làm việc. Bù lại là thời gian trôi qua rất nhanh. Tuy nhiên, vẫn cảm thấy thiếu vợ và nhớ vợ.

Tình cảm vợ chồng cũng tốt. Con cái cũng lớn lớn rồi nên dành một chút thời gian riêng cho chính mình. Tôi rất ủng hộ việc vợ đi chơi xa để thư giãn. Vợ ít khi chịu đi đây đó, nhất là khi con còn nhỏ.

Tuy thương yêu con cái cũng phải lo lắng đến bản thân mình. Cha mẹ mà rơi vào tình trạng trầm cảm nữa thì ai lo lắng cho tụi nhỏ? Hy vọng rằng vợ có những giây phút nhẹ nhàng thoải mái trong tuần qua.

Dọn dẹp

Vợ đi Pháp chơi một tuần ăn mừng trước khi bước vào hằng năm. Cơ hội hiếm hoi để tôi dọn dẹp nhà cửa và cho bớt đi những gì không dùng.

Nhìn thấy đồ đạc ngổn ngang, tôi cũng ngán ngẩm. Không biết nên giữ lại gì, nên cho đi món gì, hoặc nên quăng đi món gì. Cuối cùng thì cũng không bỏ gì nhiều mà chỉ dọn dẹp lại cho gọn gàng.

Tuy chưa được theo ý muốn nhưng cũng được nhẹ nhõm và bớt căng thẳng hơn một chút. Sẳng trời mát không cần dùng máy lạnh, tôi mở cái unit trong nhà ra chùi máy móc lại một tí.

Đến chiều đưa tụi nhỏ ra công viên hứng gió và trượt rollerblade một tí. Một ngày như thế là đủ rồi

Giỗ thứ tư của Ba

Từ lúc con còn nhỏ cho đến lớn rồi lúc ba ra đi, cha con mình cũng luôn xa nhau. Mỗi người sống một biên giới khác nhau. Giờ đây cũng vậy, mọi người một thế giới khác biệt

Ngày xưa con hay trách móc cha không ở bên con. Giờ làm cha, con mới cảm nhận được cái khó khăn của cha mẹ. Con luôn lo lắng cho mấy đứa con đến nỗi đầu óc phát điên.

Con luôn bị rơi vào những giây phút phiền muộn vì con cái vì quá lo lắng cho tụi nó. Từ miếng ăn đến miếng học, từ tính tình tốt đẹp đến tính nết xấu, từ những trò lành mạnh đến những trò điện tử nghiện ngập, lúc nào cũng nhắc nhở chừng mực. Nhưng mà những điều đó khiến cho tụi nó càng ghét mình hơn.

Ngày xưa ít khi có ba bên cạnh, con cũng trải qua sóng gió trong cuộc sống. Con cũng muốn noi gương theo ba để tụi nó được tự do. Tụi nó muốn làm gì thì làm. Có lo lắng hoặc sợ sệt cũng không làm được gì, chỉ tự chút hết phiền muộn vào đầu óc mà thôi.

Dù được ba tin tưởng hay vì lý ba phải bỏ bê, con cũng đã trưởng thành. Hy vọng đám con của con cũng thế nếu như nó không cần sự quan tâm của người cha này.

Hôm nay ngày giỗ, con tưởng nhớ đến ba. Cõi tạm này có quá nhiều phiền phức. Đến lúc con hết nợ đời hy vọng mình sẽ đoàn tụ ở nơi khác. Con cũng hy vọng cha mẹ đã được gặp lại nhau.

Nguyên Hương: Thương nhau chung một mái nhà

Những bài văn ngắn. về con cái từ lúc mới chào đời đến lúc lớn khôn. Nguyên Hương chia sẻ những câu chuyện nhẹ nhàng không bi đát. Những bài học nên theo cho những ai mới bắt đầu làm cha mẹ. Với riêng cá nhân tôi đã có bốn con nên đọc không còn hứng thú vì mấy. Phần hai viết về tình yêu và phần ba viết về mẹ. Đọc cũng tạm tạm.

Lê Dương Thể Hạnh: Lặng thầm đưa khách sang sông

Qua những bài văn nhẹ nhàng cảm động, tác giả Lê Dương Thể Hạnh nhắc nhở chúng ta nói lên những công lao thầm lặng của bật thầy cô giáo đã dìu dắt chúng ta trên con đường học vấn. Từ mẫu giáo đến đại học, họ đã không ngại khó khăn và luôn nhẫn nại để dạy dỗ chúng ta tới nơi tới chốn như những lời thơ của Thể Hạnh:

Đời thầy vất vả nắng mưa
Tối lên bục giảng, sớm trưa ruộng đồng
Lặng thầm đưa khách sang sông
Trao em con chữ thắm nồng yêu thương
Vòng tay vững suốt chặng đường
Thầy nâng em bước vấn vương ân tình…

Cám ơn tác giả đã viết lên những gì chúng ta muốn nói với bật thầy.

Lê Tuấn Anh: Freelancer

Tôi muốn làm tự do hơn hai mươi năm rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Lý do là tôi không có đầu óc thương mại. Giờ đây đã lập gia đình và đã có con cái, việc làm tự do còn không thể được nữa. Nhưng bạn nào còn trẻ chưa có quá nhiều trách nhiệm nên thử công việc tự do. Trước tiên nên đọc sách Freelancer: Muốn tự do phải tự lo của Lê Tuấn Anh. Từ xây dựng portfolio đến phương pháp làm việc hiệu quả đến duy trì những mối quan hệ, tác giả chia sẽ những kinh nghiệm của mình để giúp bạn thành công trong công việc tự do.

Trần Nùng: Những ngày rất trong (đọc lại)

Cách đây bốn hay năm nằm trước, lúc tôi mới phát hiện sách tiếng Việt trong thư viện khu tôi ở, tôi đọc rất nhiều sách. Trong đó tôi nhớ nhất là quyển tùy bút mộc mạc, nhẹ nhàng, và đã đem lại cho tôi những ký ức về quê hương. Tôi không nhớ rõ tên sách và càng không nhớ tác giả. Tôi tìm lại trang blog mà cũng không thấy. Tôi trở lại thư viện tìm từng sách một nhưng vẫn biết phải Những ngày rất trong của Trần Nùng hay không. Tôi đọc lại thì thấy không phải. Tôi nhớ quyển sách đó tác giả đã diễn tả món ăn đồng quê rất hay, nhất là món cá kho. Giờ đây cũng không biết quyển sách đó ở đâu.