Lê Minh Ngọc: 10 năm yêu em

Lê Minh Ngọc có chất giọng baritone trầm đẹp. Chọn đúng ca khúc và hòa âm, LMG hát rất tốt. Như “Như giọt sầu rơi” (Anh Việt Thu), LMG trình bài chậm, nhẹ, và lãng mạn qua phần hòa âm ân cần của nhạc sĩ Sơn Trần. Với “Em về nào có hay” (Hoàng Trọng Thụy), LMG hát như đang tâm sự cảm xúc của chính mình từ đáy tim. Ngược lại với “Em đã xa tôi” (Trần Quang Lộc), LMG thiếu sự dịu dàng để lái nhịp điệu rumba. Dù song ca với Kim Yến ca khúc “Ngăn cách” (Y Vân), LMG cũng không thể uyển chuyển được nhịp điệu lả lơi của Mỹ Latin. Với “Mùa thu cho em” (Ngô Thụy Miên) thì đôi song ca rất tâm đầu ý hợp qua giai điệu blues jazz được nhạc sĩ Sơn Trần hoà âm phối khiến cho ta cảm nhận được “Tình yêu vương vương má hồng”. Tuy không hoàn hảo nhưng đây là một album gần gũi và ấm cúng.

Ngày Chủ nhật

Sáng nay lại dậy sớm đi đá banh. Tiếc rằng sân vận động đã có những nhóm khác chơi. Đành phải trở về nhà. Ngồi vào máy vi tính làm đơn hồi phục lại bằng lái xe. Mất hết gần một giờ để chuẩn bị giấy tờ cần thiết.

Đến trưa hai thằng lớn đi lo công việc cho hướng đạo. Còn hai đứa nhỏ đi skatepark với ba. Ba cha con trượt cũng gần một tiếng rồi đi ăn trưa. Lúc về đến nhà, tôi thấy một cành cây khô héo bị rơi. Cành này đã bị gãy mấy năm trước mà tôi không đủ sức để kéo nó xuống. Sẵn dịp, tôi bắc cây thang lên tỉa và cưa thêm những cành đâm vào nhà. Thấy tưởng ít mà lại khá nhiều.

Chiều qua nhà chị vợ ăn tối. Thế là hết ngày Chủ nhật. Ngày mai tụi nhỏ được nghỉ lễ. Vợ cũng được nghỉ. Chỉ có tôi phải làm.

Vũ Trọng Phụng: Số Đỏ

Trong bài viết cho The New York Times, Nguyễn Phan Quế Mai đề cập tới quyển tiểu thuyết Dumb Luck của Vũ Trọng Phụng. Tháng trước đứa cháu gái qua Việt Nam chơi và đã mua quyển sách này và cháu cho tôi mượn đọc. Sau khi đọc xong lời giới thiệu khá dài của Peter Zinoman, trong đó ông có nói về cách dịch sách sang tiếng Anh, tôi lại nghĩ tại sao phải đọc sách dịch mà không đọc sách nguyên bản của tác giả? Tôi tìm được quyển sách tiếng Việt trong thư viện ở khu tôi ở nên mượn ngay về đọc.

Phải công nhận rằng Vũ Trọng Phụng là một nhà văn đi trước thời của ông. Số Đỏ phát hành 87 năm trước mà nội dung chẳng những không bị cũ kỹ mà vẫn còn hấp dẫn. Giữa văn minh và lạc hậu, giữa giàu và nghèo, giữa trí thức và hạ lưu, giữa tình nghĩa và tình dục (giữa tuổi dậy thì và lúc sắp về già), ông viết rất thoáng. Chẳng hạn như đoạn ông viết về nhân vật cụ Hồng

Xưa kia, cụ là một ông Phán. Sau khi hưu trí, nghiệm rằng cụ đã giúp nước phò vua trong 30 năm tròn. Nhà nước bèn ân thưởng cho cụ cái Hồng lô hiếu khanh. Cụ đã là một người dân bảo hộ trung thành, một viên chức gương mẫu, một người cha nhân từ vì sợ sệt và vâng lời con cái như một người nô lệ. Cụ lại còn nghiện thuốc phiện nữa, điều ấy mới thật tỏ ra cụ hoàn toàn là người Việt Nam.

Tôi thưởng thức tác phẩm này của ông và sẽ tìm đọc những tác phẩm khác.

Cuộc đời chó má

Ta sống cho đến một ngày không còn thức dậy nữa. Những gì trên cõi tạm này cũng chỉ là hư vô, luôn cả tình người. Càng trưởng thành, càng va chạm trong cuộc sống, ta càng phải chấp nhận sự thật phũ phàng đó. Con người đối xử với nhau chỉ muốn thấy được những gì tốt đẹp chứ không muốn đối diện với những gì xấu xa.

Mấy mươi năm trong cuộc sống, tôi luôn ghi nhớ và làm theo câu tục ngữ, “Tốt khoe xấu che”. Những gì xấu cần phải giữ kính không nên tiết lộ để một ngày nào đó nó sẽ bùng nổ. Nếu như không thể đối diện được với sự xấu hổ của chính mình, nhẹ thì rơi vào tình trạng trầm cảm còn nặng thì tự kết liễu đời mình. Sống trong nhục nhã thà chết còn hơn.

Riêng cá nhân tôi thì những gì nhục nhã và xấu hổ điều đã trải qua. Những lời trách móc nặng nề và phũ phàng nhất từ những người tôi yêu quý nhất cũng đã tặng cho tôi. Ngược lại, những lời lẽ của tôi cũng đã khiến cho người khác phải đau buồn nên tôi chấp nhận và không hề trách móc hay giận hờn ai cả. Cuộc đời này quá ngắn ngủi nên tôi không thể nào để mình rơi vào tình trạng trầm cảm. Càng không thể nào khờ dại tự kết liễu đời mình vì chẳng ai quan tâm cả. Thậm chí những gì tôi cống hiến cho đời này cũng có thể thay thế cả.

Cho dù đời tôi có xuống chó tôi cũng sẽ không thể nào ngã gục. Tôi không có danh vọng càng không có tài sản. Cho dù tôi trở về hai bàn tay trắng, tôi vẫn sẽ tồn tại. Những ai không ưa thích tôi, luôn cả những người thân thương, tôi cũng không ngại. Tình cảm con người cũng chỉ thế thôi. Tôi cũng không còn hứng thú để lấy lòng thiên hạ. Ai quan tâm đến tôi thì tôi cảm ơn. Còn không thì cũng không cần phải bận tâm làm gì. Cuộc đời này được cố nhạc sĩ Phạm Duy tóm tắt như sau:

Ta ra đi từ lòng người, với tiếng khóc và nụ cười
Thương yêu dai, hận thù dài, nuôi đắm say
Trưa hôm qua còn là người
Ðêm hôm nay thành vị thần hay lũ ma lẻ loi

Vợ chồng trong suốt

Mười lăm năm nên vợ nên chồng không có điều gì không thể chia sẻ với nhau. Em là người đầu tiên tôi tâm sự những niềm vui hoặc nỗi buồn. Từ những phiền muộn trong công việc đến những sự mâu thuẫn trong cuộc sống, tôi luôn bộc lộ những cảm nghĩ của mình với em. Tôi muốn vợ chồng luôn có sự trong suốt (transparency) và không có điều gì phải giấu giếm nhau.

Trong tình cảm vợ chồng có thật thà mới có sự trong suốt. Tin tưởng nhau mới thổ lộ hết những cảm nghĩ của mình. Em là người duy nhất biết được những gì tôi nghĩ. Dù tốt hay xấu, tôi không thể nào che giấu. Có nhiều lần tôi hối hận khi tiết lộ những cảm nhận của mình dù đúng hay sai.

Nhiều lần tôi cố gắng kiềm chế những cảm xúc của mình nhưng nó vẫn tuôn ra vì tôi quá tin tưởng em. Sau mười lăm năm tôi mới nhận thức được rằng luôn cả trong tình cảm vợ chồng có những chuyện nên giữ lại cho chính mình.

Nếu như không thể cùng nhau tâm sự những gì sâu sắc hơn những lời nói hằng ngày, những tranh cãi, và những lời lẽ móc méo, tình cảm vợ chồng có nhạt nhòa đi không? Giữa sự hạnh phúc trong tẻ nhạt và sự bất đồng đầy thú vị, ta chọn thứ nào?

Mười lăm năm tình cảm vợ chồng đã trải qua nhiều thử thách và sóng gió nên giờ đây chọn bình yên chứ không muốn chiến tranh nữa.

Ca từ Phạm Duy

Tôi nghe và mê nhạc Phạm Duy từ lâu nhưng chưa từng tập trung vào repertoire hơn cả ngàn ca khúc của ông. Trong mấy tháng vừa qua tôi nghe lại nhạc của ông khi Phương Nam Phim phát hành bộ tuyển tập Phạm Duy: Kỷ niệm 10 năm ngày mất (2013–2023), gồm 40 ca khúc.

Đồng thời tôi cũng nghe lại bộ tuyển tập Một đời nhìn lại gồm 40 ca khúc do Biển Tình Music phát hành năm 2002. Cả hai bộ CD collection kết hợp nhiều giọng hát khác nhau từ trong nước đến hải ngoại. Mỗi một giọng hát mỗi vẻ đẹp khác nhau nhưng cá nhân tôi thường nghe Tuấn Ngọc hát nhạc Phạm Duy qua phần hòa âm phối khí của Duy Cường, đặc biệt là ca khúc “Tôi mơ thành triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ” (“Kỷ niệm”).

Tuy Tuấn Ngọc đã thu âm rất nhiều ca khúc của Phạm Duy nhưng tôi chưa từng nghe một album nào của anh dành riêng cho nhạc Phạm Duy. Ngược lại, Đức Tuấn đã đầu tư rất nhiều vào những sản phẩm nhạc Phạm Duy như Kỷ Niệm (bộ đĩa đôi), Kiếp nào có yêu nhau, và Requiem. Riêng Đức Tuấn hát Tình ca Phạm Duy, giờ nghe lại vẫn phê như lúc mới được phát hành vào năm 2007. Từ “Tình Cầm” đến “Tình hoài hương” đến “Tình ca”, Đức Tuấn hát say sưa và chìm đắm trong dàn nhạc đặc sắc qua phần điều khiển của Đức Trí. Lấy nguồn cảm hứng từ album này, tôi tạo ra một trang web (typographic sample) với ca từ của 15 ca khúc Phạm Duy bắt đầu bằng chữ “Tình” như “Tình nghèo”, “Tình quê”, và “Tình kỹ nữ”. Dĩ nhiên là không thiếu “Tình hờ” với lời ca thật phũ phàng: “Khi tôi tìm đến em / Là tìm vui trong chốc lát / Đến một lúc rồi quên / Nhớ nhung không cần thiết”.

Càng nghe nhạc của Phạm Duy, tôi càng khâm phục tài năng song toàn trong phần soạn nhạc lẫn ca từ của ông. Chẳng hạn như trong bài “Chỉ chừng đó thôi”, ông miêu tả người phụ nữ rất thú vị: “Khi xưa em gầy gò / Đi ngang qua nhà thờ / Trông như con mèo khờ / Chờ bàn tay nâng đỡ”. Không chỉ riêng ca từ của mình, mà ông còn soạn nhạc cho rất nhiều bài thơ. Chẳng hạn như “Chuyện tình buồn”, thơ của Phạm Văn Bình có câu như: “Ngày nhà em pháo nổ / Anh cuộn mình trong chăn / Như con sâu làm tổ / Trong trái vải cô đơn”. Tuy không thất tình nhưng tôi vẫn cuộn mình trong chăn chả muốn đối diện với thế giới bên ngoài.

Mỗi lần lắng nghe nhạc Phạm Duy chịu khó để ý đến lời, tôi điều bắt gặp những vần thơ hấp dẫn. Cho nên vài ngày vừa qua tôi dành một chút thời gian cá nhân tìm hiểu thêm ca từ của ông. Chẳng những thế, tôi quyết tâm tạo thêm một trang typographic sample để đọc lời nhạc của ông cũng như lời thơ ông phổ nhạc. Tại sao tôi phải tạo ra một trang web riêng mà không đọc trên mạng? Câu trả lời lời đơn giản là tôi muốn sử dụng bộ fonts không chỉ dễ đọc mà còn mát mắt. Những trang web dành cho lời bài hát tôi tìm được trên mạng không chú trọng vào phần trải nghiệm của người đọc.

Lý do quan trọng hơn tôi dành thời gian tạo ra trang web này là để tự học tiếng Việt, như ông đã viết: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Trong phần thiết kế và viết HTML bắt buộc tôi phải đọc hết lời ca và tôi đã học hỏi thêm về văn thơ của ông. Vì thời gian có hạn nên tôi chỉ chọn ra những tác phẩm có ca từ mình thích. Tôi chưa với tới trường ca của ông. Để dành cho tương lai khi tôi có dư thời gian. Về nhạc chủ đề kháng chiến ca tôi chỉ dùng những bài ông viết về những người mẹ như “Bà mẹ nuôi (bà mẹ Gio Linh)” với những ca từ bi hùng: “Mẹ già tưới nước trồng rau / Nghe tin xóm làng kêu gào / Quân thù đã bắt được con / Đem ra giữa chợ cắt đầu / Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! / Nghẹn ngào không nói một câu / Mang khăn gói đi lấy đầu.”

Còn 10 bài Tục ca Phạm Duy thì tôi đã tạo một trang riêng. Ông viết lời Việt cho rất nhiều ca khúc Ngoại nhưng tôi chỉ dùng duy nhất “Bài ngợi ca tình yêu (Dáng tiên nữ)” với ca từ tình tứ: “Buổi sáng khi sương tan còn lắng đọng / Nhìn thấy dáng em ngoan nằm gối mộng / Vùi trong hơi ấm nồng nàn / Thịt da thơm ngát tình nồng / Cùng chăn gối ấm giường hồng, tình yêu ngây ngất”.

Nếu bạn nào thích ca từ nhạc Phạm Duy hay muốn học tiếng Việt theo cách của tôi thì mời vào đọc trang Phạm Duy tôi vừa hoàn tất.

Tưởng niệm

22 năm vẫn nhớ và sẽ không bao giờ quên.

Có những niềm riêng làm sao blog hết

Có những suy tư không nên chia sẻ cho dù là người thân nhất và tin cậy nhất. Dù trong công việc hay trong gia đình, cố gắng tự giải quyết mọi chuyện cho xong. Chia sẻ với người khác cũng không giúp được gì. Ngược lại còn mang phiền muộn đến cho người khác. Biết vậy mà tôi vẫn cứ không tự kiềm chế được. Còn nói đến và còn suy nghĩ đến nghĩa là còn lo lắng còn muốn hàn gắn. Thôi thì tôi sẽ không nhắc đến cũng không bàn đến. Kể như không có chuyện gì xảy ra. Phớt lờ là giải quyết tốt nhất.

Giờ đã lớn và đã trưởng thành, tôi không ngại người khác không thích mình hoặc thậm chí ghét mình. Trong tình đồng nghiệp, trong tình bạn bè, hay trong cả tình gia đình, những mối quan hệ nào không thể giữ được thì không nên miễn cưỡng. Muốn chặn số điện thoại của tôi, muốn lẩn tránh tôi, thậm chí muốn ghét ra mặt cũng được. Tôi không ngần ngại.

Cho tôi là thứ khôn nhà dại chợ cũng không sao. Cho tôi là kẻ ích kỷ chỉ biết nghĩ cho chính mình, tôi cũng chấp nhận. Cho rằng tôi chỉ muốn những gì tôi ham muốn, tôi cũng đồng ý. Có những lúc nhìn lại chính mình, tôi cũng đáng sợ. Không tài, không sắc, không bản lĩnh, không có lòng tốt, cũng không độ lượng. Tôi nhận thức được những khuyết điểm của mình và tôi luôn lạc quan rằng những gì đến được sẽ đi được cũng như trong những mối quan hệ. Cho dù những gì mình thương yêu nhất cũng không thể giữ được trọn vẹn. Cho nên tôi luôn thủ sẵn cho mình một lối thoát.

Trong tình cảm, trong công việc, trong gia đình, trong bất cứ trường hợp nào cũng áp dụng được. Đến được với nhau thì mừng. Không còn đến được với nhau thì cũng đáng tiếc nhưng phải chấp nhận cho nhau một lối thoát. Thôi thì ai muốn đối xử sao cũng được. Gặp nhau làm ngơ cũng được. Gặp nhau không chào cũng không sao. Không gặp nhau cũng OK. Không chấp nhứt cũng không nghĩ ngợi gì cả. Mỗi hành động điều có lý do. Mỗi cử chỉ điều có tự do.

Thôi thì cứ tiếp tục lo chuyện của mình. Chỉ riêng trách nhiệm làm cha của 4 thằng con là quá nhiều rồi. Không còn chỗ để lo xa.

Phương Anh: Nó

Phương Anh có chất giọng ấm áp nhưng cô hát hơi bị cứng không thích hợp với những ca khúc trữ tình mùi mẫn. Hơn nữa cách nhả chữ của cô nghe hơi bị chói tai. Nhất là ca khúc “Mười năm tình cũ” (Trần Quảng Nam), cô ngân mỗi câu nghe nhói cả màng nhĩ. “Khi còn gọi tên nhau” (Trường Sa) cũng thế, cô hát hơi bị gò bó. Khi cô thả lỏng, như “Thành phố buồn” (Lam Phương) và “Người ngoài phố” (Anh Việt Thư), nghe đỡ hơn. Về phần hoà âm phối khí của Sơn Trần thì mộc mạc chứ không màu mè. (không rõ là ám chỉ đến nhân vật nào) nghe cũng tạm tạm. Không gì lạ cũng không gì nổi bật.

Kim Yến: Đếm giọt sầu rơi

Kim Yến chưa khẳng định được hướng đi của mình. Trong 9 ca khúc cô trình bày gồm có “Đếm giọt sầu rơi” của Vinh Sử (nghe rất Tàu), “Tình em ngọn nến” (nhạc ngoại, lời Việt của Khúc Lan, và những tình khúc của Phạm Duy, Lam Phương, và Đỗ Lễ. Chẳng những thế mà Kim Yến còn chưa bộc lộ được ca từ. Chẳng hạn như “Em đi rồi” (Lam Phương) và “Giáng Ngọc” (Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên), cô cố gắng đặt tình cảm của mình vào nhưng vẫn thiếu cái hồn. “Hẹn hò” (Phạm Duy) và “Sang Ngang” (Đỗ Lễ) được Lê Minh Ngọc cứu vớt.

Contact