Chất Độc Tanqueray

Thứ Bảy về thăm mẹ. Vợ trổ tài làm món chả cá Lã Vọng. Cả nhà cùng với một số anh chị bà con thưởng thức. Thấy ở nhà chị Thơm có một chay Tanqueray to tổ bố chưa khui. Thế là mua vài chai tonic water (Fever-Tree Premium Indian) về làm gin and tonic. Lâu lắm rồi mới được ngồi cùng anh chị em trò chuyện. Lâu lắm rồi mới được cùng gia đình ăn chả cá Lã Vọng. Lâu lắm tồi mới được uống gin and tonic.

Đến khuya khi mọi người ra về tôi phụ dọn dẹp, tắm rửa, rồi đi ngủ. Vừa nằm xuống thì cả thế giới cùng xuây. Mùi chả cả và mấm tôm cũng trào lên. Chịu không nổi tôi chạy vào toilet cho ra hết. Cả người nóng hổi như muốn được thác loạn. Tôi hối hận vô cùng và không sao ngủ được. Ngồi dậy thì đầu óc quây cuồng. Miệng thì khô khan mà không thể đứng lên được. Tôi bị chất độc Tanquery điều khiển nên nằm nhắm mắt chịu trận cho đến ngày hôm sau.

Sáng đói meo nhưng không muốn ăn. Chỉ ăn vội tô cereal với sữa rồi đi nằm tiếp cho đến 12 giờ trưa. Bây giờ là sáng thứ Hai mà vẫn còn chưa hết hẳn cơn say. Sẽ không đụng đến rượu mấy tháng nữa và sẽ không dám đùa giỡn với em Tanqueray quá chớn. Hoa hồng có gai còn Tanqueray thì có độc.

Càng Kỹ Càng Khó

Mỗi lần gọi điện thoại cho mẹ tôi đều hỏi thăm bàn chân của mẹ còn đau không và câu trả lời vẫn đau chịu không nổi. Mẹ đang làm gì? Và câu trả lời vẫn đang làm đồ ăn. Sao mẹ không nghỉ ngơi? Câu trả lời vẫn không làm ai làm. Trăm lần như một tôi cũng không biết phải nói gì.

Cho dù đôi chân và đầu gối bị đau, mẹ vẫn đứng trong bếp mỗi ngày từ sáng đến khuya. Tính mẹ kỹ lưỡng lại chậm lại khó nên tự làm khổ bản thân mình. Càng lớn tuổi càng kỹ càng chậm càng khó. Mới đó mà đã mười mấy năm rồi tôi không còn ở với mẹ. Mỗi lần về thăm mẹ tôi không dám báo trước sợ mẹ lo làm đồ ăn cực nhọc cho dù tôi thèm và nhớ những món mẹ đã nấu cho tôi từ bé.

Không ngày nào tôi không nghĩ đến mẹ và lo lắng cho sức khỏe của mẹ. Nhưng nếu mẹ không tự lo cho bản thân mình thì tôi cũng không làm gì được. Nói thì tôi đã cạn lời nhưng mẹ vẫn không thay đổi. Thuốc đã không còn tác dụng nữa vì mẹ không chịu nghỉ ngơi. Như lần chị Hương có nói với bác sĩ rằng trời cũng không chữa hết bả nữa huống chi là ông. Từ đó mẹ giận chỉ và đã không cho chỉ trở đi bác sĩ và thông dịch nữa. Thật sự thì chị nói cũng không sai.

Ngoài việc nghĩ và cầu nguyện cho mẹ tôi cũng không biết phải làm sao giúp đỡ cho mẹ. Phải chị mẹ đừng khó ăn quá và được kỹ lưỡng quá đừng khó quá thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng 80 năm đã không hề thay đổi thì giờ đây làm gì mà đổi thay được. Thôi thì đến đâu hay đến đó.

Gà con sau nhà

Mỗi buổi sáng khi tiếng gà gáy báo thức, tôi bước ra sau nhà hốt nắm thóc cho đàn gà. Chúng nó biết sắp được điểm tâm nên đã đứng chờ sẵn. Nhìn đàn gà sung sướng mổ từng hạt thóc mà lòng tôi cũng thấy nhẹ nhàng hạnh phúc. Ăn xong đàn gà cùng nhau nô đùa còn tôi thì đi tìm trứng. Mấy chị gà mái này cũng khá thông minh. Thấy trứng mình bị mất hoài nên tìm chổ đẻ thật kính đáo làm tôi phải săn lùng khắp khu nhà bề bộn.

Có lần một chị đã giấu kỹ gần cả chục trứng và đã ấp ra cả đàn con. Một hôm bỗng nhiên tôi nghe trong đóng đồ để ngổn ngang những tiếng kêu chíu chít. Lại gần nhìn vào thì thấy đám gà con lông vẫn còn ướt. Thế mà không bao lâu đàn con đã trổ mã và quấn quýt theo mẹ cùng ăn. Tôi thích đặt chúng lên bàn tay và vuốt ve bộ lông vàng mượt mà của nó.

Vì được quanh quẩn bên chúng tôi từ nhỏ nên bọn chúng không sợ hoặc xa lạ với loài người. Một hôm chị tôi đang quỳ xuống quạt nồi bếp than nấu cơm thì vô tình lùi chân lại và đạp lên một gà con. Nghe tiếng van inh ỏi của nó tôi quây sang thì thấy nó đang cà nhắc chạy. Nhìn thấy phân nửa thân hình nhỏ bé của nó bị lòi ruột gan tôi đau đớn vô cùng. Tôi muốn bế nó lên tay nhưng nó cứ cố gắng chạy. Tôi cầu mong cho nó được lành nhưng qua ngày sau nó không qua khỏi và đã mất.

Hình ảnh con gà nhỏ đó hơn ba chục năm vẫn không hề phai trong đầu óc của tôi.

Những thay đổi ở Việt Nam

Trước ngày về Việt Nam lần vừa rồi, tôi cũng hơi lo không biết có bị trở ngại như những lời của nhiều kiều bào kể lại. Vì 16 năm rồi tôi không rõ tình hình nước nhà ra sao. Sau chuyến đi lần này tôi cam đoan là không có vấn đề gì cả.

Lúc đến Việt Nam tôi qua hải quan dễ dàng không cần chi một đồng nào. Lúc về lại Mỹ cũng thế và các nhân viên cũng vui vẻ. Lúc qua bảo vệ có một anh nhắc nhở quan khách để ví trên máy kiểm xoát bằng nhiều thứ tiếng từ tiếng Hàn Quốc cho đến tiếng Anh và tiếng Nhật. Tôi khen anh biết nhiều thứ tiếng và anh trả lời, “Cám ơn anh. Em biết nhiều thứ tiếng lắm nhưng mỗi tiếng chỉ biết được hai câu”.

Về khí hậu thì lúc đó mùa mưa nên mát. Nhưng có lẽ vì tôi đi vacation ở Texas cả tuần nóng cháy da nên về Việt Nam không thấy nóng. Bà xã có nhét cho tôi một chai thuốc cầm tiêu chảy nhưng tôi không dùng đến. Tôi cũng ăn uống bình thường không sao cả.

Còn phần nhà vệ sinh thì có một chúc thay đổi. Lần đầu tôi dùng toilet mà không thấy giấy đâu cả. Thì ra khám phá ra được là kế bên toilet có cái vòi nước. Đi vệ sinh xong xịt rất mát. Tôi rất thích cách dùng này. Vừa sạch sẽ vừa tiện lợi. Tôi quên hỏi cái mốt mới này bắt đầu từ lúc nào.

Cho nên nếu kiều bào nào đã đi lâu năm chưa về nên về. Không có lo ngại gì cả. Nếu có phòng ngừa thì chỉ phòng ngừa muỗi. Tôi bị muỗi tấn công như điên. Về đêm tôi phải bận quần dài chứ không dám bận quần short.

Còn Giận Còn Yêu

Hôm qua tôi về đến nhà Đán ra mở cửa. Tôi chào nó, nó chào lại và nhắc nhở, “Vô chào người yêu của ông đi”. Thằng này lớn lên chắc đào hoa lắm. Nó tưởng cha mẹ giận nhau vì chúng tôi thường tranh luận trước mặt tụi nó. Vợ tôi thì hơi lớn tiếng nên tụi nó cứ nghĩ chúng tôi cãi nhau. Mỗi lần chúng tôi bàn luận thì tụi nó nói, “Ông bà lại cãi nhau nữa rồi”. Chúng tôi phải giải thích, “Không cha mẹ chỉ nói chuyện thôi. Cha mẹ vẫn rất yêu nhau.”

Vợ chồng sống với nhau gần 10 năm và ngủ chung giường được một năm (vì sau khi Đạo chào đời là tôi bị ra rìa rồi), có lúc giận hờn nhưng có lúc cũng mặn nồng. Không mặn nồng thì làm sao ra ba thằng con? Tôi thì cố gắng bớt giận còn vợ thì cố gắng thêm mặn nồng. Cả hai mà không cố gắng thì chắc gia đình không giữ được hạnh phúc.

Bây giờ có ba thằng đực rựa tuy mệt mỏi và ồn ào nhưng vui vẻ và ấm áp. Tôi hỏi vợ có can đảm thêm đứa con gái nữa không, vợ lắc đầu. Tôi hỏi đám con có muốn em gái không thì Đạo và Đán đều đồng ý. Nhưng chúng tôi đều tôn trọng sự quyết định của phụ nữ vì mẹ là người cực nhọc nhất. Sau thằng Đàn, tôi đã không thể thức đêm được nữa. Thằng Xuân mê vú của mẹ nó lắm cho đến bây giờ vẫn chưa bỏ nên mẹ phải ngủ với nó.

Lúc về Việt Nam tôi đến thăm cô Hường thì đang lúc bốn cháu bé (hai trai hai gái) đang ngủ trưa. Cô chỉ đứa cháu gái đang ngủ và đang ho và đùa, “Con đem nó về Mỹ đi.” Cô kể cho tôi nghe hoàn cảnh của nó. Mẹ mất còn ba (cháu của cô) cưới vợ khác nên bà cô đem về nuôi. Bé lên lớp bốn và học rất giỏi, nhất là tiếng Anh. Bé rất ngoan nhưng yếu ớt nên hay bị ốm. Lúc cháu thức dậy tôi hỏi bé vài câu tiếng Anh thì bé trả lời rất hay. Thấy cháu lễ phép và vui vẻ tôi cũng mến. Lúc ra về tôi nghĩ lại lời cô nói. Hay mình nhận nó làm con nuôi. Tôi trình bài và hỏi ý vợ nhưng vợ không tán thành. Quả thật là nuôi con ruột thịt còn ná thở huống chi là con nuôi.

Về lại Mỹ tôi cố gắng thuyết phục vợ nhưng không được nên tôi đe doạ, “Vậy thì em phải sinh thêm một đứa con gái”. Ngạc nhiên khi nghe vợ trả lời, “Nếu em đậu [cái bằng gì ở chổ làm để được thăng chức] thì sẽ sinh cho anh thêm đứa nữa”. Em giỡn hả dân chơi? Em đang giỡn hay đang bê? Nói cho vui vậy thôi chứ cho ra lò thêm một thằng cu nữa là chết chắc.

Cure for Gout

With vacations, family reunion, and a trip to Vietnam over the summer, I drank excessively and ate recklessly. I had hard liquor, beer, and wine. I ate everything including beef. Of course, I worried about my gout. Fortunately, I found the cure in Bragg apple cider vinegar. I took a shot before breakfast and a shot after dinner. My gout did not flare up at all. In the past, I would get flared up if I were drinking for a week despite drinking cherry juice and taking Naproxen. With the apple cider vinegar, I don’t even need to take Allopurinol or Uloric. Now the the summer is over, I am watching my diet again and drinking only on special occasions. I am also weaning off apple cider vinegar until I feel something funny in my feet. If you have gout, give Bragg apple cider vinegar a shot.

Kỷ niệm

Cứ tưởng những kỷ niệm ấu thơ hơn 30 năm trước của tôi chỉ còn lại trong chí nhớ của mình. Nhưng thật vui sướng và hạnh phúc khi được nghe những người thân nhắc lại. Cô Ba tôi ở tuổi 90 vẫn còn nhớ rất rõ những lần tôi đạp xe vào nhà cô chơi. Cô còn nhớ hình dáng nhỏ bé của tôi và đôi chân ngắn không đụng được đến bàn đạp xe người lớn. Vậy mà vẫn một mình đạp xe từ nhà ở gần chợ qua cầu gỗ đến nhà nhà cô.

Ngày xưa vào mùa hè không đi học tôi thường qua nhà cô, chú, bác ăn chực vì ba thì đi làm xa còn má thì bận buôn bán. Từ nhà cô Ba đến nhà bác Tư đến nhà chú Bảy đến nhà chú Mười, chỗ nào cũng hoan nghênh tôi cả. Không phải lâu lâu một lần mà là cả một hè. Vậy mà ai cũng vui vẽ không than phiền. Thằng cháu này muốn ăn ở đâu cũng welcome cả.

Tuy gia đình đông đúc con cháu, ông bà nội vẫn thương và để ý đến thằng cháu này. Ông bà rất vui khi thấy tôi vô nhà chú Mười chơi và ăn cơm. Tôi thích những món canh như canh khoai mỡ, canh chua, và canh mướp do thím Mười nấu. Thím còn nhớ những ngày đi tắm mương và lội sình bắt cá với thằng Công và thằng Chức.

Qua nhà chú thím Bảy thì có những món như cá nướng, tôm rang, và tép muỗi. Mỗi khi đi chài với thằng Lộc và thằng Thọ là có đồ tươi ăn. Có lần thằng Thọ giấu một trái xoài tượng sau vườn. Khi tôi vào nó bới lên khoe. Thế là hai thằng làm mắm đường chơi liền tại chổ. Không ngờ thím Bảy còn nhớ những kỷ niệm xưa tôi hay vào nhà chơi.

Qua nhà cô Ba cũng được ăn. Đặc biệt là món chim cút rô ti do anh Hiệp làm. Buổi trưa lúc mọi người nghỉ ngơi thì anh Hiệp rủ tôi ra vườn bắn chim. Ảnh chỉ cho tôi bắn giàn ná nhưng tôi đâu bao giờ bắn trúng. Ảnh thì bắn rất hay nên mới có chim ăn. Lúc tôi về Việt Nam mấy tuần trước, anh nhắc lại kỷ niệm đó và rủ tôi đi ăn chim. Tối hôm đó tôi no quá đi không nỗi nên đành hẹn lại lần khác. Lần sau về Việt Nam chắc chắn phải hẹn ảnh đưa đi ăn chim. Chim trên trời chớ không phải chim ở dưới nhé.

Qua nhà bác Tư thì có bánh canh hoặc hủ tiếu. Tóm lại món nào tôi cũng ăn cả. Bác Tư gái nấu món gì là tôi ăn món nấy. Nhà bác Tư thì có anh Tý rất hợp gu với tôi vì tôi thích đá gà và đá cá như anh. Có một lần hai anh em đi mua cá xiêm. Lúc về đến nhà sợ hai bác rầy nên anh cởi áo và bọc bị cá lại. Tôi cũng làm theo.

Còn rất nhiều kỷ niệm của tuổi thơ còn lưu lại trong đầu óc của tôi. Có lẽ tôi nhớ đến thời ấu thơ đó là vì cuộc sống lúc sang Mỹ đã hoàn toàn đổi thay. Những niềm vui ở Việt Nam bỗng nhiên biến mất. Những năm tháng đầu ở Mỹ tôi bị shock rất nặng. Nhiều chuyện đã xảy ra. Không biết ngôn ngữ. Không ai che chở lúc bị ăn hiếp. Không ai giúp đỡ lúc bị kì thị. Không ai dạy dỗ làm sao để kiềm chế cảm xúc. Không ai chỉ dẫn làm sao thành một thanh niên.

Lúc ba về lại Việt Nam cũng là lúc tôi bị áp lực ở trường. Không nhịn nỗi tôi đã đánh nhau với thằng da đen và bị đuổi học cả tuần. Lúc đó tôi sống như một kẻ tuyệt vọng và tôi đã phụ lòng mẹ. Năm đó điểm học của tôi đã tuột từ A và B cho đến C và D. Cứ tưởng đâu việc học hành đã xong. Tôi không còn lý trí và kiên nhẫn để học nữa nhưng tôi không có đường lựa chọn khác. Tôi phải chấp nhận cuộc sống mới và cố gắng làm lại từ đầu. Kỷ niêm của tuổi thơ đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trên xứ người. Cho dù thời tiếc và con người lạnh lẽo, trong tim tôi vẫn sưởi ấm bởi những tình thương ở quê nhà.

Tình anh chị em

Ngoài việc thăm ba, về Việt Nam lần này tôi hạnh phúc được chứng kiến tình cảm gắn bó giữa anh chị em với nhau. Nghĩ lại, dường như tôi chưa từng viết về những người anh chị của tôi vì nó hơi phức tạp một chút. Tôi có hai người chị cùng mẹ khác cha, một anh một chị cùng cha khác mẹ, và hai chị cùng cha khác mẹ. Tất cả tôi đều xem như anh chị ruột cả và các anh chị cũng xem tôi như thế dù xa cách mấy chục năm.

Chị Hương là người chị lớn bên mẹ. Nghe mẹ kể lại lúc mẹ vừa sinh ra chị Thơm (em chị Hương), mẹ nhờ người cha ru cho chị Hương ngủ nhưng ông lại kéo tấm chăn lên mặt chị để chị ngưng khóc. Mẹ xót ruột bảo làm như vậy con nó ngộp thở thì sao. Anh không trả lời chỉ vả vào mặt mẹ. Bà cho con bú xong đập lại ổng rồi ly dị luôn. Mẹ tôi không phải dạng vừa đâu. Tôi không biết mẹ và ba tôi đã đi đến hôn nhân như thế nào. Khi tôi chào đời thì chị Hương đã cùng các dì và cậu vượt biên. Vì phải sống một mình nên chị Hương tự lập sớm. Tính chị thẳng thắn nên dễ mếch lòng người khác nhưng chị không chú ý (care) và cũng không để bụng. Tôi kính nể và ghi ơn chị đã tạo cho tôi cơ hội được sống và được học ở mảnh đất tự do này.

Chị Thơm là chị kế bên mẹ. Tôi và chị Thơm gần gũi nhất vì chúng tôi sống cùng mẹ nhiều năm. Tôi chỉ dọn ra riêng sau khi bắt đầu có công ăn việc làm. Bây giờ chị là người lo lắng cho mẹ nhiều nhất. Chị giỏi và xã giao rộng. Gia đình và bạn bè ai cũng mến chị. Tôi và chị cách tuổi nhau rất xa vậy mà ai nhìn chị em tôi cũng tưởng tôi là anh của chị. Cũng đúng, vì mình già trước tuổi còn chị thì trẻ mãi không già cho dù chị cũng cực nhọc trong gia đình và căng thẳng trong công việc. Cho dù bây giờ chỉ lâu lâu mới gặp, tôi và chị vẫn thân như ngày nào.

Anh Tâm là anh hai lớn bên ba. Anh và chị Lệ cùng một mẹ nhưng bà đã ra đi sớm. Anh ít nói nhưng học giỏi (và dỉ nhiên là giỏi hơn tôi nhiều) nên ba tự hào về anh. Anh và chị dâu sống chừng mực và đơn giản nên thoải mái và hạnh phúc. Tuy không có nhiều cơ hội gần gũi, anh vẫn là người anh cả nên lúc nào tôi cũng kính trọng anh. Tôi rất vui khi thấy anh chị vẫn dành tình cảm cho thằng em út này.

Chị Lệ là chị thứ ba bên ba. Tuy mất mẹ từ sớm, chị sống rất nề nếp. Tính chị hiền hoà dễ mến. Chị lo cho chồng con chu đáo. Chị thương ba, anh Hai, và các em. Chị săn sóc cho ba rất tốt nên tôi an tâm có chị ở gần ba. Ba cũng tin tưởng ở chị nên ba ít la rầy chị hơn tụi em. Cám ơn chị đã lo phần giặt giũ quần áo cho em mỗi khi em về Việt Nam. 16 năm trước và lần này vẫn thế. Tuy chị không nói nhưng em hiểu được tình cảm chị dành cho thằng em út này. Nụ hôn của chị đã nói lên tất cả.

Sau khi mẹ anh Tâm và chị Lệ mất, ba cưới vợ khác và có hai chị Trúc. Chị Trúc Chị bây giờ cũng đã có một mái ấm gia đình riêng. Chị thương và lo lắng cho ba nhiều. Với anh chị em, chị rất tình nghĩa. Như chị em mình đã tâm sự, tình cảm giữa chị em mình lúc nào cũng đậm đà cả cho dù em đã đi Mỹ rất lâu. Cho dù ở chân trời góc bể nào mình cũng mang cùng một dòng màu. Em vẫn là em út của anh chị. Đừng lo ngại gì. Hy vọng rằng chuyến về Việt Nam lần này chị nhận ra được cảm tình của em với các anh chị và các cháu.

Chị Trúc Em là người chị kế. Hoàn cảnh của chị làm tôi nhớ đến câu của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết, “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời / Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi / Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.” Khi chị vừa tháng tuổi thì mẹ đã mất nên cô Ba đã đem chị về nuôi. (Còn chị Lệ và chị Trúc Chị thì được chú thím 10 nuôi.) Chị Trúc em tính cởi mở và lanh lẹ. Tôi về chị nghỉ làm luôn hai tuần để đi chơi và trông chừng thằng em út để ba yên tâm. Vì vậy mà chị em được tâm sự nên hiểu nhau và gắn bó hơn. Chị cũng rất lo lắng cho ba tuy ổng khó tính. Chị em mình hiểu được người lớn tuổi là như vậy cũng không để bụng làm gì. Với anh chị em, tình cảm của chị sâu đậm. Cám ơn chị đã dành thời gian với đứa em út này.

Tôi may mắn được tình thương từ cha mẹ và các anh chị. Càng lớn tôi càng hiểu nhiều hơn nên càng quý trọng những cảm tình đó. Tôi rất khâm phục sức lực đàn hồi (resilience) của các anh chị. Tuy thiếu cha hoặc thiếu mẹ, các anh chị vẫn vượt qua được mọi khó khăn và thử thách trong đời để trở thành những bật cha mẹ tiêu biểu, anh chị em đùm bọc, và những người con hiếu thảo. Cho dù không giàu vật chất nhưng rất phong phú về tình người. Cám ơn các anh chị đã làm gương mẫu cho thằng em út này. Dù có ở nơi nào trong trái tim em vẫn luôn có hình bóng anh chị. I love you all.

Chịu Thua

Sáng nay đi nha sĩ khám răng. Sau khi chụp hình x-ray, ông nha sĩ cạo, dũa, và làm sạch hai hàm. Ổng cho biết răng vẫn còn tốt. Thế tôi hỏi ổng có cách nào làm cho nó trắng không? Ổng trả lời, “Không, răng của cậu đã như vậy rồi không thể nào làm trắng được. Cậu chỉ phí tiền thôi.”

Gần 40 năm răng cũng đã vàng khè như vậy rồi làm gì mà thay đổi được nữa. Chờ thêm 20 năm nữa răng rụng hết rồi chơi răng giả sẽ đẹp thôi. Bây giờ thì mẹ sinh ra sao để y vậy. Còn ngại gì. Ai chê cũng mặc. Who cares?

Hết Hè

Tuần sau đám nhỏ tựu trường. Mùa hè mới đó mà đã sắp hết và tôi cũng đang trở lại những ngày bình thường. Sáng thức dậy đi làm. Về nhà lo cho con cái ăn uống tắm rửa. Trước khi đi ngủ đọc vài trang sách. Vẫn chưa có điện thoại mới nên ngủ rất ngon.

Ngoài công việc và gia đình, được đọc sách và viếc blog thì cuộc sống gần đủ. Từ ngày trở lại Mỹ tôi đã không đụng đến một giọt rượu. Bỏ được thì nên bỏ. Có cái muốn bỏ mà bỏ không được. Càng muốn bỏ lại càng ham muốn càng bị cám dỗ. Không biết có chịu đựng nỗi không. Thôi thì tới đâu hay đến đó.

Chắc là quả báo đã đến với tôi kiếp này mà không đợi kiếp sau. Thôi thì ráng chịu vậy. “Đời tôi ngốc dại. Tự làm khô héo tôi đây.” Rồi đời người cũng sẽ qua.

Contact