Được thấy mẹ

Sau khi nhậu ba chai whiskey Nhật cùng với mấy phụ huynh trong hướng đạo buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà ngủ một giấc đến khuya. Trong giấc mộng tôi cũng đi nhậu về bỗng nhiên thấy mẹ đang nằm ngủ. Tôi mừng rỡ chạy đến ôm lấy mẹ. Mẹ thức dậy nói chuyện với tôi. Khi tôi hỏi sao mẹ lại được phục hồi và nói được, mẹ chưa kịp trả lời thì tôi thức giấc.

Tôi tỉnh ngủ với tâm trạng hụt hẫng. Nỗi đau và nỗi nhớ ùa về. Tôi ngủ lại không được nên thức trắng nghĩ về mẹ. Thời tiết bắt đầu trở lạnh. Mẹ nằm dưới lòng đất một mình lạnh lẽo lắm. Tôi không cầm được nước mắt. Tôi hận cuộc đời này đã cướp đi người mẹ yêu dấu của tôi dù biết được rằng sớm muộn gì cũng phải xa lìa cha mẹ. Một ngày nào đó tôi cũng sẽ rời khỏi thế gian và rời xa con cái. Chỉ là không biết lúc nào sẽ chết. Nhậu nhiều ngủ ít càng chết sớm nhưng nhậu đến say sưa mới thấy được mẹ.

Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con biết mẹ không thích con uống rượu nhưng con không thể nào xoa dịu được nỗi đau mất mẹ. Nhưng mẹ yên tâm và an nghỉ nhé. Con vẫn biết được chừng mực. Con vẫn còn có đàn con thơ để chăm sóc.

Huỳnh Trọng Khang: Phật trong hẻm nhỏ

Đọc mấy truyện đầu không cảm nhận được vì chưa quen cách viết của tác giả. Khi nắm được lối đưa văn của tác giả thì mấy truyện sau cảm thấy hứng thú hơn. Tôi đọc tập truyện ngắn này khá lâu vì gần đây viết nhiều hơn đọc. Đồng thời bị phân trí nên cũng không nhớ rõ những câu chuyện đã đọc. Tôi chỉ nhớ nhất là truyện cuối “Tục đế” với đề tài xã hội, tình dục, và Phật giáo. Chắc chắn sẽ quay lại với tập truyện ngắn này trong tương lai.

Bài thơ hỏi ngã

Bài thơ này bà xã gửi cho tôi đọc vì thấy tôi viết tiếng Việt sai chính tả như điên. Đọc thấy cũng học hỏi được nên copy lại quyên bài về đây. Không biết tác giả là ai.

Mũm mĩm béo, mỉu mỉm cười.
Củ quả dành để biếu người xưa.
Khiễng chân, chậu khiểng đu đưa
Kẻo hết, kẽo kẹt đêm mưa võng buồn.
Hổ thẹn chưa hỗ trợ lương.
kia gả bán người thương vì tiền
Hảo tâm lo chuyện hão huyền.
Đi buôn lỗ vốn, nước màu lổ loang.
Phủ phê chừ mới phũ phàng
Nửa đường gãy gánh, gảy đàn tìm vui.
Gãi đầu tính ngược, tính xuôi.
Còn lưng nửa vốn nữa thời tính sao.
Giãi bày giải nghĩa dễ đâu
Chưa kịp ẩu đả qua cầu đã xong.
Run rẩy phát rẫy dọn nương
Gỡ rối điềm gở rộng đường nhân sinh.
Chú rể bứt rễ cây quỳnh
Ra sức bửa củi cho mình bữa ăn.
Bẩm thưa, bụ bẫm con người
Nói năng tao nhã, chim kia nhả mồi.
ngoài mồ mả xinh tươi
Nhường cơm sẻ áo cho người sẽ vui.
Linh cữu vĩnh cửu ai ơi
Cữ kiêng cử động bệnh thời sẽ qua.
Tẻ nhạt, gạo tẻ của ta
Gần mà giữ kẽ thà ra kẻ thù.
Khẻ mỏ, nói khẽ như ru
Cỗ bàn, cổ kính công phu phụng thờ.
Bỗng dưng trầm bổng bất ngờ
Bĩu môi dè bỉu ai chờ đợi ai.
Bắt bẻ, bẽ mặt tía tai
Lẻ loi lý lẽ gạt ngoài chẳng nghe.
Ngoài vườn chỏng gọng chõng tre.
Cải thiện, cãi lại khó mà hoà nhau.
Chĩnh (hũ) tương nghiêng, chỉnh sửa mau.
Củng cố lời nói cho nhau cũng đành.
Cỏi trói cỡi (cưỡi) ngựa phi nhanh
Xem ai cứng cỏi được dành cõi tiên.
Bảo ban, bão tố khắp miền
Hảnh nắng, hãnh diện tuỳ duyên tuỳ thời.
Hồ đầy xả nước cho vơi
Giữ gìn tắc kẻo thời suy vong.
Chèo bẻo, bạc bẽo dài dòng
Quê hương rất đỗi đổi thay phố phường.
Nghĩ mình ngơi nghỉ dưỡng thương
Tĩnh tâm tỉnh ngộ tìm đường ẩn cư.
Tiểu đội còn bận tiễu trừ
Ngỡ rằng bảnh tẻn thành dư tẽn tò.
Sải tay chú sãi thập thò
Nhân sự thừa thãi bị toà thải ra.
Đứng sững, sửng sốt sợ ma
Trẻ thơ nói sõi nhặt sỏi đá trôi.
Trả nợ bằng một trã xôi
Nãy giờ còn đợi hạt thôi nảy mầm.
Ẩn , sỉ nhục giận căm
Giả dại giã gạo thăng trầm cho qua.
Quẫn trí nghĩ quẩn sa đà
Chấp nhận xúi quẩy hơn là quẫy đuôi.
Đâm thủng, thũng xuống thấp rồi
Đòn bẩy được dịp lên đồi bẫy chim.
Đội ngũ giấc ngủ lim dim
Ân sủng ướt sũng nằm im chờ thời.
Tủm tỉm, đánh tũm không lời
cầm, tuyến… vỉ ruồi giúp ta.
Rác rưởi gấp rưỡi hôm qua
Đẩy xe, đẫy giấc người ta chối từ.
Đảng phái, đãng trí ưu tư
Dở hơi, dở thói tật hư dỡ nhà.
Lẩn quẩn, lẫn lộn tuổi già
Đỉnh chung, đĩnh đạc cũng là đỉnh cao.
Để dành, hiếu đễ về sau
Cô bé tròn trịa thật là dễ thương.
Dỏng tai, dõng dạc khiêm nhường
Rảnh rỗi san lấp rãnh mương trước nhà.
Qua ngõ, ngỏ lời hát ca
Quảng cáo – thực tế cách ba quãng đường.
Rủ rê quyến nhiễu nhương
Rổ sảo, rỗ mặt vấn vương một thời.
Chửa đẻ, chữa bệnh ai ơi
Trường hợp hãn hữu xin thời bỏ qua.
Phá cũi làm củi bếp nhà
Xén bớt công quĩ, quỉ ma chẳng từ
Hạt dẻ, đất dẽ suy tư.
Sàng sảy ít gạo đến giờ chưa xong
Rửa nhục thối rữa mặc lòng.
Hen suyễn, suy suyển đợi mong bao ngày.
Cưỡng đoạt chim cưởng trong tay
Xin đừng cà rỡirởn gai ốc rồi.
Sửa chữa, sữa mẹ em ơi
Sẫm màu, sẩm tối xin mời ghé thăm.
Mẩu bánh dành biếu mẫu thân
Đắt rẻ, ngã rẽ bao lần em qua.
Sỗ sàng, sổ toẹt chẳng tha
Giả thật, giã gạo cho qua tháng ngày.
Gây gổ, cây gỗ chuyền tay
Cánh hẩu chầu hẫu ngồi chờ đổi ngôi.
Mưa rỉ rả mệt người
Rão gân cốt, rảo bước thời đi nhanh.
Cây sả, suồng là anh
Tả thực, lót để dành trẻ con.
Chàng hảng ai mở hãng buôn
Kỷ luật kỹ xảo mình luôn ghi lòng.
Hủ tục, gạo ngày đông
Hỏi ngã khó, chớ ngã lòng ngả nghiêng…!

Hồng Nhung Đỗ: Trăm nhớ ngàn thương

Thị trường âm nhạc Việt Nam hầu hết là phát hành album mới cover lại nhạc xưa, nhất là những tình khúc nổi tiếng. Nghe đi nghe lại riết cũng ngán ngẩm nếu như không có gì mới mẻ trong cách hát hoặc sáng tạo trong phần hòa âm phối khí. Tuy nhiên cũng có những album thu âm lại nhạc xưa với sự đầu tư kỹ lưỡng trong phối khí lẫn tiếng hát như album đầu tay, Trăm nhớ ngàn thương, của Hồng Nhung Đỗ.

Đây là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát của Hồng Nhung Đỗ. Tuy không biết gì về cô nhưng tôi thích ngay chín ca khúc cô thu âm trong album. Cô có chất giọng tốt và hát rất có hồn nhưng vẫn chưa đủ nếu như thiếu đi phần hòa âm phối khí sang trọng và sáng tạo. Từ bài mỡ màng “Giọt mưa thu” (Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ) đến bài cuối “Ai đi ngoài ngoài sương gió (Nguyễn Hữu Thiết), Hồng Nhung Đỗ cũng những nhạc sĩ phối khí, Lưu Hà An, Hoàng Trung Đức, và Hoàng Anh Minh, đem đến cho người nghe một trải nghiệm âm nhạc trọn vẹn qua những âm hưởng bán cổ điển. Đặc điểm là cô cover lại những ca khúc của hai cây cổ thụ của nhạc Việt: Phạm Duy và Lam Phương. Tuy hai người nhạc sĩ với hai phong cách hoàn toàn khác nhau nhưng album vẫn giữ được sự liền lạc chứ không bị chi phối.

Tối thứ Sáu trời mưa dầm dề và thời tiết se lạnh, còn gì hơn được ngồi ở nhà thưởng thức một album Việt Nam cùng một chai whiskey Nhật Bản. Không cần mồi cũng đủ phê.

Mất bóp

Sáng thứ Hai bọn nhỏ được nghỉ học nên khỏi phải đưa chúng nó đến trường. Thức dậy sớm tôi bắt tay ngay vào công việc ngay. Đến 11 giờ trưa rũ cả bốn thằng ra skatepark chơi. Công viên vắng vẻ chỉ có năm cha con mặt sức mà trượt. Nửa tiếng sau bọn nó yêu cầu đi uống trà sữa. Tôi đề nghị quán TeaDM vì mua 4 tặng 1 vừa đủ cho 5 cha con. Tôi thì lại mê sinh tố khoai môn tươi của quán này. Trong lúc bọn nó quấn quít bên chiếc iPhone thì tôi ngửa ra sofa (với hình thức cái tô khổng lồ) để đọc sách và thưởng thức ly sinh tố.

Đến 12 giờ trưa quây về nhà cho tụi nó ăn trưa còn tôi tiếp tục làm việc. Đến 4 giờ chiều tôi gọi thằng Đán và Xuân đi học đàn dương cầm. Lúc ra xe mới phát hiện không có cái bóp. Vô nhà tìm mãi cũng không ra. Ráng nhớ lại từ lúc về đến nhà làm gì mà cũng không nhớ ra nỗi đã quăng cái bóp ở đâu. Nhờ bà xã đưa hai thằng con đi học đàn để tôi ở nhà tìm tiếp.

Gọi điện thoại cho TeaDM thì họ không trả lời mà chỉ nhắn tin lại rằng muốn đặt hàng gì thì vào tiệm. Tôi hỏi họ có ai nhặt được cái bóp không. Họ trả lời không nhưng nếu có họ sẽ báo cho tôi biết. Thế là ở nhà lục tiếp. Tìm hết xe cũng không ra. Kéo sofa ra cũng không có. Tôi chợt nhớ nhớ lúc ngửa ra sofa trong quán đọc sách nên tôi quyết định lái xe đến quán. Hy vọng nó còn lọt ở đáy của chiếc ghế sofa hình cái tô mà chưa ai phát hiện. Vừa lái xe tôi vừa khẩn cầu mẹ, “Mẹ ơi giúp con thêm lần này nữa nhé. Con mà bị mất cái bóp này thật là phiền lắm. Tất cả thẻ tín dụng, thẻ bảo hiểm, và bằng lái xe đều nằm trong đó. Luôn cả chiếc chìa khóa nhà để dự phòng. Lần trước mẹ đã che chở cho con thoát nạn covid, lần này mẹ cứu con thêm một lần nữa nhé”.

Chạy đến nơi, tôi định đi nhanh lên tầng hai của quán để kiểm tra lại chiếc ghế sofa nhưng cô bán hàng chào và hỏi tôi cần giúp đỡ gì không. Tôi chào cô và hỏi ngay về cái bóp. Cô quây sang kế bên chiếc máy tính tiền và đưa ra cái bóp. Tôi nhận ra ngay chiếc bóp của tôi. Tôi mừng rỡ như vừa được thoát nạn. Tôi cảm ơn cô vô cùng vì đã nhận lại được cái bóp. Ra khỏi quán tôi nhìn lại trong bóp tất cả còn y nguyên. Tờ $100 vợ đã nhét vào mấy tuần trước vẫn còn đó. Tôi cũng không quên cảm ơn năng lực vô hình của mẹ đã cứu vớt tôi thêm một lần nữa.

Cầu tiến

Không biết từ lúc nào tôi đã bị rơi vào cách sống cầu tiến. Lúc nào cũng phải bước tới chứ không cho phép mình dậm chân tại chỗ hoặc lùi lại. Lúc còn trẻ cố gắng tranh đấu để cầu tiến cũng tốt.

Lúc còn cắp sách đến trường phải học cho giỏi để tương lai sáng lạng. Tốt nghiệp đại học phải kiếm công ăn việc làm lương cao. Có công việc rồi phải thăng chức. Trong nghề nghiệp, nhất là ngành liên quan đến công nghệ điện toán, phải luôn theo đuổi để học những kỹ thuật mới.

Trong cuộc sống cũng phải cầu tiến cho bản thân bằng cách đọc nhiều để hiểu nhiều và tập viết để rèn luyện chữ nghĩa. Ngoài ra cố gắng tập dượt những môn thể thao để tiến xa hơn.

Sự cầu tiến cho bản thân đã khiến tôi tự thi đấu với chính mình. Và điều này đã đem đến cho tôi những phiền muộn và chán nản về mình. Giờ đây tôi phải tập bỏ hết tất cả. Tự đấu trí với chính mình. Cuộc đời này có là bao sao phải làm khổ bản thân. Cầu tiến để được gì rồi mai đây cũng chỉ trở về cát bụi.

Tôi không muốn cách suy nghĩ của tôi sẽ ảnh hưởng đến con cái. Có bắt nó học giỏi có bắt nó chơi thể thao cũng được gì? Dĩ nhiên tôi không muốn tụi nó giỏi để tôi được nở mặt nở mày hay để khoe khoang mà chỉ để cho nó có tương lai tốt đẹp cho bản thân và đời sống của nó. Thôi thì để tự nó tìm lối đi riêng của nó. Có thành công hay thất bại cũng là do nó quyết định.

Nhìn lại cuộc đời của chính mình, tôi cũng không biết mình đã thành đạt hay thất bại. Giường như điều duy nhất tôi cảm thấy mình thành công là tìm được một người bạn đời. Tôi nợ em rất nhiều. Tôi cám ơn những tình cảm em dành cho tôi. Dĩ nhiên tôi luôn yêu thương và kính trọng em.

Điều anh hằng mong muốn?

Nhạc dân gian đương đại của Hoàng Thùy Linh không chỉ giai điệu mà luôn cả ca từ cũng hòa lẫn giữa truyền thống và hiện đại. Thí dụ như trong ca khúc “Duyên âm”, nàng đuổi khéo chàng rằng, “Điều anh hằng mong muốn, ba má em sẽ buồn / Anh ơi, anh về đi”. Nếu như nghĩ theo thời xưa thì câu này cũng không có gì ghê gớm lắm. Nhưng nghĩ theo thời nay thì thật là động trời. Điều gì chàng mong muốn mà khiến cho ba má nàng phải buồn? Tôi chỉ nghĩ ra có một điều đó thôi. Đùa chút cho vui thôi. Nếu các bạn hứng thú đọc thêm những phần chơi chữ trong ca từ của những ca khúc của Hoàng Thùy Linh, xem phần đề án nho nhỏ này cho vui.

Tiếng Việt

Thụy Anh

Lên cao là dấu sắc
Lúc lắc
Lúc lắc

Bè trầm là dấu huyền
Dịu hiền
Dịu hiền

Băn khoăn là dấu hỏi
Mệt mỏi
Mệt mỏi

Trúc trắc là dấu ngã
Vội vã
Vội vã

Buồn thiu là dấu nặng
Im lặng
Im lặng

Tiếng gì mà hay thế
Như là một trò chơi?
Em xóa những con dấu
Đọc được một từ “Vui…”

Vietnamese Sounds

Translated by Donny Trương

Rising is the acute
Shaking
Shaking

Descending is the grave
Tender
Tender

Anxious is the hook above
Weary
Weary

Abrupted is the tilde
Rush
Rush

Sad is the underdot
Silent
Silent

What are those wonderful tones
That sounded like a game?
When removed all the marks
I read the word “happiness.”

10 điều lành

  1. Không sát hại các loài vật, mà phóng sanh.
  2. Không tà hạnh (hạnh không chân chánh), mà tu phạm hạnh.
  3. Không trộm cắp của cải mọi người, mà bố thí.
  4. Không nói dối, mà nói lời thành thật.
  5. Không nói thêu dệt, mà nói lời đúng đắn.
  6. Không nói phân rẻ, mà nói lời hòa giải.
  7. Không nói thô ác, mà nói lời dịu ngọt.
  8. Không tham dục, mà quán bất tịnh.
  9. Không giận hờn, mà quán từ bi.
  10. Không tà kiến (ngu si), mà quán nhân duyên.

Trích từ kinh Phật

Tiêu Châu Như Quỳnh: Acoustika

Từ khi trang blog QB Music biến mất, tôi không còn đọc bài viết của nhạc sĩ Quốc Bảo. Mấy hôm trước tôi google để xem tin tức hoặc sinh hoạt của nhạc sĩ thì tình cờ đọc bài báo về một cô ca sĩ với cái tên tôi chưa từng biết: Tiêu Châu Như Quỳnh. Đọc sơ thấy đề cập đến Tiêu Châu Như Quỳnh ca nhạc của Quốc Bảo qua phong cách jazz nên tôi cũng muốn nghe thử.

Acoustika được phát hành vào năm 2020 gồm tám ca khúc quen thuộc của Quốc Bảo. Như những nàng thơ trước, Tiêu Châu Như Quỳnh có giọng hát mộc mạc, cảm xúc, và rất hợp với phong cách Quốc Bảo. Nhưng nói Acoustika là một album jazz thì cũng không chính xác. Bài mở đầu, “Tình như trái chín muộn”, kết hợp giữa bossa nova và swing, nghe cũng phê phê. Bài thứ hai, “Giấc mơ tuyết trắng” bắt đầu bluesy nhưng tới phần điệp khúc thì trở thành pop. “Em về” không có một mùi jazz nào cả, mà là straight-up ballad.

Điểm mạnh của Acoustika là phần nhạc. Tiếng đàn dương cầm quá tuyệt trong ca khúc “Nhớ”. Tuy Tiêu Châu Như Quỳnh song ca cùng Lê Hiếu nhưng tôi chỉ muốn nghe tiếng dương cầm solo. “Tình ca” được phối theo điệu funk với sức hút thôi miên. Tiêu Châu Như Quỳnh luyến láy theo nhạc funk xuất sắc.

Tuy không hẳn là một album jazz, Acoustika dễ nghe và dễ thưởng thức.

Contact