Dường như các ca sĩ đã nổi danh trong nước khi định cư tại hải ngoại đều bị nhiễm thói quen hát nhạc cũ, kể cả hai giọng ca lớn như Bằng Kiều và Thu Phương, nhưng đáng tiếc nhất lại là những ca sĩ như Ngọc Anh và Đình Bảo. Cả hai đều có chất giọng tốt, nhạc lý vững, và khôn khéo trong việc làm album. Nhưng khi họ đầu quân về công ty Thúy Nga thì lại cho ra đời những sản phẩm đáng buồn. Nếu như hát lại những bài cũ với thử thách mới (hòa âm, phối khí, cách hát,…) như các nhạc sĩ jazz thường làm thì rất đáng hoan nghênh, nhưng cứ đi theo đúng khuôn khổ quen thuộc của bài hát với những hoà âm nghèo nàn, thiếu sáng tạo thì thật lãng phí.
Trường hợp của Hà Trần cũng không phải là ngoại lệ. Những đĩa của cô từ phía Thúy Nga đều chỉ đạt mức trung bình. Điển hình là album Tình Ca Qua Thế Kỷ phát hành vào năm 2007. Với những lối hòa âm không ấn tượng—như nhạc điện tử (electronic) trong “Kiếp Dã Tràng” (Từ Công Phụng) hay điệu Latin lỏng lẻo trong “Trở Về Bến Mơ” (Ngọc Bích)—Hà Trần không thể hiện được cá tính độc đáo vốn có của mình vào dòng nhạc đã được nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của Tình Ca Qua Thế Kỷ là đã giúp cho tiếng hát của Hà Trần trở nên gần gũi hơn với một đối tượng khán giả mới—những người mà chắc là sẽ không bao giờ chấp nhận được cái bề ma quái của cô.
Phải đến bảy năm sau, Hà Trần mới tiếp tục cho ra đời Tình Ca Qua Thế Kỷ 2. Điểm khác biệt là lần này đĩa do trung tâm Hà Trần phát hành chứ không phải của Thúy Nga. Phần hòa âm và phối khí cũng được đầu tư bài bản hơn hẳn đĩa trước, được đảm nhiệm bởi các tên tuổi uy tín như Vũ Quang Trung, Ignace Lai và Thanh Phương. Album gồm 12 ca khúc bất hủ, trong đó có một liên khúc, đều là những tình khúc đi sâu vào lòng người và trường tồn với thời gian như đúng tên gọi của đĩa.
Bên cạnh đó, Hà Trần cũng cho thấy sự khôn khéo của mình trong từng ca khúc. Cách cô sử lý bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” (Lam Phương) rất đặc sắc. Được dìu dắt bởi tiếng đàn dương cầm cao sang và dàn dây nhạc classical, giọng Hà Trần tung bay như tiếng chim họa mi xót xa hót trong đêm. Cô nhẹ nhàng uyển chuyển giọng hát đầy lĩnh vực vào “Hương Xưa” (Cung Tiến) và bộc lộ được chiều sâu của “Giọt Lệ Cho Ngàn Sau” (Từ Công Phụng). Giá như Hà Trần chỉ tập trung vào dàn nhạc classical cho cả album, như cách mà Thanh Lam và Tùng Dương đã thực hiện đĩa Yêu, thì có lẽ Tình Ca Qua Thế Kỷ 2 sẽ còn hấp dẫn hơn nữa.
Nói thế là vì còn đấy những phá cách chưa thực sự hiệu quả. Chẳng hạn, tuy bản “Xin Thời Gian Qua Mau” (Lam Phương) được đổi qua điệu bossa nova nghe sang trọng hơn, nhưng lối hát của Hà Trần còn hơi cứng nên không quyện vào được với cái đu đưa của giai điệu Latin. Hay cả hai bản “Ảo Ảnh” (Y Vân) và “Vết Thương Cuối Cùng” (Diên An) đều thiếu cái sự đậm nét của Hà Trần và lối hòa âm cũng nghễnh ngãng, nghe không hấp dẫn. Liên khúc “60 Năm Cuộc Đời” (Y Vân) và “Nếu Có Yêu Tôi” (Trần Đức Duy & Ngô Tịnh Yên) ở phần cuối hóa ra lại thừa thải, không nên đưa vào đĩa. Hà Trần phô trương cách hát không chữ (scat singing) để cố tạo sự mới lạ, nhưng kết quả nghe lại quá ngượng nghịu.
Nhìn chung, vì Tình Ca Qua Thế Kỷ 2 lẫn lộn giữa nhiều phong cách khác nhau nên mất đi sự liền lạc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đây là một album nhạc xưa đã có sự đổi mới và sáng tạo, nhất là những bài được dàn dựng theo phong cách nhạc cổ điển (classical). Bản “Người Em Sầu Mộng” (Y Vân & Lưu Trọng Lư) được làm lại với một chất blues đậm đà và được Hà Trần chuyên chở rất đạt. “Nỗi Lòng Người Đi” (Anh Bằng) cũng là một điểm sáng giá của album, đáng lý nên là bài chấm dứt đĩa. Qua cách bố trí acoustic với dương cầm và guitar, Hà Trần gợi lại nỗi buồn của một người phải xa xứ từ lúc còn rất trẻ. Cảm giác đó chắc chắn sẽ còn lắng đọng mãi trong lòng người nghe, ngay cả khi đĩa nhạc đã khép lại.
Bài nhận xét trên đã được xuất bản qua tiếng Anh. Nay viết lại sang tiếng Việt. Cám ơn Sơn Phước đã biên tập lại bản tiếng Việt.