Thanh Lâm Saxophone 4: Nghĩa mẹ tình cha bao la biển trời

Với niềm đam mê nghe nhạc jazz, tôi quý trọng tiếng kèn saxophone, nhất là chất đẹp dịu dàng của cây alto. Tôi đã từng bị lôi cuốn bởi âm thanh của Charlie Parker, Cannonball Adderley, Ornette Coleman, rồi đến Eric Dolphy. Dĩ nhiên tôi không so sánh Thanh Lâm với những tay jazz legends đó nhưng tôi hơi đáng tiếc là anh không phát triển được sự quyến rũ của cây alto qua album mới nhất của anh với tựa đề Nghĩa mẹ tình cha bao la biển trời. Từ bài mở đầu “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân cho đến bài nhạc ngoại quốc cuối cùng “Papa”, anh rất chung thủy với lời nhạc của tác giả và không cho mình cơ hội để ứng tấu (improvise). Không một đứa con Việt Nam nào mà không nằm lòng giai điệu của “Lòng mẹ” nên anh không cần phải chơi đúng theo khuôn khổ của nó. Đáng tiếc hơn là anh dùng bài hoà âm pop ballad quá bình thường để thổi tiếng kèn của mình thay vì chơi với một bang nhạc sống nhóm bốn (quartet) hoặc với một dàn nhạc giao hưởng (orchestra). Có lẽ đó là sự đầu tư tốn kém lớn lao cho nghệ thuật nên anh chỉ dừng lại ở một album không lời dành cho các nhà hàng Việt phục vụ khách nước ngoài.

Bích Liên: Phạm Duy hát vào đời

Tuy ít nghe giọng soprano nhưng cả tuần vừa qua tôi bị lôi cuốn bởi chất giọng cao sang của Bích Liên qua mười tình ca quen thuộc của Phạm Duy. Được hỗ trợ bởi dàn orchestra đầy sắc màu, Bích Liên bay bổng trong “Xuân hành”, lắng đọng trong “Một bàn tay”, da diết trong “Tìm nhau”, và xao xuyến trong “Tạ ơn đời”. Càng nghe càng thấm thía nhất là giữa đêm khuya trong không gian yên tĩnh. Một album được đầu tư kỹ lưỡng từ hòa âm phối khí đến từng ca khúc chọn lọc để đem đến cho người nghe một experience trọn vẹn.

Lan Anh: Tình khúc xưa

Lan Anh có chất giọng tốt: khỏe và cao. Cô chuyên trở từ alto qua soprano dễ dàng nên hơi tự tin. Đang lái xe một mình mà nghe cô trình bày “Đôi mắt người Sơn Tây” (Quang Dũng) với volume cao tôi phải kéo cửa sổ xuống. Tôi không sợ giọng cao nhức nhối của cô làm bể màng nhĩ mà chỉ lo ngại bể kính xe phải tốn tiền. Cô đẩy giọng mình qua khỏi khu vực dễ chịu cho người nghe. Bù lại cô hát chừng mực những tác phẩm như “Hẹn hò” (Phạm Duy) và “Bản tình cuối” (Ngô Thụy Miên). Riêng “Từ giọng hát em” (Ngô Thụy Miên) miêu tả chính xác về giọng hát Lan Anh: “Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao một trời một trời.”

Melanie Nga My: Trong cõi tình ta

Melanie Nga My là giọng hát khá mới nhưng không lạ. Em có chất giọng nhẹ, ngọt, và buồn. Hát thấp giống Ngọc Lan. Hát cao giống Y Phương. Còn hát run giống bị cảm. Chắc là em “Nhớ đêm mưa Sài Gòn” lắm nên run lập cập. Em muốn dùng vibrato nhưng kỷ thuật còn quá kém nên run thảm thương. Trình bày “Kỳ diệu” mà em run đến nỗi hát muốn không ra lời. Nhạc sĩ Anh Bằng mất lâu rồi. Chú không trách em đâu. Cứ nhẹ nhàng mà hát nhé đừng run nữa. Tội nghiệp quá.

Phạm Thu Hà: Chạm

Album gồm chín bài tình ca xưa được cover lại qua chất giọng cao sang của Phạm Thu Hà. Cách xử lý những tác phẩm đã quá quen thuộc trong làng âm nhạc Việt Nam an toàn và vững chắc nhờ vào cảm xúc, trải nghiệm, và range trong giọng hát của Hà như “Mắt lệ cho người” (Từ Công Phụng) và “Cho em quên tuổi ngọc” (Lam Phương). Tuy nhiên, album tỏa sáng là nhờ vào những phần orchestration xuất sắc và khéo léo của nhạc sĩ hòa âm Nguyễn Anh Khoa. Chạm nhất là “Hương xưa” (Cung Tiến) và “Nghìn trùng xa cách” (Phạm Duy). Dàn nhạc giao hưởng đưa giọng mezzo-soprano chín muồi của Hà bay bổng trong không gian semi-classical. Một album đáng được thưởng thức cho những tâm hồn đam mê nhạc thính phòng.

Dấu ấn tình xưa

Tôi không rõ lai lịch của album này. Càng không biết những ca sĩ trình bài nhưng chỉ nghe qua một lần là bị lôi cuốn ngay bởi những bài hoà âm mộc mạc và gần gũi. Chẳng hạn như ca khúc “Giọt mưa thu“ được phối qua những nhạc cụ gồm có dương cầm hoà quyện cùng dàn giây và sáo tạo ra một không khí buồn não nùng để hộ tống giọng soprano của Hồng Dịu đến những đoạn cao vút. Riêng cá nhân tôi thì tuyệt vời nhất là phần hoà âm jazz chậm cho “Nỗi lòng người đi.” Không biết nhạc sĩ nào mà thổi đàn saxo quá điêu luyện. Không chỉ phần solo nồng nàn mà còn nâng cao giọng hát trầm ấm của Lân Nhã. Nhạc phẩm “Kim” cũng được hoà âm với giai điệu say sưa của blues và swing qua phần song ca Trung Kiệt và Duyên Huyền. Khuya nay mời các bạn cùng thưởng thức album này với vài ly rượu chát. Cheers!

Đồng Lan: Này em có nhớ

Album nhạc Trịnh được Đồng Lan jazz lên và chuyển qua lời Pháp. Phần nhạc chơi theo phong cách straightforward (thẳng thắn và không phức tạp). Đặc sắc là “Thành phố mùa xuân” được swing nhộn nhịp và mới lạ. Còn “Vết lăn trầm” được tô đậm màu blues buồn và tính cách. Giọng Đồng Lan đầy chất khói chuyên trở ca từ nhạc Trịnh nhẹ nhàng nhưng không thiếu cảm xúc. Đáng tiếc rằng tôi không thể nhận xét được lời Pháp và cách phát âm tiếng Pháp của cô. Nghe tiếng Pháp thì cũng lãng mạn lắm nhưng cứ mong mỏi được chiêm ngưỡng ca từ Việt thuần túy của Trịnh Công Sơn.

Hồ Trung Dũng Meets Võ Thiện Thanh: Saigon feel

Thật ngạc nhiên và thú vị khi nghe những jazz arrangements của Võ Thiện Thanh cho các ca khúc của anh. Chẳng hạn như “Sài Gòn có mùa thu” được dàn dựng công phu với big band khiến cho điệu swing tươi vui và đầy nghị lực. Về phần hát, Hồ Trung Dũng luyến láy khôn khéo để hòa hợp với từng thể loại jazz khác nhau. Dũng bay lượn nhẹ nhàng theo nhịp điệu bossa nova trong nhạc phẩm “Sài Gòn có mùa thu” hoặc sâu lắng theo chất blues nồng nàn trong “Đôi mắt.” Ngoài phần hát, những phần tiết tấu tuy ngắn nhưng làm tăng thêm những màu sắc vào những ca khúc. Saigon feel là một thành quả tốt đẹp giữa Dũng và Thanh rất xứng đáng được nhìn nhận và thưởng thức.

Hồng Duyên: Duyên

Ấn tượng đầu tiên khi nghe Hồng Duyên hát “Guốc mộc” của Hồ Trọng Tấn là giọng hát khoẻ và trẻ thơ (childlike) có phần giống Ngọc Khuê. “Guốc mộc” là một ca khúc quan họ được hoà âm theo nhiệp điệu swing rất dễ thương. Nửa phần đầu của bài dân ca Nghệ Tĩnh “Giận mà thương” được đệm với nhạc cụ guitar điện đơn giản nhưng hơi bị cute. Dân ca Bắc bộ “Gói đánh đò đưa” Hồng Duyên song ca cùng Tạ Quang Thắng được remix lại với nhịp điệu r&b trẻ trung. Đáng lý ra album nên ngưng lại ở dân ca Trung bộ “Lý mười thương” để người nghe được thưởng thức trọn vẹn những bài dân ca. Tuy Hồng Duyên trình bài “Em tôi” của Thuận Yến rất tốt nhưng nó đi lạc hướng. Hai bài cuối cũng chỉ là filler.

Lệ Quyên: Tình khôn nguôi

Sau những album bolero không cảm giác và nhạc Trịnh không hồn, Lệ Quyên quay lại với nhạc thị trường. Album này nghe mà cười ra nước mắt. Bài mở đầu, “Không còn nợ nhau”, nghe lần đầu là bị móc liền. Thật tội nghiệp khi nghe em kể lể: “Nhìn lại nhau bấy nhiêu năm em được gì / tình yêu này dâng hết cho anh em còn gì / dành cho anh cả tuổi thanh xuân / chỉ để yêu một người vô tâm.” Thằng chó này vô tâm thật.

Rồi em tiếp tục chia sẽ “Yêu anh hơn chính em”, “Vì em còn thương”, nhưng “Giận thì giận mà thương thì thương thì thương”. Nghe thật dễ thương vô cùng, “Giận thì giận mà thương càng thương / chẳng cần xin lỗi chỉ cần anh thôi / hãy đến bên em người ơi”.

Đỉnh nhất là cả khúc “Yêu thương một đời”. Nghe lần đầu mà té ngửa luôn, nhất là câu điệp khúc: “Là vì anh cho em cay đắng muộn phiền / Là vì anh, em quên đi bán thân mình.” Chết mẹ rồi, con ghệ này nó mê thằng pimp rồi. Nghe lại thì chắc ý tác giả là “bản thân” nhưng chữ đó phải lên giọng nên thành “bán” luôn.

Contact