Ca từ Phạm Duy

Tôi nghe và mê nhạc Phạm Duy từ lâu nhưng chưa từng tập trung vào repertoire hơn cả ngàn ca khúc của ông. Trong mấy tháng vừa qua tôi nghe lại nhạc của ông khi Phương Nam Phim phát hành bộ tuyển tập Phạm Duy: Kỷ niệm 10 năm ngày mất (2013–2023), gồm 40 ca khúc.

Đồng thời tôi cũng nghe lại bộ tuyển tập Một đời nhìn lại gồm 40 ca khúc do Biển Tình Music phát hành năm 2002. Cả hai bộ CD collection kết hợp nhiều giọng hát khác nhau từ trong nước đến hải ngoại. Mỗi một giọng hát mỗi vẻ đẹp khác nhau nhưng cá nhân tôi thường nghe Tuấn Ngọc hát nhạc Phạm Duy qua phần hòa âm phối khí của Duy Cường, đặc biệt là ca khúc “Tôi mơ thành triệu phú, cứu vớt gái bơ vơ” (“Kỷ niệm”).

Tuy Tuấn Ngọc đã thu âm rất nhiều ca khúc của Phạm Duy nhưng tôi chưa từng nghe một album nào của anh dành riêng cho nhạc Phạm Duy. Ngược lại, Đức Tuấn đã đầu tư rất nhiều vào những sản phẩm nhạc Phạm Duy như Kỷ Niệm (bộ đĩa đôi), Kiếp nào có yêu nhau, và Requiem. Riêng Đức Tuấn hát Tình ca Phạm Duy, giờ nghe lại vẫn phê như lúc mới được phát hành vào năm 2007. Từ “Tình Cầm” đến “Tình hoài hương” đến “Tình ca”, Đức Tuấn hát say sưa và chìm đắm trong dàn nhạc đặc sắc qua phần điều khiển của Đức Trí. Lấy nguồn cảm hứng từ album này, tôi tạo ra một trang web (typographic sample) với ca từ của 15 ca khúc Phạm Duy bắt đầu bằng chữ “Tình” như “Tình nghèo”, “Tình quê”, và “Tình kỹ nữ”. Dĩ nhiên là không thiếu “Tình hờ” với lời ca thật phũ phàng: “Khi tôi tìm đến em / Là tìm vui trong chốc lát / Đến một lúc rồi quên / Nhớ nhung không cần thiết”.

Càng nghe nhạc của Phạm Duy, tôi càng khâm phục tài năng song toàn trong phần soạn nhạc lẫn ca từ của ông. Chẳng hạn như trong bài “Chỉ chừng đó thôi”, ông miêu tả người phụ nữ rất thú vị: “Khi xưa em gầy gò / Đi ngang qua nhà thờ / Trông như con mèo khờ / Chờ bàn tay nâng đỡ”. Không chỉ riêng ca từ của mình, mà ông còn soạn nhạc cho rất nhiều bài thơ. Chẳng hạn như “Chuyện tình buồn”, thơ của Phạm Văn Bình có câu như: “Ngày nhà em pháo nổ / Anh cuộn mình trong chăn / Như con sâu làm tổ / Trong trái vải cô đơn”. Tuy không thất tình nhưng tôi vẫn cuộn mình trong chăn chả muốn đối diện với thế giới bên ngoài.

Mỗi lần lắng nghe nhạc Phạm Duy chịu khó để ý đến lời, tôi điều bắt gặp những vần thơ hấp dẫn. Cho nên vài ngày vừa qua tôi dành một chút thời gian cá nhân tìm hiểu thêm ca từ của ông. Chẳng những thế, tôi quyết tâm tạo thêm một trang typographic sample để đọc lời nhạc của ông cũng như lời thơ ông phổ nhạc. Tại sao tôi phải tạo ra một trang web riêng mà không đọc trên mạng? Câu trả lời lời đơn giản là tôi muốn sử dụng bộ fonts không chỉ dễ đọc mà còn mát mắt. Những trang web dành cho lời bài hát tôi tìm được trên mạng không chú trọng vào phần trải nghiệm của người đọc.

Lý do quan trọng hơn tôi dành thời gian tạo ra trang web này là để tự học tiếng Việt, như ông đã viết: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. Trong phần thiết kế và viết HTML bắt buộc tôi phải đọc hết lời ca và tôi đã học hỏi thêm về văn thơ của ông. Vì thời gian có hạn nên tôi chỉ chọn ra những tác phẩm có ca từ mình thích. Tôi chưa với tới trường ca của ông. Để dành cho tương lai khi tôi có dư thời gian. Về nhạc chủ đề kháng chiến ca tôi chỉ dùng những bài ông viết về những người mẹ như “Bà mẹ nuôi (bà mẹ Gio Linh)” với những ca từ bi hùng: “Mẹ già tưới nước trồng rau / Nghe tin xóm làng kêu gào / Quân thù đã bắt được con / Đem ra giữa chợ cắt đầu / Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! / Nghẹn ngào không nói một câu / Mang khăn gói đi lấy đầu.”

Còn 10 bài Tục ca Phạm Duy thì tôi đã tạo một trang riêng. Ông viết lời Việt cho rất nhiều ca khúc Ngoại nhưng tôi chỉ dùng duy nhất “Bài ngợi ca tình yêu (Dáng tiên nữ)” với ca từ tình tứ: “Buổi sáng khi sương tan còn lắng đọng / Nhìn thấy dáng em ngoan nằm gối mộng / Vùi trong hơi ấm nồng nàn / Thịt da thơm ngát tình nồng / Cùng chăn gối ấm giường hồng, tình yêu ngây ngất”.

Nếu bạn nào thích ca từ nhạc Phạm Duy hay muốn học tiếng Việt theo cách của tôi thì mời vào đọc trang Phạm Duy tôi vừa hoàn tất.