Thư gửi Dì

Dì Chín Mến,

Cháu cám ơn dì đã có mặt trong cuộc họp gia đình lần đầu tiên của dòng họ Lý. Sự hiện diện của dì đã mang đến cho buổi gặp mặt tràn đầy ý nghĩa cho đại gia đình mình. Dì là người duy nhất đại diện cho thế hệ lớn của họ Lý.

Cháu rất vui được gặp lại dì sau mười mấy năm xa cách. Lần trước dì về Lancaster dự tiệc hôn nhân của cháu. Lần này gặp lại dì, cháu đã có được thêm tứ quý. Cám ơn dì đã dành một chút thời gian với cháu và đã kể lại cho cháu nghe những chuỗi ngày khó khăn lúc dì mới định cư ở xứ lạ quê người. Cháu rất khâm phục sự nỗ lực của dì. Dì không chỉ vượt qua qua được sự khó khăn trong ngôn ngữ mà còn tốt nghiệp đại học và đã trở thành một programmer tài giỏi.

Thú vị hơn là dì đã chia sẻ với cháu cuộc tình gần 30 năm của dì và dượng. Vui nhất là lời thực tế của dì trong giai đoạn hai người đang hẹn hò. Dì dặn dò dượng đừng lãng phí tặng hoa cho dì mỗi lần dượng đến nhà, nhưng dượng vẫn tiếp tục tặng hoa. Tặng hoa thì dượng không nghe dì nhưng có một điều quang trọng dượng phải nghe. Khi dượng muốn tiến đến hôn nhân với dì phải có sự đồng ý của Dì Hai. Dì giải thích cho dượng rằng khi cha mẹ dì đã mất thì Chị Hai là người thay thế ngôi vị của Mẹ. Tuy dượng là người Mỹ nhưng dượng cũng phải tôn trọng tục lệ của mình. Đây là một bài học rất có ý nghĩa đối với cháu. Cho dù sống ở bất cứ nơi nào, mình vẫn phải giữ gìn truyền thống. Cháu rất ngưỡng mộ mối tình sâu đậm và bền lâu của dì dượng. Dì và dượng đã thành đôi vợ chồng hạnh phúc bên nhau cho đến khi dượng chút hơi thở cuối cùng. Hy vọng sau này tụi cháu cũng được như thế.

Giờ đây dượng đã xa cõi tạm này, chỉ còn lại dì một mình. Chẳng những thế, dì còn ở xa những người thân nên cháu không mấy an tâm. Không những chỉ riêng mình cháu, mà các anh chị em khác trong họ ai cũng lo lắng cho dì. Trong mấy anh em nhà họ Lý, từ Dì Hai, Mẹ cháu, Dì Năm, Cậu Sáu, cho đến Dì Tám đều lìa xa trần thế, bây giờ chỉ còn lại dì mà thôi. Giống như tục lệ anh chị lớn thay thế cha mẹ, dì giờ đây thay thế mẹ của chúng cháu. Cho nên dì cần điều gì từ tụi cháu, xin dì đừng ngần ngại gì cả. Dì có thể gọi bất cứ cháu nào.

Dì tâm sự với cháu rằng đám cháu ở Lancaster ngỏ ý muốn dì dọn về Lancaster nhưng dì vẫn còn suy nghĩ. Cháu cũng đồng ý với mấy anh chị. Cháu ở Virginia nhưng chỉ lái xe hai tiếng rưỡi đồng hồ là đến Lancaster nên cháu sẽ về thăm dì thường xuyên hơn nếu dì dọn về đây. Tuy nhiên, cháu tôn trọng sự quyết định của dì. Nếu dì ngại dọn đồ thì các cháu sẽ giúp dì một tay.

Dù cho dì ở đâu đi nữa, sức khỏe vẫn luôn quan trọng. Dì đừng để căng thẳng trong cuộc sống làm hại đến sức khỏe. Như cháu đã khuyên dì, đừng để những chuyện nhỏ nhoi không đáng kể làm tâm trí dì phiền muộn. Đừng để lời lẽ của người khác ảnh hưởng đến cuộc sống của dì. Vì cơn bệnh tiểu đường khiến cho dì hay quên, cho cháu góp ý rằng, dì hãy viết xuống ngay những gì cần phải nhớ. Viết nhật ký thường xuyên đã trở thành thói quen của cháu. Cháu viết xuống để mai sau có thể tham khảo lại những gì cháu còn nhớ và sẽ quên.

Cuối cùng cháu xin kèm theo mấy bức ảnh cháu đã chụp lúc hai dì cháu mình thả bộ từ downtown Lancaster đến khu nhà trọ mẹ cháu và cháu đã từng ở lúc mới định cư nước Mỹ. Đi bên dì mà bao nhiêu ký ức ùa về. Cũng trên con đường mình đã đi, mẹ và cháu đã kéo xe tay ra chợ nông dân người Amish mua thịt, cá, rau, và trái cây. Mẹ cẩn thận chọn từng món hàng.

Căn phòng trọ mẹ và cháu ở là trên tầng hai nhà hàng Golden Eagle của gia đình Dì Hai lúc xưa. Tuy nhà hàng ở tuần dưới đã cho người khác thuê nhưng khu nhà trọ tầng trên vẫn không thay đổi. Căn nhà nhỏ chật hẹp đó đã đem lại rất nhiều kỷ niệm của mẹ và cháu. Trong căn nhà đầy ấm cúng đó, cháu đã được ấm no và đã được nuôi dưỡng qua tình thương vô điều kiện của mẹ. Cháu được ăn học nên người là nhờ đến sự hy sinh của mẹ. Dù giờ đây khu nhà trọ vẫn cũ kỹ và sơ sài, nó vẫn luôn đẹp đẽ trong lòng của cháu. Lúc đi bên cạnh dì, cháu rất nhớ đến mẹ.

Vài hàng dài dòng gửi đến dì đọc cho đỡ buồn. Xin chúc dì luôn khỏe mạnh và không bị phiền muộn. Hẹn gặp lại dì một ngày gần đây trong tương lai.

Cháu của dì,

Doanh