Ngọc Lan & Tuấn Ngọc: Tôi với người đã quên

Tôi yêu quý tiếng hát Ngọc Lan và kính nể tiếng hát Tuấn Ngọc. Hai giọng ca với hai phong cách khác nhau trong làng âm nhạc Việt Nam. Ngọc Lan hát tự nhiên như thở không áp dụng kỹ thuật. Ngược lại Tuấn Ngọc dùng kỹ thuật rất tinh tế. Anh thường lên nửa tông cao hơn nốt nhạc đã viết nhưng vẫn luôn giữ được một ngữ điệu (cadence) mạnh mẽ. Đặc điểm của anh là ứng dụng chất rung (vibrato) rất tế nhị, không như những ca sĩ khác rung hơi quá nên nghe chói tai. Còn Ngọc Lan thì ý khi dùng kỹ thuật rung nên nghe cô hát rất êm tai.

Tuy Ngọc Lan và Tuấn Ngọc có hai đường lối khác nhau nhưng hai tiếng hát có thể quyện vào nhau qua sự thu hút trong đối lập (opposites attract). Hơi tiếc là album Tôi với người đã quên do Mây Productions phát hành năm 1993, Ngọc Lan và Tuấn Ngọc chỉ song ca nửa bài trong liên khúc “Bài không tên cuối cùng & Sao đành xa em”. Tuấn Ngọc bắt đầu với ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An và phần điệp khúc được Ngọc Lan hát bè. Họ chỉ song ca phần thứ nhì trong ca khúc của Nguyệt Ánh. Còn “Ru em bằng tiếng sóng” của nhạc sĩ Dương Thụ, Tuấn Ngọc chỉ hát bè cho Ngọc Lan.

Tuy nhiên Tôi với người đã quên là một sản phẩm âm nhạc chất lượng từ giọng hát đến hòa âm và phối khí. Phải soạn cho dàn nhạc để hộ tống hai giọng hát hàng đầu lúc bấy giờ chắc là một áp lực lớn cho người nhạc sĩ hòa âm, nhưng dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Duy Cường thì không thể nào không thành công rực rỡ về việc phối dàn nhạc. Đáng chú ý là ca khúc “Lặng lẽ nơi này” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phần kết hợp giữa tiếng đàn dương cầm, dàn dây, và phần nhịp điệu rất tài tình. Phần song tấu giữa đàn cello và piano thật tuyệt vời. Tiếng hát Ngọc Lan, “buồn như giọt máu”, cho ta nếm thử vị ngọt đắng của tình yêu, “Tình yêu mật ngọt / Mật ngọt trên môi / Tình yêu mật đắng / Mật đắng trong đời.”

Đáng lý ra tình khúc “Hãy yêu như chưa yêu lần nào” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà phải để cho Ngọc Lan hát mới hợp vì bài này thường ca qua giọng nữ như Ý Lan và Lâm Thúy Vân. Tuy nhiên Tuấn Ngọc có cách xử lý riêng của anh. Được phần đệm của dàn nhạc, Tuấn Ngọc biến ca khúc thành một tình khúc lãng mạn của riêng mình, nhất là khi anh hát đoạn: “Hãy cho anh môi hôn nồng nàn / Lỡ mai sau duyên ta muộn màng / Sẽ không ai trách ta vội vàng / Mới yêu đây nay sao phũ phàng”. Anh nhấn mạnh chữ “trách” như muốn trách người yêu mình không mau trao cho anh đôi môi nồng nàn, ngại ngùng chi lời trách móc của người ngoại cuộc.

Ngọc Lan trình bài ca khúc “Em xin làm cỏ lạ” của nhạc sĩ Mai Anh Việt với cảm xúc tha thiết để giữa lại bước chân của người mình yêu, “Đừng đi anh ơi / Bên kia gió đâu có gì xôn xao / Bên kia nắng đâu có còn lung linh / Bên kia trời đâu có nhiều trăng sao”. Bao nhiêu đó mà còn không thiết phục được chàng thì nàng dùng đến chiêu, “Em xin làm cỏ dại đón bước chân anh / Em xin làm tàng cây che mát thân anh”. Chàng nào mà nỡ lòng ra đi?

Từ hai giọng hát Ngọc Lan và Tuấn Ngọc đến sự đóng góp của Duy Cường, Tôi với người đã quên đúng là một tác phẩm để đời. Gần 30 năm nghe lại không những không bị nhạt phai theo thời gian, mà còn đậm đà hơn thuở ban đầu.