Ngọc Lan & Don Hồ

Những năm đầu của thập niên 90, tôi mới định cư đất Mỹ. Tôi không nghe nhạc Việt nhiều và cũng không biết gì về làng văn nghệ người Việt tại hải ngoại. Tôi thích nghe nhạc Mỹ và nhất là rap để học Anh ngữ. Nhưng rồi những tiếng hát trẻ đã đưa tôi trở về với dòng nhạc Việt. Trong số những ca sĩ đó, tôi đặc biệt mê tiếng hát Don Hồ và Ngọc Lan.

Tôi bắt đầu để ý đến Don Hồ qua “Hãy sống cho tuổi trẻ”, nhạc ngoại quốc lời Việt anh trình diễn trên Asia 1: Đêm Sài Gòn. Giọng hát của anh nhẹ như khói, tự nhiên như thở, và có một chút khàng rất quyến rũ. Tôi xem đi xem lại nhạc phẩm đó nhiều lần và bắt đầu đi tìm băng nhạc của anh.

Còn Ngọc Lan, tôi mê tiếng hát của chị qua bài “Rừng chưa thay lá” (thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Huỳnh Anh). Giọng hát êm dịu của chị lôi cuốn tôi từng chữ một, “Anh đi rừng chưa thay lá / Em về rừng lá thay chưa”? Tôi chưa từng nghe được giọng hát nào mong manh mà lại có sức thu hút mạnh mẽ đến thế. Từ đó tôi đã đi theo giọng hát đó cho đến ngày hôm nay.

Lúc 12 hoặc 13 tuổi, tôi chưa làm ra tiền nên không dám dùng tiền của mẹ mua băng nhạc. Mỗi lần được bước vào tiệm nhạc Việt, tôi như đứa trẻ lạc vào tiệm kẹo. Thấy gì cũng muốn mua. Nhưng mỗi lần vào tôi chỉ mua một băng thôi. Vì say mê hai giọng hát Ngọc Lan và Don Hồ nên tôi chọn ngay Ngọc Lan & Don Hồ 2: Con đường tình ta đi. Tôi không hiểu chiến lược của trung tâm Giáng Ngọc vì đây là album của hai ca sĩ nhưng Don Hồ có 6 bài, 2 bài song ca, còn Ngọc Lan chỉ có 2 bàì.

Thời bấy giờ Don Hồ hát đa số nhạc ngoại lời Việt, nhưng trong Con đường tình ta đi, anh hát những nhạc phẩm của tác giả Việt. Lúc đó tôi cũng không để ý nhiều đến những tác giả nhạc Việt nên không biết bài “Biết đâu nguồn cội” là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ phần hoà âm tươi vui đến cách hai giọng hát hoà quyện với nhau, bài song ca này vẫn giữ một vị trí rất riêng trong tim tôi. Bài song ca thứ nhì, “Con đường tình ta đi” (nhạc sĩ Phạm Duy) không chỉ có hai giọng hát mà còn có giọng saxophone của Tham Lâm. Cả ba hợp tác rất chặt chẽ. Riêng bài “Thà như giọt mưa” (nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngọc Lan hát đầy cảm xúc và lối hoà âm cũng đầy gay cấn. Qua các nhạc phẩm Don Hồ thể hiện trong album này, từ “Ngủ đi em” (Lê Minh Bằng), “Em đến thăm anh đêm 30“ (nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn), đến “Gọi tên bốn mùa” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), tôi bắt đầu thích anh hát nhạc Việt hơn nhạc ngoại lời Việt.

Ngọc Lan & Don Hồ 3: Tình phụ chứng minh được đường lối của anh chuyển sang hát nhạc Việt như “Kiếp đam mê” (Duy Quang), “Khúc thụy du” (nhạc sĩ Anh Bằng), và “Dấu tình sầu” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên). Ngọc Lan đã giết bao nhiêu con tim qua “Vì tôi là linh mục” (nhạc Nguyễn Đức Quang, thơ Nguyễn Tất Nhiên) và “Giết người trong mộng” (nhạc sĩ Phạm Duy). Cả hai trình bài những bài đơn ca rất đỉnh. Phải chi có thêm một hoặc hai bài song ca thì tuyệt vời.

Ngọc Lan & Don Hồ 4: Xin còn gọi tên nhau trở lại với những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (lời Việt Pham Duy), “Trưng vương khung cửa mùa thu” (lời Việt Nam Lộc) và “Hận tình trong mưa (lời Việt Pham Duy). Tuy nhiên cũng có những bài của tác giả Việt như “Xin còn gọi tên nhau” (Trường Sa) và “Tôi đi giữa hoàng hôn” (Văn Phụng). Album này cũng đáng thưởng thức tuy không trọn vẹn như album 2 và 3.

Để sưu tầm cho trọn bộ, mãi sau này tôi mới tìm được album Ngọc Lan & Don Hồ 1: Comme Toi gồm những ca khúc Pháp và Anh được hát nửa lời Anh lời Việt hoặc nửa lời Pháp lời Việt. Không biết Don Hồ ca tiếng Pháp ra sao, nhưng anh ca tiếng Anh như bài “When You Go to San Francisco”, “Papa”, “Seal with a Kiss”, có một chút accent. Tuy nhiên nghe là lạ và dễ thương. Tôi thích hai bài song ca “Comme Toi” và “Tình yêu đó” trong album này.

Đó lại 4 album Ngọc Lan & Don Hồ do trung tâm Giáng Ngọc phát hành. Năm 1995, Ngọc Lan Musique phát hành Những lời mê hoặc của đôi song ca này. Ngoài nhạc phẩm “Về đây em” (nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn), cả album là nhạc ngoại lời Việt. Có một lần được chat riêng với Don Hồ qua trang web của tôi, anh đã kể lại cơn bệnh hiểm nghèo đã cho cặp mắt cô không còn thấy được nữa. Cô mời Don Hồ hát và đã rất tận tình với người bạn đồng nghiệp của mình. “Khi tình xa” (lời Việt Khúc Lan) và “Những lời mê hoặc” (Phạm Duy), Don Hồ ca còn Ngọc Lan chỉ đọc nhưng họ lại ăn khớp với nhau như lúc ban đầu.

Ngọc Lan & Don Hồ đã để lại cho làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại những kỷ niệm khó quên. Cám ơn hai người ca sĩ tài tình và dễ thương này. Tuy Ngọc Lan rời khỏi cõi tạm này đã lâu, tiếng hát của cô vẫn tồn tại mãi. Xin chúc Don Hồ luôn khoẻ để tiếp tục con đường nghệ thuật của anh.