Giỗ đầu của ba

Mới ngày nào mà một năm đã trôi qua từ khi ba tôi lìa xa cõi đời này. Lúc ông còn sống, ba và tôi cũng đã xa cách nửa vòng trái đất nên những kỷ niệm về ba lúc thời ấu thơ vẫn sống mãi trong tôi và tôi cũng đã viết lại rất nhiều. Hôm nay ngày giỗ đầu của ba, tôi muốn chia sẻ lá thư của người em họ kể lại những “Kỉ niệm với bác Năm.” Thanh đã gửi lá thư này đến tôi vài ngày sau khi ba tôi qua đời. Thanh viết rất chân thật khi ôn lại những ký ức đẹp với ba tôi. Xin cám ơn Thanh rất đã cho phép tôi đăng lại lá thư trong trang nhà của tôi.

Hôm đó là sáng thứ hai, một buổi sáng đầu tuần nhiều công việc như thường lệ. Đang ngồi làm việc trên phòng thì mẹ nói thấy Doanh bên Mỹ trên FB nói Bác Năm trai mất rồi, mẹ mới comment chia buồn.

Tôi cảm thấy lòng mình trùng xuống, có cái gì đó buồn lẫn 1 chút mất mát. Tôi liền lập tức vào FB anh xem thế nào và sự thật là vậy. Sau ông bà, đây là lần đầu tiên trong cuộc sống tôi có người thân ngang với ba mẹ, ở vai chú bác cô dì, qua đời. Vẫn biết lớn rồi, sớm muộn cũng có ngày này nhưng trong lòng vẫn chưa chấp nhận được.

Sau khi đọc xong bài viết của anh Doanh và comment vài dòng ngắn ngủi với anh trên FB, tôi làm tiếp đống công việc để sắp nghỉ ăn trưa gọi về ba ở VN xem như thế nào. Vừa làm tôi vừa nhớ lại về Bác Năm. Đối với riêng tôi, mỗi lần nghĩ về Bác Năm vẫn là 2 từ “cương trực” và “hào sảng”.

Cương trực thì qua tiếp xúc Bác Năm ai cũng cảm nhận được. Từ lời nói tới công việc làm ăn.

Còn về hào sảng, có 1 chuyện nhỏ như vầy cách đây gần 20 năm rồi, vào khoảng giữa đầu năm lớp 10. Bác ghé qua nhà tôi chơi. Trong lúc đợi ba tôi về, Bác ngồi ở ghế đá trước nhà rồi lấy trong túi ra cái điện thoại nói chuyện. Xong kêu “mày coi coi điện thoại này tốt không sao tiếng nhỏ quá, chỉnh tiếng lớn lên dùm tao”.

Lúc đó tôi khoái vọc lắm, nên cầm vọc liền. Điện thoại lúc đó muốn chỉnh tiếng phải mò chứ không có nút lớn nhỏ trực tiếp như bây giờ. Xong tôi đưa lại Bác Năm nói điện thoại thật ra đã chỉnh loa tối đa sẵn rồi. Bác Năm hỏi “mày thấy tốt không” rồi lại nói “cho mày đó lấy xài đi”. Lúc đó tôi còn nhỏ, trong lòng cũng khoái lắm nhưng giả bộ từ chối.

Thật ra thời đó điện thoại cục gạch mới xuất hiện ở VN, ngay sau cái thời máy nhắn tin “bíp bơ”, nên điện thoại di động khá mắc tiền. Điện thoại bàn lúc đó vẫn còn thông dụng (điện thoại quay vòng vẫn còn), nói chi điện thoại di động. Đtdd ban đầu 10tr rồi lúc đó xuống khoảng 2tr 1 cái, nếu so với vật giá hiện giờ sau 20 năm thì cũng 30 40tr chứ không ít. Lúc đó ba tôi cũng chưa xài nữa vì chưa cần. Vậy mà Bác Năm thấy tôi thích là muốn cho. Đối với tôi đó là cả 1 gia tài.

Tôi thì con nít mà nên khoái để dùng chơi game con rắn chứ cũng có ai đâu mà gọi. Nên tôi nói thôi Bác Năm để gọi đi chứ con đâu có xài để làm gì đâu. Rồi Bác Năm lại hỏi thêm 2 3 lần chê tiếng nhỏ quá cho mày lấy xài đi. Thật ra lúc đó tôi khoái lắm mà vừa ngại vừa sợ ba la nên thôi. Tính Bác Năm là vậy, thấy con cháu thích thì cái gì cho được là cho liền.

Nhắc đến con cháu. Tôi lại nhớ khoảng thời gian Bác còn ở ngoài Lê Lợi với chị Lệ. Tôi lại nhớ lúc lớp 8 hay 9, Bác Năm cùng cả nhà chuẩn bị đón anh Doanh và Bác Năm gái từ Mỹ về thế nào. Và cả nhà Bác Năm ghé nhà tôi thế nào, ngồi vị trí nào, ghế trong nhà màu gì, trời chạng vạng tối thế nào, mở quạt ra sao.

Tôi lại nhớ lúc còn nhỏ hơn nữa ở VN, đến Tết là cả nhà ghé nhà Bác Năm chơi. Có lẽ cái cảm giác trời chiều tối, cộng thêm những hàng hoa ven chợ, cùng với tiếng xào xạc của chổi quét lúc người ta dọn về, làm tôi thích nhất qua nhà Bác Năm lúc Tết vì cảm giác lạ lạ đó chỉ ở ngay chợ mới có, Bác Năm lúc nào cũng vui vẻ và hòa nhã khi nhà tôi ghé thăm.

Tôi lại nhớ Bác Năm đi mổ về qua nhà Chú Mười và những cơn đau trong thời gian đó mà Bác Năm phải chịu đựng.

Tôi lại nhớ có lần Bác Năm thấy tôi thích ăn bún hơn ăn cơm vì bún dễ ăn, Bác la tôi “con trai ăn bún yếu như cọng bún, ăn cơm đi mày”.

Từng hình ảnh, mới như ngày hôm qua hiện ra, trong tâm trí, từng đoạn và rất rõ ràng. Có lẽ khi rời khỏi VN, thời gian như dừng lại, nên tôi nhớ từng thứ một dù những thứ đó là khi còn nhỏ và rất nhỏ nhặt, chỉ là không muốn nói nhiều kể nhiều với ai cả.

Tôi lại nhớ khoảng thời gian sau này. Khi đã có điều kiện về lại VN. Mỗi lần về tôi ghé Bác Năm chơi thấy Bác vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Vẫn trò chuyện vui vẻ và giọng nói hào sảng của Bác vẫn như ngày nào.

Mỗi lần tôi qua chở ba đi ăn sáng, lúc qua cầu là thấy Bác Năm đạp xe đi tập thể dục về. Đều đặn và thường xuyên. Tôi cũng thấy vui vì Bác còn khỏe. Nhưng lại cũng thấy lo vì không biết mắt Bác có còn thấy rõ không. Nhất là giao thông buổi sáng người ta đi làm đi học rất đông nữa.

Tôi lại nhớ lúc đám giỗ, tôi đang ngồi bàn ngoài cùng các anh em khác ăn, thì Bác Năm đi ra cầm ly bia ra kêu tôi uống. Lúc đó cách đây cũng 8 năm rồi. Lúc đó tôi còn uống nước ngọt chứ chưa uống bia nữa. Vì tôi không biết uống bia, thế là bác cháu chia cùng 1 ly, Bác Năm 1 nửa tôi 1 nửa vui lắm. (Rồi mấy lần đám giỗ sau thì tôi lớn lên, quen rồi nên với Bác Năm là cạn ly khỏi chia).

Rồi sau này sức khỏe Bác Năm không còn như xưa nên đám giỗ có khi qua có khi không qua. Nhưng mỗi lần về tôi thăm riêng Bác Năm bên nhà. Thì Bác Năm đều nhắc đến anh Doanh, hỏi tôi có liên lạc với anh Doanh không, rồi kể nói chuyện điện thoại với Bác Năm gái v.v.

Mỗi lần như vậy tôi nghĩ có lẽ Bác Năm cũng nhớ anh Doanh lắm, và Bác cũng hiểu cho tôi hay anh Doanh về sự bất tiện của vị trí địa lý, về khoảng cách xa gia đình. Tuy Bác nói ít nhưng tôi cảm nhận được. Tôi cũng không biết cách hỏi hay an ủi Bác Năm được. Vì tôi nói tiếng Việt theo kiểu tiếng Anh, nên không biết nói sao để diễn đạt ý mình cho Bác hiểu nữa (trừ khi viết thôi).

Sau đó anh Doanh có cơ hội công việc về thăm Bác Năm. Khi tôi về gặp Bác Năm, nghe Bác Năm kể lại thấy Bác Năm vui lắm, tôi cũng cảm thấy vui phần nào.

Tôi vừa làm vừa nhớ nhiều thứ nữa. Đối với nhiều người, trí thông minh/trí nhớ là sự thiên phú, cũng là sự bất hạnh, nó phụ thuộc vào người nắm giữ nó. Có nhiều người tìm cách lảng tránh hoặc cố quên. Riêng tôi cảm thấy nó bình thường, nên luôn ghi nhớ và giữ kỉ niệm lại dù trải nghiệm đó tốt hay xấu, chỉ là đừng để bản thân sống mãi trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của mình thôi.

Thời gian mới đó mà qua mau quá. Cách đây vài tháng tôi nói tôi biết Bác Năm bị bệnh, mà giờ Bác đã mất rồi. Thời gian đúng là cứ qua đi không quay trở lại được. Vốn dĩ bản chất của cuộc sống là tre già măng mọc, không thể dừng và quay lại theo ý mình. Tôi chỉ biết cầu mong Bác về miền an lành và Bác sẽ che chở phù hộ cho các anh chị em con cháu trong nhà.

T.Thanh
22/11/2020

Đọc lại bài của Thanh, miệng thì mỉm cười, mắt lại thấy cay cay. Năm giỗ đầu của ba, vợ tôi nấu mấy món chay và tôi mua một ít xôi chè đặt trên bàn thờ. Thắp chút nén nhang khói tưởng nhớ đến ba.

Mỗi lần nghĩ về ba, tâm trạng tôi luôn bị xáo trộn. Buồn vì ba không còn trên cõi đời này nữa nhưng tiếc nuối hay hối hận thì không. Không biết định mệnh đã an bài cho hai cha con luôn xa cách. Tôi thường trách ba đã chọn con đường đó nhưng giờ nhìn lại tôi cũng là người đã chọn cho mình cuộc sống riêng. Ba đã quen với đời sống ở Việt Nam còn tôi thì không muốn từ bỏ lối sống ở Mỹ. Tôi không biết mình sẽ sống ra sao ở quê nhà vì tôi chưa từng thử. Có nhiều lần chán nản với đời sống ở Mỹ tôi muốn quay lại quê nhà dù sao gì cũng còn có ba và bà con chú bác. Từ lúc ba ra đi, tôi không còn luyến tiếc gì về Việt Nam nữa. Dường như quê hương tôi đã quá xa và không còn gì để tôi lưu luyến. Tuy vẫn còn anh chị và người thân trong gia đình ở quê nhà, tôi không còn tha thiết muốn trở về vì nơi đó không còn hình bóng của ba tôi nữa.