Học tiếng Việt

Tôi muốn mấy đứa con học tiếng Việt nhưng không muốn ép buộc bọn nó. Hy vọng rằng sau này nó muốn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của cha mẹ và ông bà nó thì tụi nó tự học lấy.

Tôi xa quê hương sau khi học lớp năm. Đến Mỹ tôi phải gác lại tiếng mẹ đẻ của mình để tập trung học tiếng của xứ người. Sau mấy chục năm không đọc và không viết, tiếng Việt trong tôi mất dần. Vài năm gần đây tôi cố gắng rèn luyện lại tiếng Việt. Tôi bắt đầu viết tiếng Việt trên blog của mình. Vì là trang blog cá nhân nên tôi muốn viết gì thì viết. Văn chương quê mùa cũng không sao. Nghĩ gì viết nấy. Chính tả lúc đầu đầy lỗi. Giờ thì chữ nào không chắc chắn nhờ đến Google. Trên iPhone tôi dùng bàn phím LabanKey để gõ chữ Việt. Nhờ công dụng gợi ý chữ để gõ nhanh hơn và ít lỗi chính tả.

Ngoài việc viết, tôi cố tìm sách tiếng Việt để trau dồi thêm. May mắn là những thư viện công cộng ở thành phố tôi đang sinh sống có vài kệ sách dành riêng cho tiếng Việt vì cộng đồng người Việt ở đây khá đông. Đồng thời tôi cũng thường xuyên nghe nhạc Việt nhất là những tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Tuy đã nghe nhạc của ông rất nhiều nhưng mỗi lần chăm chú lắng nghe tôi lại nhận ra những câu thơ thú vị. Ví dụ như gần đây tôi chợt nhận thức và hiểu được câu: “Em đi về cầu mưa ướt áo / Đường phượng bay mù không lối vào / Hàng cây lá xanh gần với nhau.” Cho dù đã nhiều lần nghe bài “Mưa hồng.”

Đó là cách tự học tiếng Việt của tôi. Ngoài tiếng Việt, tôi càng yêu cả chữ Việt. Khi làm bài luận án để lấy bằng thạc sĩ về thiết kế đồ hoạ, tôi chọn ngay đề tài nghệ thuật chữ Việt. Mục đích của tôi là giúp những nhà thiết kế chữ ngoại quốc tạo ra những phông chữ rõ và dễ đọc cho chữ Việt. Sau khi phát hành sách luận án của mình trên mạng, tôi đã được đón nhận nồng nhiệt vào cộng đồng thiết kế chữ và được cơ hội giúp đỡ cách nhà thiết chữ vòng quanh thế giới để đem đến chữ Việt cho chúng ta. Mục tiêu kế tiếp của tôi là khuyến khích người Việt thiết kế chữ Việt.