Trần Viết Tân – Giữa Hai Chiều Quên Nhớ

Hôm thứ Năm tuần vừa rồi, tôi đi bộ từ văn phòng làm việc đến tiệm sách sau giờ ăn trưa thì nhận được tin nhắn qua điện thoại từ anh Trần Viết Tân. Anh Tân đến Virginia chơi và muốn tặng tôi cái album mới anh thu xong vào tháng ba. Chiều thứ Sáu tôi với cu Đạo qua nhà họ hàng của anh. Chúng tôi lai rai uống bia và trò chuyện đến khuya. Tuy tôi chỉ gặp và tiếp xúc với anh Tân ba lần nhưng rất mến tánh tình vui vẻ và dể hòa của anh.

Tuy ngoài đời anh thích đùa giỡn nhưng anh rất nghiêm túc trong nghệ thuật cho dù sáng tác nhạc chỉ là niềm đam mê. Ca từ của anh thơ mộng và lãng mạng. Bài mở đầu “Là Thiên Đường,” trong album mới Giữa Hai Chiều Quên Nhớ, anh viết: “Từng sáng thức giấc quờ tay sang cạnh… Tìm thấy tay người. Rồi khẽ mỉm cười. Rồi khẽ… mỉm cười. Xin lặng thinh xin lặng không nói.” Tôi hiểu được cái cảm giác đó khi mỗi sáng tìm thấy một cái tay bé nhỏ và mịm màng (của cu Đán). Tuy nhiên lối trình diễn của Hoàng Quyên hơi bị nặng cân cho một ca khúc nhẹ nhàng. Tùng Dương và Ngọc Khuê cũng không thích hợp với dòng nhạc Trần Viết Tân vì hai giọng ca nầy cần chút ma quái trong giai điệu. “Tuổi Thơ Hà Nội” (Tùng Dương) và “Mùa Xuân” (Ngọc Khuê) cho thấy cả hai đã phải kiềm chế đặc tính của mình nên hát không được tự nhiên.

Những tác phẩm của anh Tân sẽ hợp hơn với giọng hát nhẹ như Hồng Nhung, Lê Hiếu, Hiền Thục hay Đình Bảo. Trúc Nhân trình diễn tốt bài “Cánh Của Nhớ Bà” (lời của Đoạn Thị Tuyết Luyến). Tuy giọng thều thào nhưng Nhân có thể duy chuyển vòng quanh điệu bossa nova. Tuy nhiên Nhân cần phải học hỏi nhiều nếu muốn scat.

Bài thành công nhất trong album là “Gửi Lại Huế” do chính tác giả trình bài. Tuy hát hơn run và giọng Huế hơi cứng nhưng anh Tân đã diễn đạt hết tâm trạng của mình: “Em cam phận giữa cuộc đời thiếu nữ / tận phương trời anh chỉ áng mây hoang.” Cái CD tới em muốn nghe anh Tân hát trọn vẹn từ đầu đến cuối.