Giang Hồng Ngọc: Mùa thu chết

Có những tình khúc nên giữ đúng ca từ của tác giả cho dù người hát là nam hay nữ. Như “Tình bơ vơ,” nhạc sĩ Lam Phương viết theo tâm sự và trải nghiệm của ông. Đáng tiếc khi Giang Hồng Ngọc hát bài này trong album Mùa thu chết, cô đã đổi “anh” và “em” như “Anh khóc cho đời viễn xứ / Về làm chi rồi anh lặng lẽ ra đi.” Chỉ qua sự thay đổi nhỏ nhoi này, cô đặt mình vào câu chuyện thay vì dùng tiếng hát của mình để kể lại câu chuyện của tác giả.

Bài này được hoà âm nhẹ nhàng với tiếng đàn dương cầm êm dịu và tiếng sax xót xa. Giọng Giang Hồng Ngọc truyền cảm và ấm áp nhưng cô đánh mất đi cái tâm trạng lận đận của một người đàn ông: “Anh khóc cho duyên hững hờ / Em chết trong mộng ngày thơ.” Người nhạc sĩ buồn cho số phận trớ trêu của mình chứ không khóc.

Những bài khác trong album gồm có “Mùa thu chết,” “Thu ca,” “Thu sầu,” “Đời đá vàng,” và liên khúc Ngô Thụy Miên được hoà âm theo phong cách thính phòng. Không đặc sắc nhưng đủ chất lượng.

Xuân Hảo: Tình Trầm (Trịnh Công Sơn)

“Tình sầu” là một trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà tôi ngán nhất. Đơn giản là từ giai điệu đến ca từ đều sầu thấu xương. Có lần lái xe giữa đêm mưa mùa hè hiu quạnh với tâm trạng buồn vời vợi mà nghe Thanh Lam rên rỉ ca khúc này tôi chỉ muốn đâm xe xuống cầu cho xong. Nhưng lúc đó cũng chưa sầu thảm bằng năm 2020.

Hôm qua tôi lái xe một mình sau giờ học trượt băng. Trời đã trở tối và thời tiết đã trở lạnh, tôi lại nghe “Tình sầu” nhưng với giọng hát ấm áp của Xuân Hảo trong album Tình trầm (Trịnh Công Sơn). Chỉ có tiếng đàn guitar đồng hành, Xuân Hảo như đang tâm sự một nỗi buồn sâu lắng chứ không sầu thảm. Khi con người có trải nghiệm mới chạm được thế nào là “Hồn mình như vá khâu / Buồn mình như lũng sâu.”

Và như thế tôi tiếp tục chìm lắng theo tiếng hát mộc mạc, chậm rãi, và thân mật của Xuân Hảo qua những ca khúc quen thuộc như “Ru em từng ngón xuân nồng,” “Nhìn những mùa thu đi,” “Đêm thấy ta là thác đổ,” và đặc biệt là, “Mưa hồng.” Tuy đã nghe đi nghe lại bài “Mưa hồng” rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ thấm thía như đây giờ. “Người nằm xuống nghe tiếng ru / Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.” Từng chữ như từng nhát dao đâm vào tim.

Chưa bao giờ tôi mong đợi một năm trôi qua thật nhanh như năm 2020. Chỉ còn 25 ngày nữa là dứt năm. Hy vọng sẽ không còn biến cố nào sẽ xảy ra trong cuộc sống. Và hơn bao giờ hết, lúc này tôi mới cảm nhận được ý của nhạc sĩ họ Trịnh qua đoạn: “Ta đi qua nửa đời / Chưa thấy được ngày vui / Đường trần rồi khăn gói / Mai kia chào cuộc đời / Nghìn trùng con gió bay.”

Hoàng Thùy Linh: Hoàng

Sự thành công của “Để mị nói cho mà nghe” đem đến điểm mới lạ cho Hoàng Thuỳ Linh qua âm hưởng dân tộc hiện đại. Lời nhạc dễ thương và dễ dàng đi vào lòng người và cái thu hút của bài là lối hoà âm nhộn nhịp và trẻ trung.

“Lắm mối tối ngồi không” cũng tưng bừng và duyên dáng. Linh xử lý chất giọng của mình khéo léo để phù hợp với lối hoà âm nhanh nhẹn và tươi vui. Lúc đầu đọc tựa đề không có dấu, tôi đón sai chữ “Lắm mối.” Phải chi, “Em vẫn chưa có chồng / [Làm mồi] tối ngồi không” thì anh đem rượu vào nhậu em luôn.

“Kẻ cắp gặp bà già” chuyển sang âm hưởng điện tử với Binz phụ trách phần rap: “Môi này cho anh mơ / Straight up không văn thơ / Em là vực sâu anh đã rơi / Lúc nào rồi chẳng nhớ.” Tự nhiên chêm vào chữ “straight up” nghe lãng xẹt nhưng đó là cái gu Binz.

“Tứ phủ” đưa người nghe lạc vào một không gian đương đại đầy huyền bí của “Nơi đây đại ngàn em chờ thiên thu.” Giọng của Linh bay bổng như một linh hồn bị thất tình và đang quằn quại với nhịp điệu electronic dồn dập và đầy ma lực.

Album thứ ba này mở một ngoặt mới cho Linh và cô đã lột xác để nhập vai vào những nhân vật trong mỗi bài hát. Từ giọng hát đến hoà âm phối khí, Linh đầu tư kỹ càng cho những bài hát của mình. Lâu lắm mới thưởng thức một album không đụng hàng. Nghe những album cover lại nhạc Trịnh hoặc nhạc trữ tình riết cũng thấy ngán ngẩm.

Nhóm Nhật Nguyệt

Sau khi biết được kết quả ai thắng ai thua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tôi đã không còn hứng thú theo dõi chính trị nữa. Ngoài giờ làm việc, tôi đọc sách hoặc đưa mấy đứa nhỏ đi trượt băng. Cuộc sống nhẹ nhàng và giảm căng thẳng đi nhiều. Tôi yêu đời đến nỗi nghe nhạc sến cũng thấy tươi vui. Thú thật thì tôi không nghe nhạc sến mà là xem nhạc sến nhất là những bài được trình diễn sôi động, trẻ trung, và quá sexy của nhóm Nhật Nguyệt gồm có thành viên Minh Thảo, Ngọc Thuý và Mina Nguyễn.

Về giọng hát thì cả ba không ai nổi trội hơn ai. Đó cũng là cái lợi của nhóm vì họ tương tác cho nhau để đối phó với những con beat dồn dập. Nếu không để ý kỹ càng thì không thể biết ai hát câu nào. Tôi cũng chẳng thèm chú ý làm gì. Những bài nhạc trữ tình không có gì xa lạ. Những bài remix thì cùng lắm chỉ xoá đi những chất sến trong lời nhạc. Dĩ nhiên khi tìm xem nhóm Nhật Nguyệt thì tôi đâu muốn tìm đến những cảm giác bi đát.

Ngược lại với chất giọng của họ, mỗi người mỗi nét. Minh Thảo có cá tính. Ngọc Thuý thì nhu mì. Còn Mina Nguyễn thì khêu gợi. Chiêm ngưỡng họ lắc lư qua những bộ trang phục lộng lẫy đầy gợi cảm đủ sướng rồi. Chỉ cần mở YouTube lên, đánh vào “nhóm Nhật Nguyệt” và mở volume lên max là bao nhiêu phiền muộn cũng sẽ tan theo ba nàng tiên giáng trần này. Thêm rượu hay cần sa là lên chín tầng mây luôn. Đừng tin lời tôi viết mà hãy xem bộ collection mới nhất này nhé. Chúc các bạn một ngày trong tuần vui vẻ.

Hồng Hải: Ca khúc da vàng

Đã lâu lắm mới nghe một ca sĩ mới (đối với tôi) hát nhạc Trịnh. Hồng Hải có chất giọng tốt. Tuy nhiên, cô phát âm chữ “ch” và “tr” nặng nề quá nên nghe hơi khó chịu. Nhất là bài mở đầu, “Xin mặt trời ngủ yên,” phần đệm mộc mạc của đàn guitar càng làm cho cách nhã chữ của cô càng rõ hơn.

Tuy đây là album mới nhưng với những tác phẩm phản chiến của Trịnh Công Sơn và những bài hoà âm đơn giản không thể nào thoát khỏi hình bóng của Khánh Ly trước 1975. Tôi vẫn thường nghe lại cô Khánh Ly hát những tác phẩm đó.

Riêng chỉ có bài “Hành hương trên đồi cao” Hồng Hải mới thoát ra được cái bóng của cô Khánh Ly. Nhạc phẩm này được hoà âm với giai điệu blues buồn và Hồng Hải hát rất có diễn cảm. Phần solo cũng rất phê, nhất là tiếng đàn dương cầm và tiếng kèn muted trumpet.

Tuy không phải là một album xuất sắc nhưng đáng được thưởng thức.

Hồ Ngọc Hà: Càng trưởng thành càng cô đơn

Tôi đã quá già để cảm nhận được album này như Hồ Ngọc Hà không còn trẻ nữa để bộc lộ những ca từ trong những bài hát cô đã chọn trong album này. Ngay trong bài mở đầu, “Cự Tuyệt,” Hà tâm sự, “Em ôm chặt anh, và không muốn cách xa / Anh đẩy em ra, ‘Chúng ta nên dừng lại em à.’” Thằng nào được Hà ôm chặt mà có thể đẩy Hà ra thì chắc chắn thằng này không thèm đàn bà mà thèm cùng hệ.

Rồi Hà lại hỏi, “Có phải càng lớn khôn người ta sẽ cô đơn?” Và câu trả lời, “Vì tình yêu chính là điều dễ dàng đổi thay nhất trên đời.” Nếu như mình cho rằng tình yêu chính là điều dễ dàng đổi thay nhất trên đời thì thật sự mình chưa trưởng thành. Vì khi đã trưởng thành thì tình yêu không còn quan trọng nữa. Và chỉ khi chưa trưởng thành mình mới đặt nặng vào tình yêu. Hà dư biết điều đó nên Hà không thể nào lựa gạt được cảm xúc của mình để diễn đạt bài này.

“Anh bây giờ nhạt quá” thì dành cho tuổi trẻ mới yêu. Còn từng trải và đầy kinh nghiệm như Hà thì bài, “Anh bây giờ béo quá” mới thích hợp hơn. Đùa tí cho vui thôi cứ không có ý cay cú đâu. Những phần hoà âm phối khí của Hoài Sa qua nhịp điệu r&b ballad hơi bị smooth nên nghe một lượt 10 bài cũng hơi bị oải.

Tuyết Mai: Mùa hè đẹp nhất

Tuyết Mai có chất giọng toả khói thích hợp với nhạc jazz ballad cho nên qua phiên bản blues “Gửi gió cho mây ngàn bay” (Đoàn Chuẩn và Từ Linh), cô xử lý xuất sắc. Cô hát nhẹ nhàng, chậm rãi, và đầy tự tin. Đồng thời, lối giữ nhịp chặt chẽ qua double bass của Hoàng Nam và cách chơi dương cầm solo đậm chất blues của Hoàng Thiện nghe hơi bị phê.

Ấn bản jazz “Người em sầu mộng” (thơ Lưu Trọng Lư, nhạc Y Vân) cũng không kém phần lôi cuốn. Sự phối hợp giữa jazz, orchestra, và rock guitar (của Nhật Đông) khéo léo và khiến tôi ước ao cả album được hòa âm và phối khí theo jazz.

Vì những bài jazz quá sôi động nên những phần hoà âm mềm mại của Duy Cường hơi bị chìm. Chẳng hạn như “Tình khúc mùa xuân” (Ngô Thụy Miên), cách hòa âm rất Duy Cường. Dĩ nhiên Duy Cường dùng dàn dây là khỏi phải nghi ngờ nhưng phần nhịp điệu thì hơn yếu.

Tuy đây không phải là một jazz album tôi mong đợi nhưng vẫn là một album ballad lãng mạn và sâu lắng. Tuyết Mai tỏa sáng với giọng cao của mình qua “Mùa hè đẹp nhất” (Đức Huy), nồng nàn qua “Phôi pha” (Trịnh Công Sơn), và đầy cảm xúc qua “Nếu một mai em sẽ qua đời” (Phạm Duy). Lần đầu tiên nghe Tuyết Mai hát. Rất ấn tượng.

Thương Linh: “Ta với ta”

Vài tháng gần đây tôi theo dõi chương trình “Âm nhạc và đời sống” của băng nhạc Motif Music Group gồm có thành viên Trúc Sinh (piano & keyboard), U Minh Kiệt (bass guitar), Tuấn Joe (guitar), Danh Huỳnh (drums), và Quốc Khanh (guitar). Đây chỉ là những jam sessions với tính cách giải trí để chúng ta có một chút niềm vui và âm nhạc để sống qua những ngày tháng đại dịch. MMG đã thực hiện 16 chương trình và đặc sắc là hai episodes với sự góp mặt của Hồ Hoàng YếnThanh Hà. Tuy nhiên, episode đáng được chú ý đến là tiếng hát mặn nồng của Thương Linh.

Lần đầu tiên tôi nghe Thương Linh hát là năm năm trước qua những ca khúc của Trần Dạ Từ và tôi đã có ấn tượng ngay. Khi nghe cô hát trong “Âm nhạc và đời sống,” tôi mới nhớ lại chất giọng khàn và đầy lôi cuốn của cô. Thương Linh mở đầu chương trình với nhạc phẩm “Ngỡ như tình đã quên” của nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Khác với sự trẻ trung của Mỹ Tâm khi hát mười mấy năm về trước, Thương Linh hát với một tâm trạng sâu lắng và tâm sự từng trải. Cô tiếp tục bốc cháy qua “Giọt nắng bên thềm” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Thấm thía nhất là khi Thương Linh nhẹ nhàng thả câu, “Sỏi đá rêu phong / Sỏi đá chưa quên chân người.”

Nổi bật nhất chương trình là tác phẩm “Ta với ta” của Tuấn Joe. Qua chất giọng sương khói và cảm xúc chân thật, Thương Linh khơi lại nỗi đau của tác giả, “Ta gặp nhau thoảng như mây khói / Ta tìm nhau tìm trong ký ức / Nhưng giờ đây chỉ còn nước mắt / Thay lời yêu hẹn ước ngày nào.” Tuấn Joe móc dây guitar như móc ra nỗi lòng của mình qua phần dạo nhạc. Đây là một bài ballad buồn với ca từ giản dị và giai điệu đẹp.

Thương Linh kết thúc chương trình với “Vết thương cuối cùng” của Diên An. Qua cách maneuver nhẹ nhàng vòng quanh nhịp điệu bossa nova (và những lời nói bằng tiếng Anh rất chuẩn của Thương Linh lúc trò chuyện với các nhạc sĩ), ước gì được nghe những nhạc phẩm jazz ballad do cô thể hiện.

BINZ Da Poet?

Tôi không rõ cái tên BINZ có phải lấy cảm hứng từ JAY-Z hay không nhưng nếu như nói về cách làm thơ và chơi chữ thì giữa hai người là một trời một vực.

Tôi đã nghe nhạc JAY-Z khá lâu và nghiên cứu rất kỹ những gì JAY đã rap. Từ cách flow đến cách đặt lời, JAY có năng khiếu bẩm sinh. Chẳng hạn như cách chơi chữ của JAY, “I am not a businessman / I am a business, man” (“Tôi không phải là người kinh doanh / Tôi là kinh doanh”). Hoặc có những câu nói về tính cách hustler, “I sell ice in the winter / I sell fire in hell / I am a hustler, baby / I sell water to a well” (“Tôi bán nước đá cho mùa đông / Tôi bán lửa dưới địa ngục / Tôi là người có nghị lực / Tôi bán nước cho giếng nước”). JAY còn có rất nhiều ca từ rất độc đáo và cái đặc điểm của JAY là không cần viết xuống lời. JAY viết từ trong đầu và chỉ cần feel beat là rap.

Tôi theo dõi BINZ chỉ gần đây thôi. Cách flow của BIN cũng khá, nhất là khi ride những con beats của Touliver. Tuy nhiên, nói về phần lyrics thì Bin chưa đủ tiêu chuẩn thành “Da Poet” như BIN tự xưng. Chẳng hạn như bài hit mới nhất “Bigcityboi” đã nhận được nhiều lời khen về cách chơi chữ của BIN như câu này, “Hợp âm anh thích là Cm / Xe em thích BM / Việc anh thích là see em.” Cách vần amateur chỉ để cho vui thôi như BIN thừa nhận, “Nhạc đơn giản, không phải cầu kì.” Tuy nhiên, BIN thông minh, biết theo đuổi thị trường, và làm hits để trending.

Dĩ nhiên là sự so sánh giữa JAY-Z và BINZ thì không công bằng. Tôi chỉ dùng JAY-Z để dẫn chứng cái tiêu chuẩn (standard) của “the real lyricist.” Tôi không rõ BIN có đủ khả năng để trở thành một lyricist hay không. Cho nên nghệ dành của BIN bây giờ là “Da Entertainer” đúng hơn là “Da Poet.” Có thể sau này khi BIN không còn chasing hits nữa thì BIN sẽ chứng minh mình thật sự là một poet. Hy vọng là như thế. We’ll see.

Hà Anh Tuấn: Truyện ngắn

Chiều hôm nay lái xe một mình trên xa lộ hơn ba tiếng đồng hồ, tôi tạm thời gác lại hết những chuyện phiền muộn trong đời sống để chìm đắm vào sáu tập Truyện ngắn của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Mỗi câu chuyện tình cảm sâu lắng được kể qua chất giọng ấm áp của Hà Anh Tuấn và những phần hoà âm mộc mạc, sang trọng, và êm dịu.

Đây là một concept album được sắp xếp kỹ càng để tạo cho người nghe được một cảm nhận (experience) trọn vẹn từ đầu đến cuối tuy ngắn ngủi. Nhưng nếu phải chọn một trong sáu câu chuyện thì tôi sẽ chọn “An.” Chỉ nghe hai câu đầu, “An ơi! Hãy ước hoa đăng chuyển lời / Mênh mang gió tới lắng nghe chờ đợi,” khiến tôi nhớ ngay đến người bạn cũ tên An. An ơi! Thấm thoát hơn hai mươi năm rồi đã không gặp. Qua tiếng đàn dương cầm vu vơ hoà quyện với dàn dây mang máng buồn, Hà Anh Tuấn đem đến trong tôi một thoáng xao xuyến khi hát câu:

Chân đi không nỡ, tay buông không thành
Sợ đời lạc mất dấu
Vương đôi giọt sương khóe mi dứt áo ta buồn
Hương còn chưa thể phai ai níu con đường.

Truyện ngắn là một album truyền cảm, lãng mạn, và rất Hà Anh Tuấn.

Contact