Ngọc Lan chìm đắm trong tình khúc Lam Phương

“Buồn nào hơn đêm nay / Buồn nào hơn đêm nay / Khi ngoài kia bão tố đầy trời”, tiếng hát mong manh của Ngọc Lan rót nhẹ từng giọt buồn tê tái vào lòng người nghe qua ca khúc “Xin thời gian qua mau” của cố nhạc sĩ Lam Phương. Từ tiếng kèn saxophone da diết đến nhịp điệu rumba êm dịu và dĩ nhiên là tiếng hát Ngọc Lan đã lôi cuốn tôi ngay từ giây phút đầu tiên được nghe ca khúc này. Đêm nay nghe lại tâm trạng vẫn mang mác buồn và bỗng nhiên khao khát được nghe thêm những ca khúc khác của chú Lam Phương qua giọng hát cô Ngọc Lan.

Thú thật, tuy đã mê giọng hát Ngọc Lan hơn 30 năm và đã nghe vô số ca khúc cô thu âm, tôi không nhớ rõ đã từng nghe qua cô hát nhạc của chú Lam Phương ngoài ca khúc “Xin thời gian qua mau”. Nên khi tìm đến những bài của chú do cô hát, tôi như được nghe lần đầu. Dĩ nhiên dòng nhạc của chú thì không hề xa lại gì với tôi, nhất là các ca khúc nổi tiếng được nhiều ca sĩ hát, nhưng Ngọc Lan luôn có phong cách riêng của mình. Điển hình là ca khúc “Em là tất cả”, cách hát của cô nồng thắm và mượt mà nhưng vẫn mềm mại chứ không sầu luỵ hoặc não nề. Khi cô bắt vào phần điệp khúc, “Sao anh ngồi lặng lẽ… để lòng em tái tê”, cô buông ngay chữ “lẽ” không níu kéo và không hề dùng kỹ thuật rung (vibrato) như nhiều ca sĩ bây giờ để tăng thêm bi kịch (dramatic) khiến tai tôi chịu không nỗi. Từ “Mưa lệ”, “Như giấc chiêm bao”, “Cho em quên tuổi ngọc”, đến “Thu sầu”, Ngọc Lan chinh phục các ca khúc của chú Lam Phương bằng “trường phái” riêng của mình qua cảm xúc gần gũi và cách xử lý sáng suốt trong ca từ.

Riêng “Say”, tôi đã từng nghe qua khoảng mười mấy năm trước nhưng không gây ấn tượng cho lắm vì cô hát bị phô vài chỗ và để lộ cách lấy hơi. Hơn nữa bài hòa âm phối khí cũng không có gì để nhớ. Tôi nghĩ nhạc phẩm này thu âm trong giai đoạn sức khỏe suy yếu nên Ngọc Lan không kiểm soát được giọng hát của mình. Giờ nghe lại mới cảm nhận được những yếu điểm đó biểu hiện cho cảm xúc chân thật của cô. Trong suốt thời gian đi ca hát, Ngọc Lan dành trọn tình cảm của mình cho âm nhạc nhưng cô vẫn luôn khép kín về đời sống riêng tư của mình. Khi hát cô đặt tâm trạng của mình vào ca khúc chứ không đặt ca khúc vào tâm trạng của mình. Với “Say”, cô không ngại để lộ những sơ hở trong kỹ thuật. Cô chỉ để cảm xúc của mình tuôn ra. Chẳng hạn như cô hát rất thấp hai câu, “Ta buồn ta chán sự đời / Vì đời bạc tựa như vôi”, nhưng cô lấy hơi và lên rất cao, “Đêm nay nằm ngủ ngoài hiên / Quanh ta có mảnh trăng hiền,” để rồi thổ lộ, “Ta ôm lòng đất vào tim / Say trong giấc ngủ / Cho quên đi kiếp làm người”.

My dearest Ngọc Lan, you intoxicated me.

Ngọc Lan & Kiều Nga

Trong âm nhạc, Ngọc Lan và Kiều Nga tâm đầu ý hợp mặc dù mỗi giọng hát mỗi nét riêng. Trong khi Ngọc Lan nhẹ nhàng, mềm mại, và quyến rũ, thì Kiều Nga mạnh mẽ, mặn nồng, và thanh nhã. Kết quả là những âm thanh muôn màu muôn sắc khi hai giọng hát được phối hợp với nhau.

Muốn được thưởng thức sự kỳ diệu của Ngọc Lan và Kiều Nga, bạn hãy nghe lại những album Liên khúc tình yêu do trung tâm Asia sản xuất và phát hành vào những năm 1990. Cái thú vị của liên khúc là nó tạo ra một sân chơi để ca sĩ thí nghiệm sự đa dạng của mình. Người ca sĩ không chỉ phải biết hát nhiều ca khúc mà đòi hỏi phải cộng tác với đồng nghiệp của mình. Riêng những “Liên khúc tình yêu” được kết nối không chỉ qua nhiều tình ca khác nhau, mà còn nhiều ngôn ngữ khác nhau như Việt, Anh, Pháp, Tàu, và Tây Ban Nha để tạo ra một trải nghiệm âm nhạc phong phú và sáng tạo.

Chẳng hạn như Liên khúc tình yêu 1, Ngọc Lan, Kiều Nga, và Trung Hành cộng tác rất chặt chẽ và ăn khớp với nhau. Ở điểm 5:00 phút trong liên khúc thứ nhất, Ngọc Lan bắc vào bài “Vũ điệu tình nồng” một cách bất ngờ nhưng hồn nhiên, “Thoáng nghe tim ngập ngừng / Người đến đây bên tôi thấm nụ cười hồng”. Phần hoà âm trở nên sôi động hẳn lên với vũ điệu Lambada. Kiều Nga tiếp tục hát bằng tiếng Tây Ban Nha đầy chất lửa. Với “Trưng Vương khung cửa mùa thu” (lời Việt Nam Lộc) cho ta cảm nhận được sự hợp tác đầy hiệu quả giữa Ngọc Lan và Kiều Nga: hai tiếng hát một tâm hồn.

Với Liên khúc tình yêu 2, ba giọng nữ, Ngọc Lan, Kiều Nga, và Ngọc Hương, đem đến cho người nghe những phần kết hợp hấp dẫn. Ngọc Lan bắt đầu với ca khúc “Diana” (Paul Anka) bằng tiếng Anh và cách phát âm mềm mại của cô nghe thật dễ thương, “I’m so young and you’re so old / This, my darling, I’ve been told”. Kiều Nga tiếp nối với bài “Khi ta 20” qua giọng cao vời vợi và sự nhẹ nhàng của Ngọc Lan đem lại phần dịu dàng của lứa tuổi 20. Kiều Nga chuyển tiếp qua ca khúc “Put Your Head on My Shoulder” (Paul Anka) và cô phát âm tiếng Anh rất rõ lời: “Put your lips [next] to mine, dear / Won’t you kiss me once, baby? Just a kiss goodnight, maybe”. Một lần nữa, Ngọc Lan tương phản sự mạnh mẽ của Kiều Nga với sự ngọt ngào êm ái qua ca khúc “Tình có như không”.

Một đoạn gây ấn tượng trong Liên khúc tình yêu cuối cùng là ca khúc “Gọi nhớ” được trích từ phim bộ Thần Điêu Đại Hiệp. Khi Ngọc Lan cất tiếng hát, “Ngày vui đã hết vỡ như bọt sóng / Tình yêu đã chết như cây mùa đông”, khiến cho tôi hình dung ngay đến Tiểu Long Nữ. Kiều Nga tiếp lời bằng tiếng Tàu luôn. Phải công nhận rằng cả hai Ngọc Lan và Kiều Nga đều có tài ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ thì không nói rồi nhưng cả hai đều hát tiếng Anh, Pháp, và Tàu rất chuẩn.

Ngoài những thu âm liên khúc, Ngọc Lan và Kiều Nga đã hợp tác qua những album như Tiếng hát Ngọc Lan và Kiều Nga: Hai giọng ca vàng do trung tâm Người Đẹp Bình Dương phát hành. Album này gồm những ca khúc ngoại dịch sang lời Việt, và trong đó có hai bài song ca. “Vẫn mãi yêu em” được hòa âm qua nhịp rumba chầm chậm với tiếng kèn saxophone nồng nàn. Với “Trái tim xanh”, Kiều Nga được Ngọc Lan bè như một người bạn đời luôn ở đằng sau nhắc nhở: “Đời người có là bao / Ngàn đời cũng chẳng lâu” và “Đời là biển muôn sóng / Đời là bao cơn gió hung dữ xô lấn ngông cuồng ngược xuôi”.

Có một lần vào tiệm nhạc Việt Nam, tôi chọn ngay album Trên đỉnh mùa đông với hai tiếng hát Ngọc Lan và Kiều Nga, vì khi đọc tựa đề ở bìa sau có sáu bài “song ca”. Tôi cứ ngỡ rằng những bài được để song ca là Ngọc Lan và Kiều Nga. Khi nghe CD mới biết mình bị lầm. Ngọc Lan và Kiều Nga không song ca bài nào hết. Những bài song ca là Ngọc Lan với Duy Quang và Kiều Nga với Duy Quang. Thế mà trên hình bìa chẳng thấy tên hay hình ảnh của nam ca sĩ Duy Quang. Tôi lấy làm thất vọng với chiến lược câu khách của Tình Productions & Bốn Phương và sự không công bằng cho anh Duy Quang tuy anh song ca với cả hai nữ ca sĩ rất tốt. Riêng ca khúc “Bảy ngày đợi mong” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được Ngọc Lan chuyên chở rất tài tình. Cô hát nhã nhặn và điệu bộ nhưng không bị sến hay quá mùi mẫn, nhất là cách cô luyến láy: “Quyết, em quyết dặn lòng / Không nói nửa lời, dù là ghét anh”.

Dĩ nhiên khi viết về sự kết hợp giữa Ngọc Lan và Kiều Nga thì không thể nào không nhắc đến ca khúc “Anh thì không (Toi jamais)” được hai tiên nữ trình diễn trên sân khấu Hollywood Night. Kiều Nga yêu kiều trong chiếc áo đầm đen và Ngọc Lan lộng lẫy trong chiếc áo dạ tiệc đỏ. Xung quanh là những chàng trai Mỹ cao sang và phong độ nhưng hai nàng chỉ quấn quýt bên nhau. “Anh thì không (Toi jamais)” và “Tình yêu biển xanh (L’Amour a la plage)” là hai bài song ca được thu âm trong album Paris vẫn đợi do May Productions thực hiện dưới sự hoà âm và điều khiển ban nhạc của saxophonist Thanh Lâm.

Tuy Ngọc Lan không còn ở cõi tạm này nữa và Kiều Nga cũng đã rút lui ca hát, giờ nghe lại hai giọng hát ngọc ngà này để hồi tưởng lại một thời đã xa.

Ngọc Hương Channels Ngọc Lan

The first time I watched Ngọc Hương’s video, “Mưa Trên Biển Vắng,” I flipped the fuck out, just as I did thirty years ago when I first heard Ngọc Lan’s voice. In Ngọc Lan’s case, I was amazed. In Ngọc Hương’s case, I was shocked. From the voice to the curly hair to the outfit, Ngọc Hương struck unmistakably resemblances of Ngọc Lan. I didn’t know anything about Ngọc Hương. I had no idea who she was. She loves Ngọc Lan even more than the dedicated fans at iLoveNgocLan.com.

Last week, I watched Ngọc Hương perform as a guest singer on Lung Tung Xèng just to hear her in conversations. The whole time I had the impression that she played Ngọc Lan’s character. From the soft tone to the sweet talk, she seemed to have impersonated Ngọc Lan. If someone were to make a film about Ngọc Lan, Ngọc Hương would be perfect for the part—similar to how Jamie Foxx played Ray Charles and won an Academic Award for his portrayal of the iconic soul singer.

I am curious if Ngọc Hương steps out of the Ngọc Lan character in her real life or if she has embedded herself deep into her idol. Whatever the case, I have tremendous respect and admiration for her courage. I am sure she gets tons of criticism for trying to be like one of the most beloved Vietnamese singers of all time. It is obvious that Ngọc Hương will never live up to Ngọc Lan’s stature. Even she admitted on Lung Tung Xèng that she can’t be the second version of Ngọc Lan. Her technique is nowhere near Ngọc Lan. From her phrasing to her enunciation to her breath control, Ngọc Lan’s technique was to reveal no technicalities. She has mastered the art of natural expression in her singing similar to Billie Holiday even though the two were a world apart in their styles and repertoires.

As with Ngọc Lan, Billie Holiday has left a profound influence on singers long after she has passed and Madeleine Peyroux is one of them. In the early days of her career, Peyroux channeled Lady Day down to the vibratoless technique and off-key singing. Over time however, Peyroux has escaped Lady Day’s towering shadow and found her own voice. I hope Ngọc Hương will also find her own path as she develops her singing, style, and sensibility.

Quỳnh Lan: Lời tình buồn

Hoàng Minh đàn, Quỳnh Lan tâm sự: một kết hợp chặt chẽ và đồng cảm. “Có đôi khi” (Lã Văn Cường) mở đầu với tiếng sáo, tiếng chim kêu, và tiếng nước chảy tạo ra một không gian êm dịu và sâu lắng. Quỳnh Lan hát như thèm được quay về với ký ức: “Ôi có đôi khi thèm như lúc tuổi thơ / Sáng sáng tung tăng, đùa vui hát vang lừng / Chẳng biết suy tư đời kia vấn vương gì”.

“Tôi ơi” (Nguyễn Đức) bắc đầu với giọng nói mộc mạc, “Hey, hello, hello… có ai nghe tôi trên kia / Tôi đang cô đơn, cô đơn trong quan tài chật hẹp”. Cây đàn cello kéo những tiếng trầm làm tăng thêm phần sởn gay ốc. Hoàng Minh kết hợp phần hát bè, những tiếng đàn dây, cùng tiếng đàn dương cầm để tạo ra một bầu không khí ma mị trong bóng tối.

Với “Một cõi tình phai” (Ngô Thuỵ Miên), “Rừng lá thay chưa” (thơ Hoàng Ngọc Ấn, nhạc Huỳnh Anh), và “Cà phê một mình” (Ngọc Lễ), Quỳnh Lan hát thấp nên nghe nhẹ nhàng. Khi hát cao, Quỳnh Lan rung rung nghe dây dưa và não nề, nhất là ca khúc “Giấc mơ mùa thu” (Võ Thiện Thanh).

Lời tình buồn là một album nổi bật về cách hát lạ của Quỳnh Lan và phần hòa âm tốt đẹp của nhạc sĩ Hoàng Minh. Nên được nghe vào ban đêm lúc vắng vẻ.

Nguyễn Anh Tuấn: Anh nhớ tình ta

Tuy chỉ mới biết đến nhạc sĩ Đạo Nguyễn qua album đầu tay của Trần Tuấn Hòa, tôi đã để ý đến tài năng hòa âm và phối khí của anh, nhất là tai âm nhạc của anh trong giai điệu jazz ballad. Với album Anh nhớ tình ta, anh đã giúp Nguyễn Anh Tuấn trình bài thành công những bài tình ca vượt thời gian với những bài hoà âm mới của anh.

“Cho nhau lời nguyện cầu” của Phạm Mạnh Cương được phối lại với giai điệu jazz chậm để Anh Tuấn tự sự. “Sầu đông” của Khánh Băng được swing bởi tiếng đàn bass thùng dập dìu và êm dịu khác với giai điệu cha cha cha nhanh chúng ta thường nghe qua nhiều ca sĩ khác thu âm ca khúc này. Riêng “Nếu mai này” của Lê Dinh, Đạo Nguyễn đưa vào những hiệu ứng âm thanh như tiếng chuông chùa, tiếng gió thổi lồng lộng, và tiếng xe ngựa như một bài nhạc âm phổ của một câu chuyện: “Nếu mai anh chết một chiếc xe tang / Ngựa kéo đi trên con đường dài hàng me đổ lá / Xưa mình vẫn lang thang”.

Tiếng hát Anh Tuấn trầm ấm, truyền cảm, và rất nam tính nên khi anh ca, “Anh khóc trên vai em, anh khóc trên vai em, một lần cuối, một lần cuối”, nghe hơi bị yếu đuối. Tôi tưởng Anh Tuấn đổi “em” thành “anh” nhưng khi nghe các ca sĩ khác như Chế Linh và Quang Dũng cũng hát “Anh khóc trên vai em” nên tôi nghĩ lời chính của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là như thế.

Anh nhớ tình ta là một sản phẩm giá trị từ giọng hát đến hòa âm và phối khí. Đáng được chiêm ngưỡng từ đầu đến cuối. Chỉ có một bài hơi bị lạc chủ đề là “Kỳ diệu” (nhạc Anh Bằng, thơ Nguyên Sa) được Ngân Thùy hát. Không hiểu sao album Nguyễn Anh Tuấn lại có một bài đơn ca của Ngân Thùy. Tuy nhiên, giọng Ngân Thùy rất tốt và trình bài rất tới. “Con đường tình ta đi” của Phạm Duy là bài song ca của Anh Tuấn và Ngân Thùy thì có lý, còn “Kỳ diệu” thì hơi bị không đúng chỗ.

Trần Tuấn Hòa: Dạ khúc cho tình nhân

Trần Tuấn Hòa có chất giọng ấm áp thích hợp với loại nhạc thính phòng như chín ca khúc chọn lọc trong album Dạ khúc cho tình nhân. Tuấn Hòa hát rõ lời, không run khi lên cao, và biết điều khiển hơi thở. “Ru đời đi nhé” được hòa âm lại với giai điệu blues, Tuấn Hòa trình bài ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với cảm xúc sâu lắng và tiếng kèn saxophone thêm vào một chút sầu lắng. Với “Cõi vắng” của nhạc sĩ Diệu Hương, Tuấn Hòa hát như một chàng trai thất tình và tiếng đàn violin như chiếc dao nhỏ cắt nhẹ nhàng vào tim chàng. “Thà như giọt mưa” (nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên), Tuấn Hòa song ca cùng giọng nữ cao sang của Phương Anh rất hợp lý. Tuy album chỉ toàn những ca khúc cũ kỹ nhưng đáng được thưởng thức không chỉ về tiếng hát mà về phần hòa âm và phối khí chất lượng của nhạc sĩ Đạo Nguyễn.

Ngọc Lan: Người yêu dấu & The Best of

Bài mở đầu của Người yêu dấu, cũng là bài chủ đề album được trung tâm Giáng Ngọc phát hành, là một ca khúc nhạc Hoa được nhạc sĩ Chí Tài viết lời Việt. Với giọng hát nhẹ nhàng, yểu điệu, Ngọc Lan rót vào tai từng chữ một những nỗi đau ngọt ngào: “Người yêu dấu, những kỷ niệm ngày xưa khó phai / Giờ đây vắng anh, lòng em nhớ nhung / Thầm khóc cho duyên mình”.

Nghe mà xót xa dùm cho người con gái thướt tha ấy nhưng qua đến bài thứ nhì, “Tưởng niệm” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người con gái mềm mại ấy đã trở thành một thiếu nữ mạnh mẽ đầy cảm xúc. Chị xử lý phần điệp khúc rất khéo léo, “Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ / Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ”. Không gào thét và không lên quá cao nhưng vẫn cho người nghe cảm nhận được sự khổ đau của bài hát.

Ngoài những tình khúc Việt như “Tình phụ” (Đỗ Lễ), “Bài thơ cuối cùng” (Hoàng Thi Thơ), “Bài tình ca cho em” (Ngô Thụy Miên), “Tình” và “Nỗi buồn” (Văn Phụng), chị viết lời Việt cho ba ca khúc: “Tình như giấc mơ”, “Hỡi người tình”, và “Người”. Tuy âm thanh của những bài phối lúc ấy rất kém nhưng giọng hát Ngọc Lan vẫn trong sáng và đầy quyến rũ.

The Best of Ngọc Lan do trung tâm Làng Văn phát hành vào tháng hai năm 1991 với những phần hoà âm phối khí khá hơn. Lúc mới mua CD này, tôi mê ngay vì album được bắt đầu với ca khúc “Cuộc tình đã xa” của nhạc sĩ Dương Triệu Hải với giai điệu tươi vui và ba bài kế tiếp “Những ngày mưa gió” (Bảo Chấn), “Hãy yêu tôi” và “Tình đôi ta” (tôi không tìm được tác giả của hai bài này) cũng rất nhộn nhịp. Bốn ca khúc này chứng tỏ tài năng Ngọc Lan không chỉ hát nhạc chậm mà còn hát nhạc nhanh rất điêu luyện không bỏ chữ hoặc lướt qua các ca từ để chạy theo nhịp điệu.

Trong album này, Ngọc Lan cùng song ca với Jo Marcel (“Quando Calienta El Sol” của Rafael Gaston Perez), Sĩ Phú (“Thoáng giấc mơ qua” của Nguyên Vũ), và Duy Quang (“Góa phụ ngây thơ” của Trần Thiện Thanh). Mỗi nam ca mỗi nét nhưng họ kết hợp với giọng Ngọc Lan rất điều hoà.

Từ phần hoà âm đến cách trình bài, ca khúc đơn tôi yêu nhất trong The Best of Ngọc Lan là “Tình thư của lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Giọng chị êm dịu nhưng đầy nỗi tâm sự nhất là hai câu cuối, “Thư của lính, thư không được dài như mong ước đâu em / Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em.” Nghe chị ca “hai chữ hôn em” mà xót thương cho những người lính. Một giọng nữ mà có thể nói lên được tâm trạng của người lính nam thật không dễ dàng.

Người yêu dấuThe Best of Ngọc Lan là hai album tôi thường nghe đi nghe lại nhiều lần. Mỗi lần nghe là mỗi lần nhớ đến tiếng hát vượt thời gian và không gian của Ngọc Lan và những ký ức chính mình của những năm đầu khi bước chân đến nơi xứ lạ quê người thèm được nghe tiếng mẹ đẻ của mình.

Tiếng hát Thanh Thúy

Đã có một thời tôi bị lôi cuốn bởi giọng hát liêu trai của cô Thanh Thúy, đặc biệt là những nhạc phẩm được thu âm cùng với ban nhạc trước năm 1975. Gần hai mươi năm trước, nhân dịp đi dự đám cưới của một người anh họ ở tiểu bang Texas, tôi ghé vào tiệm bán nhạc Việt và đã mua năm CD của cô đã được thu âm và phát hành ở Mỹ. Giọng của cô vẫn trầm ấm và đầy quyến rũ nhưng tôi bị thất vọng với phần hòa âm phối khí. Những trung tâm băng nhạc tại hải ngoại vào thập niên 90 đều thu âm với những phần hòa âm rất sơ sài và thiếu đi phần sống động của ban nhạc như thời trước 1975.

Gần đây tôi lôi ra những CD này để nghe lại và cố gắng không để sự thành kiến của mình về phần hoà âm làm mất hứng. Trong năm CD tôi nghe, Thanh Thuý 22: Với những tình khúc Trúc Phương gần như hoàn hảo từ album chủ đề đến phần hòa âm. Từ giai điệu trữ tình (“Ai cho tôi tình yêu”) đến nhịp điệu thôn quê vui tươi (“Tình thắm duyên quê”), giọng cô rất thích hợp với dòng nhạc Trúc Phương. Nổi bật là ca khúc “Chấp tay lại trời”, cô hát nhịp thấp rất điêu luyện.

Kế là CD Thanh Thuý 27: Tưởng niệm nhân tài nhạc Việt gồm có Trầm Tử Thiên, Y Vân, Hoàng Nguyên, Hoàng Linh Duy, Đinh Việt Lang, Đỗ Lễ, Trúc Phương, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Hoài Linh, Trịnh Công Sơn, Duy Khánh, và Hoàng Thi Thơ. Ngoài nhạc phẩm “Trên bốn vùng chiến thuật” của Trúc Phương, cô hát những nhạc tình buồn như “Thương một người”, “Tình phụ”, “Buồn”.

Còn Thanh Thuý 16: Yêu nhau trọn đời, Thanh Thuý 17: Quên người tình cũ, và Thanh Thuý 26: Trần lụy không có chủ đề hẳn hoi. Cô hát bài “Lòng mẹ” của Y Vân rất cảm xúc nhưng phần hoà âm không đặc sắc lắm. Phần phối khí cho “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong cũng chỉ trung bình. Tuy vậy nhưng tôi vẫn giữ những album này để lâu lâu nghe lại giọng hát Thanh Thúy

Nhạc khiêu vũ

Sau vài năm định cư ở xứ lạ quê người, tôi không có sinh hoạt gì cũng chưa có bạn bè nên cuối tuần không luyện phim kiếm hiệp thì luyện tập khiêu vũ. Thỉnh thoảng tôi được chị Thơm đưa đến ngôi nhà di động xinh xắn của anh Hai chơi. Lúc đó anh và chị còn trong giai đoạn hẹn hò chưa đi đến hôn nhân. Anh Hai có tài nấu đồ ăn Việt Nam rất ngon. Đặc biệt hơn nữa, anh nhảy đầm rất sành điệu. Chắc là vậy nên chị tôi mới mê anh. Tôi thích đến nhà anh chơi vì được ăn món bún mắm anh nấu và được anh luyện cho những bước điệu khiêu vũ. Từ Cha Cha đến Rumba, từ Paso đến Tango, từ Valse đến Bebop, anh không chỉ dạy những bước căn bản mà còn những động tác fancy lả lướt. Nhờ có chị làm phụ tá nên anh dạy rất hăng hái.

Một trong những băng cassette anh Hai dùng để dạy tôi vũ điệu Rumba gồm có ba nhạc phẩm Ngọc Lan trình bài: “Yêu đến muôn đời”, “Dòng sông quê tôi”, và “Chuyện phim buồn”. Đến tận bây giờ mỗi khi nghe lại ba ca khúc này là ký ức ùa về. Giọng hát trong veo của Ngọc Lan chảy êm dịu như suối nước qua những dòng kẻ của điệu nhạc Rumba. Từng câu từng chữ (“Em yêu anh yêu đến muôn đời / Như đôi chim tung cánh trên trời” hoặc “Dù ta xa cách bến vắng, cuộc đời triền miên / Mà lòng còn như trôi trên dòng sông nắng ấm” hoặc “Lòng bao tái tê và mắt chợt bỗng ướt nhòa / Từng giọt buồn xót xa”), Ngọc Lan hát như rót một ly nước lạnh vào một ngày nắng héo khô. Lúc đó tôi không biết nguồn gốc của ba nhạc phẩm đó. Về sau này tôi tìm ra cả ba nhạc phẩm trong album Khúc nhạc tình hồng: Lambada 2 do Trung Tâm Hải Âu phát hành. Người nhạc sĩ tài hoa đã hòa âm những ca khúc này là Quang Nhật. Trong album còn có phần đóng góp của Kiều Nga, Trung Hành, và Trizzie Phương Trinh. Hai nhạc phẩm Cha Cha (“Yêu anh hơn là lời nói” và “Biết ra sao ngày sao”) đem lại phần vui nhộn cho album. Giọng Kiều Nga mạnh mẽ và rõ ràng nên rất thích hợp với những giai điệu tươi trẻ. “Tiễn em lần cuối” đóng lại album với một nỗi buồn vời vợi qua chất giọng khàn và đầy nam tính của Trung Hành.

Ngoài những album nhạc trẻ thời đó, tôi cũng sưu tầm những album nhạc khiêu vũ. Gần đây tôi mang ra những CD dạ vũ nghe để nhớ lại những giây phút đến vũ trường. Một trong những album tôi vẫn thường nghe đi nghe lại là Vũ khúc yêu thương của Kiều Nga qua Trung Tâm Lệ Hằng phát hành. Tôi rất thích chất giọng thanh thao và đầy sức lực của Kiều Nga. Về phần nhạc, Lê Đức Cường hòa âm những nhịp điệu khiêu vũ nghe rất đã tai như “Mây lang thang” (Cha Cha) “Buồn vương màu áo” (Rumba), và đặc biệt là “Khúc nhạc yêu thương” qua nhịp điệu Paso tưng bừng như đi chợ.

Một album khác cũng do Lê Đức Cường phụ trách phần hoà âm là Dạ vũ muôn màu qua giọng hát Sơn Tuyền. Tuy Sơn Tuyền không nổi tiếng bằng chị Thanh Tuyền nhưng đối với cá nhân tôi thì thích Sơn Tuyền hơn, nhất là khi chị hát dòng nhạc dạ vũ. Trong album này có hai bài Bebop (“Búp bê không tình yêu” và “Anh đến bên em”) xinh xắn và nhộn nhịp. Bebop là nhịp điệu khó học nhất đối với tôi nhưng rất thú vị khi đã học được những bước nhảy. Ngược lại, album cũng có những bài slow như “Tàn tro” và “Lời cuối cho em” buồn vời vợi.

Trung Tâm Asia tung ra rất nhiều nhạc khiêu vũ. The Best of Tango & Valse với những tiếng hát đàn chị như Julie, Ngọc Lan, Kiều Nga, Thái Hiền, Thanh Mai, và Thiên Trang. The Best of Cha Cha Cha với những tiếng hát đàn em như Lâm Thuý Vân, Thanh Trúc, Loan Châu, Shayla, và Nini. Đồng thời Asia cũng phát hành The Best of Dạ Vũ từ số 1 đến số 8. Riêng cá nhân tôi, hai album đầu rất ấn tượng. Nổi bật trong album thứ nhất có hai bài Rumba (“Mưa trên biển vắng” và “Kỷ niệm trong tôi”) do Don Hồ hát và một bài Cha Cha “Tình si” qua tiếng hát trẻ đầy triển vọng của Lâm Thuý Vân. Nổi bật trong album thứ nhì gồm có “Nhạc tình xanh” (Cha Cha) do Don Hồ trình bài và “Hoang Vắng” (Dance Pop) do Lâm Thúy Vân trình bài.

Một album nữa của Asia khá ấn tượng là Dạ vũ đen. Nhạc phẩm “Thôi” của nhạc sĩ Y Vân được hòa âm rất lạ và đặc biệt được thêm lời Anh của Đỗ Phủ. Don Hồ hát bài này rất có hồn. Lâm Thuý Vân và Trung Hành song ca bài “Mưa rơi” (Cha Cha) rất hợp gu. Từ nhịp điệu Rumba giòn giã đến tiếng hát cao vời vợi của Lâm Thuý Vân, “Tình đã bay xa” cắt thẳng vào vết thương của con tim.

Ngồi viết lại những sản phẩm này khiến tôi hồi tưởng lại một thời đã xa. Cách đây vài năm tôi bị trộm mất mớ CD vì quên khoá xe. Trong đó có The Best of Dạ Vũ 1 & 2Dạ vũ đen. Thật đáng tiếc vì không biết bây giờ còn mua lại được không. Cũng may là bây giờ dường như album Việt nào cũng có trên YouTube cả. Nếu bạn nào muốn nghe, thì tìm trên YouTube. Chỉ riêng Dạ vũ muôn màu chưa có.

Ngọc Lan & Don Hồ

Những năm đầu của thập niên 90, tôi mới định cư đất Mỹ. Tôi không nghe nhạc Việt nhiều và cũng không biết gì về làng văn nghệ người Việt tại hải ngoại. Tôi thích nghe nhạc Mỹ và nhất là rap để học Anh ngữ. Nhưng rồi những tiếng hát trẻ đã đưa tôi trở về với dòng nhạc Việt. Trong số những ca sĩ đó, tôi đặc biệt mê tiếng hát Don Hồ và Ngọc Lan.

Tôi bắt đầu để ý đến Don Hồ qua “Hãy sống cho tuổi trẻ”, nhạc ngoại quốc lời Việt anh trình diễn trên Asia 1: Đêm Sài Gòn. Giọng hát của anh nhẹ như khói, tự nhiên như thở, và có một chút khàng rất quyến rũ. Tôi xem đi xem lại nhạc phẩm đó nhiều lần và bắt đầu đi tìm băng nhạc của anh.

Còn Ngọc Lan, tôi mê tiếng hát của chị qua bài “Rừng chưa thay lá” (thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhạc Huỳnh Anh). Giọng hát êm dịu của chị lôi cuốn tôi từng chữ một, “Anh đi rừng chưa thay lá / Em về rừng lá thay chưa”? Tôi chưa từng nghe được giọng hát nào mong manh mà lại có sức thu hút mạnh mẽ đến thế. Từ đó tôi đã đi theo giọng hát đó cho đến ngày hôm nay.

Lúc 12 hoặc 13 tuổi, tôi chưa làm ra tiền nên không dám dùng tiền của mẹ mua băng nhạc. Mỗi lần được bước vào tiệm nhạc Việt, tôi như đứa trẻ lạc vào tiệm kẹo. Thấy gì cũng muốn mua. Nhưng mỗi lần vào tôi chỉ mua một băng thôi. Vì say mê hai giọng hát Ngọc Lan và Don Hồ nên tôi chọn ngay Ngọc Lan & Don Hồ 2: Con đường tình ta đi. Tôi không hiểu chiến lược của trung tâm Giáng Ngọc vì đây là album của hai ca sĩ nhưng Don Hồ có 6 bài, 2 bài song ca, còn Ngọc Lan chỉ có 2 bàì.

Thời bấy giờ Don Hồ hát đa số nhạc ngoại lời Việt, nhưng trong Con đường tình ta đi, anh hát những nhạc phẩm của tác giả Việt. Lúc đó tôi cũng không để ý nhiều đến những tác giả nhạc Việt nên không biết bài “Biết đâu nguồn cội” là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ phần hoà âm tươi vui đến cách hai giọng hát hoà quyện với nhau, bài song ca này vẫn giữ một vị trí rất riêng trong tim tôi. Bài song ca thứ nhì, “Con đường tình ta đi” (nhạc sĩ Phạm Duy) không chỉ có hai giọng hát mà còn có giọng saxophone của Tham Lâm. Cả ba hợp tác rất chặt chẽ. Riêng bài “Thà như giọt mưa” (nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên), Ngọc Lan hát đầy cảm xúc và lối hoà âm cũng đầy gay cấn. Qua các nhạc phẩm Don Hồ thể hiện trong album này, từ “Ngủ đi em” (Lê Minh Bằng), “Em đến thăm anh đêm 30“ (nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn), đến “Gọi tên bốn mùa” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), tôi bắt đầu thích anh hát nhạc Việt hơn nhạc ngoại lời Việt.

Ngọc Lan & Don Hồ 3: Tình phụ chứng minh được đường lối của anh chuyển sang hát nhạc Việt như “Kiếp đam mê” (Duy Quang), “Khúc thụy du” (nhạc sĩ Anh Bằng), và “Dấu tình sầu” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên). Ngọc Lan đã giết bao nhiêu con tim qua “Vì tôi là linh mục” (nhạc Nguyễn Đức Quang, thơ Nguyễn Tất Nhiên) và “Giết người trong mộng” (nhạc sĩ Phạm Duy). Cả hai trình bài những bài đơn ca rất đỉnh. Phải chi có thêm một hoặc hai bài song ca thì tuyệt vời.

Ngọc Lan & Don Hồ 4: Xin còn gọi tên nhau trở lại với những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (lời Việt Pham Duy), “Trưng vương khung cửa mùa thu” (lời Việt Nam Lộc) và “Hận tình trong mưa (lời Việt Pham Duy). Tuy nhiên cũng có những bài của tác giả Việt như “Xin còn gọi tên nhau” (Trường Sa) và “Tôi đi giữa hoàng hôn” (Văn Phụng). Album này cũng đáng thưởng thức tuy không trọn vẹn như album 2 và 3.

Để sưu tầm cho trọn bộ, mãi sau này tôi mới tìm được album Ngọc Lan & Don Hồ 1: Comme Toi gồm những ca khúc Pháp và Anh được hát nửa lời Anh lời Việt hoặc nửa lời Pháp lời Việt. Không biết Don Hồ ca tiếng Pháp ra sao, nhưng anh ca tiếng Anh như bài “When You Go to San Francisco”, “Papa”, “Seal with a Kiss”, có một chút accent. Tuy nhiên nghe là lạ và dễ thương. Tôi thích hai bài song ca “Comme Toi” và “Tình yêu đó” trong album này.

Đó lại 4 album Ngọc Lan & Don Hồ do trung tâm Giáng Ngọc phát hành. Năm 1995, Ngọc Lan Musique phát hành Những lời mê hoặc của đôi song ca này. Ngoài nhạc phẩm “Về đây em” (nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn), cả album là nhạc ngoại lời Việt. Có một lần được chat riêng với Don Hồ qua trang web của tôi, anh đã kể lại cơn bệnh hiểm nghèo đã cho cặp mắt cô không còn thấy được nữa. Cô mời Don Hồ hát và đã rất tận tình với người bạn đồng nghiệp của mình. “Khi tình xa” (lời Việt Khúc Lan) và “Những lời mê hoặc” (Phạm Duy), Don Hồ ca còn Ngọc Lan chỉ đọc nhưng họ lại ăn khớp với nhau như lúc ban đầu.

Ngọc Lan & Don Hồ đã để lại cho làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại những kỷ niệm khó quên. Cám ơn hai người ca sĩ tài tình và dễ thương này. Tuy Ngọc Lan rời khỏi cõi tạm này đã lâu, tiếng hát của cô vẫn tồn tại mãi. Xin chúc Don Hồ luôn khoẻ để tiếp tục con đường nghệ thuật của anh.