Nguyễn Duy Quyền: Quên Được Cứ Quên (đọc lại)

Cách đây tám năm, tôi đọc một quyển tản văn. Trong đó tác giả viết về ký ức tuổi thơ. Tôi nhớ nhất là những bài văn ngắn diễn đạt món ăn đồng quê. Cách viết của tác giả nhẹ nhàng nhưng khiến cho người đọc cảm nhận được những món ngon đi từ ký ức.

Thời gian gần đây, tôi muốn tìm để đọc lại quyển sách nhưng tôi lại không nhớ nổi tựa đề và càng không nhớ tên tác giả. Cho dù tôi đã viết vài hàng review ngắn cho blog của mình, tôi vẫn không tìm ra được manh mối gì cả. Tôi cũng chẳng nhớ hình dáng bìa sách ra làm sao.

Tuần trước tôi quyết định tìm cho ra quyển sách này. Tôi đã đến thư viện và tìm từng quyển sách một trong kệ sách tiếng Việt. Cuối cùng tôi đã tìm lại được. Quyển sách có tựa đề Quên Được Cứ Quên của tác giả Nguyễn Duy Quyền.

Đọc lại từng bài văn như được trở về với quá khứ. Như tác giả đã viết, “Nếu có chuyến đi nào ngược về trí nhớ, thì cho tôi xin một vé đi tìm lại tuổi thơ”. Với tôi, quyển sách này là một tờ vé để tìm lại tuổi thơ.

Tuy đã sống ở nước ngoài hơn 35 năm, thế mà hình bóng quê nhà của 10 năm đầu trong cuộc đời của tôi vẫn không hề phai. Cho dù giờ đây quê nhà đã không còn như 40 năm trước nữa, nó vẫn khắc sâu vào ký ức của tôi. Việt Nam có cái gì đó rất huyền diệu mà chỉ có những ai đã được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất ấy mới hiểu được.

Sau khi đọc xong quyển sách lần thứ nhì, tôi muốn mượn sáu bài trong 80 bài để làm một trang mẫu cho dự án Vietnamese Typography của tôi. Sáu bài này có những hình ảnh món ăn đồng quê mà đã làm tôi xúc động.

Để có được chữ Việt đẹp và dễ đọc, tôi đã dùng bộ chữ Pennyroyal DJR của David Jonathan Ross và Caramel của Robert Leuschke. Mời các bạn cùng đọc để còn một chút gì để nhớ về quê nhà.

Contact