Trò chuyện về ký tự pháp cùng Thế cơ À

Thế cơ À:

Mở đầu cho chuỗi phỏng vấn về việc xây dựng Hệ thống Từ vựng tiếng Việt cho chủ đề typography tại Việt Nam, Thế cơ À đã may mắn kết nối được với chú Donny Trương, tác giả của cuốn sách Vietnamese Typography.

Vốn là luận văn thạc sĩ chuyên ngành thiết kế đồ họa của chú tại trường đại học George Mason University, Vietnamese Typography được xuất bản vào tháng 11 năm 2015. Cuốn sách được ra mắt dưới định dạng website này nhanh chóng trở thành một bản định hướng thiết yếu cho nhiều nhà thiết kế kiểu chữ trong việc thiết kế chữ Việt.

Cuốn sách giúp nhiều người thực hành typography trên thế giới hiểu được những nét độc đáo của tạo hình dấu tiếng Việt kể cả khi họ không nói hoặc viết ngôn ngữ đó. Nhờ đó, họ tự tin hơn trong việc thiết kế các dấu phụ, đóng vai trò quan trọng đối với tính dễ nhận diện (legibility) và tính dễ đọc (readability) của tiếng Việt.

Với những trải nghiệm ấy, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thêm về quan điểm của chú về chủ đề này ngay nào.

Phần 1: Bối cảnh giao tiếp: không gian, thời gian, đối tượng giao tiếp

1. Hiện tại, chú có đang phải thường xuyên trao đổi về các chủ đề typography không? Nếu có thì là khi nào, với ai và ở đâu?

Chú vẫn thường xuyên trao đổi về chủ đề nghệ thuật chữ hằng ngày trong công việc và trong những dự án cá nhân. Từ khi sách được phát hành, chú tham khảo với những nhà thiết kế chữ để tư vấn họ về chữ Việt. Chú giúp họ trong việc đặt những con dấu sao cho người Việt dễ đọc.

Qua câu trả lời của chú, chúng cháu cũng thấy chú đã chuyển ngữ typography thành nghệ thuật ngữ. Chú có thể giải thích thêm về cách gọi này không?

Khi viết hay nói tiếng Việt, chú cố gắng chỉ dùng chữ Việt nếu không cần đưa vào chữ Anh. Lúc viết sách, chú đã nghiên cứu rất nhiều để dịch sang tiếng Việt cho đúng nghĩa và cuối cùng chú đã chọn “Nghệ thuật chữ Việt”.

3. Khi biên soạn cuốn sách Vietnamese Typography hay thực hiện các nghiên cứu khác, chú thường tham khảo tài liệu từ đâu? Có tài liệu tiếng Việt nào đáng chú ý không? Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu, thảo luận về chủ đề này chưa?

Lúc bắt tay vào luận án Vietnamese Typography, chú gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu. Chú sinh sống ở Mỹ nên việc tham khảo sách vở tiếng Việt càng hiếm hoi. Chú có liên lạc với giáo sư Ngô Thanh Nhàn và giáo sư John D. Phan, nhưng cả hai cũng không cung cấp tài liệu gì về chữ Việt. Không biết phải tham khảo với ai nên chú viết một đôi lời trên blog cá nhân của mình. Không bao lâu thì nhận được thư anh Phạm Đam Ca gửi động viên, giải thích, và góp ý một vài tài liệu như Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum của Alexandre de Rhodes phát hành vào năm 1651. Đến bây giờ chú vẫn chưa tìm thấy tài liệu về chủ đề này trong tiếng Việt. Còn những phần tài liệu đã được tham khảo qua tiếng Anh, chú ghi lại ở cuối sách.

4. Trong lúc tư vấn/đào tạo, chú trao đổi với khách hàng/đối tác như thế nào về chủ đề này? Có thuận lợi/khó khăn gì về giao tiếp không? Nếu có khó khăn thì chú giải quyết như thế nào?

Trong quá trình tư vấn về chữ Việt thì không gặp khó khăn gì vì những nhà thiết kế chữ họ rất tin tưởng chú. Thứ nhất, chú là người Việt đọc được tiếng Việt. Thứ hai, chú đã nghiên cứu và trau dồi rất nhiều về đề tài này khi làm luận án của mình.

Phần 2: Từ vựng sử dụng: tiếng Anh hay tiếng Việt, thuận lợi/khó khăn/giải pháp

5. Khi phải viết hay nói về chủ đề này, cần tới các thuật ngữ chuyên môn thì chú sẽ sử dụng ngôn ngữ nào? Khó khăn/thuận lợi khi cần trao đổi về chủ đề tại Việt Nam?

Hiện tại chú chỉ dùng Anh ngữ vì chú chỉ làm việc với những nhà thiết kế người nước ngoài. Chú chưa trao đổi về chủ đề này tại Việt Nam nhưng chú nghĩ sẽ không gặp nhiều khó khăn lắm vì những bạn trẻ ở Việt Nam bây giờ rất giỏi Anh ngữ.

6. Vậy có phải là những bạn không thạo tiếng Anh sẽ gặp khó khăn trong việc tìm hiểu typography? Tại sao lại như vậy?

Ý của chú là những bạn trẻ bây giờ giỏi tiếng Anh nên cũng không gặp khó khăn nhiều. Theo chú thì việc tìm hiểu về nghệ thuật sắp đặt chữ không đơn giản. Nó đòi hỏi sự đam mê và tỉ mỉ. Cho dù người rành hay không rành tiếng Anh cũng phải bỏ công ra học những từ vựng của nó. Khó khăn hay không tùy theo sự nhẫn nại của mỗi người.

Lúc mới tìm hiểu và học hỏi về nghệ thuật sắp đặt chữ, chú đọc đi đọc lại The Elements of Typographic Style của ông Robert Bringhurst đến bốn hoặc năm lần mới bắc đầu hiểu được những từ vựng ông dùng. Một khi đã hiểu rồi thì chú muốn đọc thêm nữa. Chú làm việc cho trường George Mason University và chú đã đọc gần hết những quyển sách về nghệ thuật chữ trong thư viện. Chú cũng sưu tầm cho mình một bộ sách về đề tài này.

Phần 3: Quan điểm về việc xây dựng hệ thống từ vựng tiếng Việt cho chủ đề Typography tại Việt Nam

7. Quan điểm của chú về việc xây dựng hệ thống từ vựng cho chủ đề Typography: đánh giá hiện trạng/xu hướng sử dụng ngôn ngữ hiện tại; sự cần thiết của việc thống nhất hệ thống thuật ngữ này; đề xuất giải pháp; mong muốn tương lai?

Theo quan điểm của chú việc xây dựng hệ thống từ vựng cho nghệ thuật chữ Việt rất quan trọng và cần thiết. Chú rất muốn chuyển ngữ Vietnamese Typography qua tiếng Việt nhưng vẫn chưa có thời gian và điều kiện.

Thế cơ À:

Thế cơ À xin được gửi lời cảm ơn trân trọng và thân mến nhất tới chú Donny Trương vì đã dành thời gian chia sẻ những điều quý giá này tới cộng đồng. Để lan rộng hơn giá trị này, mọi người có thể ghé thăm website Vietnamese Typography để nghiên cứu hoặc ủng hộ cho dự án. Việc phỏng vấn và khảo sát cộng đồng sẽ vẫn luôn diễn ra thường xuyên và song song với các hoạt động đăng bài của chúng mình. Sau cùng, điều chúng mình muốn làm là kích thích quá trình trao đổi tri thức, nhận thức giữa người hiểu với người chưa hiểu, người đi trước với người đi sau vài bước, người biết với người biết ít hơn chút. Vì chúng mình tin đối thoại cộng đồng là cách nhanh nhất để dân chủ hóa trí thức.

Website: https://thecoa.super.site/
Instagram: https://www.instagram.com/thecoafoundry/
Behance: https://www.behance.net/thc11
Email: [email protected]