Ngọc Lan hát những “Bài không tên”
Qua giọng hát hồn nhiên và sâu lắng, Ngọc Lan nhẹ nhàng bày tỏ nỗi đau nội tâm trong ca từ của nhạc sĩ Vũ Thành An qua những “Bài không tên” bất hủ của tác giả. Chẳng hạn như cô mở đầu “Bài không tên số 2” với một nỗi buồn tràn đầy tự sự: “Lòng người như lá úa, trong cơn mưa chiều / Nhiều cơn gió cuốn, xoay xoay trong hồn”. Ngọc Lan phát âm chữ “xoay xoay” nghe xao xuyến vô cùng. Với “Bài không tên số 3”, cô “buông xuôi” một cách nhẹ nhàng nhưng đầy nghẹn ngào: “Đêm sâu mái tóc em dài / Buông xuôi, xuôi theo dòng đời”. Phần điều khiển dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Thanh Lâm với dàn dây, đàn dương cầm, và tiếng kèn saxophone sát cánh bên giọng hát của Ngọc Lan rất chặt chẽ. Hơi đáng tiếc là cô quyện hai ca khúc này lại với nhau nên người nghe dễ bị lẫn lộn không biết khúc nào là của bài nào. Phải chi cô hát riêng từng bài.
Những “Bài không tên” khác, Ngọc Lan đem đến khán giả những nỗi niềm chua xót trong ca từ của tác giả. Với “Bài không tên số 4”, cô hát với tâm trạng đầy chất chứa: “Đời con gái cũng cần dĩ vãng / Mà em tôi chỉ còn tương lai”. Với “Bài không tên số 5”, cô thả nhẹ như đang tự trấn an mình, “Hãy cố yêu người mà sống / Lâu rồi đời mình cũng qua”, và cô lên thật cao để nhấn mạnh, “Lâu rồi đời mình cũng qua”. Với “Bài không tên số 7”, cô xuýt xoa, “Thân em giờ hoang phế / Lê theo thời gian giông gió”. Với “Bài không tên số 8”, cô chạm vào nỗi đắng cay của tác giả, “Vắng nhau một đêm, càng xa thêm nghìn trùng / Tiếc nhau một đêm, rồi mai thêm ngại ngùng”.
Ngọc Lan hát “Bài không tên cuối cùng” cũng tốt nhưng phải chi cô giữ nguyên lời của tác giả và đừng đổi “em” thành “anh” như:
Này anh hỡi
Con đường anh đi đó
Con đường anh theo đó
Sẽ đưa anh sang đâu
Mưa bên chồng, sẽ làm em khóc, sẽ làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng.
Khi Ngọc Lan sửa đi đại từ, lời hát không còn đúng với lời tâm sự của nhạc sĩ Vũ Thành An nói với người yêu của mình khi cô lấy chồng. Qua phần trình diễn của Ngọc Lan, người con gái muốn trách người yêu của mình rằng anh có chọn lựa nhưng anh lại không chọn em mà để em đi theo chồng. Lời gốc của nhạc sĩ, “Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ”, chỉ có thể thôi nhưng lời đổi là sẽ khóc và sẽ nhớ “những khi mình mặn nồng”. Đó không còn là lời trách móc nữa mà lời nói khiến cho chàng trai phải đối diện với tội lỗi và trách nhiệm về hành động của mình khi đã “mặn nồng” với nàng.
Tôi đùa tí cho vui thôi chứ không có ý mổ xẻ gì hết. Nếu bạn hứng thú muốn biết về những câu chuyện đằng sau những “Bài không tên”, tìm đọc quyển sách Chuyện tình không tên của chính tác giả. Sẵn đây, tôi xin trích một đoạn thư tình nhạc sĩ Vũ Thành An viết:
Em yêu dấu,
Em bỏ đi làm anh hụt hẫng, nhất là không còn biết tin vào ai nữa. Anh đã tin những lời Em hứa, thế rồi Em bỏ đi, anh trở thành kẻ mất Đức Tin không còn biết bấu víu vào đâu. Đức Tin là quan trọng nhất cho một đời người. Chính Đức Tin sẽ cho ta Hy Vọng, có thể giúp ta chịu đựng được những điều phi thường và vượt lên khỏi sự bình thường. Mất Đức Tin ta sẽ rơi xuống hố thẳm của tuyệt vọng.
Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng anh chưa bao giờ nghĩ rằng Bài không tên cuối cùng anh đã viết ra trong sự thảng thốt khi Em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng như thế! Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến Em. Anh hoàn toàn không muốn như vậy.
Chắc chắn là câu “Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ / Những khi mình mặn nồng” đã khiến cho người nhạc sĩ tài hoa hối hận những gì ông đã viết. Sau 25 năm, ông phải viết lời thứ hai cho “Bài không tên cuối cùng”. Dù sao đi nữa, tôi vẫn quý mến phong cách nhẹ nhàng và nét đẹp êm dịu của Ngọc Lan khi cô hát những “Bài không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An.