Ngọc Lan: Cho người tình em yêu
Tôi mê “Dáng tiên nữ”, một ca khúc ngoại được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt, do Ngọc Lan hát mấy mươi năm trước nhưng không để ý cô thu âm vào thời điểm nào, người nhạc sĩ hòa âm nhịp điệu rumba đầy quyến rũ đó là ai, và thậm chí ca khúc ấy nằm trong album nào. Gần đây, tôi mới khám phá ra “Dáng tiên nữ” là bài mở đầu album Cho người tình em yêu do trung tâm Mai Khanh Music Productions thực hiện và phát hành vào năm 1991. Tuy nhiên vẫn chưa rõ những người nhạc sĩ ở hậu trường đóng góp cho phần hòa âm phối khí là ai.
Khi nghe Cho người tình em yêu từ đầu đến cuối tôi đã bị lôi cuốn ngay. Về phần hòa âm phối khí và âm thanh thì không được chỉnh chu như những ca khúc được đầu tư cho Mây Productions. Cách hát của Ngọc Lan tự nhiên hơn lúc cô hát cho Mây Productions. Theo cá nhân người nghe này, những album của Mây Productions quá hoàn hảo từ hòa âm đến cách hát của Ngọc Lan. Kết quả là những ca khúc giảm đi phần cảm xúc một ít vì nó đã được sắp xếp rất kỹ lưỡng. Ngược lại những ca khúc trong Cho người tình em yêu rất nhiều sơ hở trong kỹ thuật nhưng bù lại là những cảm xúc trong giọng hát của Ngọc Lan vì cô hát với tâm hồn của mình.
Chẳng hạn như “Người chết trở về”, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Ngọc Lan hát với những hơi thở nặng nề, nhất là những đoạn cao, “Tình trăm năm cho tình ngắn trên trần gian / Tình trọn nghĩa yêu đương”. Ít khi Ngọc Lan trình bài một ca khúc cô lên cao quá mức và để lộ nhịp thở của mình. Hơn nữa, bài này dài hơn bảy phút rưỡi.
Còn “Chiều trên phá Tam Giang”, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ từ thơ của Tô Thùy Yên, Ngọc Lan hát rất thấp hai câu đầu, “Chiều trên phá Tam Giang / Em sực nhớ rằng”, nhưng cô nhảy qua một octave để lên, “Nhớ ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ / Đến bất tận, anh ơi, anh ơi”. Khác với tác giả, trong khi ca sĩ Nhật Trường nhấn mạnh chữ “sực” thì cô lại nhả mềm mại đến nỗi thoáng nghe qua như “sợc nhớ”. Đồng thời cô đỗi “nhớ anh” thành “nhớ rằng” nghe gần gũi hơn một tí. Hơn nữa cô chuyên chở từ giọng thấp lên thật cao khiến cho “niềm nhớ” cô hát da diết hơn.
Hai nhạc phẩm nữa của Trần Thiện Thanh mà cô hát rất nồng thắm là “Anh về với em” và “Chuyện hẹn hò”. Bài hòa âm của “Anh về với em” qua điệu rumba rất thu hút, nhất là tiếng kèn saxophone. Còn “Chuyện hẹn hò”, chứng minh cách xử lý nhạc bolero khéo léo của cô. Cô hát không mùi mẫn cũng không sầu thảm nhưng vẫn giữa được sự nồng nàn và thơ mộng: “Em cứ hẹn chiều mai rồi lại không thấy em / Áo ai bay hờ hững đi vào đêm”. Và một lần nữa cô sửa “Áo ai xanh” thành “Áo ai bay”, chứng tỏ cô chú trọng vào ca từ rất kỹ.
“Xin dìu nhau đến tình yêu” của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng đem đến sự ngạc nhiên qua cách xử lý một ca khúc trữ tình thật dịu dàng của Ngọc Lan. Khi nghe cô hát, “Người đem giọng ca để xóa đau thương / Mà sao đời em chỉ biết cô đơn”, tôi cảm nhận được đó là “Tiếng ca khắc khoải đêm đêm”. Theo như lời nhận xét của cố ca nhạc sĩ Nhật Trường, đây là một phong cách và đặc điểm của “trường phái Ngọc Lan”.