Ngọc Lan tình tự nhạc Ngô Thụy Miên

Sau khi iLoveNgocLan.com chào đời vào năm 2003, tôi muốn đóng góp thêm trong phần multimedia để trang nhà thêm phong phú. Đến năm 2004 tôi mới tạo ra một dự án slideshow dùng phần mềm Flash để kết hợp hình, nhạc, và chữ. Đáng tiếc là công nghệ Flash Player bị lỗi thời và biến mất trên mạng nên tôi chuyển slideshow qua video và đăng lên YouTube để lưu niệm. Giờ đây, 18 năm sau, xem lại bao ký ức ùa về.

Khi thiết kế slideshow, thách thức lớn nhất là chọn bài hát. Trong kho tàng âm nhạc của Ngọc Lan có khoảng 800 ca khúc, biết bài nào mà dùng. Nhưng một trong ca khúc tôi để ý đến thời điểm đó là “Tình khúc buồn” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Phần nhạc dạo mở đầu với nhịp trống dồn dập cùng tiếng đàn guitar điêu luyện như một âm phổ mở đầu cho một bộ phim, rất đúng với ý tưởng làm slideshow của tôi. Tuy nhiên, cái đặc điểm để tôi quyết định chọn ca khúc này chỉ có một chữ. Tôi mê cách Ngọc Lan phát âm chữ “quyện” khi cô hát, “Em như vạt lụa đào quyện ta lời thì thào”. Thú thật lúc đó tôi chưa hiểu rõ chữ “quyện” nghĩa là gì. Lúc tôi định cư ở Mỹ chỉ mới học hết lớp năm ở Việt Nam và tôi đã phải tạm gác lại ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để tập trung học ngoại ngữ. Hơn nữa tôi là người Nam nên chưa bao giờ dùng chữ “quyện” cả, chỉ dùng chữ “dính” thì phải. Thế là tôi phải tra từ điển để tìm hiểu chữ Việt phong phú. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên dùng chữ “quyện” rất khéo léo trong lời nhạc của mình, nên trong slideshow tôi cũng muốn hình ảnh và tiếng hát của Ngọc Lan “quyện” vào nhau. Từ đó tôi chú ý đến ca từ trong tình ca của người nhạc sĩ tài hoa này để cố gắng học lại tiếng mẹ đẻ của mình, và tôi đã khám phá ra lời nhạc của ông rất lãng mạn.

Chẳng hạn như “Niệm khúc cuối”, ca từ của ông quá tình tứ: “Cho tôi xin em như gối mộng / Cho tôi ôm em vào lòng / Xin cho một lần, cho đêm mặn nồng / Yêu thương vợ chồng”. Giọng hát êm ái của Ngọc Lan như giúp người con trai nói lên những gì con tim muốn thổ lộ với người mình yêu: “Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời / Cũng đã muộn rồi / Tình ơi! dù sao đi nữa xin vẫn yêu em”. Cô kết thúc câu cuối một cách thiết tha, dịu dàng và giữ nguyên lời của tác giả chứ không đổi thành “xin vẫn yêu anh”. Đáng tiếc bản hòa âm không thích hợp. Từ nhịp điệu đều đều như công nghệ điện tử đến tiếng đàn electronic keyboard nhừa nhựa như đang đánh cho tiệc cưới, bài phối không tỏa sáng thêm giọng ca của Ngọc Lan.

“Dấu tình sầu” cũng bị rơi vào tình trạng giống như thế. Ngọc Lan gửi hết tất cả tâm hồn vào ca từ của Ngô Thụy Miên và cô lên những nốt cao của ông rất hồn nhiên, nhất là câu đầu, “Chiều còn vương nắng để gió đi tìm”. Nhưng đến câu “Đàn dâng tiếng phong kín tuổi buồn / Đường hoang vắng cho lá về nguồn”, tiếng hát của cô bị tiếng rít của đàn synthesizer lấn át đi. “Bản tình cuối” cũng bắt đầu với tiếng đàn electronic keyboard ré lên the thé. Đỉnh cao nhất trong ca khúc là, “Ngày nào đời cho ta biết… tình là… đắng… cay…” Cô lên nốt cao gọn gàng (không phô trương một số ca sĩ hát sau này) và cô thả ngay chữ “cay” để nó tan biến vào khoảng trống chứ không dây dưa. Phần dạo của bài, tiếng kèn tenor saxophone cũng độc tấu lại đoạn đó. Khúc đầu rất mạnh mẽ nhưng tới “tình là… đắng… cay…” thì bị yếu xuống hẳn.

Mỗi ca khúc thu âm, Ngọc Lan luôn thổi vào những không khí tươi mát và hồn nhiên từ giọng hát ngọt ngào và êm dịu của mình. Ngọc Lan trình bài những tình ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, như “Từ giọng hát em”, “Bài tình cho em”, “Mùa thu cho em”, “Giọt nước mắt ngà”, “Mắt biếc”, và “Giáng ngọc”, cũng đầy tính chất Ngọc Lan. Tuy nhiên không phải bài nào cũng được vẹn toàn bởi những bài hoà âm phối khí không “quyện” vào giọng hát của cô.