Ngọc Lan: Người yêu dấu & The Best of
Bài mở đầu của Người yêu dấu, cũng là bài chủ đề album được trung tâm Giáng Ngọc phát hành, là một ca khúc nhạc Hoa được nhạc sĩ Chí Tài viết lời Việt. Với giọng hát nhẹ nhàng, yểu điệu, Ngọc Lan rót vào tai từng chữ một những nỗi đau ngọt ngào: “Người yêu dấu, những kỷ niệm ngày xưa khó phai / Giờ đây vắng anh, lòng em nhớ nhung / Thầm khóc cho duyên mình”.
Nghe mà xót xa dùm cho người con gái thướt tha ấy nhưng qua đến bài thứ nhì, “Tưởng niệm” của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người con gái mềm mại ấy đã trở thành một thiếu nữ mạnh mẽ đầy cảm xúc. Chị xử lý phần điệp khúc rất khéo léo, “Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ / Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ”. Không gào thét và không lên quá cao nhưng vẫn cho người nghe cảm nhận được sự khổ đau của bài hát.
Ngoài những tình khúc Việt như “Tình phụ” (Đỗ Lễ), “Bài thơ cuối cùng” (Hoàng Thi Thơ), “Bài tình ca cho em” (Ngô Thụy Miên), “Tình” và “Nỗi buồn” (Văn Phụng), chị viết lời Việt cho ba ca khúc: “Tình như giấc mơ”, “Hỡi người tình”, và “Người”. Tuy âm thanh của những bài phối lúc ấy rất kém nhưng giọng hát Ngọc Lan vẫn trong sáng và đầy quyến rũ.
The Best of Ngọc Lan do trung tâm Làng Văn phát hành vào tháng hai năm 1991 với những phần hoà âm phối khí khá hơn. Lúc mới mua CD này, tôi mê ngay vì album được bắt đầu với ca khúc “Cuộc tình đã xa” của nhạc sĩ Dương Triệu Hải với giai điệu tươi vui và ba bài kế tiếp “Những ngày mưa gió” (Bảo Chấn), “Hãy yêu tôi” và “Tình đôi ta” (tôi không tìm được tác giả của hai bài này) cũng rất nhộn nhịp. Bốn ca khúc này chứng tỏ tài năng Ngọc Lan không chỉ hát nhạc chậm mà còn hát nhạc nhanh rất điêu luyện không bỏ chữ hoặc lướt qua các ca từ để chạy theo nhịp điệu.
Trong album này, Ngọc Lan cùng song ca với Jo Marcel (“Quando Calienta El Sol” của Rafael Gaston Perez), Sĩ Phú (“Thoáng giấc mơ qua” của Nguyên Vũ), và Duy Quang (“Góa phụ ngây thơ” của Trần Thiện Thanh). Mỗi nam ca mỗi nét nhưng họ kết hợp với giọng Ngọc Lan rất điều hoà.
Từ phần hoà âm đến cách trình bài, ca khúc đơn tôi yêu nhất trong The Best of Ngọc Lan là “Tình thư của lính” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Giọng chị êm dịu nhưng đầy nỗi tâm sự nhất là hai câu cuối, “Thư của lính, thư không được dài như mong ước đâu em / Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ hôn em.” Nghe chị ca “hai chữ hôn em” mà xót thương cho những người lính. Một giọng nữ mà có thể nói lên được tâm trạng của người lính nam thật không dễ dàng.
Người yêu dấu và The Best of Ngọc Lan là hai album tôi thường nghe đi nghe lại nhiều lần. Mỗi lần nghe là mỗi lần nhớ đến tiếng hát vượt thời gian và không gian của Ngọc Lan và những ký ức chính mình của những năm đầu khi bước chân đến nơi xứ lạ quê người thèm được nghe tiếng mẹ đẻ của mình.