Nhạc khiêu vũ
Sau vài năm định cư ở xứ lạ quê người, tôi không có sinh hoạt gì cũng chưa có bạn bè nên cuối tuần không luyện phim kiếm hiệp thì luyện tập khiêu vũ. Thỉnh thoảng tôi được chị Thơm đưa đến ngôi nhà di động xinh xắn của anh Hai chơi. Lúc đó anh và chị còn trong giai đoạn hẹn hò chưa đi đến hôn nhân. Anh Hai có tài nấu đồ ăn Việt Nam rất ngon. Đặc biệt hơn nữa, anh nhảy đầm rất sành điệu. Chắc là vậy nên chị tôi mới mê anh. Tôi thích đến nhà anh chơi vì được ăn món bún mắm anh nấu và được anh luyện cho những bước điệu khiêu vũ. Từ Cha Cha đến Rumba, từ Paso đến Tango, từ Valse đến Bebop, anh không chỉ dạy những bước căn bản mà còn những động tác fancy lả lướt. Nhờ có chị làm phụ tá nên anh dạy rất hăng hái.
Một trong những băng cassette anh Hai dùng để dạy tôi vũ điệu Rumba gồm có ba nhạc phẩm Ngọc Lan trình bài: “Yêu đến muôn đời”, “Dòng sông quê tôi”, và “Chuyện phim buồn”. Đến tận bây giờ mỗi khi nghe lại ba ca khúc này là ký ức ùa về. Giọng hát trong veo của Ngọc Lan chảy êm dịu như suối nước qua những dòng kẻ của điệu nhạc Rumba. Từng câu từng chữ (“Em yêu anh yêu đến muôn đời / Như đôi chim tung cánh trên trời” hoặc “Dù ta xa cách bến vắng, cuộc đời triền miên / Mà lòng còn như trôi trên dòng sông nắng ấm” hoặc “Lòng bao tái tê và mắt chợt bỗng ướt nhòa / Từng giọt buồn xót xa”), Ngọc Lan hát như rót một ly nước lạnh vào một ngày nắng héo khô. Lúc đó tôi không biết nguồn gốc của ba nhạc phẩm đó. Về sau này tôi tìm ra cả ba nhạc phẩm trong album Khúc nhạc tình hồng: Lambada 2 do Trung Tâm Hải Âu phát hành. Người nhạc sĩ tài hoa đã hòa âm những ca khúc này là Quang Nhật. Trong album còn có phần đóng góp của Kiều Nga, Trung Hành, và Trizzie Phương Trinh. Hai nhạc phẩm Cha Cha (“Yêu anh hơn là lời nói” và “Biết ra sao ngày sao”) đem lại phần vui nhộn cho album. Giọng Kiều Nga mạnh mẽ và rõ ràng nên rất thích hợp với những giai điệu tươi trẻ. “Tiễn em lần cuối” đóng lại album với một nỗi buồn vời vợi qua chất giọng khàn và đầy nam tính của Trung Hành.
Ngoài những album nhạc trẻ thời đó, tôi cũng sưu tầm những album nhạc khiêu vũ. Gần đây tôi mang ra những CD dạ vũ nghe để nhớ lại những giây phút đến vũ trường. Một trong những album tôi vẫn thường nghe đi nghe lại là Vũ khúc yêu thương của Kiều Nga qua Trung Tâm Lệ Hằng phát hành. Tôi rất thích chất giọng thanh thao và đầy sức lực của Kiều Nga. Về phần nhạc, Lê Đức Cường hòa âm những nhịp điệu khiêu vũ nghe rất đã tai như “Mây lang thang” (Cha Cha) “Buồn vương màu áo” (Rumba), và đặc biệt là “Khúc nhạc yêu thương” qua nhịp điệu Paso tưng bừng như đi chợ.
Một album khác cũng do Lê Đức Cường phụ trách phần hoà âm là Dạ vũ muôn màu qua giọng hát Sơn Tuyền. Tuy Sơn Tuyền không nổi tiếng bằng chị Thanh Tuyền nhưng đối với cá nhân tôi thì thích Sơn Tuyền hơn, nhất là khi chị hát dòng nhạc dạ vũ. Trong album này có hai bài Bebop (“Búp bê không tình yêu” và “Anh đến bên em”) xinh xắn và nhộn nhịp. Bebop là nhịp điệu khó học nhất đối với tôi nhưng rất thú vị khi đã học được những bước nhảy. Ngược lại, album cũng có những bài slow như “Tàn tro” và “Lời cuối cho em” buồn vời vợi.
Trung Tâm Asia tung ra rất nhiều nhạc khiêu vũ. The Best of Tango & Valse với những tiếng hát đàn chị như Julie, Ngọc Lan, Kiều Nga, Thái Hiền, Thanh Mai, và Thiên Trang. The Best of Cha Cha Cha với những tiếng hát đàn em như Lâm Thuý Vân, Thanh Trúc, Loan Châu, Shayla, và Nini. Đồng thời Asia cũng phát hành The Best of Dạ Vũ từ số 1 đến số 8. Riêng cá nhân tôi, hai album đầu rất ấn tượng. Nổi bật trong album thứ nhất có hai bài Rumba (“Mưa trên biển vắng” và “Kỷ niệm trong tôi”) do Don Hồ hát và một bài Cha Cha “Tình si” qua tiếng hát trẻ đầy triển vọng của Lâm Thuý Vân. Nổi bật trong album thứ nhì gồm có “Nhạc tình xanh” (Cha Cha) do Don Hồ trình bài và “Hoang Vắng” (Dance Pop) do Lâm Thúy Vân trình bài.
Một album nữa của Asia khá ấn tượng là Dạ vũ đen. Nhạc phẩm “Thôi” của nhạc sĩ Y Vân được hòa âm rất lạ và đặc biệt được thêm lời Anh của Đỗ Phủ. Don Hồ hát bài này rất có hồn. Lâm Thuý Vân và Trung Hành song ca bài “Mưa rơi” (Cha Cha) rất hợp gu. Từ nhịp điệu Rumba giòn giã đến tiếng hát cao vời vợi của Lâm Thuý Vân, “Tình đã bay xa” cắt thẳng vào vết thương của con tim.
Ngồi viết lại những sản phẩm này khiến tôi hồi tưởng lại một thời đã xa. Cách đây vài năm tôi bị trộm mất mớ CD vì quên khoá xe. Trong đó có The Best of Dạ Vũ 1 & 2 và Dạ vũ đen. Thật đáng tiếc vì không biết bây giờ còn mua lại được không. Cũng may là bây giờ dường như album Việt nào cũng có trên YouTube cả. Nếu bạn nào muốn nghe, thì tìm trên YouTube. Chỉ riêng Dạ vũ muôn màu chưa có.