Song Vinh: Về dưới hiên xưa
Lướt qua kệ sách Việt eo hẹp của mình, tôi chợt nhận ra hai quyển tập thơ của anh Song Vinh đã tặng tôi vào năm 2004. Mới đó mà đã gần 20 năm.
Tôi biết đến anh Song Vinh qua trang blog của anh chắc vào năm 2002 gì đó. Anh sống ở tiểu bang North Carolina thì phải. Tôi thường viết comments trên blog của anh về thơ còn anh để lại comments trên blog của tôi về nhạc. Không biết anh đã bỏ trang web từ lúc nào. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối. Rất là nhiều blog cá nhân tôi đọc hằng ngày đã biến mất.
Hôm nay đọc lại tập thơ Về dưới hiên xưa của anh khơi lại những kỷ niệm đẹp. Thơ của anh Song Vinh giản dị nhưng sâu lắng. Đọc dễ hiểu và dễ gần. Thú thật thì mười mấy năm trước tôi đọc nhưng không hiểu nhiều. Bây giờ đọc lại hiểu cặn kẽ hơn.
Những bài thơ tình của anh đẹp và mang máng buồn chẳng hạn như khúc này “Tặng em”:
tóc em bay mấy mùa sầu gom lại
mắt em buồn lo ngại mẫu tin xa
hôm nay mưa thành phố lạnh hơn nhiều
nghe heo hút đếm từng chiều về muộn
Anh viết về đời tị nạn cũng rất xót xa như trong “Gọi tiếng noel”:
đời xanh biếc bỗng trở màu đen tối
cùng thương đau ta bỏ phố bỏ nhà
mấy mươi năm phai nhạt cả màu da
mùi đất mẹ vẫn nằm trong thớ thịt
Bùi ngùi hơn là những bài anh viết về mẹ, nhất là về người mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Mười mấy trước đọc thấy buồn. Giờ đọc lại càng thấm thía hơn khi chính mình đã mất mẹ. Xin chia sẻ nguyên bài “Biển trong con” của anh Song Vinh:
con đốt nén nhang khấn mẹ hiền
phần con lận đận kiếp tha hương
những năm có mẹ còn nhớ mãi
ngày tháng bên này cũng mẹ locon đốt nén nhang khấn mẹ hiền
trời cao đất rộng lạc phần con
những ai hạnh phúc con mừng góp
mà vẫn thấy lòng chút ghen tuôngcon đốt nén nhang khấn mẹ hiền
những chiều chậm tối rất quạnh hiu
làm sao níu lại thời gian cũ
làm sao thấy được bóng mẹ yêucon đốt nén nhang khấn mẹ hiền
đôi giòng lệ xót cũng phần con
nỗi lòng của biển bao giờ cạn
mẹ ngủ, mẹ yêu, mẹ của concon đốt nén nhang khấn mẹ hiền
rưng rưng giòng lệ khóc mẹ yêu
mẹ ơi xin hãy về trong mộng
cho con ôm mẹ mãi không rời
Cám ơn anh Song Vinh đã tặng cho em và cho đời những tác phẩm đầy ý nghĩa và cảm xúc.